thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[Phỏng vấn Đinh Trường Chinh] CHUNG QUANH SỰ KIỆN CÁC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG XUẤT BẢN DƯỚI HÌNH THỨC PHOTOCOPY Ở SÀI GÒN
Trần Tiến Dũng thực hiện

 

Lời toà soạn: Trong văn học Việt Nam đương đại, có những tác phẩm không được chính thức xuất bản tại Việt Nam, mà chỉ đến với độc giả như những văn bản được photocopy và chuyền tay; thậm chí có những nhà thơ / nhà văn chỉ hiện hữu bằng phương tiện ấy. Để tìm hiểu những góc nhìn khác nhau của văn giới về sự kiện này, nhà thơ Trần Tiến Dũng tổ chức một cuộc phỏng vấn rộng rãi bằng cách gửi một số câu hỏi đến nhiều người cầm bút ở trong nước và ở hải ngoại. Tiền Vệ xin đăng tải loạt bài này theo thứ tự hồi âm của những người tham dự cuộc phỏng vấn.

 

Trần Tiến Dũng (TTD): Thời gian vừa qua, ở Sài Gòn xuất hiện hình thức xuất bản bằng cách photocopy và phân phối một cách không chính thức đến những người yêu văn nghệ. Ông/bà nghĩ sao về hình thức xuất bản ngoài luồng này? Tại sao có hình thức xuất bản ấy? Và liệu hình thức xuất bản ấy có ảnh hưởng gì đến diện mạo nền văn học Việt Nam đương đại không?

Đinh Trường Chinh (ĐTC): Với tình trạng chậm tiến về mặt nghệ thuật của nền văn học “chính thức” ở Việt Nam và hệ thống kiểm duyệt khá lộ liễu của Bộ Văn Hóa, hình thức xuất bản bằng cách photocopy là một nhu cầu hợp lý của các tác giả “ngoài luồng”. Tôi nghĩ hình thức xuất bản này trước tiên xuất phát từ nhu cầu của riêng mỗi cá nhân, mỗi nhóm. Xuất bản để đúc kết một giai đoạn của chính mình và muốn chia sẻ với đồng nghiệp — nếu may mắn hơn, tìm được một cộng-đồng-người-đọc. Khi bạn gửi một loạt sáng tác mới qua email cho vài chục địa chỉ quen trên mạng, có thể bạn sẽ có cảm giác được “xả”. Xả từ cái “ẩn ức” vì nhìn thấy các sáng tác của mình cứ nằm mãi trong …folder nhà (và tin chắc rằng chúng sẽ không qua được kiểm duyệt để thành một bản in bình thường). Ngoài nhu cầu riêng, dĩ nhiên những người sáng tác lúc nào cũng muốn đạt đến một mục đích nghệ thuật nhất định. Và nghệ thuật là một cuộc rượt đuổi bất tận và gay cấn. Bạn “xả” xong với một “nàng” để lao vào cuộc rượt đuổi kế tiếp với một “nàng” khác.

Tôi nghĩ những tác phẩm photocopy cho đến nay chỉ được “lưu truyền” trong giới văn chương với nhau, chưa đến được nhiều với các độc giả xa lạ với nền văn học đương đại Việt Nam. May mắn là các tác giả có thể phổ biến toàn bộ tác phẩm mình nhờ vào các trang mạng thuần tuý văn chương như Tiền Vệ, hoặc (một cách nào đó), “tiếp thị” chúng trên các diễn đàn văn học nghiêm chỉnh như talawas. Và như thế, một phần nào các tác phẩm photocopy/e-book có thể được đánh giá (ngầm) bởi “giới trong nghề” như một diện mạo mới của nền văn học Việt Nam đương đại, vượt ngoài biên giới địa lý. Các tác giả / tác phẩm “photocopy” này góp phần làm cục cựa một cái gì đó — một thứ văn học ngoài luồng hoàn toàn bị bỏ quên bởi những người mang danh làm văn học trong nước. Nếu cứ đẩy mạnh cách phổ biến này, biết đâu sẽ tạo ra một thứ “mode” khá ấn tượng cho những người đi sau và chọn con đường ngoài lề đầy thách thức này.

 

TTD: Ông/bà đã đọc được bao nhiêu tác phẩm thuộc loại xuất bản bằng cách photocopy này rồi? Theo ông/bà, những tác phẩm ấy có đề ra khuynh hướng sáng tác nào đáng kể không? Liệu các khuynh hướng ấy có quyến rũ gì với những người mới bước vào nghiệp cầm bút trước những ngăn trở của hệ thống kiểm duyệt nhà nước?

ĐTC: Tôi đã đọc được một số tác phẩm qua email, hoặc dưới hình thức bản photocopy.Trên căn bản, tôi thấy chúng là những nỗ lực cá nhân, và vì thế, hầu hết các tác phẩm này đều mạnh mẽ và đầy cá tính. Chúng là nỗ lực của những tay “hảo thủ” trên sân, vẽ những đường bóng cá nhân và lách qua con mắt của các trọng tài “văn hóa quốc doanh.” Dĩ nhiên, một tác phẩm photocopy thì không có tình trạng “bán độ” hay “chịu lép vế.” Chỉ có các tay cao cấp trong bộ văn hóa Việt Nam mới đang “bán độ” nền văn học bằng cách khăng khăng giữ một cảm quan mỹ học cũ kỹ, trì trệ. Đã thế, những tay “trọng tài” không được chứng thực này còn muốn giam lồng quá trình sáng tạo của các tác giả có tài trong nước. Những nỗ lực cá nhân kể trên, tuy không đạt được kết quả nhất định về mặt đề ra một trào lưu hay khuynh hướng văn chương rõ rệt, đều là những cố gắng đáng trân trọng. Sau 1975, theo tôi, một số ít tập thơ dưới dạng photocopy là những tập thơ “nặng ký” nhất về mặt nghệ thuật, đáng đi vào văn học sử sau này. Tôi không nghi ngờ rằng vẫn có một số tác giả trong hội nhà văn rất có tài và tác phẩm của họ vẫn đạt được giá trị nghệ thuật cao. Nhưng điều quyến rũ nhất của các tác giả ngoài luồng là sự tự do được viết và viết cho thoả thích, cho thấm đẫm, trào khoái. Tôi nhận thấy một số tác giả đã từng có tác phẩm được in bởi các nhà xuất bản trong nước, sau khi “chính thức” tham gia sân chơi “photo” thì tác phẩm “photo” của họ “đã” hơn trước, tự do phơi phới hơn trước, mặc sức “dục tính” và “phản kháng” (cũng là 2 đặc tính không thể luồn qua khỏi hệ thống kiểm duyệt văn hóa).

 

TTD: Biết rằng các tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy đều tới tay độc giả chỉ như một thứ quà tặng ông/bà thấy điều đó có thoả đáng không? Ông/bà có vui lòng mua một tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy có đề giá bán hoặc thậm chí quên đề giá bán không?

ĐTC: Tôi sẽ rất vui lòng mua một tác phẩm tôi thích, dù nó được in ra dưới dạng nào. Tôi đã từng viết email “xin” các tác phẩm “tự xuất bản” mà tôi thích.

 

TTD: Cám ơn sự cộng tác của ông/bà.

 

 

------------
Để xem những bài phỏng vấn khác đã đăng, xin độc giả bấm vào link này:

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021