thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[Phỏng vấn Nguyễn Hương] CHUNG QUANH SỰ KIỆN CÁC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG XUẤT BẢN DƯỚI HÌNH THỨC PHOTOCOPY Ở SÀI GÒN
Trần Tiến Dũng thực hiện

 

Lời toà soạn: Trong văn học Việt Nam đương đại, có những tác phẩm không được chính thức xuất bản tại Việt Nam, mà chỉ đến với độc giả như những văn bản được photocopy và chuyền tay; thậm chí có những nhà thơ / nhà văn chỉ hiện hữu bằng phương tiện ấy. Để tìm hiểu những góc nhìn khác nhau của văn giới về sự kiện này, nhà thơ Trần Tiến Dũng tổ chức một cuộc phỏng vấn rộng rãi bằng cách gửi một số câu hỏi đến nhiều người cầm bút ở trong nước và ở hải ngoại. Tiền Vệ xin đăng tải loạt bài này theo thứ tự hồi âm của những người tham dự cuộc phỏng vấn.

 

Trần Tiến Dũng:

1. Thời gian vừa qua, ở Sài Gòn xuất hiện hình thức xuất bản bằng cách photocopy và phân phối một cách không chính thức đến những người yêu văn nghệ. Ông/bà nghĩ sao về hình thức xuất bản ngoài luồng này? Tại sao có hình thức xuất bản ấy? Và liệu hình thức xuất bản ấy có ảnh hưởng gì đến diện mạo nền văn học Việt Nam đương đại không?

2. Ông/bà đã đọc được bao nhiêu tác phẩm thuộc loại xuất bản bằng cách photocopy này rồi? Theo ông/bà, những tác phẩm ấy có đề ra khuynh hướng sáng tác nào đáng kể không? Liệu các khuynh hướng ấy có quyến rũ gì với những người mới bước vào nghiệp cầm bút trước những ngăn trở của hệ thống kiểm duyệt nhà nước?

3. Biết rằng các tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy đều tới tay độc giả chỉ như một thứ quà tặng ông/bà thấy điều đó có thoả đáng không? Ông/bà có vui lòng mua một tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy có đề giá bán hoặc thậm chí quên đề giá bán không?

Cám ơn sự cộng tác của ông/bà.

 

Nguyễn Hương:

Tôi đã được đọc một số tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy: một tuyển tập truyện ngắn và nhiều tập thơ tôi có thể kể bằng tên tác phẩm và tác giả, nhưng có lẽ đa số bạn đọc trong giới văn nghệ đã biết rồi. Biết rồi vì nhất là trong lãnh vực thơ, các tác giả này đang là những cây bút hàng đầu của thơ tiếng Việt. Phẩm chất các tác phẩm này dễ gây ngạc nhiên cho người đọc.

Mà lẽ ra không ai nên ngạc nhiên.

Muối, rượu cất ngày xưa nhà nước thực dân độc quyền giao lại cho những tập đoàn kinh doanh và phân phối. Văn chương, trong thời những hình thức tái sản xuất khá dễ dàng như hiện nay thì quả thật là khó độc quyền. Có độc quyền được chăng là guồng máy phân phối rộng và guồng máy lăng-xê. Khổ nổi thế giới ngày nay khó lòng kiểm soát như biên giới của một thuộc địa, và địa bàn văn chương ngay cả trong một thứ tiếng Việt cũng không còn nằm gọn trong biên giới của một quốc gia dân tộc. Đó là guồng máy xuất bản nằm trong vòng kiểm soát của một nhà nước. Ngoài ra, còn sự tập trung phương tiện sản xuất và phân phối đi đôi với thị trường văn hóa phẩm thế giới.

Các tác giả có tác phẩm xuất bản bằng photocopy đều được mọi người trong giới viết và đọc văn chương tiếng Việt biết qua những diễn đàn văn học xuyên quốc gia bằng giấy hay bằng mạng, không thông qua cơ quan kiểm duyệt và guồng máy lăng xê của hệ thống xuất bản trong nước. Các tác phẩm photo còn đi luồn dưới mặt bằng kinh doanh văn hóa phẩm thế giới, tránh được những áp lực thị trường đòi hỏi văn chương ly kỳ hóa, tiêu biểu cho những vùng đất và những chỗ đứng nhược tiểu.

Đồ contraband, hàng lậu.

Điều này nói lên chỗ đứng của các tác giả này, chọn lựa của họ, và đôi khi cả lương tâm người viết của họ. Trong những trường hợp như thế thì phẩm chất tác phẩm photocopy không nên gây ngạc nhiên. Ngược lại, chúng ta nên ngạc nhiên nếu có những tác phẩm chính quy—chính quy nhà nước và thị trường—có được phẩm chất tương xứng.

Chỉ nên lưu ý: làm sao để những tác phẩm này phổ biến rộng hơn, không giới hạn trong địa bàn của một thành phần quá chọn lọc trong điều kiện vật chất, tri thức, hay quan hệ xuyên quốc gia. Đa số dân chúng, vì những điều kiện vật chất, vẫn không thể dễ dàng đi đi về về xuyên biên giới bằng người hay bằng mạng.

 

 

------------
Để xem những bài phỏng vấn khác đã đăng, xin độc giả bấm vào link này:

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021