thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Nguyễn Hoàng Tranh]
(phỏng vấn Nguyễn Hoàng Tranh)

 

 

Thưa ông, hiện ông đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của ông là? Ông đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin ông cho biết tâm trạng của ông trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

NHT: Tôi hiện đang sống ở Sydney, Úc. Công việc kiếm cơm chính của tôi là nghề "thầy cãi"; ngoài ra, tôi còn kiêm thêm những công việc phụ như như làm thơ và làm tình. Nhưng điều đáng khoe khoang ở đây là công việc phụ bao giờ cũng sướng hơn, đam mê hơn nhưng nhọc nhằn hơn công việc chính, nên tôi ao ước là một ngày nào đó công việc chính biến mất và tôi chỉ còn công việc phụ mà thôi. Còn chuyện về Việt Nam, tôi đã về Việt Nam 2 lần, lần đầu tiên là năm 1997 và chuyến đi ấy không có gì đáng nói. Riêng về chuyến đi mới đây vào cuối năm 2003 đầu 2004 thì tôi đã chứng kiến và trải qua nhiều "kinh nghiệm mạnh", "thú vị", và cũng rất quái đản.

Chẳng hạn như "Sự kiện đọc thơ ngày 1.1.2004" tại quán cà phê Uyên Nguyên ở Sài Gòn. Đêm đọc thơ này do Lý Đợi đứng ra tổ chức với mục đích chính là tạo cơ hội cho tôi để gặp gỡ, giao lưu, uống cà phê và đọc thơ cùng với những bạn bè, anh em nhà thơ, nhà văn tại Sài Gòn (vì lúc ấy tôi có mang về vài chục tập thơ của tôi là Thở vừa được Tiền Vệ xuất bản vào cuối năm 2003), và đồng thời cũng để ra mắt hai tập thơ là Xáo chộn chong ngày của Bùi Chát và Bảy biến tấu con nhện của Lý Đợi). Chỉ một vài giờ trước khi đêm đọc thơ bắt đầu, tôi được Lý Đợi thông báo là chúng tôi không có "giấy phép" của công an cho đêm đọc thơ nên chương trình sẽ huỷ bỏ. Khoảng 7 giờ tối hôm ấy chúng tôi có mặt trước hẻm vào quán cà phê Uyên Nguyên và đứng phát thư xin lỗi về việc huỷ bỏ chương trình và mời những người khách quý vốn đến để tham dự đêm đọc thơ sang quán Ruốc của nhà văn Mường Mán để dùng bữa cơm tối thay lời tạ lỗi. Khoảng 9 giờ tối đêm đó tại quán Ruốc, tôi được bạn bè thông báo là Lý Đợi và Bùi Chát đã bị công an bắt giam. Những ngày sau đó tôi sống trong trạng thái của "một tên đào tẩu". Tôi nghe có những cuộc truy đuổi ngầm, những cú điện thoại hù doạ, dành cho cá nhân chúng tôi và bất cứ thành phần nào có liên hệ đến sự kiện ngày 1.1.2004, những nạn nhân bất đắc dĩ này bao gồm những vị khách mời của chúng tôi, các nhà thơ, nhà văn, trong đó có cả vài hội viên của "Hội Nhà Văn" tại Sài Gòn. Vài tuần sau đó, lúc tôi đang ở trên Đà Lạt, tôi nhận được điện thoại của công an gọi thẳng cho mobile tôi (làm sao họ biết số điện thoại của tôi?), họ mời tôi về Sài Gòn "làm việc". Vài ngày sau, tôi về Sài Gòn và đến "làm việc" với họ tại trụ sở công an quận Phú Nhuận, tôi được 8 người công an "tiếp đãi" nguyên cả ngày hôm đó. Mục đích chính là họ muốn tìm hiểu xem đằng sau cá nhân tôi, và mở rộng ra là nhóm Tiền Vệ, có "thế lực phản động" nào bảo trợ không, hoặc chúng tôi có âm mưu "xâm lăng văn hoá" nào đối với Việt Nam hay không. Sau khi tôi được cảnh cáo là đã "vi phạm luật pháp Việt Nam" vì đã tham gia vào đêm đọc thơ mà không có giấy phép của công an và đã mang tác phẩm của tôi vào Việt Nam mà không khai báo, họ đã "cho" tôi về sau khi đã "thông cảm"(?!)

Đó là ngày 28 Tết, một ngày gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi vì đó là lần đầu tôi được nếm mùi "tự do ngôn luận theo kiểu Việt Nam". Thật là "thú vị". Nhưng cũng thật quái đản, vì bao nhiêu năm sống trên đất Úc và lang thang đến những nước khác, tôi vẫn tự do mang theo bất cứ thứ sách nào tôi muốn đọc hay tặng bạn bè, và vẫn tổ chức đọc thơ, diễn văn nghệ bất cứ lúc nào tôi thích, mà chẳng cần phải xin giấy phép của ai cả. Hơn thế nữa, tôi đang sống trên một đất nước không hề có bất cứ cái gì gọi là "giấy phép" cho việc ấn loát và truyền bá văn chương, tư tưởng. Thậm chí, báo chí ở Úc vẫn đều đều đăng những bài nặng nề phê phán chính phủ và Thủ tướng Howard, báo chí ở Mỹ vẫn đều đều đăng những bài đả kích ông Bush, mà chẳng ai bị công an hỏi thăm sức khoẻ. Thế nên bất ngờ chỉ vì "đọc thơ không giấy phép" mà bị rơi vào cái đoạn phim kinh dị ấy ở Sài Gòn, thì còn ấn tượng nào mạnh hơn?

Còn tâm trạng của tôi trước khi rời Việt Nam à, tôi thông cảm hơn và thấy mình gần gũi hơn với những người bạn sáng tạo, những nhà văn, nhà thơ đang âm thầm tiến hành những cuộc "hiện đại hoá" và "hậu-hiện đại hoá" văn chương nghệ thuật trong nước. Và tôi càng khâm phục và yêu quý những nhà tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ trong nước nhiều hơn. Còn đối với chính quyền Việt Nam, tôi cũng cảm ơn họ vì họ đã tạo cơ hội để tôi được thưởng thức những kinh nghiệm "thú vị" và quái đản ấy. Biết đâu chừng điều đó lại giúp tôi làm thơ hay hơn!

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước, ông muốn đọc đầu tiên? Sau đó ông đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

NHT: Tôi đã có cơ hội mượn và đọc được một số tác phẩm xuất bản trong nước (chủ yếu là tại tủ sách nhà anh Hoàng Ngọc-Tuấn), trong đó có vài tác phẩm có nhiều giá trị văn học nhưng phần còn lại đa số là những tác phẩm có quá ít giá trị văn học nhưng lại chứa đựng quá nhiều tính chính trị, triết lý ba xu, tính phản-văn học hoặc nghèo nàn, nhảm nhí. Một số tác phẩm văn học trong nước mà tôi thấy có giá trị và biểu lộ ý hướng cách tân hầu hết là những tập thơ. Tôi đánh giá rất cao và dành nhiều sự mến phục cho các thi tập sau đây: Những Người Đàn Bà Gánh Nước Sông Sự Mất Ngủ Của Lửa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Khí Hậu Đồ VậtCủa Căn Cước Ẩn Dụ của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh, HiệnBầu Trời Lông Gà Lông Vịt của nhà thơ Trần Tiến Dũng, Lễ Tẩy Trần Tháng Tư của nhà thơ Inrasara, Vách Nước của nhà thơ Mai Văn Phấn. Gần đây, tôi rất khoái, rất thú vị và cũng rất tán thành cách chơi và các trò chơi quậy phá ngôn ngữ, trêu chọc truyền thống, đẩy mạnh "jác" và "jơ" vào thơ, qua các thi phẩm như Xáo chộn chong ngày của Bùi Chát và Bảy Biến Tấu Con Nhện của Lý Đợi. Tôi rất yêu thích những bài thơ cực kỳ tinh quái, thông minh và "gay go" của Phan Bá Thọ trong nước (cũng thông minh tinh quái như nhà thơ Đinh Linh ở hải ngoại mà tôi cực khoái), và một số bài thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh. Còn tác phẩm gây cho tôi ấn tượng mạnh nhất và đã để lại sự ảnh hưởng trực tiếp và sâu xa nhất không phải là tác phẩm trong nước mà là tác phẩm ở hải ngoại, cũng không phải là thơ, mà đó là tập tiểu luận Văn Học Hiện Đại và Hậu Hiện Đại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lý Thuyết của nhà lý luận, phê bình văn học Hoàng Ngọc-Tuấn. Trong đó, tôi tìm thấy rất nhiều chất bổ cho thẩm mỹ thi ca của tôi.

 

Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của ông là?

 

NHT: Giờ phút đẹp nhất của tôi là buổi tối đầu tiên sau khi tôi đặt chân xuống Việt Nam, tôi cùng với Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy và Phan Bá Thọ đi nhậu nhẹt và la cà từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm tại các quán thịt chó và quán cháo dưỡng sinh ở khu Thị Nghè. Giờ phút tồi tệ nhất của tôi là lúc tôi gọi xem Honda ôm để đi từ khách sạn quận 1 đến "làm việc" tại trụ sở công an quận Phú Nhuận.

 

Sau thời gian về Việt Nam thơ/văn ông đã chuyển động ra sao ?

 

NHT: Bộ anh nghĩ Việt Nam là vùng đất có phép màu cho văn học hay sao mà đặt ra câu hỏi này? Một cách thẳng thắn, sau chuyến đi Việt Nam, thơ tôi có thêm được năm ba hình ảnh khôi hài hay chua chát, và tôi có ý thức chính trị hơn chút xíu trong câu chữ, chứ chẳng có một thay đổi gì về quan niệm và định hướng thẩm mỹ cả. Tôi không nghĩ chỉ một chuyến đi Việt Nam hay đi bất cứ nước nào khác lại có thể mang đến một phép màu sáng tạo cho ai cả. Điều quan trọng là nội lực sáng tạo ở cá nhân bạn. Dù bạn có đi đâu thì vẫn thế thôi, hoặc bạn có nằm im một chỗ thì cũng thế thôi. Theo tôi, kẻ nào tuyên bố rằng nhờ đi Việt Nam một chuyến mà thơ/văn họ đã có những chuyển động mới, đã chuyển hướng, đã khá ra, thì kẻ ấy chỉ ba hoa khoác lác, hoặc chỉ muốn... "nịnh quê hương."

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” ông nghĩ sao?

 

NHT: Tôi sinh ở Việt Nam, lớn lên và trưởng thành ở Sydney. Một trong những điều quý báu nhất mà tôi đã học được ở xã hội Tây phương là tinh thần tự do, lòng yêu thích và tôn trọng những cuộc thí nghiệm, và thái độ sẵn sàng đón nhận sự thay đổi một cách không sợ hãi. Bởi thế, một cách lạc quan, tôi hy vọng rằng những người, sau khi sống và viết [lê lết] nhiều năm ở hải ngoại, nay lại quay về "mái nhà lục bác..." thì chắc là họ muốn thí nghiệm một cái gì đó tân kỳ (bẻ trẹo xương sống lục bát chẳng hạn!). Còn nếu họ chỉ quay về suông như thế để núp sau bụi tre thì cũng chẳng sao cả. Ai cũng có tự do chọn lựa. Cổ ngoạn cũng là một trò chơi vui chứ có chết ai đâu!

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

NHT: Khác biệt quan trọng nhất giữa văn học Việt Nam trong nước và ngoài nước chủ yếu không phải là ở tác phẩm văn học, mà là ở tinh thần và khả năng sử dụng sự tự do sáng tạo. Ở hải ngoại, nhà văn không bị bắt buộc sáng tạo theo đúng đường lối hay sợ đi ngược lại đường lối của đảng nào hay nhà nước nào cả, và tất nhiên không sợ bị công an văn hoá đến hỏi thăm sức khoẻ. Thế nhưng, họ có đủ khả năng để làm ra cái gì đó trong cõi tự do sáng tạo ấy hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi ta thấy có rất nhiều người ở hải ngoại bao nhiêu năm bơi lội trong cái biển tự do mà tinh thần họ vẫn còn bị cầm tù ở các vũng văn chương trâu nằm, ở những ao tù nghệ thuật nước đọng.

Khác, là khác ở điều kiện tự do. Nhưng giống nhau là cả hai phía đều có nhiều người khoái nằm lì, ăn vạ và bám váy "tinh thần lục bát" (lục bát mà là một thứ tinh thần sao?), chủ trương "về nguồn" (liệu có dám đi ngược về đến thời ở hang không?) và, nhân danh "bốn nghìn năm văn hiến", họ ra sức bài trừ, chống lại những thành tựu mỹ học mới của văn chương nghệ thuật nhân loại đương đại; như hiện nay họ đang giãy nảy, sợ hãi, co rúm người lại khi họ đối diện với văn chương hậu hiện đại. Nhưng thật buồn cười, trong văn chương thì họ thích ôm gốc tre, mà ngoài đời sống thì họ lại hớn hở, tự hào, đua nhau ra sức hưởng thụ những tiện nghi đời sống văn minh đương đại như "kỹ thuật số", "điện thoại di động", "kom-piu-tơ", "in-tẹc-nét" đời mới nhất! Ôi cả cái thế giới kia chỉ giỏi ở văn minh vật chất, chứ Việt Nam ta thì vô địch cao cả về văn minh tinh thần. (Vỗ tay!)

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

NHT: Mỗi dòng văn học có tốc độ chảy và hướng chảy khác nhau, tuỳ theo vào lượng nước "sáng tạo" và tuỳ theo mùa được mưa nhiều hay mưa ít. Có khi hai dòng văn học ấy gặp nhau ở vài điểm, cắt ngang ở những lộ trình nào đó, hoặc chảy song song, nhưng rồi tự mỗi nền văn học cũng rẽ theo hướng vận hành của riêng nó. Tôi không cho rằng hai nền văn học ấy nên nhập lại làm một. Ngoại trừ sự tương đồng về ngôn ngữ, tình trạng nhập lại, hay "thống nhất" về bản chất và tính cách, sẽ làm nghèo nàn đi sắc thái và phong khí của nền văn học Việt Nam trong lẫn ngoài nước. Tôi chủ trương một nền văn học Việt Nam đa nguyên, tôi chủ trương sự dị biệt và đa dạng trong nhiều phong cách viết, tư duy thẩm mỹ và nhiều dòng chảy sáng tạo; có nhiều dòng chảy văn học khác nhau sẽ làm cho bộ mặt văn học Việt Nam được khởi sắc hơn, giàu có hơn. Cuộc "thống nhất" về bản chất và tính cách của hai dòng văn chương vừa là một điều bất khả, vừa là một điều đáng buồn cho văn học.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

NHT: Như tôi đã trả lời ở trên, tôi chỉ yêu thích sự đa dạng, sự mở rộng, sự giao lưu và đối thoại giữa hai nền văn học trong và ngoài nước trên cơ sở bình đẳng và quý trọng nhau. Nhưng tôi không yêu thích và không tin vào cuộc "thống nhất" của nền văn học bằng tiếng Việt vì cuộc "thống nhất" ấy, dẫu được khoác dưới bất kỳ màu cờ hay nhãn hiệu nào, cũng là điều bất khả. Hơn nữa, cách đặc vấn đề "thống nhất" này tự bản thân nó có nhiều điều bất ổn. Tôi nghĩ tiếng Việt chỉ là vật liệu sáng tạo văn học đối với nhà văn, cũng như màu sắc là vật liệu sáng tạo đối với hoạ sĩ. Nếu ta thử đặc vấn đề về cuộc "thống nhất" của nền hội hoạ bằng màu sắc thì ta sẽ thấy ra nhiều điều vớ vẩn ngay. Cũng như cách đặc vấn đề về cuộc "thống nhất’ của nền âm nhạc trong và ngoài nước bằng âm thanh thì quả thật là quái đản. Tôi chủ trương rằng có càng nhiều khuynh hướng và nhiều dòng chảy văn học thì càng tốt. Chúng có thể gặp nhau, cắt ngang nhau, vượt qua nhau, hay chảy song song với nhau trên những lộ trình giống nhau hoặc khác nhau, nhưng chúng sẽ không bao giờ thống nhất và hợp nhất, kể cả khi chúng đã đổ ra đại dương văn chương.

Với tôi, điều quan trọng nhất không phải là sự thống nhất nền văn học mà là sự đóng góp. Sự đóng góp chính của mỗi bên có thể làm hiện nay là cố gắng liên tục thí nghiệm, tìm tòi và khám phá trong sáng tác văn chương, trong tư duy thẩm mỹ, trong cách thưởng thức văn học của mình.

 

Bao giờ ông trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán ông và trong túi ông điều quí nhất là?

 

NHT: Tôi định sẽ trở lại Việt Nam khi nào tôi thèm thịt chó đến mức không chịu nổi, hay buồn đến mức chỉ muốn "ra quán uống bia ôm" mà thôi. Ngày ấy, tôi hy vọng trên trán tôi sẽ có hàng chữ "Good morning, Vietnam", và trong túi tôi là địa chỉ của những quán thịt chó, số điện thoại cầm tay của bạn bè và địa điểm của những tiệm cà phê sẵn sàng đứng ra tổ chức một đêm đọc thơ tự do và uống rượu với bạn bè mà không cần phải xin giấy phép công an.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021