thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Nguyễn Cảnh Nguyên]
(phỏng vấn Nguyễn Cảnh Nguyên)

 

Thưa ông, hiện ông đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của ông là? Ông đã về Việt Nam vào khoảng thời gian nào? Xin ông cho biết tâm trạng của ông trong đêm trước lúc về Việt Nam và trong đêm trước lúc rời Việt Nam?

 

NCN: Hiện tôi đang sống ở Đức, trong một thành phố rất nhỏ, dân số chưa đến 20 ngàn, đấy là tính cả khoảng gần năm chục người Việt đã ở đây từ thời đất nước này còn chia làm hai phần Đông - Tây. Việc thống nhất nước Đức khác hẳn với việc thống nhất Việt Nam, đấy quả là một sự lạ (mà không quái - xin lỗi ngoài lề một tí :)).

Việc chính của tôi hiện giờ là chẳng có việc gì chính. Mặc dù rất muốn đi làm, song đến nay tôi vẫn chưa xin được việc làm ở đâu. Chuyện này làm tôi hơi buồn một tí :(, song xét đi xét lại thì cũng là lỗi tại tôi. Tôi rất ân hận về điều này và đã tự mình đấm ngực ăn năn nhiều lần: Lỗi tại tôi! Lỗi tại tôi mọi đàng! A men! :)

Mặc dù rất muốn, song đến nay tôi vẫn chưa xác định được thời điểm nào sẽ về Việt Nam :) :(. Đêm trước khi rời đất nước mình quả là tôi rất hồi hộp, chỉ sợ không được đi thì bỏ mẹ :). Đêm trước khi về, chắc cũng vậy :).

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước, ông muốn đọc đầu tiên? Sau đó ông đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

NCN: Báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ, Văn Nghệ Quân Đội, Văn Nghệ Công An, và nói chung là các loại sách, báo, tạp chí văn nghệ văn gừng... hiện đang có đầy trên các sạp sách báo ở các khu buôn bán của người Việt tại Đức. Tôi đã đọc tất cả và điều ấn tượng nhất có được là rất buồn ngủ. Nhiều bài, văn hẳn hoi, mà cứ như văn kiện đại hội đảng:).

Tôi cũng rất thích và tìm đọc các văn kiện đại hội đảng cũng như văn kiện đại hội đoàn thể các cấp khác, những bài viết của các vị lãnh đạo. Có thể nói, đây mới thực sự là những tác phẩm có sự tưởng tượng, hư cấu một cách phong phú, thoải mái nhất mà chẳng sợ ai kiểm duyệt. Song, thật thà mà nói thì vẫn cứ thấy buồn ngủ:). Thật chẳng hiểu tại sao nữa:).

 

Sau thời gian ở Việt Nam, trước thực trạng mọi mặt của Việt Nam, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của ông là?

 

NCN: Cái ông gọi là giờ phút tốt đẹp nhất thì tôi chưa tưởng tượng ra nổi là nó sẽ như thế nào:), còn những giờ phút tồi tệ nhất thì chẳng hiểu sao nhắm mắt lại cũng thấy. Đọc các loại báo xuất bản công khai ở Việt Nam, bất kể ngày tháng nào... ở đâu... làm gì... gặp ai... tôi cũng đều sợ cả :).

 

Sau thời gian về Việt Nam thơ/văn ông đã chuyển động ra sao ?

 

NCN: Bất lực. Củ chuối. Dương vật buồn thiu... là những điều tôi có thể nói, mặc dù tôi chưa về.

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” ông nghĩ sao?

 

NCN: Tại sao người ta lại không ủng hộ những người này. Họ cũng hoàn toàn có quyền tự mình sung sướng, hoàn toàn có quyền thử nghiệm cái này cái nọ như tất cả những người khác cơ mà:).

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

NCN: Ở ngoài nước, người ta được tự do hơn, chắc chắn thế:) :). Vâng! Ý tôi nói là ở những đất nước tự do, dân chủ... Còn Trung Quốc, Cu Ba với Bắc Hàn hay Miến Điện.... thì kể làm gì?:-)

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

NCN: Tôi không tin và cũng không muốn là có sự thống nhất ấy:). Với tôi, thống nhất chưa chắc đã là tốt.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

NCN: Lúc ấy chắc là tôi sẽ đi chỗ khác chơi, để khỏi nhìn thấy cảnh các cụ lại chia nhau mấy cái chiếu, lại tranh giành nhau chức tiên chỉ, lại đấu đá... để rồi cuối cùng lại chia rẽ, tức là lại không thống nhất được. :) Lúc nào tôi cũng tin rằng chia rẽ là mãi mãi, còn thống nhất, nếu có, thì cũng chỉ ở trong suy nghĩ của một số người mà thôi

 

Bao giờ ông trở lại Việt Nam? Ngày ấy trên trán ông và trong túi ông điều quí nhất là?

 

NCN: Tiếc là tôi chưa hoàn toàn chủ động được việc này. Còn nếu về được thì lúc nào tôi cũng chỉ mong cái máy điện thoại di động của mình đừng bao giờ nằm ngoài tầm phủ sóng cũng như cái máy tính lúc nào cũng ở trạng thái nối được mạng liên hệ với thế giới một cách dễ dàng.:):):) Tôi cũng mong đừng bao giờ bị các loại công an (văn hóa, hình sự..., nổi hoặc chìm) thăm hỏi công khai hoặc bí mật.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021