thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Nguyễn Đăng Thường]

 

Rimbaud & Nguyễn Đăng Thường ở Harrar
bởi Diễm Châu

 

Thưa ông hiện ông đang sống ở đâu, việc chính hiện nay của ông là? Ông đã về VN vào khoảng thời gian nào? Xin ông cho biết tâm trạng của ông trong đêm trước lúc về VN và trong đêm trước lúc rời VN?

 

NĐT: Tôi đang sống ở London, làm nghề ăn bám. Đêm trước lúc rời VN tôi vừa vui vừa sợ. Tôi đi trước 75, ngả Nam Vang. Sang Pháp.

 

Tác phẩm văn học nào xuất bản trong nước, ông muốn đọc đầu tiên? Sau đó ông đã đọc…? Và ấn tượng nhất là?

 

NĐT: Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, qua bản dịch Kim Lefèvre, Diễm Châu ca đô. Tôi thích bản dịch này, vì lần đầu tiên đọc tiếng Pháp do một người Việt Nam viết tôi có thể đọc từ đầu đến cuối. Thời trung học thầy bảo chúng tôi đọc Légendes des terres sereines. Tôi đọc thử một truyện. Tôi thấy tiếng Tây của ông Phạm Duy Khiêm khô khan. Rồi đến cuốn Le fils de la baleine của ông Cung Giũ Nguyên cũng vậy. Tôi đọc vài trang rồi bỏ. Nếu bây giờ đọc lại có thể tôi sẽ thấy chúng tuyệt vời.

Xin trở lại bản dịch Kim Lefèvre. Tôi đọc thấy thú vị, một phần vì tôi có thể hình dung khuôn mặt và dóc dáng mảnh mai của bà Kim. Thời sinh viên bà là hoa hậu Đại học Sư Phạm Sài Gòn. Một bạn học cùng lớp, chị Hiền, đậu tú tài bên Pháp, chị Hiền điệu bộ rất đầm nhưng cũng thướt tha trong chiếc áo dài lụa xanh dương, một hôm chỉ cho tôi xem cô đầm lai mặc áo dài trắng đứng trên chiếc sân cỏ ướt. Lẽ ra bà Kim và tôi phải là bạn đồng khóa, nhưng vì lúc ấy bà đã có một chứng chỉ văn khoa nên được đẩy lên làm khóa đầu tiên với một số sinh viên khác. Khóa cấp tốc này để tiết kiệm thời gian chỉ cần hai năm vì lúc đó hiếm giáo sư, thay vì phải ba năm như khóa học bình thường. Tôi thấy bà Kim có một lần đó thôi. Ra trường bà được học bổng của chính phủ Pháp. Bà sang Pháp rồi ở lại luôn. Tôi ra trường cũng được học bổng nhưng không được đi vì còn trong tuổi động viên.

Cuốn thứ hai là quyển Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, qua bản dịch Phan Huy Đường, cũng do anh Diễm Châu tặng. Cuốn truyện này không dày, cấu trúc gồm những chương ngắn hợp gu tôi. Gần đây tôi có mua cuốn Bến không chồng nhưng chưa đọc thì đã có DVD nên tôi coi phim không đọc sách. Lười.

 

Sau thời gian ở VN, trước thực trạng mọi mặt của VN, giờ phút đẹp nhất và tồi tệ nhất của ông là?

 

NĐT: Tôi chưa về VN. Sợ bị sốc. Đối với tôi trở về VN như trở vào cái xà lim cũ nhưng kiên cố hơn. Sài Gòn tôi yêu là Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc lúc tôi tôi còn bé vì có nhiều kỷ niệm và vì nó đẹp đẽ hơn.

 

Sau thời gian về VN thơ / văn ông đã chuyển động ra sao?

 

NĐT: Chưa về nên không biết. Xả rác ỉa bậy đi đâu cũng vậy.

 

Sau thời gian dài sống và viết ở hải ngoại, có nhiều người nay muốn quay về mái nhà “tinh thần lục bát / tinh thần văn kể” ông nghĩ sao?

 

NĐT: Họ có rời phút nào đâu.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

NĐT: Trong nước có cái bề trong, ngoài nước có cái bề ngoài. Một cách diễn dịch: bề ngoài là hậu-tân hình thức, là tân-hậu hiện đại. Bề trong là nội dung, là ẩn dụ, là tín điệp.

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

NĐT: Chúng là anh em sinh đôi dính nhau chưa được giải phẫu. Tay trái có thể làm khác tay mặt, hai cái đầu có thể nhìn ra hai phía khác nhau nhưng chân vẫn bước chung đường chung hướng.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

NĐT: Nobel hòa bình và Nobel văn chương.

 

Bao giờ ông trở lại VN? Ngày ấy trên trán ông và trong túi ông điều quí nhất là?

 

NĐT: Tôi bị liệt gia rồi. Nhưng nếu một ngày đẹp trời nào đó tôi có bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre thì nó sẽ thế này. Trên trán: Cần gấp người nuôi. Trong túi: Một mớ truyền đơn quảng cáo nhặt đó đây ở hải ngoại để tặng lại những kẻ cần giấy.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021