thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Inrasara]
phỏng vấn Inrasara

 

 

Ông gặp một thi sĩ/văn sĩ Việt kiều lần đầu ở: phi trường, quán…? Trước đó, ông biết họ qua tác phẩm nào? Điều gì từ tác phẩm đó đã gây ấn tượng cho ông?

 

Inrasara: Đinh Linh, nếu tôi nhớ đúng. Khoảng mùa hè năm 1999, trong một cái quán. Không nhớ càphê hay bia. Chúng tôi kéo tới nhà Triệu Từ Truyền. Minh Thái giới thiệu tôi thi sĩ Chăm, Đinh Linh không chú ý lắm, có lẽ, nên gần cuối cuộc anh quay sang hỏi chuyện Chăm với Nguyễn Tấn Cứ. Nguyễn Quốc Chánh nhắc vở, anh mới à: Tấn Cứ nói tiếng Việt khó hiểu hơn Sara, nên có nhầm lẫn.

 

Người thi sĩ/văn sĩ Việt kiều mà ông thân nhất đã nói cho ông nghe điều gì về thơ/văn hải ngoại và thế giới? Những quan điểm nào ông đồng tình và không đồng tình? Ông nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại, Tân cổ điển…

 

Inrasara: Tôi rành tác phẩm hơn con người viết ra tác phẩm.

Quen biết: không hơn mươi ông, chưa có bà nào. Thường thì qua loa. Tôi chỉ ghi ra vài ấn tượng nhớ được qua vài cuộc gặp qua loa ấy.

Phan Nhiên Hạo, tại nhà Trần Tiến Dũng: anh không đồng tình với lối mỉa mai của vài nhà “cách tân” khi nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh. Anh nghĩ: chúng ta vẫn còn chưa rạch ròi văn chương phục vụ và sáng tác khai phá, có lẽ thế.

Thận Nhiên, trong tối sinh nhật một bạn văn nghệ, hào hứng đọc của thi hữu trước khi đọc thơ mình, cũng hào hứng không kém. Tôi nghĩ nó rất xứng gương sáng cho nhà thơ hôm nay. Thói thường chúng ta khá nhanh chân lẹ tay leo lên sân khấu nắm mi-cờ-rô để đọc thơ mình, nhiều càng tốt. Xong, đa số ra về. Hệt ca sĩ chạy sô vậy.

Hai bận bên lề "Ngày Thơ Việt Nam", tôi đã thưởng lãm đủ đầy. Ví năm nay hân hạnh tên anh có trong danh sách, tôi sẽ đọc ba bài hay trong năm do tôi chọn. Của người khác chứ không phải Sara. Dĩ nhiên không hào hứng được như Thận Nhiên. "Chưa phải ngày cuối cùng" của Thanh Xuân chẳng hạn, "Khóc Văn Cao" của Bùi Chát nữa,…đại khái thế. Đơn giản: năm 2004, tôi không có bài nào ra hồn. Ngày Thơ là ngày tôn vinh thơ chứ không phải tôn vinh nhà thơ. Ồ, nếu các nhà thơ ta bỏ được thói tật chuyên đọc thơ mình thì thơ sẽ được nhìn nhận khác đi nhiều lắm lắm.

Nguyễn Hưng Quốc, mới về Việt Nam cuối năm qua. Anh phôn hẹn gặp tôi lai rai và khác nữa. Tôi nói mình đang mắc sắm vai chính phim ca nhạc tại Phan Rang, anh bảo: nếu trong phim có cảnh quay Sara cởi truồng chạy đi chạy lại dọc ngang thì hứa hẹn ăn khách. Tôi bảo mình cũng muốn thế lắm, nhưng còn phải hỏi ý kiến đạo diễn đã!

Tính tôi pha, nên ít quyết liệt bật máu với các bạn thơ, các trào lưu thơ. Sau Lễ tẩy trần tháng Tư, tôi tịt. Sẵn anh Khế Iêm chào hàng Tân hình thức, tôi vớ lấy ngay tức thì. Loay hoay tới lui cũng đẻ được 17 bài, rồi tắc. Tân hình thức “đầu thai nhầm thế kỉ” chăng, bởi mãi tận hôm nay vẫn chưa có thi tài đẩy nó nhích lên bước nào hơn.

 

Ngoài những quan hệ có tính cách cá nhân như thế, ông có thường đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt ở nước ngoài không? Nếu thường, thường như thế nào? Những tác phẩm ấy thuộc thể loại gì (thơ/truyện/tiểu luận/phê bình)?

 

Inrasara: Tạp chí Thơ, Việt, Hợp Lưu,… được xem như cò mồi dẫn mối tôi đến với văn chương tiếng Việt ngoài nước. Sau đó: không thể thiếu Talawas và Tienve. Lạ, tôi khoái lối gây cấn quyết liệt của Nguyễn Hưng Quốc nhưng cũng thích quan điểm sáng tác đĩnh đạc đầm tính của Chân Phương; thích thơ Đinh Linh bên cạnh Phan Nhiên Hạo. Đất nước chỉ mới mở he hé cửa với văn chương, nên dù gì thì gì, một kẻ quan hệ không rộng như tôi không thể đọc / kể thêm tên tuổi khác mà tôi nghĩ cũng rất đáng. Vả, nhà thơ ít năng khiếu tiếp thị tác phẩm mình, nên càng gây khó dễ với kẻ ham đọc. Phôn cho Đỗ Kh xin thơ, anh đã ngoan ngoãn nghe lời, mail hết cho Sara; còn Nguyễn Hoàng Nam và,… thì bặt vô âm tín. Từ đó, tôi không xin ai nữa. Thôi thì cứ tin vào cơ duyên vậy.

Về văn, Phạm Thị Hoài, Trần Vũ hay xa hơn: Võ Phiến, luôn gây hứng thú cho tôi.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

Inrasara: Về phe phá giới, ngoài nước dám chơi hơn (vài năm qua, mới nẩy ra Nhóm Mở miệng với Lí Đợi, Bùi Chát, đẩy nó rơi tõm qua bên kia đầu mút). Phe chân truyền, trong nước có nhiều thành tích để báo cáo hơn.

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

Inrasara: Thống nhất thì luôn luôn là nhất thống với các nhà thơ nhà văn sáng tác bằng tiếng Việt; điều kiện để thống nhất là khi các nhà ấy vẫn còn sử dụng tiếng Việt để viết văn, làm thơ.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

Inrasara: Trong công cuộc đó, mỗi “phe” đóng góp các bản báo cáo mà phe mình có.

 

Với những thi sĩ/văn sĩ hải ngoại, ông muốn cho họ thấy điều gì quí nhất trên trán ông và trong túi ông?

 

Inrasara: Tôi viết bằng hai thứ tiếng: Việt và Chăm. May mắn hơn các nhà thơ Việt (ngoài trừ Đinh Linh, và…). Vậy là tôi có hai ngôi nhà để ở. Sống chán cái này tôi sang cái khác, và ngược lại. Chán Lễ tẩy trần tôi sang Tân hình thức náu, rồi – Tân cổ điển hay Hậu hiện đại, có lẽ. Và cả trường Hậu lý thuyết nữa, chắc thế. Khi tất cả đã mỏi mệt ("Liên khúc chán", như tít một bài thơ của Trần Wũ Khang), tôi quay về với tiếng Chăm, tiếng mẹ đẻ của tôi. Ở đó, tôi tha hồ mà lễ tẩy trần.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021