thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ nói về thơ tình: Đinh Trường Chinh
(phỏng vấn nhà thơ Đinh Trường Chinh)

 

Thời thanh niên ông đã yêu bài thơ tình nào? Nếu ngay lúc này, trở lại tuổi mười tám và người yêu của ông muốn nghe ông đọc một bài thơ tình, trong những bài thơ tình ông biết (sau thời kỳ tiền chiến) ông chọn bài nào?

 

ĐTC: Tôi lớn lên trong hệ thống giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa sau 1975. Giữa những bài thơ trích từ Nhật Ký Trong TùTừ Ấy tôi phải thuộc hàng ngày, thơ tình thật thụ như một thứ hàng hiếm, khó tìm thấy và thiếu phương tiện để được tiếp cận. Tôi chỉ đọc và nhớ được những đoạn thơ, thường là thơ tình trong thời chiến, từ các tạp chí cũ rách của miền Nam 54–75 được lén giữ lại. Trong mớ hỗn độn sách báo ấy, tập thơ đầu tiên tôi có được, như một báu vật, là tập “Liên – Đêm – Mặt Trời Tìm Thấy” của Thanh Tâm Tuyền, trong đó có nhiều bài thơ (tình) không gây cho tôi thật nhiều cảm xúc về tình yêu nhưng vẫn vô cùng quyến rũ. Nếu ngay lúc này trở lại tuổi mười tám và người yêu của tôi muốn nghe tôi đọc một bài thơ tình (nếu), tôi nghĩ “người em gái” sẽ thích nghe một bài thơ tình có vần điệu, nhạc tính, lãng mạn, và không phải của... Thanh Tâm Tuyền.

 

Giả sử một ngày mai ông đối diện với ba sự kiện — Thứ nhất: Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ. Thứ hai: Cuộc cách mạng nhân văn. Thứ ba: Người ngoài hành tinh mời ông đi du lịch một chuyến. Trong ba sự kiện, chỉ được phép chọn một. Ông chọn sự kiện nào để làm bài thơ lớn của đời ông? Tại sao?

 

ĐTC: Với sự kiện thứ nhất, nếu ngược lại, người yêu muôn thuở bước vào giấc mơ một đêm thì may ra đêm đó tôi sẽ xuất ra một bài thơ (tình) lớn của đời tôi (cô đơn). Tôi càng không thích những sự kiện mang tính viễn tưởng của người ngoài hành tinh. Tôi đành phải chọn một cuộc cách mạng nhân văn như một lực đẩy cho sự sáng tạo. Tôi tin vào sự đẩy và mối liên kết với nhau trong nghệ thuật, không nhất thiết phải gây cách mạng, là một yếu tố quan trọng cho những người sáng tác.

 

Ông có tin một bài thơ tình biết phản bội không? Ông có từng rơi vào trường hợp bị một bài thơ tình đưa vào cảnh trớ trêu, thậm chí vì một bài thơ tình nào đó mà ông bị em đá đít không? Ông có nghĩ hiện nay mọi người đang có nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết không?

 

ĐTC: Tôi không biết thế nào là một bài thơ tình biết phản bội (hiểu bạn nói gì là tôi... chết liền). Tôi nghĩ thơ tình mang một sứ mệnh thiêng liêng hơn là được dùng để cua gái, và nó không nhất thiết phải là loại thơ mang tính lãng mạn, thơ mộng. Những bài thơ tình hay với tôi thường có ý tưởng, hình ảnh lạc lõng và cô độc hơn là hạnh phúc dành cho đôi lứa. Nàng thơ, nếu ý niệm này vẫn còn, thì cũng không nhất thiết phải là trinh nữ và thơ tình không cần phải thuần khiết (?) mới được đọc lâu dài.

 

Một quan niệm chung cho rằng cái đẹp tình yêu và những bài thơ viết về tình yêu là bất biến. Ông có cho rằng trong 10.001 năm nữa thơ tình chẳng cần thay đổi? Rằng mặc kệ các thời đại, không cần phải đưa chất liệu mới vào thơ tình? Ngày mai ông có tin rằng con ông sẽ đọc cho người yêu nghe thơ tình của ông hoặc bài thơ tình mà ông đã thích?

 

ĐTC: Tôi vẫn tin tình yêu là một đề tài bất di bất dịch. Tuy nhiên, với sự biến đổi của thời đại và dòng chảy của cuộc sống nặng tính thông tin lạnh, các nhà thơ càng ít có nhu cầu làm thơ tình. Bây giờ, tôi không thể đọc lại trọn thơ tình Xuân Diệu hay xem tranh “tình” Chagall nữa. Chúng làm tôi quá ngán. Tập thơ Thanh Tâm Tuyền ngày xưa tôi vẫn còn, giấy vàng ố, thì đã rất lâu tôi không lật ra.

Chất liệu mới cho tình yêu chỉ là những cái vảy bên ngoài để xào nấu khi làm thơ tình. Tôi nghĩ vẫn còn lại những bài thơ tình vượt qua thời gian, và chịu được sự đọc lại qua nhiều thế hệ. Đọc thơ tình chỉ là một nhu cầu thiết yếu tùy vào tâm cảm của người đọc trong những thời điểm nhất định. Đến một lúc nào đó, có lẽ thơ tình có thể được làm theo kiểu ẩm thực gồm những nguyên liệu có sẵn và cách làm thực dụng; tùy vào cảm xúc "hầm", "xào" hoặc "nướng", chữ và ý tưởng được nêm nếm, lật qua lật lại một cách điều hòa. Và cuối cùng vẫn luôn là lời chúc : coi chừng khê, khô hoặc cháy. chúc bạn thành công.

 

Cũng là ánh mắt, ngôn ngữ, cử chỉ, hoa hồng, trong không gian tràn ngập cảm xúc hoa hồng... một bài thơ tình điên điên cất lên. Ông có nghĩ là thiếu văn hoá, là đáng bị em cho là đồ yêu quái rồi "bái bai"…? Hay ông cho đó là liệu pháp cảm xúc chống lại bệnh não hoá biểu tượng tình yêu? Ông có làm thơ tình khùng, hay từng đọc tặng người yêu mình bài thơ khùng của ai khác không? Ông có thể bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ của ông với bạn đọc không?

 

DTC : Khi làm thơ tình thời tuổi trẻ, cũng có vài bài (vô tình) làm rung động một hai người-em-mơ-mộng, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng đó chỉ là một sự tình cờ mang đầy ảo giác và xa thực tại. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng thơ là một liệu pháp. Nếu nó có là một cứu cánh một lúc nào đó thì kẻ duy nhất được cứu chính người làm thơ mà thôi.

 

Trên đỉnh cảm xúc lãng mạn của một đôi tình nhân trẻ. Nếu được phép nghe lén (trừ lúc lên giường) ông cho rằng sẽ nghe được gì?

 

ĐTC: Câu hỏi làm tôi nhớ đến câu chuyện khôi hài về một đôi tình nhân bên kia vách đang tâm sự và thả hồn theo một bản nhạc tình lãng mạn thì nửa chừng cuốn băng cassette bị đứt đoạn, máy hư... tạo nên âm thanh rất ấn tượng “anh ơi nhà mình ... cạch cạch ... chung vách ... cạch cạch cạch cạch”. Nếu tôi là kẻ sát vách thì “cạch cạch” có lẽ làm âm thanh rõ nhất tôi nghe được. Tôi không nghĩ mình sẽ nghe một câu thơ tình!

 

Nếu một chàng trai 18 tuổi nào đó, như mọi chàng trẻ tuổi trên đời, bỗng một hôm bị cái đẹp tính dục quyến rũ không cưỡng được. Anh ta muốn làm bài thơ “hai trong một” tình yêu và tính dục. Bỏ qua lời khuyên “anh hãy giấu trong cõi riêng”. Ông sẽ nói gì với chàng trai ấy?

 

ĐTC: “gắng hít thở đều đặn!”

 

Xin cảm ơn sự cộng tác của ông.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021