thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ nói về thơ tình: Nguyễn Đạt
(phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Đạt)

 

 

Thời thanh niên ông đã yêu bài thơ tình nào? Nếu ngay lúc này, trở lại tuổi mười tám và người yêu của ông muốn nghe ông đọc một bài thơ tình, trong những bài thơ tình ông biết (sau thời kỳ tiền chiến) ông chọn bài nào?

 

NĐ: Chín mươi chín rưỡi phần trăm nhà thơ Việt Nam đều có làm thơ tình. Thời “tiền chiến”, Xuân Diệu, và thời sau này, Nguyên Sa, được chú ý và được xem là nhà thơ tình yêu. Tôi yêu thích nhiều bài thơ tình của Xuân Diệu, còn những bài thơ tình của Nguyên Sa thì tôi thấy đó chỉ là sản phẩm của của lò bánh kẹo. Trong thời kỳ văn nghệ gần gũi với tôi, Trần Dạ Từ có nhiều bài thơ tình tôi yêu thích. Cùng thời kỳ văn nghệ với tôi, Du Tử Lê được chú ý và được xem là nhà thơ tình yêu. Cần phải tuyên dương: Thơ Du Tử Lê đã đạt tới mẫu mực của thứ thi ca ngàn năm nhược tiểu, những bài thơ tình của loài bò sát vùng nhầy nhụa sình lầy. Những bài thơ tình yêu của Thanh Tâm Tuyền, ít nhất có 2 bài tôi phải thuộc từng lời: Lệ Đá Xanh Dạ Khúc, hai bài thơ tình mà lúc nào tôi cũng yêu thích nhất. Và 2 dòng thơ của Vũ Hoàng Chương là câu thơ tình bất diệt: Em ơi lửa tắt bình khô rượu / Đời vắng em rồi say với ai?

Cũng phải nói thêm rằng, về đề tài hấp dẫn và sống động muôn thuở là Tình Yêu, thì thơ là loại xe (chuyên chở) thô sơ, chậm chạp hơn văn nhiều lắm.

 

Giả sử một ngày mai ông đối diện với ba sự kiện — Thứ nhất: Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ. Thứ hai: Cuộc cách mạng nhân văn. Thứ ba: Người ngoài hành tinh mời ông đi du lịch một chuyến. Trong ba sự kiện, chỉ được phép chọn một. Ông chọn sự kiện nào để làm bài thơ lớn của đời ông? Tại sao?

 

NĐ: 3 sự kiện: Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ – Cuộc cách mạng nhân văn – Người ngoài hành tinh mời đi du lịch vũ trụ, cả 3 đều là hoang tưởng, và tôi thấy hoang tưởng nhất, là Người yêu muôn thuở bước ra từ giấc mơ, nên tôi chọn sự kiện này “để làm bài thơ lớn của đời mình”. Chỉ có cách đó, mới chấm dứt cuộc săn đuổi đơn độc của “trái tim”, và kết thúc “cuộc hành trình tìm kiếm thi ca” của đời mình.

 

Ông có tin một bài thơ tình biết phản bội không? Ông có từng rơi vào trường hợp bị một bài thơ tình đưa vào cảnh trớ trêu, thậm chí vì một bài thơ tình nào đó mà ông bị em đá đít không? Ông có nghĩ hiện nay mọi người đang có nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết không?

 

NĐ: Một bài thơ tình biết phản bội không? Tôi không biết. Tôi chưa từng bị rơi vào trường hợp trớ trêu nào do một bài thơ tình; chưa từng bị em nào đá đít do một bài thơ tình mình viết (và đọc thơ tình của người khác viết). Mọi người (nói chính xác: đại đa số) vẫn và mãi mãi có nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết, vì mãi mãi tình yêu thuần khiết là một giấc mơ, không bao giờ trở thành (và cũng không nên trở thành) hiện thực.

 

Một quan niệm chung cho rằng cái đẹp tình yêu và những bài thơ viết về tình yêu là bất biến. Ông có cho rằng trong 10.001 năm nữa thơ tình chẳng cần thay đổi? Rằng mặc kệ các thời đại, không cần phải đưa chất liệu mới vào thơ tình? Ngày mai ông có tin rằng con ông sẽ đọc cho người yêu nghe thơ tình của ông hoặc bài thơ tình mà ông đã thích?

 

NĐ: Tôi hoàn toàn không cùng ý kiến, và cực lực phản đối quan niệm chung, cho rằng cái đẹp tình yêu và những bài thơ viết về tình yêu là bất biến. Mỗi thời, quan niệm về tình yêu mỗi khác, mỗi thời, chất liệu của thơ tình mỗi khác, mà chất liệu thì vô tận. Cho nên, tôi không chờ đợi và hy vọng gì, rằng các chàng các nàng của mai sau sẽ đọc những bài thơ tình tôi đã viết, hoặc những bài thơ tình tôi đã yêu thích.

 

Cũng là ánh mắt, ngôn ngữ, cử chỉ, hoa hồng, trong không gian tràn ngập cảm xúc hoa hồng... một bài thơ tình điên điên cất lên. Ông có nghĩ là thiếu văn hoá, là đáng bị em cho là đồ yêu quái rồi "bái bai"…? Hay ông cho đó là liệu pháp cảm xúc chống lại bệnh não hoá biểu tượng tình yêu? Ông có làm thơ tình khùng, hay từng đọc tặng người yêu mình bài thơ khùng của ai khác không? Ông có thể bộc bạch cảm xúc nghệ thuật không kềm giữ của ông với bạn đọc không?

 

NĐ: Một bài “thơ tình điên điên”, hay “bị xem là điên điên”? Tôi cho rằng , đấy là một bài thơ tình của tác giả X; Y; Z mà thôi, chỉ cần thiết, rằng bài thơ ấy không giả tạo. Nietzsche bảo tình yêu là một cơn điên ngắn mà! Tôi chưa làm bài thơ tình yêu nào bị (hay được) xem là bài thơ tình “điên điên”, nhưng tôi thích đọc mấy dòng thơ này, của Nguyễn Đức Sơn, cho các em nghe: Nàng không đẹp, không xấu, không quan trọng / Nàng đẻ / Đẻ xong nàng ra nhìn đám tang…, và nhiều nữa, cũng của Nguyễn Đức Sơn: Chiếc giường tre ngoe nguẩy dáng em nằm / Ru kẽo kẹt suốt một thời con gái / Anh tự hỏi bao giờ em xuống đái?

 

Trên đỉnh cảm xúc lãng mạn của một đôi tình nhân trẻ. Nếu được phép nghe lén (trừ lúc lên giường) ông cho rằng sẽ nghe được gì?

 

NĐ: Làm sao nghe lén được những gì mà đôi tình nhân trẻ nói với nhau “trên đỉnh cảm xúc lãng mạn”? Cứ giả định là nghe lén được, thì tôi tin rằng chàng sẽ nói như tôi đã nói thuở đó, và nàng sẽ nghe và nói như nàng của tôi thuở đó. Thuở đó tôi nói với nàng của tôi lúc đó, trên ghế đá công viên: “Em thơ mộng quá, anh muốn làm chuyện ấy với em lắm, muốn làm chuyện ấy ngay bây giờ!”, và nàng: “Ôi không được đâu! Ở chỗ này không thể được!”

 

Nếu một chàng trai 18 tuổi nào đó, như mọi chàng trẻ tuổi trên đời, bỗng một hôm bị cái đẹp tính dục quyến rũ không cưỡng được. Anh ta muốn làm bài thơ “hai trong một” tình yêu và tính dục. Bỏ qua lời khuyên “anh hãy giấu trong cõi riêng”. Ông sẽ nói gì với chàng trai ấy?

 

NĐ: Một bài thơ tình “hai trong một”: Tình yêu&Tình dục? Đấy là bài thơ tình mà tôi sẽ yêu thích nhất, mà tôi mong đợi. Tôi đã viết 2 bài thơ tình, vì một người đàn bà không bước ra ngoài giấc mơ của mình, người đàn bà mãi mãi trong giấc mơ của tôi. Tôi phải cưu mang giấc mơ ấy, như tôi phải cưu mang con sâu gặm nhấm chiếc răng của tôi: Quán huyễn hoặc / Sân khấu đích thực / Tôi đóng vai người tình / Nhai nuốt nàng // Chao ôi / Con sâu gặm nhấm tôi // Nhổ răng đau / Chiều chủ nhật / Tôi chôn mối tình chung huyệt con sâu. Cơn đau ấy của tôi, hoàn toàn là nhục cảm. Và: Buổi chiều ấy nên mưa / Váy chị xòe như một cây dù…, người đàn bà ấy mặc váy, chứ không phải quần tây, để xòe rộng ra, để thấy được bên trong váy, chiếc quần lót màu gì. Hiển nhiên tôi thấy Trái Tim &Con Cu hợp nhất với nhau. Chỉ có sự hợp nhất ấy là tình yêu đích thực, bài thơ tình đích thực. Tôi nghe một người nghệ sĩ nói: Đi tới cái giường, phải qua một con đường quá dài gọi là Tình Yêu. Tôi xem đây là tuyên ngôn vẻ vang của con vật đực, của các đệ tử Dục Lạc Kinh. Người ta phải thừa nhận, khi anh nhớ em, là anh đồng thời nhớ tới thân thể em, nhưng không phải chỉ vì vậy, chỉ có vậy. Tất cả những gì trong nỗi nhớ ấy, ngoài thân thể em, có lẽ thuộc về “trái tim”. Còn như, chỉ nhớ vú nhớ mông, chúng ta chả cần một người yêu, chả muốn làm thơ tình. Cứ vào một khách sạn, muốn chủng loại gà nào cũng có, cẩn thận tránh H5N1 thì đòi một chiếc bong bóng bảo hiểm.

 

Xin cảm ơn sự cộng tác của ông.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021