thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nói chuyện với Bắc Đảo
(Diễm Châu dịch)

 

[do Chantal Chen-Andro và Claude Mouchard

thực hiện, tháng Mười Một 1992]

 

CLAUDE MOUCHARD (C.M.): Bắc Đảo, tôi đọc anh trong những bản dịch Pháp văn của Chantal Chen-Andro. Đó là nguồn duy nhất gợi hứng cho những câu hỏi của tôi. Trong tình hình hiện nay của anh, anh có nhận thức gì về những người đọc anh – bằng tiếng Trung-hoa, qua những bản dịch bằng những ngôn ngữ khác?

BẮC ĐẢO: Trước năm 1989, chủ yếu tôi có những người đọc Trung-hoa. Chính vì họ mà tôi viết. Trước, tôi có thể, không phải là không khó khăn, cho xuất hiện những bài thơ của tôi. Từ nay, nếu người ta còn có thể đọc tôi ở Trung-hoa, đó là ở trong tờ tạp chí của chúng tôi – tờ Kim thiên. Trong đó, người ta có thể đọc cả những nhà văn Trung-hoa bị lưu đày cũng như các tác giả hiện ở Trung-hoa. Các tác giả này thoạt đầu đã phải mượn một bút hiệu để xuất bản trong tờ tạp chí của chúng tôi, ngày nay họ không cần phải làm như thế nữa. Kim thiên là một tạp chí không phải của chính quyền, dĩ nhiên. Đó là một tạp chí văn nghệ, không phải chính trị. Độc giả của nó hãy còn hạn hẹp. Cố nhiên, về phần tôi, ngày nay tôi được đọc qua những bản dịch – sang các tiếng khác – nhiều hơn là bằng Hoa-ngữ.

C.M.: Đối với một nhà thơ, phải viết trong lưu đày, phải thay đổi thế giới, không có những điều thân thuộc gây xúc cảm, những mùi vị hay tiếng động, tiếng nói... chẳng phải là khó khăn sao?

BẮC ĐẢO: Tốt. Làm thơ là một sự quạnh hiu. Khi ta viết, ta không còn quan tâm tới môi trường chung quanh.

C.M.: Có phải người ta đã từng trách anh là một nhà thơ «tối tăm» ? Anh có đòi quyền được tối tăm không?

BẮC ĐẢO: Đó là một cái nhãn người ta đã có thể gán cho tôi mà tôi không có quyền tự bào chữa. Có thể là tôi khó hiểu đối với một số độc giả nào đó; nhưng thế không có gì có thể tiêu biểu cho toàn bộ sáng tác của tôi.

Đằng khác, ấy cũng là một trong những đặc tính của thơ cổ điển Trung- hoa: diễn tả một cách gián tiếp, nói quanh co.

C.M.: Truyền thống thơ Trung-hoa hiện diện đối với anh như thế nào?

BẮC ĐẢO: Trong một thời kỳ đầu, tôi chống lại truyền thống đó. Nhưng ta không thể dứt bỏ mọi liên hệ. Truyền thống ngày nay, cũng tựa như một ngôi nhà đổ nát: ta không thể cư ngụ được, phải xây dựng lại. Nhưng cần phải xây dựng lại dựa trên những cơ sở đổ nát đó.

C.M.: Thế còn những hình thức truyền thống?

BẮC ĐẢO: Những cưỡng bức, gò bó của thơ truyền thống, niêm luật rất nghiêm ngặt của nó: ấy những gì ta không thể lặp lại một cách đơn thuần được. Tất cả là vấn đề thẩm định, và thưởng ngoạn thi ca. Chính ở tầm mức ngôn ngữ hơn là ở tầm mức những hình thức mà ngày nay ta có thể tìm lại được một mối liên hệ với truyền thống. Đây là vấn đề những gì tùy thuộc ở những đặc điểm riêng cho Hoa-ngữ.

(...)

C.M.: Chữ «Lịch sử» thường xuất hiện trong thơ anh. (...)

BẮC ĐẢO: Sinh hoạt Trung-hoa nối kết mật thiết với lịch sử. Phải mang cái gánh nặng lịch sử này. Chữ «Lịch sử» trong những bài thơ tôi có thể bao hàm cái nghĩa hài hước. Nhà thơ phải ra sức thanh toán vấn đề cái gánh nặng này. Ấy là một chữ thường lưu hành ở Trung-hoa trong giới các nhà trí thức. Một chữ thường tới cửa miệng dễ dàng.

C.M.: Quá dễ dàng?

BẮC ĐẢO: Phải. Phải ra khỏi tình trạng này. Không có cái lịch sử khách quan. Ấy là một điều người ta bao giờ cũng đương làm lại.

(...)

C.M.: Một chữ khác mà anh hay dùng là: «mộng»...

(...)

BẮC ĐẢO: Lịch sử và mộng, rất gần nhau. Lịch sử là phản ánh của mộng. Hay ngược lại.

(...)

C.M.: Đối với anh, nhà thơ trong cảnh lưu đày, những thiếu thốn nào là nghiêm trọng nhất, và cái gì nâng đỡ?

BẮC ĐẢO: Tờ tạp chí, rất quan trọng. Và nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà văn Tây phương. Nhưng nâng đỡ tôi chính là Hoa-ngữ. Trong một khung cảnh mà tất cả đều xa lạ, ngôn ngữ là nơi trú ẩn, nơi mà, nhờ thi ca, tôi có thể tìm lại mình. Ấy là điều cho ta sức mạnh chịu đựng cuộc sống lưu đày này. Có trách nhiệm bảo toàn ngôn ngữ này. Lưu đày ư? Ngày tôi bắt đầu làm thơ, ấy đã là lưu đày. Các tác giả khác cũng đã từng nói thế trước tôi...

 

 

---------------------------

Ghi chú của người dịch:

Bài trên được dịch theo bản Pháp văn của Chantal Chen-Andro và Claude Mouchard, đăng trên tờ Po&sie, số 65, Paris, 1993.

Xin mời bạn đọc xem thêm Bên trời, tuyển tập thơ của Bắc Đảo (bản dịch Diễm Châu, dựa theo các bản Pháp văn của François Cheng, Chantal Chen-Andro, hoặc của Françoise Han và Chantal Chen-Andro); bài của Bắc Đảo, "Mục tiêu của tạp chí Kim thiên"; và truyện ngắn của Bắc Đảo, "Điểm giao thoa" (bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn), đăng song song trên Tiền Vệ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021