thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghệ thuật văn chương hư cấu [VII]

 

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm,
với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn.

 

MARIO VARGAS LLOSA

(1936~)

 

Nhân dịp nhà văn Mario Vargas Llosa đoạt giải Nobel Văn chương năm 2010, chúng tôi xin gửi đến văn hữu và độc giả một bài phỏng vấn do Susannah Hunnewell và Ricardo Augusto Setti thực hiện cách đây 20 năm trên tờ Paris Review (Fall 1990, No. 116), trong đó Mario Vargas Llosa đã phát biểu những ý tưởng hết sức thú vị về nghệ thuật văn chương hư cấu.
 
Vì giới hạn của thời giờ, chúng tôi không thể dịch một lần trọn vẹn bài phỏng vấn, mà sẽ chia thành vài đoạn và dịch mỗi ngày một đoạn. Xin mời quý bạn theo dõi cho đến khi bài phỏng vấn kết thúc.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

________________

 

Đã đăng: kỳ [I] - [II] - [III] - [IV] - [V] - [VI]

 

MARIO VARGAS LLOSA: NGHỆ THUẬT VĂN CHƯƠNG HƯ CẤU

(tiếp theo kỳ trước)

 

Susannah Hunnewell và Ricardo Augusto Setti thực hiện

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Trong cuốn Mayta và cuốn Cuộc chiến ngày tận thế, ông nói rằng ông muốn nói dối trong sự hiểu biết toàn diện về sự thật. Ông có thể giải thích được không?

 

VARGAS LLOSA

Để hư cấu, tôi luôn phải bắt đầu từ một hiện thực cụ thể. Tôi không biết điều đó có đúng với tất cả các tiểu thuyết gia khác hay không, nhưng tôi luôn cần một bệ nhún của hiện thực. Đó là lý do tại sao tôi phải nghiên cứu và tham quan những nơi chốn xảy ra sự kiện, chứ không phải vì tôi chỉ muốn tái tạo hiện thực. Tôi biết điều đó là bất khả. Ngay cả khi tôi muốn tái tạo hiện thực thì kết quả cũng chẳng hay ho chút nào, nó sẽ là một điều gì hoàn toàn khác.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Ở cuối cuốn Mayta, người kể chuyện cho chúng ta biết nhân vật chính, bây giờ là chủ của một quán rượu, gặp khó khăn trong việc nhớ lại những sự kiện vốn rất quan trọng cho người kể chuyện. Chuyện đó có thực sự xảy ra không? Người đàn ông đó có thực sự hiện hữu?

 

VARGAS LLOSA

Có, ông ấy có thật, mặc dù không chính xác như cuốn sách mô tả. Tôi đã thay đổi và thêm thắt rất nhiều. Nhưng phần lớn, nhân vật đó tương ứng với một người trước kia từng là một chiến sĩ theo phái Trotsky và đã bị bỏ tù vài lần. Tôi có ý tưởng cho chương cuối cùng khi nói chuyện với ông ấy và ngạc nhiên khi thấy rằng quãng thời gian mà tôi xem là quan trọng trong cuộc đời ông ấy thì nó lại là thứ yếu đối với ông ấy — một cuộc phiêu lưu trong những cuộc phiêu lưu của một cuộc đời chìm nổi. Trong suốt buổi nói chuyện, tôi thật sự kinh ngạc khi nhận ra rằng tôi biết nhiều về vấn đề đó hơn ông ấy. Ông ấy đã quên hẳn một số sự kiện và thậm chí có những điều ông cũng chưa từng biết đến. Tôi cho rằng chương cuối cùng là chương quyết định vì nó thay đổi toàn bộ ý nghĩa của cuốn sách.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Xin ông nói về nhân vật Pedro Camacho trong Dì Julia và người viết kịch bản, kẻ đã viết kịch bản truyền thanh nhiều kỳ và bắt đầu lẫn lộn lung tung các cốt truyện với nhau.

 

VARGAS LLOSA

Pedro Camacho không hề có thật. Khi tôi làm ở đài phát thanh vào đầu những năm 50, tôi biết một người đàn ông viết kịch truyền thanh nhiều kỳ cho Đài phát thanh Trung ương ở Lima. Ông ấy là một người có cá tính thật sự, làm việc như một cái máy viết kịch bản: ông ấy viết vô số chương hồi một cách dễ dàng khôn tả, nhưng hiếm khi nào bỏ thì giờ để đọc lại những gì mình viết. Tôi thực sự thích ông ấy, có lẽ vì ông ấy là một nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên mà tôi biết. Nhưng điều thực sự làm tôi kinh ngạc là cả một thế giới bao la dường như thoát ra khỏi ông ấy dễ dàng như một hơi thở; và tôi đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi ông ấy khi ông ấy bắt đầu làm những gì mà Pedro Camacho làm trong cuốn sách. Cho đến một ngày, những câu chuyện ông ấy viết bắt đầu chồng chéo lẫn lộn lên nhau và đài phát thanh nhận được nhiều thư độc giả báo cho họ biết về một số điều bất thường như việc các nhân vật di chuyển từ câu chuyện này sang câu chuyện khác. Điều đó đã gợi ý cho tôi viết Dì Julia và người viết kịch bản. Nhưng dĩ nhiên, nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đã được biến dạng nhiền lần; hắn chẳng dính dấp gì mấy với mẫu người thật ở ngoài đời, ông ấy không hề trở nên điên loạn như nhân vật trong tiểu thuyết. Tôi nhớ ông ấy đã rời khỏi đài phát thanh, đi du lịch... Kết cục ít bi thảm hơn trong cuốn tiểu thuyết nhiều.

 

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Phải chăng cũng có một thứ siêu ngôn ngữ trong cuốn tiểu thuyết hiểu theo nghĩa là Varguitas, nhân vật được xây dựng dựa theo tiểu sử của ông, sống một cuộc đời khôi hài như cuộc đời của hàng loạt các nhân vật của Camacho?

 

VARGAS LLOSA

Gần đúng như thế. Khi tôi viết cuốn Dì Julia, tôi định sẽ kể câu chuyện của Pedro Camacho. Tôi đã đi khá sâu vào cuốn tiểu thuyết thì tôi nhận ra rằng nó bắt đầu trở thành một kiểu trò chơi trí óc và nó sẽ không được khả tín cho lắm. Và, như tôi đã nói lúc nãy, tôi mắc bệnh hiện thực chủ nghĩa. Thế nên, như một đối-điểm của tính chất phi lý trong truyện của Pedro Camacho, tôi quyết định tạo ra tình tiết mang tính hiện thực hơn để có thể cắm neo cuốn tiểu thuyết vào hiện thực. Và bởi vì lúc đó chính tôi cũng đang sống như trong phim truyện tình cảm xã hội -- cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi – nên tôi đưa câu chuyện nhiều tính riêng tư ấy vào và kết hợp với câu chuyện kia, hy vọng có thể tạo nên được sự đối lập giữa một thế giới huyễn tưởng và một thế giới gần như ký sự. Trong quá trình nỗ lực để thực hiện điều này, tôi nhận ra rằng thật là bất khả, vì khi bạn viết một mẩu chuyện hư cấu thì cái cảm giác về tính chất phi thực cứ luôn luôn xen vào trong nó, trái với ý muốn của tác giả. Câu chuyện thật của cá nhân trở nên cũng điên rồ như câu chuyện kia. Ngôn ngữ tự nó có khả năng chuyển hoá hiện thực. Vì thế câu chuyện của Varguitas có những yếu tố tự truyện trong đó và những yếu tố đó đã được thay đổi một cách sâu sắc, bởi sự lây nhiễm của tính chất phi thực, có thể nói như thế.

 

đọc tiếp kỳ [VII]

 

------------------
Dịch từ bản tiếng Anh, “Mario Vargas Llosa, The Art of Fiction No. 120”, Interviewed by Susannah Hunnewell, Ricardo Augusto Setti, Paris Review (Fall 1990, No. 116).

 

 

------------

Đã đăng:

[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Khi còn trẻ, tôi rất mê đọc Sartre. Tôi cũng đọc các tiểu thuyết gia người Mỹ, đặc biệt của thế hệ lạc loài — như Faulkner, Hemingway, Fitzgerald, Dos Passos — nhất là Faulkner. Trong số các tác giả tôi đọc khi tôi còn trẻ, Faulkner là một trong số ít những người vẫn còn có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi chẳng bao giờ thất vọng khi đọc lại ông, như cái cách mà tôi vẫn thỉnh thoảng cảm thấy khi đọc lại Hemingway, chẳng hạn. Tôi cũng sẽ không đọc lại Sartre vào lúc này. So với mọi thứ tôi đã đọc từ thuở đó đến nay, thì tác phẩm hư cấu của Sartre có vẻ đã lỗi thời và đã mất đi phần lớn giá trị của nó... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi chưa bao giờ có cảm giác rằng tôi đã quyết định một cách duy lý, một cách lạnh lùng, để viết một cái truyện. Trái lại, những sự kiện hoặc những con người nào đó, đôi lúc những giấc mơ hay những gì đọc được trong sách vở, bất ngờ bám lấy tôi và đòi hỏi sự lưu tâm. Đó là lý do tại sao tôi nói rất nhiều về tầm quan trọng của những yếu tố hoàn toàn phi lý của công việc sáng tạo văn chương. Tôi tin rằng sự phi lý này cũng phải được chuyển tải đến người đọc. Tôi muốn những cuốn tiểu thuyết của tôi được đọc như cách tôi đọc những cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi không bao giờ biết khi nào thì tôi sẽ kết thúc một câu chuyện. Một mẩu chuyện tôi tưởng chỉ mất vài tháng đôi khi có thể mất vài năm để hoàn thành. Đối với tôi một cuốn tiểu thuyết dường như chỉ hoàn thành khi tôi cảm thấy rằng nếu tôi không kết thúc nó sớm, nó sẽ vượt qua khỏi tôi. Khi đã đạt đến độ bão hoà, khi tôi thấy đã đủ, khi tôi không còn chịu đựng được nữa, thì câu chuyện kết thúc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Lúc đầu có điều gì đó rất mơ hồ, một trạng thái cảnh giác, một điềm báo, một điều gây thắc mắc. Một cái gì đó tôi nhận ra trong cõi mù mịt và chập chờn quanh tôi khiến tôi chú ý, tò mò, và phấn khích, và rồi tự nó biến thành công việc, những thẻ ghi chú, bản tóm tắt cốt truyện. Rồi đến khi tôi có cái sườn truyện và bắt đầu sắp đặt mọi sự việc theo trật tự, thì một điều gì đó rất tản mạn, rất mơ hồ vẫn còn lởn vởn. Giây phút “bừng sáng” chỉ xảy ra trong khi làm việc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Một số người xem văn chương như là một sinh hoạt bổ sung hoặc trang trí cho một cuộc đời vốn dành để theo đuổi những thứ khác hay thậm chí như một cách để đạt được thanh thế và quyền lực. Trong những trường hợp đó, có một sự tắc nghẽn, đó chính là văn chương đang trả thù chính nó, nó không cho phép bạn viết với một chút tự do, táo bạo hay độc đáo nào cả. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng việc dấn thân hoàn toàn vào văn chương là điều rất quan trọng... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi nghĩ tiểu thuyết, như một thể loại, thiên về sự thái quá. Nó có khuynh hướng tăng trưởng nhanh chóng, cốt truyện phát triển như một căn bệnh ung thư. Nếu tác giả theo đuổi mọi đầu mối của cuốn tiểu thuyết, nó sẽ trở thành một khu rừng rậm. Tham vọng kể toàn bộ câu chuyện là đặc tính cố hữu của thể loại này. Mặc dù tôi luôn cảm thấy đến một thời khắc nào đó bạn phải giết chết câu chuyện để nó không kéo dài vô tận, tôi cũng tin rằng việc kể chuyện là một nỗ lực để đạt tới cái lý tưởng của cuốn tiểu thuyết “trọn vẹn” ấy... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021