thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thăm mộ ngài

 

Bốn người ghé lại một quán nhỏ bên đường. Đã xế trưa mà nắng vẫn nung nấu. Vừa ngừng xe vào quán, Hạnh đã phải giở chiếc nón bện bằng lát rộng vành đang đội trên đầu phe phẩy quạt. Vài giọt mồ hôi hiện lên trên trán của cô, vai áo ướt. Ba người đàn ông cởi nút áo phanh ngực gọi bia lia lịa. Quán vắng. Họ chia nhau ngồi trên những chiếc ghế đẩu quanh một cái bàn gỗ tạp thấp trống trơn, không khăn bàn, không ly tách. Hạnh vui vẻ nói với ông Khê:

“Em đi ra hướng bắc lần đầu tiên đây.”

“Còn vô nam?” Ông Khê tiếp lời. “Em uống gì?”

“Dạ, nước đá lạnh. Vô nam hả, có chứ, thưa anh. Con đường đẹp ghê!”

Không chờ gọi, chủ quán đang đứng ở quầy hàng gần đấy mang ngay một ly nước đá lạnh đặt trước mặt cô trong khi ba người đàn ông tu bia lạnh từ trong chai. Ông Khê âu yếm nhìn Hạnh nói khẽ:

“Đồng ý, đẹp ghê.”

“Sau này, khi đã vô ở luôn trong Sài Gòn, anh còn có dịp nào đi từ Huế vào Đà Nẵng?” Hạnh hỏi tiếp. “A, em nhớ ra rồi, anh có đi. Có một lần... mấy cái tượng đá trắng anh mua ở Non Nước, Ngũ Hành Sơn. Cho mẹ em, cho em...”

Quang ngồi nghe hai người đối đáp có vẻ sốt ruột nhún vai chen vào:

“Huế Đà Nẵng có xa xôi gì mà không đi, mà nhớ với quên. Cái lối hỏi giả đố.”

“Hay chưa!” Hạnh lườm Quang. “Quên người ta mới hỏi chớ. Giả đố, giả đò gì!”

Ông cười với Quang: “Trước kia, trước 75, mỗi lần ra công tác tại Đà Nẵng, anh đều đáp máy bay từ Sài Gòn ra Huế rồi đi xe hơi từ Huế vô Đà Nẵng. Cốt nhìn lại con đường. Chỉ một đoạn đường không dài lắm mà có đủ cả mọi thứ phong cảnh... đẹp như tranh. Nhất là khi sắp lên ngọn đèo...”

Quang đặt mạnh chai bia đang uống lên mặt bàn, đứng dậy, ngắt lời:

“Đèo Hải Vân chứ gì. Nhưng phong cảnh mà thôi hay sao? Ngang qua Truồi, có dâu, bánh bột lọc, tới Cầu Hai ăn cá, cá dưng, cá dìa, cá mú... Cá Đầm Cầu Hai ngon nhất nước. Lăng Cô thì sò huyết, mực tươi, mực khô. Muốn làm quà cho bạn bè, mua mắm sò, mắm thu. Ngày mai đi Cầu Hai ăn cá biển. Còn giờ thì lên Bạch Mã chơi.” Quang nói nhanh trầm bổng nhịp nhàng.

Hạnh trông tươi như con chim sáo, hai tay thay nhau phe phẩy chiếc nón lát có vẻ chả đem lại chút hơi mát nào, cái vẫy nhanh chậm mạnh nhẹ tuỳ theo nhịp vui trong lòng, reo lớn:

“Ô Bạch Mã, em chưa biết. Đẹp lắm phải không anh Khê? Mà có xa lắm không?”

“Không,” Quang tranh đáp. “Từ các quán ăn ở Cầu Hai đi tới một chút, gặp ngã ba rẽ phải, băng ngang qua ngôi chợ ở dọc con lộ nhỏ, rồi đi thêm một đoạn ngắn nữa là đến chân núi Bạch Mã. Chợ họp tràn lên mặt đường lẫn hai bên đường. Xe cộ muốn qua lại phải chờ dọn dẹp. Dọn rất mau.”

“Rồi từ chân núi lên đến đỉnh?” Hạnh hỏi tiếp.

Quang tay cầm lại chai bia, miệng thao thao: “Thì cũng chỉ khoảng gần 20 cây số là cùng. Lên dốc quanh co. Tới nơi tha hồ mát, mát đến lạnh. Nhiệt độ trung bình trong năm thấp hơn ở Đà Lạt. Rồi tham quan núi, rừng, suối, thác, và hàng ngàn biệt thự... “

“Sức mấy,” Minh lơ đãng ngắt lời. “Hàng trăm thôi!”

Ông im lặng ngồi nghe. Một cảm giác ấm áp nhen nhúm từ khi ông gặp lại mấy người này. Hạnh nói tiếp:

“Hàng trăm biệt thự cũng là nhiều quá rồi. Ai ở trong nớ rứa?”

“Không, không có ai ở trong đó cả,” Quang đáp. “Trước kia, lâu lắm, thời Pháp thuộc, đó là những nhà nghỉ mát của bọn thực dân, vua chúa, quan lại, hay của bọn tư sản bóc lột. Nay hầu hết đều bị phá hủy, cháy sém, có cái chỉ còn trơ nền nhà, nằm lấp ló rải rác trên con đường đèo. Trông thật lạ.”

Tu thêm một ngụm bia, Quang nói tiếp: “Từ nhiều nơi trên đỉnh Bạch Mã nhìn thấy gần hết Đầm Cầu Hai. Nhìn xa hơn, những hôm trời tốt, có thể thấy luôn cả thành phố Huế và những làng quê khác. Đâu đâu cũng... tuyệt vời, rừng vàng biển bạc...Nước ta từ khi...”

Ông kín đáo nhìn Quang, ngẫm nghĩ. Hạnh ngắt lời: “Thôi, tốp bớt đi ông ơi, nói chuyện khác.”

Quang đáp: “Thì chuyện khác. Lẽ ra đi Bạch Mã thì hay hơn, nhưng anh Khê cứ nhất quyết đòi đi thăm mộ, thăm mộ, thăm mộ. Ngày mai Bạch Mã vậy.”

“Ô, mai không được rồi,” ông vội đáp.

Không nhìn ông Khê, Quang nhún vai:

“Anh bận hay vì lý do khác? Nếu vì lý do tài chánh thì... đừng lo. Tôi sẽ trả mọi chi phí ngày mai. Dư xăng!”

Ông hơi ngạc nhiên trước lối ăn nói sỗ sàng của Quang. Hạnh vội chen vào:

“Quang! Hôm nay anh ăn phải cái chi mà ăn nói ba hoa rứa. Ai không biết anh giàu mà phải khai ra.”

“Không ba hoa đâu,” Quang tiếp. “Còn điều này nữa, tôi nói chung chung thôi nhe, không có ý nhắm vào ai cả. Việt kiều về nước rất khoái đi thăm mộ. Chiến dịch về nguồn, về cội, gì gì đó, phải không?”

Minh và Quang là hai anh em ruột, khá nhỏ tuổi hơn ông. Hạnh là vợ của Quang, và là em họ của ông, em họ nhưng rất thân. Khi đến Huế, ông rất vui mừng liên lạc được với vợ chồng Hạnh, và hẹn với Hạnh cùng Quang, Minh đi thăm viếng mấy nơi, và nhất là thăm mộ Ngài khá xa thành phố.

Ông băn khoăn. Ông bắt đầu cảm thấy nơi Quang có cái gì khác lạ, rồi nhủ thầm cũng phải thôi, xa nhau lâu, biết bao thay đổi. Hơi ngần ngại, ông phân trần:

“Anh quên nói cho các em biết rằng hôm nay là ngày chót anh ở Huế. Sáng mai anh đi Sài Gòn, mua vé rồi. Ở trong đó ít ngày rồi đi. Còn chuyện này nữa, chú Quang và anh cứ giành nhau trả tiền ăn tiền uống như từ hôm qua đến giờ thì thật là phiền phức. Cứ để anh lo mọi chi phí. Anh đã dự trù một số tiền cho chuyến về thăm, thì phải tiêu cho hết. Đừng... này nọ, mất vui.”

Minh, vốn ít nói, lên tiếng:

“Đồng ý anh Khê.”

“Thế tao thì sao? Mày có bao giờ đồng ý với tao đâu!” Quang cự nự. “Tại sao vậy?”

“Tại anh rắc rối!”

“A cái thằng! Rắc rối cái gì? Muốn thăm mộ thì đang đi thăm mộ đây này! Mày dẫn đường đó nghe. Mày có lần theo ông bác đi thăm mộ Ngài, phải không? Còn nhớ đường chớ?”

“Được mà,” Minh đáp.

 

Nghỉ ngơi khoảng mươi phút, mua thêm cái bật lửa và bó nhang, mọi người lại lên đường. Ra khỏi quán, như lúc nãy, ông ngồi sau Minh, Quang chở Hạnh. Hai chiếc Honda loại tốt chạy êm trên con Quốc Lộ 1 dưới cơn nắng hừng hực mùa hè. Chỉ một mình Hạnh một tay giữ nón đang đội. Gió thổi ngược, ba người đàn ông đầu trần tóc bay lồng lộng.

Ông cố nén xúc động. Tiếng chim kêu, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng bước chân nặng nề của mấy con trâu đi ven bờ cỏ, tiếng người ơi ới văng vẳng từ xa, cả tiếng gió lùa trong bụi tre, chạy trên cánh đồng, đều biến thành những âm thanh đầy ma lực. Trong không khí, trong tia nắng, ông cảm thấy như cũng có tiếng reo vui, tiếng buồn phiền, lời giận hờn, lời trách cứ. Trong không gian, không khác gì từ bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, vẫn thoang thoảng mùi cỏ cây, hoa trái dịu dàng, mùi đồng ruộng, ao chuôm ngai ngái, mùi rơm rạ nồng nàn, mùi sông nước tràn tề, man mác. Và cả mùi tóc của mẹ ngày xưa trên chiếc gối trắng bây giờ cũng nhè nhẹ bay theo khiến ông biến thành trẻ thơ. Ông muốn những xúc động mà ông đã nén xuống hãy ở thật lâu trong lòng.

Từ Huế ra như trở về quá khứ, ông ngẫm nghĩ, vô như hướng tới tương lai.

Họ phóng xe về phía cầu An Hòa. Cảnh vật cũ ông tưởng đã quên đi nhiều, nhưng không, vùng này ít thay đổi. Vừa qua khỏi cầu An Hòa một quãng, ông sực nhớ một điều, liền bảo Minh và Quang dừng xe lại.

Vẫn còn ngồi trên yên sau của xe, một chân chống đất, tay chỉ về hướng con đường nhỏ và dài rẽ qua trái, ông hỏi:

“Mình theo con đường nhỏ đó là vô làng nào hả các em?”

Quang đáp: “Vùng này làng nào cũng giống làng nào. Tôi không biết.”

Hạnh mau mắn: “Các anh cứ đứng ở đây. Em chạy đến hỏi ông già đang đi đằng kia là xong ngay.”

Ông phân vân: “Khoan đã. Có thể đó là làng La Chữ chăng? Anh nhìn thấy quen quá. Con đường nhỏ tách khỏi quốc lộ, rồi cây cầu bắc ngang qua con hói, cạnh cầu có cái am nằm dưới cây bàng cổ thụ, bên kia cầu con đường đất đá đỏ chạy ngoằn ngoèo giữa cánh đồng lúa vàng...”

Bỗng Minh la lên: “Đúng là làng La Chữ rồi. Anh đi lâu ngày mà còn nhớ, giỏi quá!”

“Minh!” Quang nói to. “Mày có nhớ chắc không?”

“Chắc mà. Em có thằng bạn trung học gốc làng La Chữ rủ em tới đây chơi mấy lần rồi.”

Ông mừng rỡ: “Thế thì ghé thăm La Chữ một chút nhé.”

“Chi vậy?” Quang không sốt sắng. “Bà con mình có người nào ở La Chữ đâu. A, hay là anh Khê muốn đi tìm cố nhân. Bồ cũ ở vùng này hả?”

“Bồ gì mà bồ! Anh có hai người bạn họ Hà Xuân, Hà Thúc hiện ở Mỹ, gốc làng La Chữ. Anh muốn thăm ngôi làng nổi tiếng hay chữ này. Từ đây vô đó cũng không xa mấy.”

Quang vẫn có vẻ không hoan nghênh. Ông giải thích:

“Hôm ở Hà Nội anh cũng định đi Nghĩa Đô thăm giùm cho một người bạn khác. Cuối cùng không đi được. Cho nên lần này phải thăm giùm La Chữ cho hai thằng bạn này.”

“Thăm giùm? Là cái chi? Nghe lạ quá”. Quang nói.

“Họ không về quê được, mình thăm giùm, rồi chụp hình, rồi kể chuyện tào lao cho họ nghe. Vậy thôi.”

Minh vui vẻ:

“Dạ, vô thăm.”

Hạnh phụ họa: “Dạ, vô cho biết. Mà làng La Chữ nổi tiếng... gì hả anh, à hay chữ... là sao?”

“Là học giỏi. La Chữ gần kinh đô Huế. Trường Thi đã được dời về đó trong một thời gian dưới triều Nguyễn.”

“Vào đời vua nào?” Hạnh nhanh nhẩu hỏi tiếp.

“Cuối đời vua Tự Đức hay đầu đời vua gì gì đó khi Tây sắp sửa chiếm Huế. Có lẽ vì vậy Trường Thi phải dời đi khỏi kinh đô chăng, bạn của anh nói như thế.”

“Bạn của anh đoán sai rồi.” Quang hoa tay, nhún vai nói lớn. “Thực dân Pháp nó chiếm Nam Bộ, Bắc Bộ trước. Cuối cùng nó tới chiếm Huế, vua Tự Đức tức quá mà chết. Giai đoạn vua quan Nhà Nguyễn làm mất nước tôi có nghiên cứu kỹ nên biết rõ. Nghĩa là trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng như thế, thì giờ đâu để ông vua gì đó lo việc dời Trường Thi. Bạn của anh sai bét.”

Sao bỗng dưng Quang nó hùng hổ thế, ông thầm nhủ. Ông bỗng như sực tỉnh. Hay là mình vô tình có một vài cử chỉ không thích hợp, cái nhìn hơi bất thường trên khuôn mặt thân yêu đó, chẳng hạn. Xa nhau lâu ngày, ông vẫn cứ nhớ Hạnh cô em họ như hồi mới lớn chưa chồng, đẹp, mái tóc mượt mà che một bên trán, duyên dáng, giọng nói êm ái thủ thỉ, con mắt sáng ngời, dáng đi, dáng đứng, dáng ngồi thanh tú. Ông quay nhìn Quang, một chút ăn năn, rồi vui vẻ, nhẹ nhàng cười với Quang:

“Mà cũng có thể đúng đấy, chú Quang ơi. Người địa phương nói về địa phương của mình thường đúng hơn những gì sách sử để lại. Sử sách nhiều khi là sản phẩm của tưởng tượng.”

“Tưởng tượng?” Quang gặng hỏi. “Mà ai tưởng tượng vậy?”

Ông cười: “Hay nói đúng hơn, do kẻ chiến thắng viết.”

Quang càng hùng hổ:

“Anh cũng chẳng khác gì bạn anh, lầm to. Sử sách của ta từ khi nhân dân cướp chánh quyền luôn luôn khách quan, công bình, vô tư, và sáng tạo.”

Ông buột miệng: “Sáng tạo ra sử mà bảo là khách quan?”

Quang đáp: “Khách quan chứ. Khách quan trong quá trình biện chứng của nó... Vấn đề này còn dài, có dịp ta sẽ nói tiếp. Ngoài ra, nói tới địa phương của mình ai cũng ưa thêm bớt màu mè. Chỉ khi nào thế giới đại đồng, không còn biên giới giữa các quốc gia, và con người trở thành con người mới, không giai cấp, mình vì mọi người, mọi người vì mình, họa chăng... lúc đó... anh hãy tin lời bạn anh.”

Hạnh có vẻ bồn chồn gượng cười:

“Cái nóng sao nó cứ đuổi riết không tha. Đúng là chạy trời không khỏi nắng. Mới dừng xe lại nó đã ập tới ngay. Thôi, thôi, xin hai anh nói chuyện khác đi, nghe Quang!” Quay nhìn ông, cô nói như van lơn. “Anh Khê đồng ý nhé. Mà Trường Thi là cái gì hả anh Khê?”

Ông biết Hạnh không còn lòng nào quan tâm đến chuyện trường thi nữa, nhưng cứ hỏi cho qua chuyện, ông cũng vừa nhận ra cái anh chàng Quang này “kiên định” lắm, khó đối thoại, nên ông trả lời cho có trả lời:

“Là nơi thi cử.”

“Nhưng, thí dụ được chọn làm nơi thi cử phong kiến là một chuyện,” Quang dấm dẳng, “mà người làng ấy cụ thể có học tốt, học đúng đường lối, học tiến bộ hay không, có biết chấn chỉnh sửa sai hay không, có tinh thần tích cực xây dựng hay không, có... có... không sai nguyên tắc hay không, lại là chuyện khác. Đó là qui luật.”

Lạc đề, nói như vẹt, ông nghĩ. Đã thế thử đùa dai:

“Người ta bảo Huế ngày xưa mấy ông hoàng cụ thể học tiến bộ, đúng đường lối và tốt lắm. Ngoài Hoàng Tộc, còn có mấy họ đỗ đạt lớn, làm quan to. Chẳng hạn như họ Hà, họ Thân Trọng, họ Nguyễn Khoa, vân vân. Nhà từ đường họ Hà Xuân, Hà Thúc, đặt tại làng La Chữ. À mà còn câu nói nổi tiếng này nữa, 'Thân không nhà/Hà không dân'.”

Quang phá ra cười: “Không nhà, không dân mà gọi là nổi tiếng! Anh đi lâu ngày quên tiếng mẹ đẻ rồi. Mà nghĩ cũng đúng thôi, quan lại phong kiến làm gì có dân.”

Ông tiếp lời ngay: “Không phải! Câu đó có nghĩa như thế này: người họ Thân Trọng, gốc làng Nguyệt Biều thì phải, không ở nhà tranh, nhà lá, chỉ ở trong những dinh cơ lớn lao, còn người họ Hà làng La Chữ thì hết đời này đến đời khác đều làm quan, không có ai là bạch đinh cả.”

“Quang ơi,” Hạnh nhỏ nhẹ. “Anh hố rồi! Thôi, anh em mình rẽ vô thăm làng La Chữ một tí rồi đi.”

Quang cau có :

“Thăm? Khi về rồi hãy thăm. Bây giờ đi thăm mộ cái đã. Thêm râu ria hoài sẽ rách việc. Làm cái gì cũng phải theo đúng kế hoạch cụ thể, theo đúng qui tắc đã nhất trí từ trước.”

Minh lầm bầm: “Rách việc với nhất trí!”

Quang sừng sộ: “Im đi mày. Phát biểu linh tinh. Nào, đi!”

Nói xong không chờ ai đồng ý, Quang ngồi lại ngay người rồ máy phóng nhanh. Hạnh ngồi sau níu lấy vai Quang la to khoan, khoan, tiếng la chìm trong tiếng máy nổ dòn. Minh nhìn ông Khê. Ông thảng thốt, ngập ngừng trong giây lát, nhìn lại Minh, cười không ra tiếng. Minh phóng xe theo.

Từ đấy, có lúc Quang dẫn đầu, có lúc Minh chạy trước. Chạy hơn nửa tiếng gặp một chiếc cầu khá dài. Ông chồm người tới hỏi:

“Cầu gì đó Minh?”

“Cầu An Lỗ.”

Vừa qua khỏi cầu Minh rẽ trái chạy trên con đường nằm dọc theo một con sông khá lớn. Quang và Hạnh theo sát đằng sau. Ông lại chồm người lên hỏi tiếp:

“Vùng này là vùng nào?”

“Xã Hiền Sĩ. Tới một chút nữa là làng Cổ Bi.”

Những địa danh đó đã ngủ yên ở một góc nào trong trí nhớ của ông nay bỗng thức dậy. Ông nhìn con sông xanh biếc có nhiều đoạn chảy khá nhanh – con đường chạy ven theo con sông như không bao giờ tách rời.

“Nước trong ghê, gần như sông Hương. Sông gì đó em?”

“Sông Bồ.”

Bờ sông nhiều đoạn quá cao so với mặt nước, trông như bờ vực. Những cồn cát hoang mọc ven sông hay giữa lòng sông, không một bóng người, không một chòm cây. Đây đó trên sông là năm ba chiếc đò rách rưới, mui khum khum hình bán nguyệt, chiếc đậu, chiếc trôi theo dòng nước trông như những cánh bèo khổng lồ. Bên kia sông, những mái tranh già nua, bé nhỏ, xám xịt phơi mình dưới nắng. Về phía thượng lưu, đồi nọ nối tiếp đồi kia bất tận, và xa hơn nữa, ở chân trời, là những vệt xanh lam nhiều lớp mờ mờ ẩn hiện. Đó là dãy Trường Sơn.

Sông Bồn, sông Bồn, ông nhắc đi nhắc lại. Bỗng dưng nhớ những câu thơ thuộc lòng từ thời còn trung học. Ông lẩm nhẩm đọc, cảm thấy nỗi tịch liêu của một thi sĩ sống cả ngàn năm trước thấm vào lòng mình. Rồi ông muốn đọc cho Minh nghe, muốn chia sẻ. Một thứ tình cảm thân thương đối với Minh đã nổi lên trong lòng ông dù Minh và ông không có chút liên hệ bà con nào cả. Thứ tình cảm ấy cũng đã nẩy sinh khi vài tuần trước đây ông cùng người tài xế trải qua mấy ngày ở Hà Nội, Hà Nam, Bình Lục, Yên Đổ. Ông đọc thành tiếng đủ cho Minh nghe:

Sông Bồn gần chốn cát lầm
Lau già trúc cỗi âm thầm quanh hiên
Tiếng chi đấy nghe liền sớm tối
Quyên kêu sầu vượn nói véo von
Hoa xuân nở trăng thu tròn
Một mình tay chuốc chén son ngập ngừng...

“Thơ buồn quá, anh” Minh vẫn cho xe chạy nhanh, quay đầu nói. “Nhưng con sông này là sông Bồ chứ không phải sông Bồn.”

“Gió tạt, anh nghe không rõ.” Mà hai con sông đó chắc cũng tiêu điều như nhau, ông ngẫm nghĩ.

Ông nhớ tới thời còn đi học tại Huế. Loạn lạc liên miên, tai ương dồn dập. Đường sá thường bị đắp ụ, xe cộ thường bị đặt mìn, xe lửa cũng nhý xe hõi. Cho nên ông ít có dịp đi xa thành phố, không biết có con sông Bồ chảy qua đây. Rồi đất nước chia đôi. Tiếp theo là những ngày thanh bình ngắn ngủi, ông lại vào Sài Gòn. Ông hỏi tiếp:

“Hồi nãy nếu không rẽ trái mà rẽ phải, thì tới mô?”

“Sịa.”

“Còn cứ chạy thẳng?”

“Thì tới cây số 27 nơi trước kia có sư đoàn 101 Dù Hoa Kỳ trấn đóng. Rồi tới quận Phong Điền.”

“Tức là giáp ranh với Quảng Trị?”

“Chưa anh. Còn phải qua Phò Trạch, Mỹ Chánh, Diên Sanh, rồi mới Quảng Trị.”

“Em biết rõ lắm.”

“Sau 75 em có đi lao động ngoài Quảng Trị, Đông Hà gần hai năm. Cực nhưng còn đỡ hơn mấy đứa bạn đi tù cải tạo. Hai tháng em đạp xe đạp về Huế thăm nhà một lần.”

Mỹ Chánh! Đại Lộ Kinh Hoàng! Cổ Thành Quảng Trị! Cờ bay, cờ bay! Ông cố nén tiếng thở dài.

Đúng là sông Bồ, trí nhớ trở về dần dần.

 

Hồi đó, lúc chỉ là một đứa bé con, nó đã nghe nói tới con sông Bồ chảy qua quê ngoại là làng Vân Cù, nơi mỗi lần về thăm, nó được mọi người, nhất là cậu mợ, cưng như cưng trứng, cái làng xa xôi ấy luôn luôn gợi những kỷ niệm mơ hồ và êm đềm, nhưng đồng thời cũng ly kỳ, lạ lùng, bí mật, những thửa ruộng hẹp và dài “xanh lè” chạy dọc theo con sông “trắng bạch” như hai con thanh xà, bạch xà trong tuồng hát bội, người chị họ bảo thế, những cây sắn to và cao, anh Phi lớn tuổi hơn nó nhiều, nó không bao giờ quên cái tên đó, phải dùng cuốc chỉa ba cào cho hết mấy lớp đất bên trên để có thể nhổ cây sắn lên còn nguyên hai khoanh củ, không gãy một củ nào, thế mới biết được cái tài nhổ sắn của anh, trông giống như hai nải chuối khổng lồ, sắn người khác nhổ lên chỉ có một khoanh mà có củ bị đứt khỏi gốc hoặc bị cuốc chém, của anh thì còn nguyên, anh Phi chỉ cho coi, đem vô nấu, kêu con nít cả xóm tới ăn không hết, gà cũng ăn no ứ điều, mấy con gà đá cựa dài, chân dài, cổ dài màu đỏ như huyết bầm, lông cụt trụi lụi, đuổi chó hàng xóm chạy re, có khi nhảy cao lên đá o con gái nách rổ đi chợ về, còn đàn ngỗng lông trắng phau ngày thì dọa mổ con nít, đêm thì canh ăn trộm kêu ỏm tỏi báo động, hai con mèo mà anh Phi gọi là linh miêu lông đen hơn than, mắt vàng khè, nuôi không phải để bắt chuột, chuột mô dám bén mảng, mà để bắt chim két, chim nhồng thường bay tới phá mấy cây ớt, mấy cây khế, lũ heo bụng to cạ đất chạy lui chạy tới trong chuồng ướt và dơ và thúi rống lên như bị thọc huyết khi nồi cám heo sôi sùng sục bốc mùi ngai ngái, hôi hôi, nồng nồng, đụn rơm cạnh sân đất cao gần tới đọt cau vừa nóng vừa xót làm chỗ chơi cút bắt, ù mọi, vật lộn của tụi nhỏ có đứa ở truồng, mấy con trâu đen làm việc cả ngày tối về nằm lười nhai cỏ thở phì phò như thổi kèn cạnh bụi tre lá ngà sau vườn kêu kẽo kẹt hoài như tiếng võng đưa, nhưng điều khiến nó ngạc nhiên nhất là nhà cậu mợ cũng như nhà của tất cả mọi người khác trong làng đều có làm bún đem đi bán mọi nơi, bún tươi, bún khô, bún con, bún lá, bún mớ, bún sợi, nhà ai nghèo không có sẵn thịt thà, tôm cá, cứ lấy bún đó trụng cho nóng lên ăn với nước mắm giã ớt tỏi chanh đường cho vào là “tuyệt trần ai”, cho nên đi đâu, làng trên xóm dưới, ngày cũng như đêm, đều nghe tiếng chày đạp giã bột làm bún thùm thụp như thợ dựng cột nhà nện đất, những lúc hễ không có chi chơi, nó chạy tới đứng bên người chị họ chìa chân ra đạp giúp, chị khen nhờ em chị chỉ giơ chân đụng một cái nhẹ là cái chày to tướng cũng phải ngóc đầu lên cao, buông chân ra nó nện mạnh “như trời sập” xuống cái cối bột gạo phía dưới, chị một chân đạp, một tay vịn vào cái sào treo ngang lưng chừng nhà, nó thấp quá vói không tới sào ngang cũng một chân đạp, một tay níu túi áo của chị để đứng cho vững, và rồi là những chuyến đi xa, đi tới làng Triều Sơn coi chằm nón, nón lá, nón quai găng hay nón Gò Găng gốc từ Bình Định, anh Phi nói, tới làng Nam Thanh coi nung gạch, coi khói trắng phun lên trời cao từ ống khói mái lò, đi xa thêm về phía khác sẽ tới làng Hương Cần giàu có, quýt ngọt “như đường phèn”, bỏ ra mấy “trự” là mua được cả rổ, ăn đến rát lưỊi phình bụng, nhưng chưa bao giờ nó được qua bên tê sông Bồ tới làng Phù Lương, nghe nói đó là quê ngoại của ông vua hung dữ, ngang tàng, ghét Tây, ghét Y Pha Nho, nhưng lại thương gái, mê cả tượng đá đàn bà, ngứa tay rờ vô một cái vú đá của bà tiên trên núi Non Nước Ngũ Hành Sơn trong xứ Quảng, vú đó hổ ngươi tịt ngòi luôn, sữa hết chảy, còn lại vú kia nước rỉ đều đều cho đến ngày nay và mai sau, đúng là chân mạng đế vương, nghĩa là chi hè, rứa mà bọn Tây dám cả gan “đổ hô” ông vua mắc bệnh điên để “thỉnh” vua đi mô bên Phi Châu không ai biết, điên thì “mời” vô nhà thương điên chơ răng lại bắt đi xa rứa, Tây ngu, anh Phi “nộp”, mà ông vua con con của ông vua điên ấy sau cũng được đưa đi “sum họp” với vua cha cho tròn chữ hiếu...

 

Thời thơ ấu và quê ngoại nằm luôn trong trí nhớ! Hôm qua ông về quê ngoại. Chiến tranh tàn phá, dân làng chạy tan tác khắp nơi. Tản cư hồi cư. Người cũ thưa dần, người mới thay thế. Tre già măng mọc, bà con không còn một ai. Cậu mợ cũng đã qua đời lâu lắm rồi.

Nhưng sông Bồ vẫn còn đó. Và cùng với sông Hương và sông Ô Lâu ôm ấp lấy Thừa Thiên Huế rồi gặp nhau ở phá Tam Giang trước khi chảy về biển mẹ. Ông bỗng nhớ mấy câu thơ:

Gió khua mái nước nước trôi nhanh
Nắng rải mênh mông sóng dập dềnh
Phá Tam Giang ba con sông biếc
Hẹn gặp nhau rồi ra biển xanh
 
Tháng ba quân Cộng tràn vô Huế
Trôi giạt về đây nghe có em
Mùa khô biển mặn chưa vùi lấp
Bãi cát vàng những gót chân êm...

Này sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu! Có khi nào hờn dỗi nhau không, xin cho hỏi? Cô chị xinh đẹp, duyên dáng, đài các, tiếng tăm vang lừng khắp chốn, hai cô em đơn sơ, mộc mạc, cộc cằn, sống lủi thủi, âm thầm nơi quê xa.

 

“Sắp tới chưa Minh?” Ông hỏi.

“Không còn xa mấy. Mộ ngài ở Hiền Sĩ.”

Minh vừa nói vừa cho xe giảm tốc độ, và quay đầu nhìn kỹ những con đường xóm bên phía phải đổ ra thẳng góc với con đường ven sông Bồ mà Minh đang chạy. Quang chở Hạnh từ đằng sau vượt qua, ngoảnh đầu nói vói:

“Tới chưa? Răng lâu rứa?”

Hỏi thế nhưng Quang vẫn lái xe nhanh không cần nghe trả lời. Con đường trông như con rắn khoan cặp nia, cặp nong rất dài bò qua những lũy tre, những ruộng đồng, làng xóm, có đoạn đã được tráng nhựa đen, có đoạn đá dăm lởm chởm, có đoạn cỏ mọc lan vàng vọt. Thỉnh thoảng gặp những lớp rơm rạ nằm đầy mặt đường, xe cứ việc loạng choạng lăn bánh qua. Ông nói lớn tiếng cho Minh và Quang nghe:

“Chạy cẩn thận! Coi chừng cán lên rơm của người ta!”

“Không sao,” Minh đáp. “Rơm rạ phơi trên đường cốt để xe cán lên cho mau khô.”

Minh bỗng la to chậm lại, chậm lại. Bọn họ rẽ vào một xóm vắng, và dừng xe trước một lều tranh bỏ hoang, dường như là chuồng trâu thì phải.

“Lạ thiệt,” Minh lẩm bẩm. “Qua khỏi hai lùm tre lớn rồi cây bàng là tới mộ Ngài. Sao bây giờ không thấy. Chắc mình lộn xóm.”

Quang cũng vừa dừng xe lại, càu nhàu:

“Mày bảo biết đường mà. Biết cái kiểu gì vậy.”

Minh đáp: “Đừng nóng. Từ từ.”

Mọi người lên xe chạy tiếp. Vào ba xóm nữa cũng không tìm ra. Bỗng Quang bảo:

“Tốp, tốp. Không lộn đâu, Minh! Tao nhớ ra rồi.”

Minh cự nự: “Anh chưa đi thăm lần nào cả thì nhớ cái chi!”

“Mà vẫn nhớ... mới tài,” Quang đáp. “Tao nghe nói, tao nhớ ra rồi, cái mộ ấy chắc là đã bị tụi Mỹ nó cào sạch. Bây giờ đến đây không tìm ra tao mới tin đó là sự thật.”

Ông ngạc nhiên:

“Mỹ cào mộ?”

Mọi người dựng xe cạnh một con đường mòn chạy men theo những khoảnh vườn trồng khoai lang, sắn, bắp, cà tím. Nắng quá, thiếu nước, cành lá vàng cháy, ủ ê. Ông đảo mắt nhìn quanh. Hạnh kiếm được một phiến đá phẳng, ngồi xuống, giở nón ra quen tay vẫy nhẹ. Bỗng Quang bước tới gần ông, nghiêm mặt, nói:

“Anh ngạc nhiên lắm sao? Có điều gì mà bọn Tư Bản không dám làm.”

Hạnh lườm Quang:

“Anh nói ngang xương như rứa ai hiểu nổi. Để em kể cho có đầu có đuôi. Chú Minh lúc đó còn nhỏ chưa biết chi, anh Khê thì ở tuốt trong Sài Gòn ít khi về. Có một độ đánh lớn tại vùng này, vào năm 70 thì phải. Mỹ có đóng đồn gần đình làng Hiền Sĩ. Còn Sư Đoàn Dù của họ đóng xa hơn. Quang, Quang, để em nói cho hết, đừng ngắt lời.”

“Nhưng những chuyện đó em làm sao biết được,” Quang hằn học.

“Đó là chú của em kể cho nghe.”

“Nghe kể, rồi kế lại, lung tung quá. Việc đã xẩy ra hơn 30 năm về trước, nay em nói, chắc gì đã đúng.”

“Nhưng anh cũng thế, cũng chỉ nghe nói lại thôi. Em còn được chú kể cho nghe mà. Hồi đó báo chí cũng có đăng.”

Quang đưa hai cánh tay lên tỏ vẻ thất vọng, định nói thêm. Ông vội can thiệp:

“Thì cứ để cô Hạnh nói cái đã!”

Quang buông tay xuống thọc vào túi quần jeans, đi lui đi tới, đưa mũi giày đá văng mấy hòn sỏi nằm trên đường. Một lớp bụi đỏ bay lờ vờ. Chiều đã xuống. Cơn nắng bớt gay gắt. Cô đứng dậy tránh bụi và làm như không để ý đến thái độ của chồng, tiếp tục câu chuyện:

“Dạ, em xin tiếp. Chú Định, anh Khê nhớ chú Định chứ, lúc ấy là đại úy quân đội Cộng Hòa, đóng ở Phong Điền, không xa Hiền Sĩ là bao. Em kể ngang đâu, à đánh nhau. Du kích thường hay tới núp sau mộ Ngài bắn tỉa vô đồn Mỹ, gây thương vong đủ thứ. Mộ Ngài bề thế, vững chắc. Trong một trận đánh lớn, Mỹ đem máy bay tới dội bom tiêu diệt một số du kích ẩn núp trong khu mộ, rồi sau đó cho xe ủi đất tới san bằng...”

Quang muốn lên tiếng, Hạnh nói át:

“Nhưng Ngài công đức và linh thiêng lắm, chú nói, nên dân địa phương đã tìm được bia mộ của Ngài cất giữ rồi giao lại cho bà con mình. Nay ngôi mộ đã được xây lại đàng hoàng tại vị trí cũ, tuy không to lớn bằng. Với lại giả sử không được xây lại đi nữa, Ngài cũng đã từ lâu đuợc thờ phụng trong Thái Miếu như là vị khai quốc công thần triều Nguyễn. Ngài là con thứ 10 của chúa Nguyễn Hoàng, lập nhiều công trạng, được phong Nghĩa Hưng Quận Vương.”

“Tưởng gì,” Quang đứng lại trước mặt Hạnh, tiếp lời ngay. “Nói loanh quanh cho lắm rồi cũng đi tới chỗ Mỹ cào mộ.”

Ông quay lại hỏi Minh: “Vậy thì vùng này hồi đó là vùng xôi đậu?”

“Nơi nào mà không xôi đậu.” Quang tranh đáp. “Để tui nói cho nghe. Trước đây chiến khu cách mạng nằm sâu trong kia. Cứ theo con đường ven sông Bồ đi vào, rẽ qua phía làng Cổ Bi, đi sâu thêm sẽ gặp suối nước nóng Thanh Tân, nay là khu du lịch có tiếng. Đi thêm mươi cây số nữa sẽ tới chiến khu Hòa Mỹ. Đó là một căn cứ lớn của Cách Mạng. Đó cũng là quê hương của người dân tộc Pahi. Hồi Mậu Thân sau khi tạm rời Huế, bộ đội và những người mới giác ngộ đi theo đều tập trung về Hòa Mỹ trước khi rút lui vào Trường Sơn để bảo toàn lực lượng.”

“Những người mới theo hay bị bắt đi theo?” Minh cười cười.

“Tùy,” Quang gắt. “Muốn biết rõ mày cứ đi tìm những người đó mà hỏi. Chuyện hiển nhiên như thế mà cũng thắc mắc.”

Ông không thể giữ im lặng: “Có lẽ họ đi theo.”

Quang nhìn chừng chừng dò xét. Ông tiếp:

“Vì những người không được cho đi theo, không được cho ở lại, hoặc không chịu đi theo đều đã bị chôn sống trong nhiều mồ tập thể. Cả hàng ngàn nạn nhân bị Cộng Sản chôn sống trong tết Mậu Thân.”

Quang quay ngoắt người trợn mắt nhìn ông, nói như hét:

“Anh nói cái gì, hả?”

Ông nhìn trân trân vào mặt Quang, chưa kịp phản ứng, thì Hạnh đã hoảng hốt nói lắp bắp trong nước mắt:

“Hai anh... hai anh ơi, hai anh nói cái chuyện chi rứa hả hai anh? Nghe em nói đây... hai anh. Mình quá lâu ngày mới được gặp lại nhau như thế này. Gặp một lần... rồi biết có còn gặp nhau lần thứ hai nữa hay không! Thì, thì... Minh ơi, có lẽ Minh đi lộn xóm rồi. Chiều chị một chút đi... đừng đứng ở đây nói qua nói lại nữa! Đi đi hai anh, đi đi Minh. Đi tới thêm một xóm nữa coi thử ra sao. Nghe anh Khê, anh Quang!”

Tiếng nói đầy xúc động ấy có tác dụng như một làn gió mát làm dịu bớt cơn sốt đang chực bùng nổ. Trời tối dần. Minh nhìn ông buồn bã:

“Lỗi ở em. Em cứ ỷ y tưởng rằng không có gì thay đổi nên không lo hỏi trước. Trở lại đây mọi thứ đều khác xưa. Nhà cửa, đường sá, cây cối, lạ hoắc. Đi tìm thêm ở một xóm nữa nghe anh!”

Ông Khê lạnh lùng. Minh lộ vẻ lo âu. Quang như cái bóng lặng câm. Hạnh thỉnh thoảng buông tiếng thở dài.

“Thôi, lần khác thăm,” ông nói như nói cho mình nghe.

“Nhưng mai anh đi rồi,” Hạnh nói giọng nghèn nghẹn. “Em biết anh cần thăm mộ Ngài lắm. Anh là hậu duệ dòng chính của Ngài mà. Cố tìm thêm chút nữa, thưa anh.”

“Thôi, cô Hạnh,” ông đáp. “Tối quá, thấy gì đâu.”

 

*

 

Xa xa con sông Bồ âm thầm thao thức ôm lấy những cồn cát hoang vắng giữa lòng sông. Những chiếc đò rách nát hẳn đã tìm được chỗ đậu qua đêm trên một bến cô liêu nào. Không có trăng. Sao mọc lưa thưa lúc mờ lúc tỏ qua những đọt tre xơ xác ngả nghiêng. Gió từ thượng nguồn con sông thổi về lành lạnh. Chiến khu Hòa Mỹ nằm khuất nơi đâu? Những người thuộc sắc tộc Pahi quanh năm sống bám vào miền đất hiểm trở ấy bây giờ hẳn đã yên giấc ngủ từ khi mặt trời vừa tắt? Dãy Trường Sơn chìm sâu trong bóng tối mịt mùng.

Mấy hôm trước đây ông đã gặp lại một số người tưởng không thể bao giờ gặp lại. Bà con ruột thịt không còn ai, bà con xa cũng thưa thớt, người thì mừng rỡ, kẻ thì nhìn ông bằng con mắt hoặc u ám hoặc lạnh nhạt. Một đứa cháu ông thương nhớ nhiều đã buồn bã nói với ông, “Cháu tưởng chú không bao giờ về chứ, chú... chú đi luôn là phải hơn. Cháu cũng tìm cách đi.” Sao vậy?

Ông lại nghĩ đến bạn bè, bạn học, bạn đồng sự, bạn trong quân ngũ, bạn tù. Phần đông đã đi xa đến nhiều nước khác nhau trên thế giới hay đã qua đời sau biến cố 1975. Chỉ sót lại dăm bảy người sống thầm lặng, cam phận. Còn đối với chánh quyền địa phương? Không ai hỏi ông, không ai gặp ông, và ông cũng không gặp ai cả. Giấy tờ nộp cho công an phường khóm thì đã có mấy đứa em họ lo liệu cho hết. Ông có cảm tưởng mình là con đà điểu nếu gặp khó sẽ dúi đầu xuống cát.

Và bây giờ trước mắt là Quang. Và khuất mắt dường như luôn luôn là những săn đuổi, rình rập, vô hình. Và gì nữa? Và những đổi thay lớn mà ông không thể và không muốn chấp nhận.

 

Từ một ngọn đồi thấp ông quay nhìn về hướng thành phố Huế. Có ánh đèn sáng lên một vùng. Có dáng núi đồi quen thuộc. Có dòng sông chảy mãi trong ông dù ông lưu lạc ở phương trời nào. Phải chăng tất cả còn đó? Hình như không phải thế. Tất cả có lúc như nắm cát khô trong lòng bàn tay chực vuột ra khỏi những ngón tay ngày càng gầy guộc.

Nhiều năm trước ông đã bỏ nước mà đi. Ông nhớ một nhà văn người Đức, Bernhard Schlink thì phải, viết đại khái đào thoát không chỉ là bỏ đi mà còn đến một nơi nào đó. Nay ông lại trở về chốn cũ nhưng không phải để ở. Homecoming! Odysseus! Có thể nào hai lần tắm trên cùng một dòng nước. Ông lại nghĩ đến ngôi nhà từ đường nơi ngày xưa thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ của ông, nơi ông cất tiếng khóc thứ nhất chào đời, nơi tung tăng tuổi ngây thơ, nơi đã bị cháy sém một phần và bị chiếm cứ. Nay nó nằm đâu? Hay nó đã nằm trong mộ phần của tâm hồn lâu lâu trở mình dậy ngóng chờ.

Vâng, về nhìn lại.

Rồi đi.

 

 

(Trích từ LƯU ĐÀY và QUÊ NHÀ, Văn Mới, 2002, có sửa chữa.)

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021