thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thời kỳ hậu hiện đại: Một bài thi tốt nghiệp
 
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
 

PAUL HOOVER

(1946~)

 

Paul Hoover là một trong những cây bút hết sức thú vị trong văn chương hậu hiện đại Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản hơn một chục tập thơ, trong đó có cuốn Idea (1987) đoạt giải Carl Sandburg Award. Bên cạnh thơ, ông đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết, Saigon, Illinois (1988), và các tiểu luận của ông được gom lại trong cuốn Fables of Representation: Essays (2004).
 
Paul Hoover còn là một dịch giả và sắp xuất bản cuốn Selected Poetry of Friedrich Hölderlin [dịch chung với Maxine Chernoff] (nhà Omnidawn Publishing dự định xuất bản vào tháng 9 năm 2008); và đặc biệt là ông cũng dịch thơ Việt Nam và sắp xuất bản 2 cuốn: Contemporary Vietnamese Poetry: An Anthology (nhà xuất bản Milkweed Editions), và Thirty-Three Poems of Nguyễn Trãi [song ngữ Việt-Anh, dịch chung với Nguyễn Đỗ, kèm phụ bản nhiếp ảnh của Nguyễn Duy] (nhà xuất bản Văn Hoá, Sài Gòn).

 

____________

 

THỜI KỲ HẬU HIỆN ĐẠI: MỘT BÀI THI TỐT NGHIỆP

 

Đúng hay Sai / Nhiều lựa chọn (mỗi câu 2 điểm)

 

1. Nghệ thuật của thời hậu hiện đại là:

     a. tối giản

     b. huyền bí

     c. lập dị

     d. hậu văn tự

     e. tất cả những điều trên

 

2. Kịch bản phim vận hành theo tốc độ của sự chú ý; tiểu thuyết theo tốc độ của lịch sử; thi ca theo tốc độ của huyền thoại; huyền thoại theo tốc độ của thời gian.

 

3. Quá khứ thì có điều kiện, tương lai thì tuyệt đối, hiện tại chấp nhận sự thương lượng.

 

4. Quá khứ thì vô phái tính, tương lai thì bất lực, hiện tại đang được giải phẫu.

 

5. Sự quá độ do cảm tính dẫn dắt.

 

6. Viết càng gần với lý thuyết, càng mang tính tự sự.

 

7. Không có ngôn ngữ, thế giới sẽ biến mất.

 

8. Đối với sự tự nhiên thì sự thật là điều chán ngắt.

 

9. Nhiếp ảnh dựa vào cái khác thường.

 

10. Một bức ảnh polaroid chụp cảnh tuyết thì nhiều chất thơ hơn chính là tuyết.

 

11. Thơ nói láo ít hơn.

 

12. Mỉa mai là lối nguỵ trang khéo nhất.

 

13. Những trái táo không còn ai hiểu nữa.

 

14. Âm nhạc quảng chúng nhất thì giống văn chương; văn chương ẩn mật nhất thì giống âm nhạc.

 

15. Không có khác biệt giữa một sự chế tài và một mỹ học.

 

16. Nghệ thuật dở thì nằm trong cốt lõi của ý niệm khoái cảm.

 

17. Không có sự độc tài nào như sự độc tài của “cái mới.”

 

18. Những nhà thơ xuất sắc nhất của nghệ thuật tiền vệ là những kẻ phản bội sứ mạng của nó nhiều nhất.

 

19. Thơ là khoa học của sự phi lý.

 

20. “Giọng nói thều thào làm biến mất một nơi chốn có thực.” (Greil Marcus)[1]

 

21. “Cái mới toanh vừa xuất hiện thì đã cũ mòn cả rồi.” (Vincent Canby)[2]

 

22. Câu trả lời cho những vấn đề của Hoa Kỳ là:

     a. Những chương trình tạo ra nghèo đói để làm giàu cho tập đoàn

     b. Những phát ngôn viên chuyên bôi trắng sự đa dạng của tập đoàn

     c. Những liều thuốc giải độc toàn thân khi uống quá nhiều cà-phê kem

 

23. Sự tái điệp bất tuyệt thì mang tính cân phương cổ điển, chẳng hạn như âm nhạc của Philip Glass.[3]

 

24. Những người mẹ thì trong suốt, những người cha thì mờ đục.

 

25. Tương lai xán lạn cho những ông da trắng đã chết.[4]

 

26. Quyền uy của mặt trăng thì đang sa sút.

 

27. Điều nào đúng hơn?

     a. “Nguồn gốc của mọi sự viết lách là cảm giác nhàm chán” (Marguerite Duras).[5]

     b. Nguồn gốc của mọi cảm giác nhàm chán là sự viết lách.

 

28. Sự tưởng tượng thì mang tính thị dâm.

 

29. Không có gì ít bắt chước hơn một tấm gương soi.

 

30. Sự bình đẳng của cái tầm thường đã được hoàn thành.

 

31. Chọn một:

     a. “Mỗi hình ảnh là một điểm dừng do trí óc tạo ra giữa hai sự bất định” (Djuna Barnes).[6]

     b. Mỗi bức nhiếp ảnh là một điểm tạm dừng giữa hai sự vĩnh cửu.

 

32. Điểm sâu sắc nhất của sự chú ý trong thời hậu hiện đại là nút bấm tạm dừng trên chiếc máy thu hình video.

 

33. Xem truyền hình là một kinh nghiệm mục vụ.

 

34. Vẻ đẹp của sự đánh lừa thị giác thì cũng giống như cuộc sống, nó đẹp khi nó bắt đầu tàn tạ.

 

35. Sự khoa đại thì cần thiết cho bất kỳ một thứ mỹ học nào.

 

36. “Không một tư tưởng lớn nào mà sự ngu xuẩn lại không thể ứng dụng cho riêng nó” (Robert Musil).[7]

 

37. Những nhà văn vĩ đại nhất thì có những nhân vật tệ hại nhất.

 

38. Tương lai không phải là cái mà nó đã từng là.

 

39. Hoa Kỳ thiếu một nền văn hoá dân gian.

 

40. Các sự vật đều vô dụng nếu thiếu những ẩn dụ của chúng.

 

41. Lý thuyết đã hoàn tất sứ mạng của nó.

 

42. Các nhà khoa học và kỹ sư là những thi sĩ của thời đại chúng ta; các thi sĩ là kỹ thuật gia văn hoá của thời đại chúng ta.

 

43. Tốc độ của sự chú ý bị thay đổi bởi ngôn ngữ.

 

44. Mọi cái “mới” trong văn chương đều có cái tiêu bản chính xác của nó vào năm 1898.

 

45. Sự nhảm nhí đã từng là một ý niệm mang tính độc sáng.

 

46. Cách duy nhất để “minh xác” một bài thơ là thí nghiệm nó lên hệ thần kinh của một người nào đó; về điểm này, nó giống như tình dục vậy.

 

47. Chỉ kẻ nghèo mới có các thánh thần; chỉ kẻ giàu mới được cứu chuộc.

 

48. Chủ nghĩa đa văn hoá là gánh nặng của người phụ nữ da trắng.

 

49. Mỗi động lực đều chiếm giữ một hình thức.

 

50. Sự rời rạc chữa lành mọi vết thương.

 
 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Greil Marcus (1945~) là nhà phê bình và nghiên cứu âm nhạc phổ thông đương đại của Hoa Kỳ. Ông viết câu “Giọng hát thều thào làm biến mất một nơi chốn có thực” trong bài “ One Step Back; Singer as Mediator Between Known and Unknown” (đăng trên tờ The New York Times, ngày 2 tháng 3, 1998). Câu này nằm ở cuối bài viết, nhân kể lại đoạn cuối của phim Dead Man, trong đó diễn viên Johnny Depp nằm trên một chiếc bè, hấp hối, thều thào thốt lên tên thành phố “Cleveland”, nghĩa là “không nơi nào cả”. Nguyên văn đoạn ấy như sau:
 
“From the beginning to the very end of ''Dead Man'' — as Mr. Depp lies dying in a skiff, uttering his last words — ''Cleveland'' will mean ''nowhere.'' That's the joke: that the inarticulate voice makes even a real place disappear.”

[2]Vincent Canby (1924-2000), nhà phê bình điện ảnh Hoa Kỳ.

[3]Philip Glass (1937~), một trong những nhà viết nhạc nổi danh nhất của phái “tối giản” (minimalism). Đa số các nhạc phẩm của ông là những mô thức giai điệu cực ngắn được tái điệp rất nhiều lần, với sự biến thiên hết sức tế vi.

[4]"Dead white men" [những ông da trắng đã chết] là một thành ngữ xuất hiện trong thời hậu hiện đại, nhằm chế giễu thái độ của loại người chuyên tôn sùng những người đàn ông da trắng đã chết từ những thế kỷ trước (như Bach, Mozart, Beethoven, Shakespeare, Goethe, v.v...) như những vĩ nhân nghệ thuật và văn hoá của nhân loại. Thái độ này không thấy bất cứ người đàn bà hay người da màu nào xứng đáng là vĩ nhân.

[5]Marguerite Duras (1914-1996) là tiểu thuyết gia nổi danh của nước Pháp. Bà cũng là người viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim, và là một nhà đạo diễn phim đầy sáng tạo.

[6]Djuna Barnes (1892-1982), nhà văn nổi danh của Pháp trong những năm 20 và 30 của thế kỷ trước.

[7]Robert Musil (1880–1942), nhà văn xuất sắc của nước Áo.

 

-----------------
Dịch từ nguyên tác Anh văn, “The Postmodern Era: A Final Exam”, trong Paul Hoover, Fables of Representation: Essays (Ann Arbor, MI: University of Michigan Press, 2004) 73-75.
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021