|
Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [18]
|
|
(tiếp theo)
Bí mật của Tiểu Yêu: “Chuyện của em chỉ là muôn mặt đời thường. Nhưng đó là những điều mà em muốn gào thét lên. Nó làm em khủng hoảng bởi vì những gì xảy ra xa lạ với những gì em được giáo dục. Nhưng nó là sự thật. Và nó ám ảnh em bởi vì có lẽ nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai đứa con thứ hai của em: Em không biết bố nó là ai. Bố nó là chồng em hay là người mà em yêu, em thật sự không biết. Có cần phải biết không anh? Sau này nó lớn lên, em sẽ luôn day dứt vì em có lỗi với chồng, nếu đó không phải con anh ấy; có lỗi với người yêu vì tước mất của anh ấy quyền làm cha; có lỗi với con vì nó không được biết bố nó là ai. Để anh hiểu rõ hơn, em là một kỹ sư công nghệ môi trường. Chồng em là một giảng viên đại học, và người em yêu là một đồng nghiệp, một bậc đàn anh trong ngành. Tóm lại cả 3 chúng em có đủ giáo dục có đủ chữ nghĩa, nhưng hình như vẫn gian truân trên con đường đi tìm hạnh phúc thật sự. Em không yêu chồng, ngột ngạt trong cuộc sống chung với mẹ chồng, nhưng đã tưởng sẽ an phận cam chịu với gia đình và đứa con trai xinh xắn. Còn người em yêu khủng hoảng hôn nhân với vợ. Hai chúng em tin rằng chúng em yêu nhau (Em yêu anh ấy, và muốn tin rằng anh ấy cũng yêu em). Giờ đây thì em hoang mang và bất lực. Muốn chia tay với người yêu nhưng đã trót quá gắn bó và nhớ anh ấy. Anh ấy và em cũng không thể ly dị, đương nhiên. Đương nhiên nữa là chồng em không biết gì hết. Và em khủng hoảng. Bi kịch này có xảy ra với nhiều người không? Có lẽ có, nhưng người ta đã vượt qua bằng cách nào nhỉ?” Anh nghĩ mỗi một chọn lựa đều có giá của nó. Cứ trả cho hết cái giá ấy thì xong nợ. Thư của LT: “Vụ “khoai nướng” mà anh cố vấn cho em, có thể nói là còn trên cả tuyệt vời. Em phổ biến cho cả mấy đứa bạn nữa, chúng nó cũng thấy thế và đã, đang và sẽ áp dụng một cách rất sáng tạo anh ạ. Bọn em hết sức thành thật cám ơn anh. Tuy nhiên em thấy vẫn cần anh chỉ cho xem có cách nào giữ khoai nóng được càng lâu càng tốt không? Mà, anh Viện ơi, sao anh không bố trí một số hình ảnh minh họa nữa cho thêm phần sinh động. TB: Em thấy ở Việt Nam mình tràn đầy hội hè và lễ lạt anh nhỉ, hết hội báo lại đến hội thơ, hết 8.3 lại đến 26.3…, thế thì anh vui suốt rồi còn gì”. Muốn giữ cho khoai nóng lâu, anh nghĩ có hai cách: một là cho vào bếp than nướng lại; hai là cho vào lò viba hâm. Cũng đơn giản thôi, phải không? Còn việc nên có hình minh họa cũng là một ý kiến hay. Em chờ anh tìm họa sĩ đã nhé. Trong những thứ hội hè lễ lạt em kể, không có cái nào dành cho anh. Cho nên cũng chẳng có cái gì để vui. Thư em là vui nhất. “Em không có gì bí mật, nhưng thích mail cho anh”, đó là subject trên mail của Tiểu Muội. “Nói em chẳng có bí mật gì cũng không phải. Nhưng bí mật của em chẳng có gì to tát. Nó chỉ là của riêng em thôi. Người ta bảo bí mật là thứ nói ra sẽ chẳng là của mình nữa. (Không là của mình thì của ai?). À, trước khi nói về bí mật của em, hãy nói về truyện của anh đi. Nó là thể loại gì vậy? (Gọi là gì cũng được). Em băn khoăn. Gọi là truyện ngắn ư? (Cũng có thể gọi là truyện ngắn mà dài). Hay truyện mở như anh vẫn nói? (Còn có thể gọi một cách khác: truyện không đóng). Nhưng mà khi đọc em lại thấy gần với tùy bút. (Nhố nhăng ấy mà). Nguyễn Tuân và Nguyễn Viện cùng bắt đầu bằng một chữ Nguyễn nhỉ. (Ừ). Có họ hàng với nhau không đấy? (Không dám). Nếu là tùy bút thì nó phải chân thực chứ anh nhỉ. (Nhiều thằng cha xạo lắm em ạ. Đừng tin). Chân thực như là đi hội đạp thanh mà chẳng gặp được nàng Kiều nào ấy. Nói thế thì “Truyện có thể rất ngắn hoặc rất dài thậm chí rất dai” thuộc loại truyện rồi phải không anh? (Thì anh vẫn gọi nó là truyện). Hay anh không quan niệm như thế mà phân loại theo kiểu: chính truyện, ngoại truyện, biên truyện, sử truyện… như Lỗ Tấn – cái ông viết AQ ấy. Nhắc đến AQ em mới nhớ, hình như em cũng lâm vào cái cảnh tự đánh mình mà cứ nghĩ mình đang đánh một “mình” nào đấy. (Cái này thì ngu thật). Bây giờ nói về bí mật của em nhé. Anh sẽ post nó lên bằng một giọng lạnh lùng: “Bí mật của XXX…” hay là anh sẽ đối thoại với em? (Anh đã đang đối thoại đây). Em thích nói chuyện với anh, hiểu không? (Thưa em, anh hiểu). À, nhưng em chưa thực sự nhiều kinh nghiệm về vấn đề mà anh đang nói rất say sưa trên tienve. Em chẳng phải nhà đạo đức, nhưng những gì liên quan đến tính dục nhiều quá thì em hơi hoảng. (Thế mà anh lại tưởng mình đang nói về một chuyện khác). Em chẳng phải đứa con gái ngoan (May quá), nhưng em còn trẻ quá chăng. (Càng tốt chứ sao). Anh sẽ mail cho em chứ? (Tất nhiên). Hay anh sẽ nói chuyện với em chứ không phải cô người mẫu nào đó với đầu vú dài hơn mấy phân? (Chắc chắn là em chứ không phải một ai khác, bởi vì đầu vú em ngắn, đúng không?). Em đã từng bỏ nhà đi theo người yêu anh ạ. Anh đọc “Khi người ta trẻ” của Vàng Anh chưa? (Anh cũng không nhớ). Em thấy mình sắp như cô gái trong truyện đó rồi, biết về thuốc và lại ham đọc tiểu thuyết, đủ để tự chết ở một nơi nào đó mà không ai phát hiện.(Đừng dại). Chết vì tình anh ạ. (Anh cũng vậy, có thể phụ giang san chứ không phụ mỹ nhân). Nghe có buồn cười không? (Không). Em bỏ nhà theo chàng được bốn tuần thôi. Đủ làm một liều thuốc shock chưa nhỉ? (Chưa nhằm nhò gì). Em chẳng biết. Chàng không bỏ rơi em vậy mà em bây giờ chỉ có một mình. (Cơ hội cho cả anh và em). Em cần người để nói chuyện. Anh có rảnh không? (Anh không rảnh, nhưng được nói chuyện với em thì anh sẽ bỏ bê hết việc nhà việc nước). Thư của Ti: “Tôi đã tình cờ gặp gỡ anh qua những con chữ… Tôi không nhớ mình thích anh từ bao giờ… Anh mang một vẻ lôi cuốn đầy đe dọa…” Bạn Ti quí mến, tôi rất sướng khi nghe bạn bảo tôi “mang một vẻ lôi cuốn đầy đe dọa”, có lẽ tôi phải sắm thêm một cái búa. Tiểu Muội viết tiếp: “Anh trả lời nhanh hơn em tưởng. Vậy mà em lại cứ tưởng lời anh nói nhà tôi nghèo nên chẳng mấy khi dám rong chơi trên “net” là thật. (Anh đâu có xạo). Em ở một thành phố cách Sài Gòn 1h30 bay. Ở đây ồn ã lắm. Và đông người nữa. Và bụi. Nhiều khi đi đường cứ tưởng mình sắp chết chìm trong người và bụi. (Sao em không đeo khẩu trang?). Em hay tự hỏi tại sao nhiều người thế mà em chẳng quen ai cả. Tất cả đều quá xa lạ. (Khi đeo khẩu trang, em sẽ tìm được sự an tâm trong cái thế giới xa lạ ấy). Hôm nay em chẳng vui cũng chẳng buồn. (Đấy là một trạng thái tâm thần ổn định). Em sắp thi một kỳ thi quan trọng. Nhưng em thấy trống rỗng. (Tốt đấy, không sợ đau bụng bất tử trong phòng thi). Nhà chật, ồn. Tiếng máy khoan xoèn xoẹt, tiếng người nói ồn ã, tiếng rửa bát, tiếng nước chảy, đủ loại tiếng, ở đây là chỗ chết của văn chương chăng? (Không đâu, nó làm văn chương thêm phần “âm thanh và cuồng nộ”). Hay là em nhiễm bệnh trọng vật chất của văn sĩ Hoàng, không có một cái bàn đẹp thì không thể viết hay được như ông Vũ Trọng Phụng? (Đúng thế rồi). Em cũng không biết, nhưng em ngủ từ sáng đến tối. (Cái này người ta gọi là lười chảy xác). Em mới dậy và lòm còm bò ra hàng net. Hình như chỉ khi online người ta mới tự tin vì chẳng ai biết mình và mình cũng cóc cần biết thằng nào. (Ờ, mà mình cũng tha hồ chửi bậy). Ở Sài Gòn có gì vui không anh? Hay chỉ có nắng thôi? (Sài Gòn lúc nào cũng vui khi trong túi có tiền. Và lại càng vui hơn khi trời mưa, vì mặc áo mưa cánh dơi tiện lắm, làm cái gì trong ấy cũng không ai biết). Nắng sẽ làm đen da mặt anh ạ. Mà em thì chẳng tin vào mấy cái Pond’s và Hazeline… nên em chỉ dám vào đến Nha Trang thôi. (Đen đen nói vậy chứ mặn mòi hấp dẫn lắm). Em chỉ đi tàu thôi. Tàu Thống Nhất Bắc - Nam. Bọn trẻ con hay ném đá lên tàu lắm anh ạ. (Vui). Nhân viên nhà tàu thì chỉ biết đứng cười trừ thôi. (Chẳng lẽ lại khóc, phải không). Con cái chúng ta giỏi thật! (Cháu ngoan Bác Hồ mà). Em bảo con bạn em: “Tao thích truyện của Chu Thu Hằng”. Nó hỏi mày đọc ở đâu? “Hoa Học Trò”. Nó mắng em là con hâm anh ạ (Đúng quá), trên ấy toàn là lá cải thôi. Bọn chúng nó viết báo để kiếm tiền ấy mà, chẳng có gì là văn chương và thật cả. (Văn chương thì cần gì thật với giả). Nhưng em vẫn thấy “Con tàu cho tình yêu” hay. (Anh chưa đọc Chu Thu Hằng nên không có ý kiến). Anh viết văn vì mình hay vì cần sống? (Cả Tienve, Talawas, Hợp Lưu… chẳng chỗ nào có nhuận bút, thành ra anh viết vì chút danh hão cho đỡ buồn). Viết gì là thật với mình nhất hả anh? (Kể chuyện ông vua cởi truồng).
4.3.2005
(còn tiếp)
---------------- Xem kỳ trước: Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai Em có gì bí mật, hãy mail cho anh Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [3] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [4] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [5] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [6] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [7] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [8] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [9] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [10] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [11] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [12] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [13] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [14] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [15] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [16] Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [17]
Lời toà soạn:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai" là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”. Qua từng email tác giả nhận được từ các “em”, câu chuyện sẽ được viết tiếp, và có thể kéo dài... vô hạn.
"Em có gì bí mật, hãy mail cho anh" là hệ quả tự nhiên của "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai", sau khi tác giả nhận được một số email từ độc giả đáp lại lời mời gọi của ông. "Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]" và những kỳ tiếp theo sẽ có thể làm “truyện mở” này trở nên “rất dài và rất dai“ như tác giả dự đoán.
|