|
Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]
|
|
(Diễm Châu dịch)
Đêm ngày bảy tháng Ba năm 1914, Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ, mộng thấy mình thức dậy. Ông uống một chén cà-phê trong căn buồng ông thuê, cạo râu và ăn vận một cách thanh lịch. Ông khoác chiếc áo mưa, vì bên ngoài trời mưa. Khi ông ra khỏi nhà là vào lúc tám giờ kém hai mươi, và tám giờ đúng ông đã có mặt ở nhà ga, trên nấc thang của con tầu suốt chạy đường Santarém. Tầu khởi hành hoàn toàn đúng giờ, vào tám giờ năm phút. Fernando Pessoa ngồi trong một toa xe nơi đã có một người đàn bà trạc ngũ tuần ngồi, và đang đọc sách. Người đàn bà này là mẹ ông nhưng lại không phải là mẹ ông, và bà đang chăm chú đọc sách. Cả Fernando Pessoa nữa cũng bắt đầu đọc. Hôm đó, ông phải đọc hai lá thư gửi cho ông từ Nam Phi, hai lá thư nói với ông về một thủa nhỏ xa xôi. Ta tựa như cỏ, và người ta đã không nhổ ta lên,* người đàn bà trạc ngũ tuần chợt nói vào một lúc nọ. Câu nói đó thật vừa ý Fernando Pessoa, ông ghi vào một cuốn sổ tay. Trong thời gian ấy, trước mặt họ, trải dài quang cảnh của vùng Ribatejo, với những ruộng lúa và đồng cỏ. Khi họ tới Santarém, Fernando Pessoa thuê một chiếc xe ngựa. Ông có biết một ngôi nhà cách biệt, quét vôi trắng ở đâu không?, ông hỏi người đánh xe. Người đánh xe là một người thấp bé hơi mập, cái mũi đỏ vì rượu. Biết chứ, ông ta đáp, ấy là nhà của ông Caeiro, tôi biết rõ ngôi nhà ấy. Và ông ta quất roi ngựa. Con ngựa bắt đầu chạy nước kiệu nhỏ trên con đường chính hai bên viền cây cọ. Ngoài đồng, người ta thấy những túp chòi bằng tranh, đôi khi có một người Đen đứng trên ngưỡng cửa. Kìa chúng ta đang ở đâu thế? Pessoa hỏi người đánh xe, ông đưa tôi đi đâu? Chúng ta đang ở Nam Phi, người đánh xe đáp, và tôi đang đưa ông tới nhà Ông Caeiro. Pessoa cảm thấy yên tâm, ông ngả người trên lưng ghế. A, thế là Nam Phi đấy, đúng như điều ông muốn. Ông bắt tréo hai ống chân, mãn nguyện và nhìn thấy đôi mắt cá chân để trần của mình, trong đôi ống quần thủy thủ. Ông hiểu ra mình là một đứa trẻ và điều đó khiến ông vui lắm. Là một đứa trẻ đi du lịch qua đất Nam Phi thật là tuyệt. Ông lấy một gói thuốc điếu ra và khoan khoái đốt một điếu thuốc. Ông cũng đưa mời người đánh xe một điếu, người này vội vã nhận. Hoàng hôn rơi xuống khi lọt vào tầm mắt họ một ngôi nhà trắng nằm trên một ngọn đồi lấm chấm điểm những cây trắc-bá. Ấy là một ngôi nhà tiêu biểu của vùng Ribatejo, dài và thấp, có mái nhọn lợp ngói đỏ. Chiếc xe ngựa chạy vào con đường trắc-bá, sỏi đá lạo xạo dưới bánh xe, một con chó sủa nơi đồng quê. Trước cửa ngôi nhà có một bà già nhỏ nhắn đeo mục kỉnh và đội cái nón vải trùm đầu một màu trắng sáng rực. Pessoa nhận ra ngay đây là người bà-cô của Alberto Caeiro và, nhón chân lên, ông hôn bà trên hai má. Đừng làm thằng Alberto của ta mỏi mệt quá, bà cụ già nhỏ nhắn nói, sức khoẻ nó thật yếu kém. Bà cụ tránh ra và Pessoa bước vào trong nhà. Ấy là một gian buồng rộng lớn, đồ đạc bày biện đơn sơ. Có một ống khói lò sưởi, một tủ sách nhỏ, một cái trạn đầy đĩa, một cái trường kỷ và hai chiếc ghế bành. Alberto Caeiro ngồi trên một chiếc ghế bành và ngả đầu về phía sau. Ấy là ông Headmaster Nicolas, giáo sư của ông ở High School. Tôi không được biết Caeiro lại chính là ông, Fernando Pessoa nói, và ông hơi cúi đầu chào. Alberto Caeiro ra một dấu hiệu mỏi mệt mời ông lại gần. Bước tới đi, Pessoa thân mến, ông nói, tôi đã cho vời anh tới đây là vì tôi muốn rằng anh biết sự thật. Đúng lúc này, người bà-cô đem tới một cái khay trên có nước trà và những miếng bánh ngọt nho nhỏ. Caeiro và Pessoa tự lấy các thức và mỗi người cầm một tách nước. Pessoa nhớ lại là không nên đưa ngón út lên, là vì làm như thế không được thanh lịch. Ông sắp xếp ngay ngắn cái cổ bộ đồ thủy thủ rồi đốt một điếu thuốc. Ông là thày tôi, Pessoa nói. Caeiro thở dài, rồi ông mỉm cười. Ấy là một câu chuyện dài, ông nói, nhưng tôi có giải thích dài rộng cho anh chuyện đó cũng vô ích, anh thông minh và sẽ hiểu dù cho tôi có bỏ cách nhiều đoạn. Hãy chỉ cần biết một điều, ấy là tôi, tôi chính là anh. Xin ông hãy giãi bày rõ hơn, Pessoa nói. Tôi là cái phần thâm sâu nhất của anh, Caeiro nói, cái phần tăm tối của anh. Chính bởi thế mà tôi là thày anh. Một tháp chuông, trong khu làng lân cận, điểm giờ. Còn tôi, tôi phải làm gì?, Pessoa hỏi. Anh, anh phải theo tiếng nói của tôi, Caeiro nói, anh sẽ nghe tiếng tôi trong khi thức và trong giấc ngủ, đôi khi tôi khuấy rầy anh, khi khác anh lại không muốn nghe thấy tôi. Nhưng anh sẽ phải lắng nghe tôi, anh sẽ phải có can đảm lắng nghe tiếng nói này, nếu anh muốn trở thành một nhà thơ lớn. Tôi sẽ y lời, Pessoa nói, tôi xin hứa. Ông đứng dậy và cáo biệt. Chiếc xe ngựa chờ ông ở trước cửa. Lúc này, ông lại trở thành người lớn, và hàng râu mép của ông lại đã mọc ra. Ông muốn tôi đưa ông đi đâu đây?, người đánh xe hỏi. Hãy đưa tôi về chốn tận cùng của mộng, Pessoa nói, hôm nay chính là ngày toàn thắng của đời tôi. Ấy là ngày tám tháng Ba, và một ánh sáng rụt rè chiếu xuyên qua cửa sổ của Pessoa.
(trích Mộng của mộng)
------------------------- * Câu này có thể tìm thấy lại dưới một dạng tương tự trong bài sau đây của Álvaro de Campos (một «dị danh » của Fernando Pessoa):
(Ghi trong một cuốn sách bị bỏ lại khi đi xa)
Tôi từ vùng phụ cận Beja tới. Tôi đi vào trung tâm Lisboa. Tôi không mang theo gì hết và sẽ chẳng tìm ra gì hết. Tôi đã mỏi mệt từ trước về những gì mình sẽ không tìm ra, Và nỗi nhớ mà tôi cảm thấy không thuộc về dĩ vãng cũng chẳng thuộc về tương lai. Tôi để lại nơi cuốn sách này dự tính đã tiêu tan của mình dưới dạng có thể đọc được: Tôi tựa như cây cỏ, và người ta đã không nhổ lên. (Chú thích của người dịch)
---------------------- Fernando Pessoa. Sinh và mất tại Lisboa, 1888-1935. Ông mồ côi cha từ nhỏ, và đã được giáo dục tại Nam Phi, nơi dượng ghẻ ông làm lãnh sự của Bồ-đào-nha. Ông luôn luôn ý thức mình là một kẻ có thiên tài và cảm thấy lo sợ trở thành điên như bà nội ông. Ông biết mình là nhiều người, và ông chấp nhận sự việc này trong việc viết lách và đời sống, dành tiếng nói cho nhiều thi sĩ khác nhau, những «dị danh » của ông, mà người thày là Alberto Caeiro, một người có sức khỏe yếu kém, sống với một bà-cô đã già trong một ngôi nhà ở đồng quê vùng Ribatejo. Ông sống cuộc đời làm công cho những xí nghiệp xuất-nhập cảng, phiên dịch thư từ thương mại. Thường hơn cả, ông ngụ nơi những buồng trọ tầm thường. Ông chỉ có một mối tình trong đời, một mối tình ngắn ngủi và nồng nhiệt, với Ophélia Queiroz, người làm thư ký đánh máy ở một trong những xí nghiệp nơi ông làm việc. «Ngày toàn thắng» của đời ông là ngày tám tháng Ba 1914, khi các thi sĩ cư ngụ nơi ông bắt đầu viết qua bàn tay trung gian của ông. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này») ------------------------- Đã đăng: Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"] Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"] Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"] Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]
ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông. Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận. Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.
|