thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [24]
(tiếp theo)

 

“Ba mươi năm trước, sáu mươi ngàn lính và bốn trăm ngàn thường dân, trong đó có em, thất thểu trên con đường 7 từ Pleiku trốn chạy về Tuy Hoà, giữa máu, nước mắt và xác người. Hoang mang và tuyệt vọng. Sợ hãi và kinh tởm. Bi tráng và khốc liệt. Chẳng có từ nào đủ diễn tả đoạn đường kinh hoàng ấy của cuộc giết chóc điên cuồng. Rất nhiều năm sau, mỗi khi nhớ lại, em vẫn khóc. Lúc ấy, anh ở đâu?”. Thư của V.

Anh không ở trần gian hay địa ngục. Chạy trốn sự vô lý mà không có bất cứ niềm tin nào để bấu víu, anh không có chỗ đặt chân trong cuộc chiến tranh ấy. Ngồi trước tấm bản đồ, anh tưởng tượng con đường số 7 đang sụp từng đoạn vì bom mìn. Và những con người bị tung lên tan xác, hoặc gục ngã vì kiệt sức. Trên tay anh quả lắc tán loạn. Cảm xạ học không cho anh tìm thấy em. Ở đâu cũng tán loạn. Nhiều năm sau cuộc chiến tranh ấy vẫn còn tán loạn. Những ngọn đồi trên đường 7 vẫn hoang lạnh. Không ai thắp hương.

“Ba mươi năm sau, em vẫn lưu lạc ở một góc khuất trong cuộc đời anh. Bây giờ anh thế nào?”

Anh vẫn tìm em. Nhờ những người thân quen tìm em. Anh cũng không hiểu được, ngay cả trong những giấc mơ, em vẫn hụt hẫng xa anh.

“Không còn cơ hội nữa anh ạ. Nhưng nếu như có thể nhìn được, anh sẽ thấy em vẫn bước bên anh, cả trong những lúc anh khó khăn nhất”.

Tôi đã nhìn thấy những dấu chân đi cạnh tôi. Đôi khi trùng khít. Những dấu chân có khi to hơn, có khi bé lại. Cảm giác đau đớn ở gan bàn chân như dẫm trên gai nhọn, vẫn không có chỗ cho tôi trên mặt đất. Chúa đã bỏ con. Nguyễn Du kể: “Hai trăm năm trước, tôi bị lưu đày vào đất Gia Định khai hoang. Trồng khoai trên đất giồng, tôi khóc tôi trong từng nhát cuốc. Rồi tôi tự hỏi, liệu sẽ còn ai khóc tôi?”.

Thư của LT: “Thấy anh móc ngón tay út với các em Tây nguyên nhảy múa, em cũng muốn được nhảy với anh”.

Em muốn nhảy với anh kiểu gì? Dưới gốc cây Kơnia, con ngựa có màu lông nâu đậm mượt như nhung nhảy lên lưng con ngựa có màu hung đỏ. Vẻ hoành tráng của cao nguyên đổ bóng xuống đồng bằng. Rễ của cây Kơnia khát nước.

Thư của LT:

“Nhiều lúc em cảm thấy chán bọn người xung quanh. Sao họ vô vị thế không biết. (Anh có nhiều mùi lắm). Cánh đàn ông ăn nhiều nên bụng ông nào cũng to như cái trống, mặt thì bệ ra, mông cũng thế, người toàn mỡ là mỡ, động làm một tí gì mạnh mẽ một chút là thở phì phò như trâu. (Anh cũng vậy). Đã thế lại còn chỉ biết có mỗi việc kiếm tiền, kiếm tiền và kiếm tiền. (Anh cũng thích kiếm tiền lắm, nhưng kiếm mãi không ra, ngày nào cũng mua vé số nằm mộng). Cánh đàn bà cũng chẳng hơn gì. Em nghĩ, hình như ở Việt Nam có bà nào xấu (mà là xấu cả người cả nết) đều xuất khẩu sang đây hết hay sao ấy. (Ngoại trừ em, đúng không?). Nước mình, bảy tám mươi phần trăm dân số sống ở nông thôn, vậy mà ở đây em chẳng thấy bà nào nhà quê cả (tất nhiên rồi, nhà quê làm sao ra nước ngoài được). Bà nào cũng tự nhận mình là người Hà Nội, hoặc chí ít cũng là người thành phố, thị xã, thị trấn… Hà Nội kiểu gì mà bà nào cũng nói ngọng, gặp nhau là choe chóe như hàng tôm hàng cá. Ăn mặc thì như quân giở người, mặt mũi đầu tóc móng chân móng tay xanh đỏ tím vàng. Nhìn bà nào cũng như những khúc dồi di động. (Vui mắt chứ). Mà bà nào cũng tham. Tham ăn, tham uống, tham tiền, đánh hơi thấy ở đâu có mùi tiền là mặt mũi phừng phừng rồi nhảy lồng nhảy lộn lên cứ như những con điên. (Mùi tiền tanh hay thơm cũng quyến rũ lắm, chỉ có thánh mới không nhấp nhổm, em ạ). Hôm qua nhà em có khách. Một ông già hơn sáu mươi tuổi đến chơi với thằng bồ em cả ngày. Hai thằng ăn uống rượu chè be bét bắt tội em phải nấu nướng bưng bê phục vụ tối mặt tối mũi. Câu chuyện kể đi kể lại mãi của ông khách làm em vừa chán vừa buồn ngủ. Tí cái là ông ta lại lải nhải là mắc sai lầm lớn, rằng ở Việt Nam ông ta cũng thuộc loại cán bộ cộp. Nếu đừng vội vàng sang đây thì với cơ chế bây giờ có phải là ăn đủ không. Cứ như ông khách kể thì ông rất tiếc, tiếc đến chảy máu mắt. Bạn bè của ông ta ở nhà bây giờ ai cũng khá lắm. Bổng lộc nhiều, nhà cao cửa rộng, có người xây được cả cái nhà mười tầng ngay giữa trung tâm Hà Nội. Có người có đến mấy nghìn mét vuông đất… Còn ông ta ở đây thì suốt ngày phải rúc trong quán khổ hơn chó. (Anh cũng thấy tiếc cho ông ta. Sách giáo khoa dạy rằng tổ quốc ta giàu đẹp cơ mà. Cho nên anh nhất định không đi đâu, chờ thời cơ, biết đâu chẳng đến lúc tới phiên mình giàu).

Bí mật của Nguyễn Du (trích bản thảo Hồi ký viết dưới Âm phủ):

“Có một cô gái da đen nhẻm nhưng duyên dáng, mỗi lần gánh nước qua rẫy đều mang cho tôi một củ đậu, hoặc một quả nào đó. Tôi nói để trả công, tôi gánh nước giùm cho. Cô ta bảo “khổ thân con khỉ ở lùm, cuốc không lo cuốc lo giùm cho ai” (*). Quả thật, lúc ấy tôi giống khỉ quá. Tôi nói với cô gái, “miệng cô bị méo rồi, để tôi nắn lại cho tròn”. Sau này, mỗi khi muốn tôi hôn, cô ấy lại bảo miệng em bị méo rồi. Những nụ hôn và củ đậu của cô gái làm cho tôi sống sót”.

Đừng đánh thức tôi khi cơn mê muội tới.

Kế hoạch ngũ niên của Hội ái hữu những người yêu Truyện Kiều:

“Nhằm làm cho thế giới quán triệt tinh thần Thúy Kiều, nay Hội khuyến khích việc bán mình chuộc (cái gì cũng được) của mọi người bằng một ý thức trao đổi sòng phẳng, không đạo đức giả cũng không vô luân. Trong vòng năm năm tới, ít nhất mỗi người cần phải bán mình mỗi tháng một lần, dưới hình thức lương bổng hoặc phụ cấp lương thực. Học tập kinh nghiệm làm đĩ của Thúy Kiều, Hội sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho mọi hội viên về các kỹ năng làm giá, chào hàng, tìm hiểu thị trường và ký kết hợp đồng…”

 

2.4.2005

 

-----------------------
(*) Dân ca Nam bộ.

 

(còn tiếp)

 

----------------

Xem kỳ trước:

Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [3]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [4]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [5]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [6]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [7]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [8]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [9]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [10]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [11]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [12]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [13]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [14]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [15]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [16]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [17]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [18]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [19]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [20]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [21]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [22]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [23]

 

Lời toà soạn:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai" là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”. Qua từng email tác giả nhận được từ các “em”, câu chuyện sẽ được viết tiếp, và có thể kéo dài... vô hạn.
 
"Em có gì bí mật, hãy mail cho anh" là hệ quả tự nhiên của "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai", sau khi tác giả nhận được một số email từ độc giả đáp lại lời mời gọi của ông. "Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]" và những kỳ tiếp theo sẽ có thể làm “truyện mở” này trở nên “rất dài và rất dai“ như tác giả dự đoán.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021