thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Quán

 

kịch bản văn học

 

CẢNH 1

Buổi sáng. Quán hẻm bên hè phố với chiếc bàn thấp và những chiếc ghế nhựa, sơ sài. Bàn nào cũng có người ngồi. Có bàn 1 người. Có bàn 2 người. Bàn 3 đến 5 người. Hầu hết là đàn ông. Một người đàn ông dựng xe và bước đến chỗ bàn đã có 4 người ngồi. Ông ta ngó quanh tự tìm cho mình một chiếc ghế rồi ngồi xuống.

 

Khách 1: (nói với người đàn ông vừa mới đến – Khách 5) Đi viếng Bố Già Nam Bộ không?

Khách 5: Ông ấy không phải là người đầu tiên chết và cũng không phải là người cuối cùng. Đi làm cái gì.

Khách 2: Cũng có lý. Đợi tất cả các Bố Già ngủm rồi đi viếng một lần cho gọn.

Khách 5: Bố Già này chết, lại có Bố Già khác xuất hiện. Vẫn có cái gì đó vĩnh cửu luân lưu. Cho nên tốt nhất là không cần phải tiễn biệt bất cứ ai.

(Người chủ quán đến mời nước)

Khách 5: (nói với chủ quán) Cho một Lipton nóng.

Khách 1: Nhưng vẫn cần một nén nhang cho một người tử tế như Bố Già Nam Bộ chứ.

Khách 5: Chuyện tử tế hay không cũng cần phải coi lại. Tao không tin có một thằng Bố Già nào lại tử tế.

Khách 3: Trong trường hợp nó nghỉ hưu rồi thì có thể.

Khách 5: Đó chỉ là một trò điếm.

(Ở bàn bên cạnh có ông khách trẻ ngồi một mình, đang đọc báo. Ông ta ngẩng đầu nhìn người Khách 5, rồi lại cúi xuống chăm chú đọc tiếp).

Khách 2: Làm từ thiện đang là một cái mốt. Lương tâm tỉnh thức về già cũng là một cái mốt để mua một vé cho đời sau. Bọn cơ hội lúc nào cũng biết cách tận dụng lợi thế.

(Người chủ quán bưng nước đến, ông ta định nói một điều gì đó, nhưng khi nhìn thấy ông khách ngồi đọc báo một mình nên thôi.)

Khách 5: Tốt nhất là cứ coi như tụi nó không có.

Khách 1: Làm sao coi tụi nó như không có được khi chúng ta vẫn phải giữ lề luật của bọn nó.

Khách 2: Cứ địt mẹ chúng nó là xong.

Khách 1: Cũng chẳng có cái gì xong. Chửi chúng nó thì cũng chỉ có mình nghe.

(Khách 4 tủm tỉm cười và rít một hơi thuốc, ngửa cổ thả khói lên trời. Có tiếng chuông điện thoại. Khách 5 rút điện thoại trong túi quần.)

Khách 5: (nói điện thoại) Anh đây... Đề tài gì vậy?... Để anh tính, sẽ báo lại em sau... Ok, bye.

(nói với Khách 4) Mày viết kịch bản phim không? Bọn Thiên Hà đặt hàng.

Khách 4: Phim truyền hình hay phim nhựa?

Khách 5: Truyền hình nhiều tập. Mỗi tập 5 triệu. Đề tài cho Teen.

Khách 4: Teen không viết. Tao không thích nhố nhăng. Tao chỉ thích xúi dại thôi.

Khách 1: Để tao viết cho. Ba ngày nữa đưa đề cương.

Khách 5: Ok.

Khách 2: Xét cho cùng, cũng chẳng có nghề nào lương thiện.

Khách 4: Có đấy. Tôi chỉ viết những gì tôi thích.

Khách 2: Ông có viết vì tiền không?

Khách 4: Ở Hollywood người ta viết vì tiền. Ở New York Times người ta cũng viết vì tiền. Ở tạp chí Văn Nghệ, tạp chí Cộng Sản, hay Thanh Niên, Tuổi Trẻ... người ta cũng viết vì tiền hoặc một thứ gì đó hơn cả tiền. Những chỗ đó không có tôi.

Khách 2: Cứ cho là như thế. Nhưng ông viết cũng vì một mục đích riêng nào đó chứ. Mà cái mục đích của ông có chắc là không gây tai hại cho người khác?

Khách 4: Tất nhiên là có thể gây hậu quả, tốt hoặc xấu. Nhưng cục cứt thối không phải là không cần thiết như một bông hoa thơm.

Khách 2: Dù ở lĩnh vực nào. Người ta cần có trách nhiệm với cộng đồng.

Khách 4: Đấy là giáo điều của bọn cai trị. Tôi chỉ muốn người ta nổi loạn.

(Ông khách ngồi đọc báo ở bàn bên cạnh liếc nhìn Khách 4)

Khách 2: Tôi không ủng hộ nhà nước. Nhưng có thể là vô tình, ông có cùng giọng điệu với một phe phái khác. Đó cũng là một cái bẫy.

Khách 4: Không vô tình, cũng không có một cái bẫy nào cả. Vấn đề không phải là có đồng điệu hay không với một phe phái nào đó, mà là có tự do hay không. Và cái tự do ấy cho phép người ta trở nên khác biệt trong khi người ta vẫn có thể có một tiếng nói chung.

Khách 3: Mấy cha cãi nhau chuyện cũ xì. Đây mới là vấn đề mới: Trưa nay kiếm chỗ nhậu không? Lâu quá chưa nhậu.

Khách 1: Nhậu thì nhậu. Ngồi ở đâu?

Khách 3: Vào Dinh Tổng Thống đi.

Khách 2: Ok. Nhưng còn sớm quá. Ngồi đây chút nữa.

Khách 5: Mấy ông đọc bài trên Đàn Chim Việt online chưa?

Khách 2: Có gì hay?

Khách 5: “Bao giờ Trung Quốc tấn công Việt Nam?”. Một bài đáng quan tâm. Đọc xong bần thần cả người.

Khách 1: Vấn đề là thời gian thôi.

Khách 2: Vấn đề lúc nào mà không là thời gian.

(Mọi người cười).

Khách 4: Cầu cho nó đánh. Phải để cho mấy thằng Cộng sản nó dạy nhau thì mới tỉnh ra được.

(Ông khách ngồi đọc báo ở bàn bên cạnh lại liếc nhìn Khách 4.)

Khách 2: Đừng giận mất khôn. Nó đã dạy mấy lần rồi mà có tỉnh ra đâu.

Khách 5: Tôi không hiểu nổi đến giờ này mà tụi nó vẫn bợ đít thằng Tàu.

Khách 3: Chính mấy ông mới cần tỉnh ra đấy. Mấy ông đừng quên thằng Tàu ho là thằng Việt Nam ốm liền.

Khách 4: Ông cũng đừng quên là bọn giặc cỏ Mông Cổ, bọn mọi rợ Mãn Thanh đã từng đạp đầu cỡi cổ người Hán.

Khách 2: Nhưng rồi người Mông Cổ, người Mãn Thanh cũng đã bị Hán hóa. Điều kỳ diệu nhất của lịch sử con người là người thắng trong thời chiến lại thường là kẻ thua trong thời bình. Ở Việt Nam bây giờ cũng đang diễn ra quá trình đảo ngược đó.

Khách 3: Ông có mơ không đấy?

Khách 2: Mặc dù xã hội càng lúc càng suy đồi, nhưng nếu nhìn sâu vào bên trong, chúng ta lại thấy những giá trị cũ của cái vốn bị coi là sản phẩm của cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam đang được phục hồi một cách ngoạn mục. Hay nói một cách khác, chính các giá trị văn hóa xã hội truyền thống của miền Nam cũ đã cứu vớt dân tộc này không nát bét trong cái vực thẳm của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa máu me.

Khách 5: Bọn Cộng sản đã phung phí nhân mạng và thời gian cho sự ngông cuồng ngu xuẩn.

Khách 3: Chửi Cộng sản hoài không chán à?

Khách 5: Cuộc chiến của sự lì lợm. Im lặng là bỏ cuộc. Và người ta chỉ mong có vậy.

Khách 2: Bi kịch nhất của dân tộc Việt Nam ngày nay là hội chứng yêu cái xiềng xích của mình. Và những người tỉnh thức bị coi là dở hơi.

Khách 1: Thôi, lên đường. Đi nhậu cho bớt dở hơi.

(Cả bọn đứng lên rời quán cà phê).

 

CẢNH 2

Quán cà phê tối thui. Những chiếc ghế đôi xếp hàng quay lưng vào nhau và quay lưng lại với khán giả. Người phục vụ cầm đèn pin soi đường dẫn một cặp tình nhân vào ghế ngồi.

Giữa tiếng nhạc êm dịu, bất chợt một tiếng thì thầm: “Nhột em”. Hoặc đôi khi một tiếng rên nhẹ. Khán giả không nhìn thấy gì, chỉ thỉnh thoảng có một cặp đứng lên sửa lại quần áo cho ngay ngắn trước khi rời quán. Cũng thỉnh thoảng lại có một cặp khác vào.

Một ai đó đốt thuốc.

Tâm điểm của sân khấu tập trung vào đốm lửa của điếu thuốc.

Khi điều thuốc tàn. Những tiếng rên của các cô gái lúc làm tình bắt đầu vang lên, từ nhỏ rồi to dần. Và cực đại như một bản hòa ca tràn ngập không gian, cho đến khi bất chợt đèn bật sáng...

 

CẢNH 3

... Người ta chỉ thấy trên sân khấu một quán nhậu. Trên bàn của 5 ông khách quen thuộc, những dĩa mồi đã cạn. Những vỏ chai nằm ngổn ngang dưới đất. Những ly bia đang uống dở...Vẫn có người khách ngồi một mình ở bàn bên cạnh.

 

Khách 1: Quán nhậu cũng như bóng đá, thực chất là cái được chính quyền định hướng để ru ngủ nhân dân. Nó tạo ra ảo giác về tự do và sự thịnh vượng của cuộc sống. Bởi thế không lạ gì người ta thấy quán nhậu tràn lan như hội hè và bóng đá được tôn vinh như phẩm giá dân tộc mặc dù đó là một nền bóng đá què quặt và dơ bẩn.

(Người khách ngồi một mình nhìn Khách 1 với một vẻ căm ghét.)

Khách 2: Quán nhậu là chỗ để người ta chỉ trích, chửi bới chính quyền mà không sợ bị bắt.

Khách 3: Quán nhậu là chỗ để xì hơi sự bất mãn.

Khách 4: Quán nhậu là chỗ để người ta cảm thấy cuộc đời đáng sống.

Khách 5: Vui cũng nhậu. Buồn cũng nhậu. Không vui, không buồn cũng nhậu.

Khách 2: Cô đơn cũng nhậu. Làm ăn cũng nhậu. Gặp bạn gặp bè không thể không nhậu.

Khách 3: Nhậu là làm tình với cuộc sống.

Khách 4: Nhậu là giết người trong mộng.

Khách 5: Nhậu là khí phách nam nhi.

(Một cô gái bước đến, tay cầm ly bia.)

Cô gái: Nhậu là thường tình nhi nữ.

(Cô gái kéo ghế ngồi xuống.)

Khách 2: Ừ, thế mới oách. Cứ nhậu là OK.

Khách 3: Nhậu không cần bao cao su.

Khách 4: Nhậu không cần tính đảng.

Khách 5: Nhưng nhậu cần có tính dục.

Cô gái: (nâng ly) Anh Năm lúc nào cũng có lý.

Mọi người cùng nâng ly: Em là mồi của bọn anh.

Cô gái: Chấp cả 5 anh đó.

(Người khách ngồi một mình nhìn cô gái chăm chăm.)

Khách 4: Ừ, làm tình cũng cần tính đoàn thể mới vui.

Khách 3: Cũng cần tính khủng bố.

Khách 2: Và đếch cần tính truyền thống.

Cô gái: Nhưng nhất thiết phải có lãnh đạo.

Khách 5: Tất nhiên, đó là vai trò của em.

Cô gái: Nhất trí thế nhé.

Tất cả họ cùng nâng ly và hô: Dzô...

Khách 1: Uống rượu, dễ có cảm giác mình là “phần còn lại của thế giới”.

Cô gái: Không uống rượu, em vẫn thấy anh là “phần còn lại của thế giới”. Có lẽ đó là điều khiến em luôn luôn là một fan của anh.

Khách 1: Thật ra, không bao giờ có cái gọi là “phần còn lại của thế giới”. Đó chỉ là ảo tưởng. Cái tính đồng nhất nơi con người mới là thật. Và đó là điều kinh khủng nhất.

Cô gái: Chỉ những người như anh mới nhận ra điều đó. Và nó làm cho anh trở thành “phần còn lại của thế giới”.

Khách 2: Chúng mày muốn tán nhau thì để lúc khác. Mồi là của chung.

Tất cả họ lại cùng nâng ly và hô: Bọn tao là tất cả thế giới. Dzô...

Khách 3: Bọn còn lại là hư ảo. Dzô... (Hắn nâng ly một mình.)

Khách 4: (cụng ly với cô gái) Và mồi bao giờ cũng chỉ là bánh vẽ.

Cô gái: Tội nghiệp anh Tư thiếu đức tin. (Cô gái cầm tay anh Tư đặt lên ngực mình) Mồi thật và sự sống thật.

Khách 5: Hàng hiệu đó.

Khách 4: Cái gì không thuộc về mình thì cái đó không có.

Cô gái: Em đây anh à.

Khách 3: Thằng này nó “mục hạ vô nhân”. Em cho nó biết thế nào là nữ quyền đi.

Cô gái: Em sợ anh Tư choáng.

Khách 4: Thử đi.

Cô gái: Thật chứ không thử.

Khách 4: Coi chừng anh phải bỏ chạy.

Cô gái: Đồ đểu.

Khách 3 (nâng ly): Cái này thì phải... vào.

(Ánh sáng mờ dần rồi tối hẳn.)

 

CẢNH 4

Quán chỉ có một người khách duy nhất ngồi. Chủ quán là một bà già, thỉnh thoảng đi ra đi vào. Khách là một cô gái. Không ra vẻ chờ đợi một ai. Hững hờ. Trước mặt cô là chai bia và gói thuốc. Cho đến khi cô gái hút hết điếu thuốc thứ hai, vẫn chẳng có điều gì xảy ra như người ta có thể chờ đợi.

Bỗng nhiên, những âm thanh xốn xang của xe cộ ngược xuôi đổ dồn đến, tràn ngập khán phòng. Cô gái vẫn ngồi im.

Màn từ từ khép lại.

 

9.9.2008

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021