thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ghi chép về công việc nghệ thuật

 

 

 

 

GHI CHÉP VỀ CÔNG VIỆC NGHỆ THUẬT

Hoàng Ngọc Biên

 

1.

Bản chất của nghệ thuật là tự do. Tự do trong ý nghĩa tuyệt đối nhất. Người ta thường nghĩ đến tự do trong nghệ thuật theo cách đơn giản. Người làm nghệ thuật có khi quan niệm tự do trong công việc của mình theo nghĩa bình thường, điều ấy không sao. Nhưng đồng thời anh ta cần hiểu từ này một cách, nói thế nào đây? — một cách siêu hình hơn. Người làm nghệ thuật nếu hô hoán là vị nhân sinh, cái ấy quả là thiếu khôn ngoan — hiểu theo nghĩa không có lý luận. Bởi vì khoa học ngày nay có nhiều thành tựu vị nhân sinh hay hơn. Nhưng nếu anh ta cứ lải nhải là mình làm nghệ thuật vị nghệ thuật, cái này cũng đặt ra những câu hỏi phức tạp.

 

2.

Nghệ thuật thật ra không vị bất cứ gì. Nó là một phát biểu tự do, nó phải thoát khỏi mọi ràng buộc, không phải phục vụ ai, kể cả phục vụ chính nó. Loại nghệ thuật văn học, hay nói rõ hơn, là loại nghệ thuật dựa vào văn học — nghĩa là phải dùng văn học làm xương sống cho mình — mà chúng ta thường bắt gặp trong hội họa gần gũi với chúng ta không những từ nhiều thập niên nay, mà còn kéo dài đến bây giờ, cần phải tìm một chỗ khác để tồn tại.

 

3.

Đó, nói cho cùng, không phải là nghệ thuật, có lẽ may ra là kết quả của một công việc sản xuất tranh để phục vụ cho chính mình, cho xã hội, hay cho đất nước — để khiên cưỡng tìm cho được một nhãn hiệu xã hội thích hợp với kiểu thời trang giả dối nơi một bộ phận người vẽ tranh, từng kéo dài trong nhiều thập niên. Và tiếc thay, có nơi còn được ca ngợi...

 

4.

Điểm khởi đầu của nghệ thuật là một ý tưởng thẩm mỹ. Mọi chuyện kể đặt để chỉ có thể có nơi người thưởng ngoạn sau đó, không nơi chính tác phẩm. Và không liên hệ đến công việc làm nghệ thuật. Bắt nguồn từ nhận thức qua những cảm xúc, nghệ thuật được hướng dẫn bởi sự sắp xếp của trí tuệ, nói đúng là của một cái đầu tự do bay nhảy trong chính những giai đoạn cảm xúc đó.

 

5.

Nếu có một áp lực đặt ra cho người làm nghệ thuật, áp lực ấy phải là sự sáng tạo. Người làm nghệ thuật không nhất thiết phải biết công việc nghệ thuật của mình sẽ đi đến đâu, nhưng tuyệt đối không ngừng tìm kiếm, dù phải đơn độc tìm kiếm, và tất nhiên dứt khoát không chạy theo những lối mòn đã in đậm dấu chân người khác.

 

6.

Nghệ thuật, nếu có một đặc điểm, đặc điểm ấy ắt phải là tính nghệ thuật cao. Nôm na, đó là cái đầu. Nói có vẻ thần linh, nhưng hãy tưởng tượng trời phú cho chúng ta mỗi người một cái đầu — một cái đầu tự do — để từ đó bay nhảy trong vũ trụ, và cùng với vũ trụ. Mênh mông là thế, mà trong suốt một đời người, sống nghệ thuật, ta đem cái đầu ra để chỉ vẽ lui vẽ tới một tấm tranh vẽ thiếu nữ, khác nhau không phải ở góc độ của cái nhìn, mà chỉ ở cái độ nghiêng vật chất của...  khung tranh. Hãy tưởng tượng chúng ta đã đem vứt bao nhiêu là tự do sáng tạo trong khi làm như thế, mà vẫn cứ lải nhải đòi tự do...

 

7.

Tất nhiên không phải ít cường điệu khi chúng ta thầm hiểu với nhau là tới một mức độ nào đó, có thể nói không có tác phẩm nghệ thuật. Tôi thích nhìn công việc nghệ thuật tạo hình, trong bất cứ giai đoạn nào, đều là những thể nghiệm, cũng có thể gọi là những trò chơi thể nghiệm. Chỗ này, nghệ thuật tạo hình xích lại gần những nghệ thuật khác: nhạc, múa, văn chương, kiến trúc, điêu khắc, kể cả điện ảnh — và kể cả chuyện dịch thuật: mọi kết quả đều có thể được coi là một đề nghị, hay ít nữa trong tình trạng đề nghị. Một công trình nghệ thuật được công bố không bao giờ nên được nhìn như một sự hoàn chỉnh. Thái độ này không làm giảm giá trị của công việc nghệ thuật, trái lại, nó nâng cao cái nhìn của chúng ta về bản chất của công việc ấy.

 

8.

Làm nghệ thuật là một hành động tự chủ. Chẳng cần phải nói xa gần: nghệ thuật trước tiên phải là nghệ thuật cao. Nghệ thuật nào là nghệ thuật cao? Đó là thứ nghệ thuật đích thực tự do, không bị những ràng buộc bức bách, thoát khỏi mọi đòi hỏi từ bên ngoài, kể cả (và nhất là) đòi hỏi ít lương thiện nhất: sự trí thức, hay làm dáng trí thức. Nó là trò chơi, nhưng là trò chơi nghiêm chỉnh của cái đầu trí tuệ luôn trong tư thế tìm kiếm, cân nhắc, và chọn lựa. Từ sự chọn lựa ấy nẩy sinh hai cực đối nghịch của công việc làm nghệ thuật: nó đặt người nghệ sĩ đứng trước những phạm vi, vô số đòi hỏi về liều lượng, nhưng đồng thời mở ra cho người nghệ sĩ những chân trời không có giới hạn. Làm chủ của trò chơi vừa có tính hữu hạn, vừa có tính vô hạn này không phải là dễ, nhưng lao động nghệ thuật (chữ lao động này hoàn toàn không mang ý nghĩa hàm hồ trong tu từ của một vài phong trào nhất thời, mang ý nghĩa hiệu quả xã hội thông thường) đòi hỏi nhận thức này phải là điều kiện tiên khởi của mọi công việc xứng đáng được gọi là làm nghệ thuật.

 

9.

Làm nghệ thuật là một công việc hoàn toàn cá nhân, nên tất nhiên đòi hỏi sự tự tin, và hơn thế, sự dũng cảm. Không, sự dũng cảm nói tới ở đây tuyệt đối không liên hệ đến sự can đảm của những người nghĩ mình đang làm nghệ thuật trong khi họ chỉ sử dụng màu, sao chép có khi là rất vụng về, để làm cho một khoảng trắng không còn là trắng. Một công việc hoàn toàn cá nhân, xuất phát từ một cái đầu cá nhân, độc lập, với những chọn lựa chặt chẽ mà uyển chuyển theo cách riêng, nhưng triệt để nghiêm chỉnh, chân thật, không giả tạo, không vị những hoàn cảnh xã hội (dù đứng từ phía nào) và càng không vị những ý đồ, những đòi hỏi, những mục đích bên ngoài.

 

10.

Nghệ thuật không có những chiến công, không biết thành quả. Nghệ thuật đứng một mình trên hai chân, không loay hoay với những thu lượm trí thức, lấy cái trí thức làm máu nuôi sống mình. Nó hoàn toàn xa lạ với những băn khoăn thành tích, những toan tính xã hội. Khi thoát ra ngoài từ trong bóng tối, nó có khả năng làm cho người ta ngạc nhiên.

 

11.

Người họa sĩ đạt đến ý thức thẩm mỹ qua những giác quan thuộc vật chất. Những giác quan ấy may thay độc lập với mọi thứ toan tính phi nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật ra đời từ ý thức ấy. Nhưng nghệ thuật không nhất thiết phải có một đề tài. Cái thí dụ quen thuộc liên hệ đề tài và tác phẩm nghệ thuật như đường rầy và đoàn xe lửa thật ra không thoát khỏi thói so sánh khiên cưỡng tầm thường, một khi người làm nghệ thuật biết khước từ đề tài, nhưng mặc nhiên chủ động lấy sức sống của phương pháp tạo hình và cái nhìn thẩm mỹ làm đề tài cho mình.

 

12.

Nghệ thuật là một công việc tuyệt đối cô đơn. Không có nghệ thuật nào là nghệ thuật tập thể. Mọi nghệ thuật tập thể đều dẫn đến diệt vong với người này, và sự tự sát đối với người khác.

 

13.

Điều này có thể làm kinh ngạc nhiều nhà lập thuyết và lý thuyết gia: sau khi cố gắng thâm nhập ít nhiều quan niệm và quan điểm liên quan đến sử dụng màu sắc và tạo hình kể từ thời niên thiếu đến nay, trong quá trình làm năm ba chuyện nghệ thuật, tôi không dựa theo những định luật về màu sắc để làm ra tranh của mình. Trong cô đơn và hoàn toàn tự do, tôi đặt lên khoảng trắng một hay những hình thể từ trong cái đầu độc lập và tuyệt đối tự do của mình, bằng màu sắc, và qua những giác quan vật chất, tôi đi tìm một tạo hình thẩm mỹ. Mong điều này không làm phiền lòng ai...

 

Saigon 1977 - Salt Lake City 1993

 

_________________
Tranh ở đầu trang:
Chân dung Hoàng Ngọc Biên, tranh mực tàu của hoạ sĩ Nguyễn Quỳnh, Saigon, VIII/1970.

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021