thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ và nhà thơ

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

MORTON MARCUS

(1936~)

 

Morton Marcus là một nhà thơ Hoa-kỳ. Ông cũng sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông đã xuất bản mười tập thơ và một cuốn tiểu thuyết. Năm 1999 ông được trao tặng danh hiệu Santa Cruz County Artist of The Year, và năm 2007 ông được trao tặng giải thưởng Gail Rich Award vì những cống hiến văn hoá của ông cho Santa Cruz County. Hơn 450 bài thơ của Morton Marcus đã được đăng trên những tạp chí văn học, và tác phẩm của ông (gồm thơ và truyện ngắn) đã xuất hiện trên hơn 85 tuyển tập ở Hoa-kỳ, châu Âu và châu Úc. Ông đã đọc thơ và điều khiển các workshops sáng tác thơ tại rất nhiều trường đại học. Ông đã dạy Văn chương Anh và Điện ảnh tại Cabrillo College suốt 30 năm, cho đến khi ông về hưu năm 1998. Tập thơ gần đây nhất của ông là Pursuing The Dream Bone (Quale Press, 2007).

 

 

THƠ VÀ NHÀ THƠ

 

Một bài thơ nên làm điều gì?

Một bài thơ thành công thì không chỉ nói với cái đầu và trái tim mà nói với cả các tế bào của người đọc, nơi những hạt giống của mục đích của vũ trụ đã được gieo từ nguyên thuỷ, như thể các nhiễm thể của chúng ta đã được xếp đặt như những viên đá lát đường, viên này tiếp theo viên khác, tạo nên những con đường im lặng và vững chắc bên ngoài sự hiểu biết của lý trí. Bài thơ thành công, vì thế, với một loại tri kiến đặc thù, chạm vào từng tế bào khiến từng tế bào ngân lên như một chiếc chiêng đồng, cho đến khi hàng triệu tế bào trong cơ thể người đọc, trong một khoảnh khắc, trở thành một dàn hoà tấu rung động và dâng cao với âm nhạc của nhận thức, một dàn giao hưởng phong phú và nhất quán của vũ trụ.

 

Một bài thơ tạo nghĩa như thế nào?

Các nhà thơ nhận thức rằng ngôn ngữ thì bất xứng để diễn tả những gì họ muốn nói, tuy nhiên, một cách nghịch lý, họ lại chọn ngôn ngữ như phương tiện của họ. Có lẽ vì họ không muốn nói gì cả. Họ chỉ muốn gợi lên bất cứ điều gì họ có thể gợi lên được, chẳng hạn, một tâm trạng, một kinh nghiệm, thậm chí một ý tưởng. Chính nhận thức này khiến họ khởi sự sử dụng ngôn ngữ để diễn tả những gì không thể nói.

Kỹ năng của thi ca là thứ kỹ năng mà qua đó các nhà thơ sử dụng chữ để truyền tải kinh nghiệm: họ không nói bài thơ có ý nghĩa gì, họ cũng không giáo huấn. Họ chỉ trình bày, và đón nhận (hoặc mời gọi) độc giả tham dự vào tác phẩm ngay trong khi đọc.

Thoát khỏi những câu chữ sáo mòn, ngôn ngữ của các nhà thơ bám sát vào những cảm quan: các nhà thơ quan sát thế giới xuyên qua thân thể của họ, bởi vì họ nắm bắt được cái hồn của nhãn giới bên trong làn da của họ. Vì thế, họ sử dụng ngôn ngữ đầy những ấn tượng cảm quan gọi là những hình tượng.

Hình tượng không bao giờ nên dùng để trang trí. Nó phải luôn luôn chứa đựng cái nhìn, luôn luôn uyên áo và dẫn dắt độc giả đến cái kiến quan toàn thể của bài thơ.

 

Chức năng của nhà thơ là gì?

Tôi cho rằng nhà thơ là một kẻ dùng chữ để mang hoan lạc đến cho mọi người. Nhưng nhà thơ cũng giữ một vai trò mang tính xã hội và tinh thần, qua đó, nhà thơ vừa ban phát hoan lạc vừa nhắc nhở cho chúng ta những gì quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nhiều khi đó là những gì chúng ta đã quên hay đã đánh mất từ các truyền thống văn hoá và trong cảm quan về vị trí của chúng ta giữa vũ trụ.

Trong bài thơ, nhà thơ cho phép chúng ta tái khám phá bản ngã tâm linh của mình. Chức năng của nhà thơ là giúp chúng ta nối kết lại với những cảm nhận của chúng ta, hay, trong một ý nghĩa sâu sắc hơn, khai mở cho chúng ta một lần nữa cái “cảnh giới nguyên sơ” — tức là những mục đích của tâm/thân của cả chủng loại con người và của chính cuộc sinh tồn, mà từ căn nguyên đã nằm sẵn trong các nhiễm sắc thể của chúng ta. Có thể nói, không phải chỉ như một giả thuyết, các nhà thơ là những lương y. Bài thơ là phương thuốc của họ. Trong ẩn dụ này, căn bệnh của người đọc là họ không biết, hay đã quên, tại sao họ có mặt trong thế giới này và họ sẽ đi về đâu. Như những lương y của tinh thần, các nhà thơ dùng những bài thơ của mình để trả lời cho những câu hỏi của người đọc, và trong khi làm vậy họ cho phép người đọc trải qua cái kinh nghiệm mà trong đó người đọc có thể bằng tâm linh, một lần nữa, trở về với hoà điệu của vũ trụ.

 

 

----------
Trích dịch từ “Writings On Writing: Musings From Notebooks And Articles” của Morton Marcus, trên website http://www.mortonmarcus.com/STwritings.html. Nhan đề “Thơ và nhà thơ” do người dịch đặt ra.

 

 

Đã đăng:

Chuyện xảy ra trong ngày tảo mộ  (truyện / tuỳ bút) 
... Bạn đang đọc những hàng chữ này như thể tôi đang ngồi đây với bạn, và điều đó đã cho phép tôi bao gồm bạn vào câu chuyện... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021