thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thư gửi một nhà thơ trẻ

Lời toà soạn:

Thư gửi một nhà thơ trẻ là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Rainer Maria Rilke, một trong những nhà thơ hàng đầu thế giới vào nửa đầu thế kỷ 20. Cuốn sách - vốn gồm 10 lá thư Rilke gửi cho Franz Xaver Kappus - đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Riêng bằng tiếng Việt, chúng ta đã có bản dịch của Phạm Công Thiện, dưới tựa đề Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi xuất bản tại Sài Gòn năm 1969, sau, được An Tiêm in lại tại hải ngoại năm 1990. Mới đây, năm 1996, nhà xuất bản Hội nhà văn tại Hà Nội cho in một bản dịch mới của Phạm Thị Hoài dưới tựa đề Thư gửi một nhà thơ trẻ. Nhận thấy những ý kiến của Rainer Maria Rilke có thể giải đáp một số những băn khoăn của những người đang làm thơ hoặc muốn làm thơ, chúng tôi xin đăng lại lá thư thứ nhất từ bản dịch của nhà văn Phạm Thị Hoài.

Paris, ngày 17 tháng hai 1903

Thưa ông,

[...]

Ông hỏi, thơ ông có được không. Ông hỏi tôi. Trước đây ông đã hỏi người khác. Ông gửi thơ đến các tạp chí. Ông so sánh chúng với những bài thơ khác, và ông băn khoăn khi bị những toà soạn nào đó từ chối. Vậy tôi đề nghị ông (vì ông cho phép tôi khuyên) hãy bỏ hết những chuyện đó đi. Ông đang trông cậy vào bên ngoài, mà đấy chính là điều không nên làm trong lúc này.

Không ai có thể khuyên ông và giúp ông, không một ai. Chỉ có một cách duy nhất mà thôi. Ông hãy đi vào chính mình. Hãy truy cứu cái nguyên do khiến mình cầm bút; hãy kiểm tra xem nó có bắt rễ từ chỗ sâu xa nhất của trái tim không, hãy tự thú xem nếu không viết liệu mình có chết nổi không. Và trước hết hãy tự hỏi mình vào giờ khắc tĩnh mịch nhất trong đêm: ta có phải viết không? Ông hãy đào xới trong chính mình tìm câu trả lời tận gốc. Và nếu nó khẳng định, nếu ông có quyền đáp lại câu hỏi nghiêm trọng ấy bằng một lời mạnh mẽ và giản dị rằng “Ta phải viết”, thì ông hãy xây đời mình trên sự tất yếu đó; cuộc đời ông ngay cả trong những khoảnh khắc dửng dưng và tầm thường nhất cũng phải trở thành dấu hiệu và chứng chỉ của sự thôi thúc ấy. Rồi ông hãy đến gần thiên nhiên. Hãy thử làm người thứ nhất nói về những gì mình thấy, mình trải qua và yêu thương và đánh mất. Ông đừng viết thư tình; đầu tiên ông nên tránh những thể loại đã quá thông dụng và quen thuộc: đấy là những thể loại khó nhất, vì sức phải lớn và chín muồi mới đưa ra được một cái gì riêng giữa vô số thành công và phần nào là thành công xuất sắc của người đi trước. Do đó ông đừng bén mảng đến những mô típ chung chung mà hãy lui về với những mô típ do chính ngày thường của mình cung cấp; ông hãy tả những nỗi buồn và niềm mong ước, những ý nghĩ thoáng qua và lòng tin vào một cái đẹp nào đó - hãy tả tất cả với lòng chân thành tha thiết, thầm lặng và nhẫn nhục, và hãy sử dụng mọi vật quanh ông, những hình ảnh trong mơ và những đối tượng của hồi ức làm phương tiện diễn đạt. Nếu ông thấy ngày thường của mình quá nghèo nàn thì xin đừng buộc tội nó; hãy buộc tội chính mình, hãy tự nhủ rằng mình không đủ tầm thi sĩ để gọi ra những tài nguyên của nó; bởi lẽ không có cái nghèo và không chỗ nào là nghèo nàn chẳng đáng đếm xỉa đối với kẻ sáng tạo. Ngay ở trong tù chăng nữa, nơi những bức tường ngăn không cho một tiếng động nào từ thế giới bên ngoài lọt đến, nhưng phải chăng ông còn có tuổi thơ bên mình, nguồn của cải vương giả và huy hoàng đó, kho báu của hồi ức đó? Ông hãy tập trung vào đấy. Hãy tìm cách nhấc lên những sự kiện đã chìm của cái dĩ vãng xa xăm ấy; bản lĩnh của ông sẽ được củng cố, nỗi cô đơn sẽ toả rộng và trở thành một căn nhà mờ tỏ cách xa tiếng ồn của người đời - và khi thơ bật lên từ cuộc hướng nội, đắm mình trong thế giới của riêng mình đó, ông sẽ không còn nghĩ đến việc hỏi ai rằng thơ ấy có được không. Ông cũng sẽ không tìm cách bắt các tạp chí phải chú ý đến thơ mình nữa: bởi lẽ ông sẽ thấy tiếng thơ ấy là tài sản tự nhiên, là một mảnh và một giọng nói của đời mình. Một tác phẩm nghệ thuật chỉ được khi nó nảy sinh từ tất yếu. Nguồn gốc phát sinh ra nó chứng tỏ giá trị của nó: không có cách thẩm định nào khác. Vì vậy, thưa ông, tôi không biết khuyên ông điều gì hơn là hãy đi vào chính mình và xem xét lại những chiều sâu, nơi bắt nguồn của cuộc đời. Ở đó ông sẽ tìm ra lời đáp cho câu hỏi rằng mình có phải sáng tạo không. Cho dù lời đáp thế nào cũng xin ông nhận lấy và đừng suy diễn. Rất có thể nó nói rằng ông sinh ra để làm nghệ sĩ. Thì ôn hãy hứng lấy cái nghiệp của mình, và gánh vác nó, gánh vác sức nặng và tầm vóc lớn lao của nó mà không hề hỏi đến thù lao ngoài đời. Bởi lẽ kẻ sáng tạo phải là một thế giới cho riêng mình và tìm ra mọi thứ trong mình cũng như trong thiên nhiên là nơi kết nạp hắn.

Nhưng cũng có thể sau khi hạ bước tìm vào cõi đơn côi và vào chính mình như vậy, ông lại đành từ bỏ ý định trở thành thi sĩ (như đã nói, chỉ cần cảm thấy không viết mà mình vẫn sống được là tuyệt đối không nên cầm bút). Nhưng cuộc hành trình ấy, tôi xin ông hãy thực hiện nó, đã không uổng. Chắc chắn là từ đó trở đi cuộc đời ông sẽ tìm ra những đường đi riêng của nó, và lời tôi chẳng đủ để nói hết lòng cầu chúc cho những nẻo đường ấy được tốt lành, thịnh vượng và rộng dài.

Tôi biết nói gì nữa đây? Dường như mọi thứ đều có lý của nó, và rốt cuộc tôi cũng chỉ biết khuyên ông hãy lặng lẽ và nghiêm trang đi hết sự phát triển của mình. Ông sẽ chỉ làm phiền nó nếu cứ hướng ra ngoài và chờ đợi lời đáp từ bên ngoài cho những câu hỏi mà chỉ có thâm tâm ông trong giờ phút tĩnh lặng nhất may ra mới trả lời được mà thôi.

[...]

Rainer Maria Rilke


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021