thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cứt đái, đừng ngó lơ!

 

CỨT ĐÁI!

Vừa nghe thôi bạn đã khó chịu, xấu hổ, muốn chống đối. Phản ứng của bạn không phải là chuyện nhất thời, của riêng bạn. Nó mang dấu ấn của ký ức tập thể, của dân tộc, của truyền thống. Nó phản ánh một thái độ ứng xử văn minh, văn hoá. Do vậy, nó thuộc phạm trù của mỹ học, của văn hoá, rất đáng bàn, chỉ ngại không đủ sức bàn cho thấu tình, đạt lý đó thôi. Không có đề tài dở, mà chỉ có người viết dở và đôi khi, người đọc dở! Chuyện tôn nghiêm có khi biến thành rác rưởi, và chuyện thối tha, biết đâu, chẳng mở ra những điều thơm tho trong sạch. Mượn hai bài thơ của Sơn Núi, minh hoạ thêm ý này:

Bài một: “Thành tố”

Thơ
Và cứt

Bài hai: “Vấn đề”

Thơ
Hay cứt

Cứt đái thường đi liền nhau vì mối liên hệ gắn bó của chúng. Một, chúng cùng là những chất thải của con người. Hai, chúng thường xuất phát một lượt với nhau. Trong truyện Trạng Quỳnh, có lần quân lính theo lệnh Chúa đến nhà Trạng chuẩn bị đại tiện. Trạng tỉnh bơ bảo chúng bây cứ làm, nhưng Chúa chỉ cho bây đại tiện thôi, đứa nào tiểu tiện ông… thẻo chỗ ấy. Bọn lính kéo nhau chạy về vì chẳng đứa nào có thể chỉ đại tiện mà không tiểu tiện.

Nói cứt đái hẳn nhiên làm lắm người khó chịu. Thông thường, chỗ trang nghiêm, ta cần dùng lối nói tránh như tiếng lóng hoặc các uyển ngữ, nhất là trong văn chương, không nên nói huỵch toẹt như thế, rất sỗ sàng…

Người có học nói là phân, người bình dân nói cứt. Đái, là nước tiểu. Khi nói đến những hành động bài tiết cũng là vấn đề phải cân nhắc. Đi ỉa, được thay thế bằng đi đại tiện, đi cầu, hay đi ị. Đi đái, gọi đi tiểu, đi “lấy nước trong mình tôi ra”, hay như một nhân vật trong vở kịch của nhà soạn kịch lừng danh Pháp Molière: “Tôi xin được phép đi đến nơi mà đức Hoàng Thượng cao quý của chúng ta phải đi bộ mới tới”.

Về việc dùng uyển ngữ để thế cho chữ cứt đái, xin đọc đoạn viết sau, trích từ sách sử, có tính chất tham khảo:

Toàn thư khi nhắc đến biến động đảo chính và phản đảo chính năm 1150 nhằm lật đổ quyền thần Đỗ Anh Vũ, cho biết nhân vật Vũ Đái đã bị mắng là Vũ “Cứt”, phải ghi bằng chữ Hán (Việt) là “Cát”, nhân tiện chú thêm lời cho rằng đương thời có dùng chữ “cứt đái” (cát đái). Lời nói trong lúc giận dữ thì không thể “hiền lành, nho nhã” được, và có lẽ chỉ vì tính cách này mà ngày nay ta còn nghe được nhóm từ đó vì hợp với các ông sử quan ưa làm thầy, muốn dạy dỗ vua chúa, triều đình, nên chịu để chúng lọt vào tai, phóng tay làm chứng tích rao giảng. Nhưng tập hợp “cứt đái” của mười thế kỷ trước sao cứ như lời chửi mắng vừa mới nghe lúc nãy, của ai đó quanh quẩn đâu đây? Cho nên ta có quyền suy đoán thêm. Một danh tướng đương thời được nho thần Bắc ghi là Lí Thượng Cát và sử thần ta ghi là Thường Kiệt. Chữ “thượng” thấy trong văn bia đương thời là dùng cho tiếng gọi “thằng”. Qua lời Nguyễn Ánh của thế kỷ XVIII thì “thằng” còn có ý khinh miệt, nhưng ông chủ ruộng trong văn bia Lí 1210 thì hẳn không phải là nô bộc của ai. Vậy “thượng cát” là “thằng Cứt”. Và “thường kiệt” là “thằng Cặt”.

Trong tiếng Anh, tương đương với cứt là chữ “shit”, từ này xuất hiện từ thế kỷ 12 ở vùng Old Norse và thời đế quốc La Mã, có người đã dùng nó rồi.

Ngay trên nước Mỹ, một xứ sở ít điều uý kỵ, cũng có đến bảy từ không được nói trên tivi. Người đầu tiên đề ra việc này là ông George Carlin, phụ trách chương trình hài kịch được yêu thích. Khi đã 71 tuổi, ông tung ra một album, nhan đề Class Clown, trong đó nêu ra vấn đề trên. Trong bảy từ này, năm từ liên quan đến chuyện làm tình, hai từ chỉ chuyện cứt đái: “Shit” và “Piss”.

Dù bị cấm, các từ trên lại có tần số xuất hiện khá cao trên mạng internet. Shit có lẽ là từ được sử dụng nhiều nhất, và hiện nay có khuynh hướng trên tivi, radio, shit ngày càng được nói nhiều, không ngăn được. Người Việt ta thường xem phim Mỹ, ắt biết từ này.

Mặc dù có rất nhiều chữ đồng nghĩa với shit, như là: crap, dirt, dung, excrement, fecal matter, feces, ordure, poop, shite, scat, stool, turd… người ta vẫn chuộng cách nói trực tiếp: “shit”. Shit xuất hiện khá thông thường trong ngôn ngữ đàm thoại ở Mỹ, nhất là khi nó được sử dụng như một thán từ, chỉ điều xấu xa, bực bội, sự bất mãn, ngạc nhiên hay không hài lòng của người nói..

Chữ shit, đáng chú ý hơn, lại rất đa nghĩa, và ở nhiều trường hợp, nó là một mỹ từ, mang nghĩa tích cực, đàng hoàng chớ không có gì bậy bạ hết. Ví dụ “Shoot the shit” là cuộc nói chuyện phiếm thân mật. Trong tiếng lóng, “the shit” có nghĩa là hảo hạng, như “the best”.

Chữ “shit” cũng xuất hiện trong một số nhạc phẩm như “Man in the box” (Người đàn ông trong cái thùng) của nhóm Alice in Chains, trong đó có đoạn “Buried in my shirt”(Vùi trong cứt của tôi). Năm 1980, album Hi Infidelity của Reo Speedwagon , có bản “Tough Guys” ( Những chàng trai cứng cỏi) trong đó có câu: “She think they’re full of shit” ( Cô ấy nghĩ bọn họ đầy cứt) …

Chữ cứt trong tiếng Việt, không tìm thấy trường hợp tương đương. Người Mỹ nhìn nhận vấn đề khoáng đạt, thông thoáng hơn ta? Hay bởi chúng ta quá ghê tởm chất thải này?

Vì sao cứt đái bị ta đối xử khinh miệt như thế? Tại hình dáng? Không phải. So với nhiều thứ khác, như khuôn mặt của những tên độc tài, nịnh thần, sở khanh… cứt vẫn dễ nhìn hơn nhiều.

Tại màu sắc? Không phải. Thực ra thì ngược lại mới đúng, màu chúng đẹp. Thế nên ta so sánh chúng với vàng: “vàng dẻo”. Trẻ con thường nghịch ngợm với cứt, như món đồ chơi, nếu người lớn không ngăn chặn, đôi khi chúng bỏ cả cứt vào miệng. Dân gian tin rằng nằm mơ mà thấy cứt là điềm may, nên mua vé số, bởi màu cứt là màu của vàng. So sánh này không phải chỉ riêng ta mới có. Thực ra nó xuất hiện tại nhiều nơi, vài thế kỷ trước.

Vì chúng vô ích? Cũng không phải. Trong Đông y, phân và nước tiểu là những vị thuốc. Nước tiểu trẻ em, gọi “đồng tiện”, là vị thuốc thông dụng của phụ nữ sau khi sinh. Có dạo dân chúng nước ta xôn xao vì cái gọi là “Niệu liệu pháp”, nước tiểu được dùng cho bá bệnh. Đến thế kỷ 18, tại vài nơi ở Tây phương, có những phụ nữ còn dùng một loại kem làm từ phân để thoa lên mặt, cho rằng có công dụng giúp cho da mịn màng. Với nhà nông, cứt đái là loại phân hảo hạng, có thời ở miền Bắc nhà nào cũng làm hố xí hai ngăn để chứa phân.

Công dụng của chất thải con người, thực không dễ kể hết. Ta sợ chúng, có lẽ chỉ vì mùi của chúng thôi. Chúng khai và thúi, nhưng cũng có người cho rằng đó chính là chỗ rất tài tình của Hoá công; bởi nếu không, con người sẽ có thể dùng chúng như thức ăn lần hai, như, đối với cá tra, chó và côn trùng, chúng luôn là món ăn rất khoái khẩu. Tại Singapore, người ta đã có công nghệ chế biến chất thải tại các nhà vệ sinh công cộng thành loại nước uống sạch có thể dùng được cho mọi người. Báo chí vừa đăng tin cho biết các phi hành gia hiện nay cũng đã có thể uống nước sạch chế biến từ nước tiểu của chính họ, nhờ các nhà khoa học đã thành công trong việc chế tạo máy móc xử lý nước.

Với nhiều loài vật, cứt đái thơm và quyến rũ. Cứt đái có mùi khó chịu chỉ với con người, phải chăng do khứu giác của chính con người có vấn đề?

Một điểm nữa đáng lưu ý, là trong các loài động vật, chỉ duy con người phải làm vệ sinh hậu môn sau khi bài tiết. Loài vật không cần làm chuyện ấy mà không hề có vấn đề gì, chó mèo vẫn có thể ngủ chung với con người mà không làm con người khó chịu. Thêm một bất toàn nữa của loài người, phải không?

Thi sĩ Sơn Núi (Nguyễn Đức Sơn), khác với đồng loại mình, những lúc suy nghĩ trăn trở nhất, anh:

Giữa trưa nằm nghĩ quanh
Thấy đời sao muốn chửi
Nghĩ một kiếp qua nhanh
Buồn buồn móc đít ngửi
(“Tịnh khẩu”)

Mắc đái, đi cầu, với ông dường như vẫn ngập tràn sự thơ mộng và xứng đáng đưa vào cõi thơ:

Làm thơ

Mắc đái là đái
Làm thơ cũng cùng hình thái
Không còn chi để phải nói lại
Trừ cái sự vụ hai trứng dái
Săn cón lên báo giờ quan ngại
Trong khi thơ rụng như cây chín trái
Khôn ngoan ta đưa tay hái
(Nguyễn Đức Sơn, “Làm thơ”, Tịnh khẩu, tr. 53, nxb An Tiêm, 1973)

Đã nói đến chuyện đái, thời phải nói luôn đến chuyện ỉa, cho đủ bộ:

Khách đến
Sao ta hết thiết tha
Ngồi ỉa
Bởi cách gò mối không xa
Không phân biệt nổi người hay ma
Có theo tôn giáo, học thuyết, chủ nghĩa nào không nhỉ
Nheo mắt già nhìn kỹ
Rất hy vọng không phải điếm đĩ
Trên trận đồ văn hoá nội ngoại đảo điên
Để khỡi xướng cho sự ra đời
Bớt suôn sẻ tự nhiên
Của thỏi vàng nhão
Từng bị thi đua tra khảo
Quá tội nghiệp
(“Khách đến”)

Không ít người phê phán cách làm thơ của Sơn Núi khi ông dám đề cập đến những chuyện bẩn thỉu, tế nhị của loài người. Thực ra ông không phải là người đầu tiên, cũng không phải là người duy nhất nói chuyện đó ở trên đời này.

“Càn thỉ quyết”, que cứt khô, từng được các thiền sư thời xưa dùng trong lúc đối đáp với nhau về đạo (trong một công án có thể tìm thấy trong bộ Thiền Luận của Suzuki, tác giả Nhật, bản dịch Trúc Thiên và Tuệ Sỹ). Thời hậu hiện đại, các vấn đề gọi là taboo được khai thác thoải mái, đề cập đến bài tiết hết là chuyện lạ. Đơn cử: “Đả đảo cục cức”, nhan đề một bài thơ của Jenny Trang Lê; ”Cái ị”, tiểu luận của Lê Minh Hà…

? Việt Nam, ông Sơn Núi chỉ đi trước thời đại quá sớm nên hơi cô đơn. Ngày nay, ở nước ngoài, đề tài này đã là chuyện thông thường. Xin giới thiệu vài khuôn mặt tiêu biểu và có nhiều ý tưởng đáng suy ngẫm, quan hệ đến những vấn đề hệ trọng của dân ta.

Nhìn cứt với một thái độ nghiêm trang, với góc nhìn của một nhà khoa học, từ đó phát hiện, lý giải đời sống tinh thần của con người, phát hiện những yếu tố làm nền tảng cho văn minh nhân loại chính là Sigmund Freud, người khai sinh ngành phân tâm học. Trong sưu tập của ông về các giai thoại dân gian của vùng Balkan, có câu chuyện tiếu lâm như sau:

Hai người quí phái đến trọ trong một khách sạn. Họ phải ở chung trong căn phòng của người chủ nhường lại vì tất cả phòng đều có người thuê trong đêm đó. Họ ngủ chung giường vì chỉ có một chiếc giường duy nhất. Trong giấc ngủ, một người nằm mơ thấy hồn ma xuất hiện cầm đèn nến dẫn anh ta đến nghĩa địa của nhà thờ. Khi đến nơi, đèn vụt tắt. Trong bóng tối, hoang mang, bỗng anh ta chợt có ý nghĩ… ị trên nghĩa trang. Vừa làm xong, anh chợt giựt mình thức dậy vì bị người kia đánh trên gò má và quát lên: “Sao mày… ị trên mặt tao?

Những phân tích và lý giải của Freud là tiền đề cho đời sau suy ngẫm về vấn đề chất thải của con người.

Có hai khuôn mặt đáng giới thiệu tiếp nơi đây:

Một là Dominique Laporte, nhà phân tâm học người Pháp, chết năm 1984 lúc mới 35 tuổi, khi còn khá trẻ. Ông là đồng tác giả với Renée Balibar viết tác phẩm Politique et practiques de la langue nationale sous la Révolution française. Quyển này nghiên cứu sự cải cách ngôn ngữ tiến hành nhân danh cuộc cách mạng của Pháp.

Tác phẩm quan trọng nhất của ông là Histoire de la merde (Prologue), xuất bản năm 1978. Dịch ra tiếng Anh bởi hai dịch giả Nadia Benabid và Rodolphe el-Khoiry năm 1993, với nhan đề History of Shit (“Lịch sử của cứt”). Chữ “cứt” là từ tương đương và sát nghĩa nhất của tiếng Việt để dịch “shit” trong tiếng Anh. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi đã bắt buộc phải dùng chữ Cứt hơi phản cảm trong bài viết này. Histoire de la merde (Prologue) bắt nguồn từ những ý tưởng của một số triết gia lừng danh ở Tây phương như Friedrich Nietzche, Sigmund Freud, Georges Bataille, và Michel Foucault, cho thấy sự phát triển những kỹ thuật vệ sinh ở Tây Âu đã ảnh hưởng đến những ý niệm hiện đại về cá nhân. Laporte đã nghiên cứu ảnh hưởng này xuyên qua tiến trình lịch sử của việc đô thị hoá, sùng bái chủ nghĩa quốc gia, trao đổi tư bản, và cải cách về ngôn ngữ. “Lịch sử của cứt” trở thành lịch sử của Chủ quan luận. Tác giả có luận điểm quan trọng, rằng chính cách thức mà con người xử lý chất thải của họ là điều thiết yếu để hình thành bản sắc những cá nhân hiện đại. Bao gồm từ cách tổ chức một đô thị, sự thành lập các nhà nước, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, và nỗ lực thiết lập nên một thứ ngôn ngữ trong sáng, tao nhã. Luận điểm chính của ông là cứt đã được dọn sạch khỏi các đường phố ở Paris cốt để tạo nên một không gian xinh đẹp cho nước Pháp, và ngôn ngữ Pháp cũng đồng thời được thanh lọc để làm đẹp cho các tự sự cộng đồng.

Năm 1539, vua Françoise đã ban một sắc lệnh: các đường phố Paris phải được làm sạch hết cứt. Đạo luật này ngẫu nhiên trùng hợp với nỗ lực của Học viện Hoàng Gia để làm đẹp Pháp ngữ bằng cách loại ra các từ không đẹp, sáo rỗng, để mọi người khi phát ngôn một từ không đẹp, sẽ có cảm giác họ đang tự làm ô nhiễm cái miệng của mình (fear polluting his mouth). Laporte cho rằng việc hình thành một thị hiếu thẩm mỹ chung cho quốc gia là yếu tố thiết yếu khai sinh nên quyền lực chính trị của nước Pháp, làm cho nước Pháp trở thành một đế quốc nghệ thuật.

Julia Kristeva, nữ trí thức Pháp gốc Bungaria, được xem như người ở vùng Balkan nổi tiếng nhất ở Tây phương. Bà đã đến nước Pháp từ 40 năm trước, có một số tác phẩm được các nhà phê bình đánh giá cao như Nations without Nationalism (“Những quốc gia không có chủ nghĩa quốc gia”, 1993), Crisis of the European Subject (“Khủng hoảng của công dân Âu châu”, 2000), và Revolt, She said (“Nổi loạn, Nàng nói”, 2002)…

Bà đã vẽ lên một bức tranh về bản sắc của vùng Balkan, trong đó kết nối với những gì dơ bẫn, ô nhiễm môi trường và tình trạng kém văn minh. Trong tiểu luận “Bulgarie, ma soufferance” (“Bulgaria, nỗi đau của tôi”, in trên tạp chí L’Infini, số 51, 1995) trước thời kỳ cuộc chiến sắc tộc đẫm máu ở Nam Tư trước đây, bà mô tả chuyến về thăm quê hương. Bà than phiền về trình độ thẩm mỹ của cộng đồng, nạn chợ đen, những đống rác đầy ruồi nhặng nhan nhản trên đường phố Sofia, và một thứ ngôn ngữ thô tục trong dân chúng. Theo bà, một nền nghệ thuật tiêu thụ rẻ tiền, một nền kinh tế ngoài pháp luật, nạn tham nhũng tràn lan, và sự đạo văn, sao chép là hệ quả của việc thiếu vắng một thị hiếu nghệ thuật tao nhã, cao đẹp trong cộng đồng. Đối với bà, đó là biểu hiện của một xã hội rối loạn với một bản sắc dân tộc mờ nhạt. Từ đó, bà hình thành một lý thuyết địa-thẩm-mỹ (geo-aesthetics) để phân biệt hai trạng huống xã hội khác nhau. Một, như nước Pháp, nơi mà cộng đồng đã hình thành nên một thị hiếu thẩm mỹ chung và hai, như Bulgaria, nơi đã không có được điều ấy. Ở Pháp, thị hiếu chung đó là sự cư xử lịch sự giữa mọi người với nhau, là cách ăn nói, những tu từ, câu cú, ngôn ngữ giống như nhau. Từ những hậu cảnh khác nhau, nhưng người dân Pháp kết nối được với nhau nhờ ngôn ngữ. Loại ngôn ngữ trong sáng, tao nhã, và văn minh. Từ ngôn ngữ, họ hình thành nên một nghệ thuật sống, sự hoà đồng trong phong tục, và tạo nên cái gọi là thị hiếu thẩm mỹ của dân Pháp. Xuyên qua hệ thống của ngôn ngữ, người Pháp xây dựng nên cho mình những tự sự. Nhờ những tự sự này, họ cùng hướng đến những lợi ích chung của cộng đồng, điều kiện thiết yếu cho một xã hội dân sự và dân chủ bền vững. Ngược lại, “garbage and flies”, rác rưởi và ruồi nhặng trên đường phố, và một thứ ngôn ngữ bị ô nhiễm “polluted Bulgarian language”, là biểu hiện của một cộng đồng thiếu tinh thần inter-esse (chữ dùng của Heidegger, triết gia Đức), không biết nghĩ và sống cho lợi ích chung. Các tự sự không chỉ làm phát sinh sự quan tâm đến những hoạt động chính trị, nhưng còn xuyên qua việc kể những câu chuyện, khêu gợi người ta hỏi và trả lời câu hỏi: “Tôi là ai?”

Đáng quan ngại hơn nữa là tình trạng kinh hoàng của các nhà vệ sinh công cộng ở Bulgaria. Không có giấy vệ sinh, nước chảy tràn lan, nhưng nghiêm trọng nhất là tình trạng đi tiêu vung vãi ngoài lỗ cầu. Không chỉ là vấn đề thực tế, tầm thường, điều này còn phát sinh những nan đề về mặt triết học. Tại sao người ta không chịu đi tiêu ngay vào lỗ? Có phải do thiếu hiểu biết về phương diện vệ sinh hay không được hướng dẫn ngồi tiêu cho đúng cách? Hay vì thiếu những tự sự (narrative) hoặc còn những điều tiềm ẩn nghiêm trọng hơn bên dưới những điều trông có vẻ tầm thường này?

Một thi sĩ người Serb , bằng ngôn ngữ thi ca, phản ánh tình trạng này như sau :

Phía sau một nữ tu viện,
có cái cầu tiêu nho nhỏ,
với cánh cửa khép hờ và những người đứng chờ bên ngoài, lúc chiều buông.
Lúc đó đã có một người ngồi bên trong rồi,
người kế tiếp chờ đến lượt mình
cắm cúi đọc sách.
Và khi người kia bước ra.
vuốt lại phẳng phiu chiếc áo chùng,
với khuôn mặt rạng rỡ.
Vị nữ tu kế tiếp bước vào,
nhìn vào lỗ cầu,
run lên vì giận dữ,
những gì nằm dưới nhà cầu
như muốn bay vào mặt của cô,
và lưu lại trên khuôn mặt đỏ bừng e thẹn,
hình bóng cây thập giá của yêu ma.
(Alexander Ristovic, “Monastic Outhouse”)

Theo như học thuyết của Freud về văn minh, chủ nghĩa tự do của người Pháp bắt nguồn từ sự hy sinh những khoái lạc của hậu môn cho vẻ đẹp và một xã hội có trật tự, văn minh. Ngược lại, sự phóng túng buông thả của vùng Balkan lại xuất phát từ việc thiếu vắng sự hy sinh đó. Freud từng suy nghĩ, phân tích sự liên hệ giữa vàng dẻo và vàng (shit and gold) trong các giai thoại dân gian vùng Balkan, để lý giải tiến trình văn minh giữa đè nén và thăng hoa và sự hy sinh khoái cảm cho công ích của đám đông.

Dân gian ta có câu: “Thứ nhất quận công. Thứ nhì iả đồng”. Ỉa, được xếp trong hàng tứ khoái, nếu ỉa đồng nữa thì chỉ đứng sau cái sướng được làm quan. Câu nói này cho thấy rõ dấu vết của nền văn minh nông nghiệp, khi con người sống giữa thiên nhiên, chuyện ai nấy làm, đèn nhà ai nấy sáng. Hồi xưa, nhất là ở nông thôn, ít nhà nào có nhà cầu. Cả xóm, làm tạm bợ vài cái nhà cầu chung, có khi trên một cái ao, dưới nuôi cá tra. Nơi khác, chuyện phóng uế được thực hiện trên gò mả, hay bụi tranh, bụi đế. Trên các dòng sông, phân nổi lều bều là hình ảnh quen thuộc tại những vùng sông nước.

Bịt mũi làm chi hỡi lão ông
Qua cầu nhìn xuống đám xe tông
Êm êm cục cứt trôi chờ rã
Nhìn thẳng một đàn cá dưới sông
(thơ Sơn Núi)

Tại đô thị, người ta núp tạm sau các cây cổ thụ bên vệ đường. Ta đố kỵ những từ taboo, nhưng thực hiện chúng ít e dè. Có người nhận xét rằng một khác biệt văn hoá đáng kể giữa ta và người nước ngoài là chuyện gì họ làm ở chỗ kín, ta làm nơi công cộng, và ngược lại, và hai bên chê trách lẫn nhau.

Nhà tắm, cầu tiêu là thành quả của nền văn minh đô thị, nó không thể xuất phát từ đời sống du mục hay nông nghiệp được. Quả vậy, lịch sử xuất hiện của hai loại nhà này ở nước ta có khá trễ, chỉ mới manh nha trong thế kỷ 20 vừa qua mà thôi, và hiện nay vẫn còn chưa hoàn thiện. Tại tỉnh Nghệ An, có xã không có được một nhà vệ sinh nào. Thế giới đã tổ chức trao giải thưởng cho toilet tiêu biểu hàng năm trên thế giới, nước ta chắc còn lâu mới nghĩ đến việc dự thi các giải này.

Thực trạng của nước ta phơi bày rõ hơn trong quá trình hội nhập và công nghiệp hoá. Nhà đầu tư ngoại quốc thường than phiền về tình trạng không biết giữ gìn vệ sinh chung của công nhân viên người Việt. Họ hay quậy phá, làm bẩn nhà vệ sinh, và tệ hơn nữa, họ không biết ngồi trên bàn cầu cho đúng cách. Tại nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Deawoo ở Bình Dương, người Hàn quốc có lúc phải tập hợp công nhân cả công ty lại để hướng dẫn họ cách vào nhà vệ sinh phải như thế nào, kể cả cách ngồi trên cái ngai vàng bằng sứ (procelain throne) của họ.... Mỗi khi tiếp một đoàn khách đến công ty, ba nơi mà họ chuẩn bị chu đáo nhất là nhà cầu, nơi đổ rác và nhà ăn. Có người cũng từng nói: “Muốn biết trình độ văn minh của một dân tộc, bạn cứ vào toilet của họ thì rõ”.

Ở Việt Nam, đọc báo, nghe đài, ta được biết giáo dục khủng hoảng; đạo đức xã hội suy thoái trầm trọng; tham nhũng hối lộ, lạm quyền đã từ lâu thành quốc nạn. Tệ nạn xã hội ngày càng lan rộng, thanh niên hư hỏng, sa đoạ, tai nạn xe cộ thành nỗi ám ảnh kinh hoàng… Các đống rác dơ bẩn, ngập ngụa; các dòng sông, kinh rạch đen ngòm hôi thối tại những đô thị xinh đẹp; người dân thản nhiên vứt mọi thứ chất thải xuống nước, ra đường và làm chuyện toi lét trên phố, bất chấp mọi người dòm ngó; tại các điểm lễ bái linh thiêng lê lết kẻ ăn xin, móc túi; nhà vệ sinh hôi thúi, kinh tởm; trên các tuyến du lịch, du khách ăn mặc sang trọng sắp hàng bên vệ đường, hay ngồi lúp xúp trong các bụi cỏ chỉ để …giải quyết bầu tâm sự!

Cứ cho là quá đà suy diễn, nhưng tôi vẫn tin rằng một trong những căn nguyên hun đúc tinh thần cam chịu và ý tứ thái quá của dân mình là do nhu cầu tè ị không được thoả mãn một cách tự nhiên. Chứ còn gì nữa, kiềm chế được nhu cầu rất người này đòi hỏi nhiều ý chí.
 
Muốn hỏi: Đến bao giờ, người Việt mình ai cũng như ai được bình đẳng trong bữa ăn, trong chốn ị? Và thực hiện được nhu cầu rất con người của mình trong những điều kiện xứng đáng với con người?”
(Lê Minh Hà, “Cái ị”)

Về ngôn ngữ, người Việt chửi thề ngày càng nhiều hơn, lan xuống cả trẻ em, phụ nữ. Đâu đâu cũng có thể nghe những tiếng văng tục như thế, từ đường phố, công sở, trường học, lăng miếu… Nghiêm trọng hơn, ít khi người ta nói thật những gì họ suy nghĩ trong bụng. Ngôn ngữ trở thành một loại công cụ, một thứ vũ khí, để người ta trục lợi, để cầu an, để ba hoa… Vì vậy hầu hết là những lời dối trá.

Cái gọi là thị hiếu lành mạnh chung cho cộng đồng, điều kiện cần thiết đưa đến một xã hội hợp nhất, văn minh là điều không có được. Mỗi người tự đi tìm một góc riêng cho đời sống mình, và những sự nhố nhăng, rách nát trong đời sống tinh thần ngày càng nghiêm trọng hơn. Dân chúng tại thủ đô thì tàn phá hội hoa, làm gãy nát các cánh hoa đào quý giá Nhật Bản, và những lời báo động về tình trạng kinh tởm của nhà vệ sinh trong trường học cả nước. Giữa những điều này có mối liên hệ nào không?

Có lẽ đã đến lúc chăng chúng ta học gương người Pháp, đế quốc về văn hoá văn minh trên thế giới, nhìn… “shit” với cái nhìn nghiêm túc và có trách nhiệm hơn. Muốn đất nước hùng cường, cần phải thống nhất nhân tâm, muốn nhân tâm thống nhất, cần phải có một thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh chung cho cộng đồng, điều này lại bắt đầu bằng việc chú ý đến sự trong sáng thanh lịch của ngôn ngữ và tìm cách chăm lo làm cho những đống “shit” của người dân trên hè phố biến mất đi.

Nghe mãi những câu nói hùng hồn đầy những tu từ được trau chuốt đẹp đẽ hứa hẹn vung vít nhưng, dĩ nhiên, đầy dối trá lừa mị, đôi lúc ta muốn thét lên, thiệt to, như dân Yankee, cho nó đã:

“ SHIT!”

 

(13-03-09)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021