thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những mảnh vỡ ý nghĩ về thơ

1. Có người hỏi “Đọc thơ thứ nhất cốt để tìm gì?”, tôi trả lời: “sự kỳ thú.” Nói thế vì: viết trước hết cũng cốt là để tìm sự kỳ thú, cái làm tôi ngạc nhiên.

2. Nhiều người vẫn phàn nàn về sự bí hiểm của ngôn ngữ thơ, nhất là thơ hôm nay. Oái oăm thay, người làm thơ, cũng như những nghệ nhân hoạt động trong các lãnh vực nghệ thuật khác, đều nghĩ rằng hoạt động của mình là nhằm làm sáng lên những ý nghĩa của cuộc sống.

3. Khoảng cách giữa người viết và kẻ đọc (điều tất nhiên ấy!) vốn được xem là dấu hiệu tiêu cực. Thực ra nghệ thuật trước hết là mời gọi sự ý thức về khoảng cách.

4. Những bài thơ bắt đầu với cái gì? Một hình ảnh? Một âm thanh? Một ý tưởng?

5. Làm thơ là ý thức sâu thẳm về sự im lặng. Những âm thanh bị rớt vào im lặng. Những con chữ bị rớt vào những khoảng cách không gian.

6. Đường không gian mở ra ở cuối một câu như tới vô cực, những câu thơ kế tiếp lại biến đường không gian này thành một khoảng cách bớt trừu tượng hơn: một cánh đồng, một con đường chạy giữa hai hàng phố, một hành lang, một thềm đá nhìn ra đại dương...

7. Hãy đọc những chữ đầu tiên của bài thơ như những lời mời gọi.

8. Những bài thơ mong muốn lôi kéo chúng ta đi tới, bay lên... thường bắt đầu với một viễn tượng. Sự nguy hiểm nằm ở sức lôi kéo này: nó có được duy trì suốt chặng hành trình hay chúng ta sẽ bị thả rơi xuống vì một sự lơi lỏng nào đó, những bất cẩn, vì sự thiếu nội lực của người lái tàu vô hình.

9. Không có hiện thực huyền ảo (magic realism) trong thơ vì thơ đã là hiện thực huyền ảo.

10. Làm thơ là mở ra những thế giới.

11. Tại sao đứng trước núi con người thường nghiêm cẩn im lặng, lắng nghe?

12. Chữ và lời vô cùng nguy hiểm. Chúng có thể gây tổn thương và tạo những ám ảnh vĩnh viễn trong tâm trí một người. Trong thơ, chữ có thể thách thức, công phá, tìm kiếm, nhưng tuyệt đối không bao giờ bạo động. Không bao giờ trong thơ, chữ và lời gây tổn thương.

13. Tại sao đứng trước nước con người thích ca hát?

14. Thơ là huỷ hoại những giá trị ban đầu của chữ, phá vỡ tính ổn định của nó, để tạo những phản ứng mới và bất ngờ.

15. Những nhà luyện quí kim trong huyền tích... họ thường ngủ những giấc dài và sâu thẳm.

16. Mỗi một chữ tạo chung quanh nó một từ trường, cùng để lại sau nó một lực nhiễu động, một vùng xoáy trên nước, con chữ kế tới sẽ chết trong vùng nhiễu động đó hay sẽ đẩy tất cả trước nó đi tới một hướng khác trên hải dương bất định. Những nhà thơ có lúc e sợ chữ, những con chữ sẽ chết chìm.

17. Trong một bài thơ có những chữ thẫm đậm như tự xoá đi chính nó, lại làm sáng lên những chữ khác, điều này không khỏi khiến chúng ta nghĩ tới sự tương quan của con người và những vật thể trong thế giới.

18. Nguyễn Trãi bảo “Gốc của nhạc là hoà.” Nếu thế, gốc của thơ là gì?

19. Những bài ca trong thời Hồng hoang Dreaming của thổ dân Úc định nghĩa thế giới và sáng tạo thế giới; trước những bài ca này, thế giới chưa có linh hồn và chưa thực sự có mặt.

20. Những tiếng rìu chém vào gỗ dưới vùng làng xóm thấp vọng lên rồi tắt. Im lặng, tịch mịch. Một đốm nắng ửng lên. Tôi tự hỏi tại sao mình còn làm thơ.

21. Nghệ thuật cho ta ý thức sâu thẳm và mạnh mẽ hơn cuộc sống và cái chết (một phần của sự sống).

22. Những khoảnh khắc sâu thẳm sáng lên. Trong đêm tối, những vì sao, một trận mưa thiên thạch bắn vào đêm tối, và những lỗ hổng đen cuốn hút tất cả những mặt trời. Ý thức ấy có làm chúng ta run lên?

23. Con người tạo ra những bài thơ, những nhạc khúc, những hoạ phẩm lớn hơn chính họ.

24. Những người làm thơ đôi khi nghĩ rằng người khác quan tâm tới nỗi niềm (buồn, giận, uất ức...) của họ, và họ “làm thơ”. Im lặng lý thú và có ý nghĩa hơn những nỗi niềm này.

25. Nghệ thuật là tiếng cười lớn trước cái nghiêm nghị nặng nề của chính trị, lịch sử. Thơ không nằm ngoài nghệ thuật.

26. Shakespeare: “To sleep, per chance to dream.” Không có những giấc ngủ, không có những sống lại, có lẽ không có thơ ca.

27. Ở nhiều bài thơ ta không thấy thế giới, không thấy những mối tương quan, ta chỉ thấy những vần điệu qui ngã. Con người quá yêu chính mình, và chết chìm trong vũng nước quá mặn.

28. Ta làm thơ để làm chứng cho hiện sinh hay vì hiện sinh quá phù du ngắn ngủi?

29. ‘Tôi’ trong bài thơ phải là một cái tôi giữa thực và giả tưởng. Có nhà thơ nào nắm được cái ‘tôi’ thực?

30. Đứng trước một hoạ phẩm, người xem cố tìm kiếm nội dung ý nghĩa của nó. Những màu sắc, đường nét, bố cục làm như nằm ngoài nội dung này.

31. Có những bài thơ đưa người đọc đi xa, xa tới chỗ gặp được cái thực nhất vốn nằm trong bóng tối của hắn. Một kẻ song sinh. Những cái gặp chẳng hẹn trước. Và không bao giờ là cái gặp đầy đủ và hoàn tất.

32. Thơ là mắt nhìn, là cách thế tiếp cận, là một cách nói khác. Những nghệ thuật khác đều thế.

33. Những chữ không bán được, không làm vơi được cơn đói. Nhưng không còn thơ, theo Octavio Paz, thế giới này đi vào cuộc tự sát tâm linh.

34. Tôi đi dưới những tàn cây và suy nghĩ cái gì sẽ xảy ra nếu trái đất này thuần chỉ có những loài động vật.

35. Âm nhạc, ở chỗ cao nhất, gần với thần linh hơn thơ; thơ như lửa là thứ đã được một ai đó cướp từ tay thần linh trao lại cho con người.

36. Có cái gì ta tưởng tượng, nhận thức hay cảm nhận không qua ngôn ngữ?

37. Cả trong những giấc mộng, ta không được trống vắng và yên lặng tuyệt đối.

38. Như một tiếng nắng khẽ trong rừng cây, có những bài thơ làm sâu thẳm sự yên lặng.

39. Thơ là ân sủng.

40. Tôi đi dưới tàn cây, nghe tiếng gió, tiếng gió, tiếng gió như một đứa trẻ ngẩng đầu ra khỏi viền nôi, một gian phòng trống, một bãi nắng ngoài xa, xa ngoài những tàn cây.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021