thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Linh hồn văn hoá trong thân xác thi ca

Nhiều học thuyết triết học mỹ học của phương Tây hiện đại (như cấu trúc luận, hiện tượng luận, phân tâm học, tâm lý học phân tích...) lại mang cái linh hồn tư tưởng và thẩm mỹ của văn hoá phương Đông trong đó nổi lên xu hướng tìm đến những lôgic vũ trụ, lôgic đa trị, logic ảo để vượt thoát khỏi cái lôgic đơn trị, tuyến tính của phương Tây cổ điển đã đẻ ra cái đơn giản hoá một chiều của ý thức mà có nhà triết học phương Tây gọi là lý tính dã man. Thực chất các trào lưu tư tưởng và văn nghệ của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại là sự thức tỉnh của phương Tây với trình độ ý thức cũ của mình hướng tới xây dựng một ý thức mới phức tạp, ‘ngổn ngang’ và ‘khó hiểu’ hơn. Đó cũng là một cuộc hành trình về phương Đông, mượn hồn phương Đông tạo ra những quan niệm mới thực chất là các quan niệm hiển nhiên trong cốt cách phương Đông được trình bày lại trên một tầm độ mới với hệ thống khái niệm mới. Trong cuộc di cư cộng sinh văn hoá vĩ đại này, cái mà phương Tây vứt bỏ chính là cái ‘giản dị’ dã man của thói tư duy đơn giản hoá một chiều, mà giờ đây vẫn có nhiều người tưởng là đặc trưng của văn hoá dân tộc, văn hoá phương Đông. Truyền thống tư duy của tổ tiên ta mang tính đa cực, đa thanh, phi lý, tập mờ đầy tính chất ảo, tượng trưng, không xác định. Cái giản dị dễ hiểu thẳng băng và xác định là sản phẩm thấp của tư duy chính xác phương Tây ở giai đoạn cổ điển của nó mà chúng ta đã học tập, tiếp thu, trở thành nếp nghĩ của quần chúng một thời rồi lại tưởng đó chính là truyền thống của dân tộc, là tinh tuý của tổ tiên. Thực chất đó là rác rưởi mà lịch sử tư duy phương Tây đã loại thải. Đọc hai câu thơ vào loại hay nhất của Trần Đăng Khoa:

Ngoài thềm rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng

nhiều người, trong đó có tôi từng tưởng rằng nó mang hồn vía dân tộc thể hiện ở sự giản dị, tinh tế và dễ hiểu. Nhưng nhìn sâu hơn, ta thấy đó là cái nhìn phân tích tìm kiếm cái dị biệt điển hình cho tư duy phương Tây, cái tinh tế phương Tây. Tổ tiên ta ngày xưa nhìn cái lá đa là nhìn thấy thân phận cộng đồng: “Con sãi nhà chùa lại quét lá đa”, cái lá đa ở đây không có số phận riêng, nó là một mắt xích trong kiếp luân hồi của con người, là cầu nối giữa các biến thiên lịch sử. Trong thơ Lý Thương Ẩn đời Đường, một lá ngô đồng rụng cũng hiện diện như là tín hiệu của cộng đồng, của nhịp vũ trụ nối kết cộng đồng:

Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu
(Một lá ngô đồng rụng
Cả thiên hạ biết mùa thu tới)

Chiếc lá rụng ở đây không hề mang tư cách một chiếc lá cụ thể. Còn cái lá đa trong thơ Trần Đăng Khoa là cái-lá-đa-ấy, nó cố bộc lộ cá tính, bộc lộ bản lĩnh cá nhân trong cách rơi, trong sự trình diễn đầy điệu nghệ. Nó là cái lá đa mang ý thức cá nhân, nó chẳng cần tượng trưng cho ai, chẳng cần gắn với cộng đồng nào. Hơn thế nữa, nó hiện diện trong thơ với các chỉ số đo độ dày, đo độ lệch vật lý học đầy tính chất duy lý xác định. Và nhà thơ lắng nghe thấy tiếng rơi của nó thật tinh tế của một thiết bị đo đạc kiểu máy siêu âm đo độ dày, độ nghiêng vật lý của những diễn biến quanh nhà thơ. Những nhà thơ phương Đông, ngược lại với Khoa, không coi trọng cái hình tượng vật lý thô thiển, mà hướng tới lắng nghe cái vang vọng siêu việt của tính Không, của cái tồn tại vô hình phổ quát đằng sau những hình tướng cụ thể kia. Vi Thừa Khánh từng lắng nghe thấy cái lặng im của tiếng hoa rơi:

Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh
(Bông hoa rơi mang cả hận của cây lẫn hận của người
Rơi xuống đất với một sự lặng câm)

Cái bông hoa rơi ấy không có gì là của riêng nó cả, nó chỉ là cầu nối cho sự đồng cảm của con người và cây cỏ. Vì thế nó không hề có một âm thanh gì gọi là tiếng hoa rơi khi nó chạm đất. Nhà thơ nghe thấy cái lặng im của nó và thấy trong một lần im lặng đó cái nỗi hận xuyên qua cả con người và hoa lá, cái hư không vang dội của vũ trụ này. Đó là cảm thức phương Đông, hoàn toàn khác với cái nghe vật lý của Trần Đăng Khoa trong câu thơ nổi tiếng kia.

Tinh thần phương Tây cũ trong thơ Trần Đăng Khoa thể hiện rõ ở tính rạch ròi cụ thể và chính xác của không gian và thời gian vật lý. Trong thơ Khoa, có nhiều câu xác định, thậm chí biểu hiện sự cân, đong, đếm chính xác hiển nhiên. [...] Hầu như không thấy trong thơ Khoa cái mơ hồ bất định đặc trưng cho cách cảm cách nghĩ của người Việt Nam đã định hình rõ nét từ hàng ngàn năm.

Ngược lại, thật thú vị là trong loạt thơ hai câu của Lê Đạt in trên Văn Nghệ số 18 năm 1997 có nhiều câu cầu kỳ uốn vặn, dễ bị coi là thơ tắc tị, song có những câu khá thoát, thoạt nhìn thì khó hiểu nhưng lại mang cách cảm nghĩ truyền thống của dân tộc Việt Nam:

Hương nhu thương tóc tuổi thu lá rụng
Mưa nửa ngày, tình cả gió vun cây

Ở đây, lá không chỉ là lá, lá còn là người, lá biết thương người. Lá và người trộn lẫn vào nhau, mờ chồng lên nhau có vẻ một kỹ xảo điện ảnh trong ngôn từ, nhưng phát lộ cái tâm thế giao hoà, cộng sinh đặc trưng của tâm hồn người Việt. ‘Mưa nửa ngày’ cũng là gợi một tâm thức dung hoà không cực đoan của người Việt Nam ta. Và ‘Tình cả gió vun cây’ là sự trách móc nhẹ nhàng ý nhị với cuộc đời, tình thương của gió mãnh liệt quá, làm cho lá rụng, thu tàn, tóc bạc... Câu thơ gợi những ý tứ tế nhị và sâu sắc thoát thai từ một cảm xúc có cội nguồn văn hoá Việt Nam, văn hoá phương Đông mà nổi bật là sự nhoè mờ cộng thông giữa con người với nhau và với cỏ cây, vũ trụ.

Vậy là, trong cái vỏ ngôn ngữ có vẻ dân tộc đại chúng của thơ Trần Đăng Khoa có lúc là hồn vía của một phương Tây cũ, trong cái vẻ cầu kỳ lai căng của thơ Lê Đạt lại có thể là hồn vía của dân tộc Việt Nam. Nếu có ai đó không cảm nhận được cái hồn vía ấy thì có thể do hồn vía ấy bị lu mờ bởi nhà thơ còn có lúc kỹ thuật quá thiếu hồn nhiên. Nhưng mặt khác cũng còn do tâm hồn người đọc không nhạy bén với các tần số văn hoá của tổ tiên, nên chỉ dừng lại đánh vật với cái vỏ ngôn ngữ, không chuyển hoá được mã ngôn ngữ thành mã hình tượng và cảm xúc trong tâm trí.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021