thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hội chứng tình cờ

 

Lời tác giả: Tôi viết bài này vào đầu năm 2002, đầu tiên đăng trên tạp chí Hợp Lưu (Mỹ) và sau đó in trong cuốn Văn hoá, giới tính và văn học (Văn Mới, California, 2002). Gần đây gặp chuyện “tình cờ” nên nhớ lại bài viết cũ và phát hiện là chưa từng đưa lên mạng bao giờ. Xin giới thiệu trễ cùng các bạn đọc của Tiền Vệ vậy.

 

Gọi là “hội chứng” cũng được mà gọi là “bệnh” cũng được, “bệnh tình cờ” hay “hội chứng tình cờ”.

Thậm chí, “chủ nghĩa” nữa: “chủ nghĩa tình cờ”. Tuy nhiên đây không phải là một dạng thức accidentalism, thứ “tình cờ luận” theo đó mọi hiện tượng, sự kiện, hay thậm chí âm mưu của con người đều diễn ra, ập đến hay hình thành như là hệ quả của những tác động ngẫu nhiên. Ở đây, “tình cờ”, chủ nghĩa hay hội chứng, chỉ là một dấu tích rơi rớt của văn hoá tiểu nông, làng xã.

Tôi đã ngờ ngợ nghĩ đến điều này từ mấy năm trước nhân cuộc bút chiến xoay quanh hai vị giáo sư, cái chữ giáo sư theo lối dùng thoải mái và tự phát của chúng ta chứ không hẳn chặt chẽ theo tiêu chí hàn lâm Tây phương. Cuộc chiến chính quy lắm, sôi nổi lắm mà cũng... bâng quơ tình cờ lắm. Ai cũng vận dụng đến rốt ráo tận cùng của sở học, ai cũng tận tâm và bài bản qua công khó tra cứu trích dẫn cổ kim, thế nhưng, ngay từ điểm xuất phát, hầu như ai cũng cố tạo cho mình một vẻ gì đó khơi khơi, miễn cưỡng. Họ phê bình và... đóng góp cho nhau thật là quá mức nhiệt tình nhưng chẳng ai thừa nhận là đã thực sự nghiêm túc nghiên cứu nhau cả. Chẳng qua là cái sự tình cờ. Người này “tình cờ” ghé vào nơi này nơi kia mới “tình cờ” đọc được. Người kia “tình cờ” ghé vào nơi kia nơi này mới “tình cờ” nghe nhắc đến. Cứ như thể mưu sự tại nhân còn bút chiến thì... tại tình cờ![1]

Cũng... tại tình cờ, tôi lại đọc được bài phê bình tương tự của một nhà khoa bảng khác, đại khái cũng có chút tiếng tăm. Không còn thuần tuý là nhà khoa bảng nữa, mà là trong vai vế lãnh đạo của một tổ chức chính trị khá bề thế, ông kịch liệt chỉ trích một tác giả/tác phẩm vì những nhận xét không mấy hay ho về tổ chức của mình. Bài viết gay gắt lắm, công phu lắm, với đầy những chi tiết chi ly trích dẫn trong suốt 12 trang giấy A-4, thế nhưng, tất cả cũng chỉ bắt đầu một cách khơi khơi, hết sức tình cờ: nhân chuyến đi dài ghé vào nhà người bạn nên mới có cơ hội đọc đến![2]

Rồi đến những lời lẽ bâng quơ tình cờ mà Phan Ngọc trả lời cho Phạm Thị Hoài quanh Mỹ học Hegel, cái bản dịch tác phẩm triết học đồ sộ từng là chỗ dựa kinh điển, từng là cái kho của những nhãn hiệu thông thái có cầu chứng đối với không ít tác giả trong nước Việt Nam.

Công trình dịch thuật của Phan Ngọc nặng ký là thế, hàn lâm là thế vậy mà, trong cách diễn tả của Phạm Thị Hoài, cái bản dịch trải dài gần 1,800 trang giấy ấy chỉ là một thứ “sấm ký” vừa sai, vừa hoàn toàn vô nghĩa. Sai, qua bàn tay Phan Ngọc, Mỹ học Hegel đã sai “gần như toàn bộ”, và để tìm một vài chỗ đúng có lẽ phải mày mò đãi cát tìm vàng “giữa gần một triệu chữ”. Vô nghĩa, vì bản dịch Mỹ học Hegel đã không cho phép người đọc hiểu bằng “lý trí đơn thuần” mà phải, hoặc, xoay xở bằng một thứ “trí tuệ siêu đẳng”, hoặc, sử dụng như một thứ văn chương bói toán, cái thứ văn chương phước chủ may thầy, mò mẫm đoán và giải thích theo kiểu nào cũng được miễn sao vui lòng khách đến vừa lòng khách đi.[3]

Mỹ Học Hegel đồ sộ quá nên cái sai, cái sai “gần như là toàn bộ” kia cũng... đồ sộ theo hay chăng? Dường như, để tránh cái ấn tượng ấy, Phan Ngọc, nhà nghiên cứu học thuật tầm cỡ của Việt Nam, lại quay sang bình thường hoá, hư vô hoá công trình tim óc của mình, xem đấy như thể cái gì đó khơi khơi, chơi giỡn thế thôi. Bây giờ, tâm huyết của mười năm trường công phu lại là cái gì đó be bé, tầm tầm, chỉ là “một trong vài chuyện nhỏ” của một người suốt đời “cố gắng làm được vài việc nhỏ”.[4]

Công trình ấy bâng quơ nhỏ nhặt thôi nên cái sai cũng “tình cờ” nhỏ nhặt theo hay chăng? Mà, kể ra, cái phong thái bâng quơ tình cờ ấy đã nhen nhúm ngay từ lúc mở đầu câu chuyện rồi. Phan Ngọc viết:

“Một anh bạn cho tôi xem bài phê bình của chị Phạm Thị Hoài về bản dịch cuốn Mỹ học của Hegel của tôi. Tôi nấn ná không trả lời ngay, một là bận nhiều, hai là vì bạn bè còn bảo tôi không nên trả lời...”

Thật hiển nhiên, việc ai “trao” đâu có gì là quan trọng: cái quan trọng là mình đã đọc, đã biết mình bị phê phán. Cả cái việc “nấn ná không trả lời ngay” cũng đâu có quan trọng: cái quan trọng là mình đã chính thức lên tiếng trả lời.

Đã đọc, đã trả lời thì điều tối hệ trọng là phải trả lời ngay vào vấn đề, phải đối diện với cái luận điểm “sai gần như toàn bộ”, với nhận xét “phải lặn lội giữa gần một triệu chữ ấy, tìm ra một vài chỗ đúng”. Tuy nhiên, Phan Ngọc chỉ có những lời lẽ vòng vo lẩn quẩn, “mở bài” cũng bâng quơ tình cờ mà “thân bài” cũng bâng quơ tình cờ, trông cứ như một thứ... mỹ học tình cờ, trước khi đi đến cái lời kết pha trộn một cách suồng sã giữa nhân đạo chủ nghĩa và hư vô chủ nghĩa, vừa khoan thứ bao dung: “Tôi không hề giận chị Hoài về cách nói...”, vừa nhìn đời hư ảo chập chùng, vừa lên giọng bảo ban, dạy dỗ: “rồi tất cả sẽ trở về với cõi hư vô, vậy hãy cố gắng sống và làm việc đúng như những gì mình có...” Nghe ra, cũng “ngậm đắng nuối cay thế nào”; tuy nhiên cái trớ trêu của những kẻ đã trót trích dẫn, đã trót vay mượn từ Mỹ học Hegel cũng “ngậm đắng nuối cay” thế ấy: họ đã trót tin, trót trông cậy và trót cho là vĩ đại một “chuyện nhỏ”, cái thứ chuyện mà cuối cùng rồi cũng về với hư vô.[5]

Đó là những bậc khoa bảng và trí thức tên tuổi, trong hay ngoài thế giới văn chương, học thuật. Cả những phi giáo sư, phi khoa bảng, lưng vốn sách vở nhẹ hơn, cũng thế. Hễ muốn bàn, muốn xía vào chuyện gì đó — văn chương, chính trị hay một tháng 30/31 ngày thế sự — là thấy họ dở ngón “tình cờ”: đi đâu đó tình cờ ghé vào, ngồi đâu đó tình cờ nghe tới, tình cờ đập vào hai con mắt hay tình cờ lọt vô hai lỗ tai, hay hiện đại hơn là “tình cờ lên mạng”.

Cứ thế, tình tang tính tịch... tình cờ, từ hạng khoa bảng cho đến phi khoa bảng, khác nhau chăng là tầm cỡ chính quy hay mức độ lắt nhắt tầm phào. Người xưa bảo: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Bây giờ thì họ: “Tình cờ là đầu câu chuyện”. Chia tay rã đám, đôi tình nhân sính cải lương sướt mướt, sụt sùi: “Không phải tại anh cũng không phải tại em, tại trời xui khiến...” Họ: “Tại tình cờ xui khiến...” Chao ơi, những cái sự tình cờ. Tình cờ để gánh vác chuyện thiên hạ sự và tình cờ để làm thầy đời thiên hạ. Tình cờ mà cứ là đầy tính năng... kỹ nghệ, na ná nhau như thể là đồ đóng hộp, như những sản phẩm dây chuyền.

Cái không/thời gian “nhân dịp - tình cờ” giống nhau như đúc đó cứ khiến tôi nhớ lại lời quở trách của cô giáo tiểu học năm nào, với “ngón” nhập đề “Em tập làm văn” đã trở thành... cổ điển. “Nhân dịp khai trường mẹ em mua cho em cái cặp...” để giáo đầu cho bài văn tả cái cặp. “Nhân dịp nghỉ hè ba em đưa em về quê thăm ông ngoại...” để giáo đầu cho bài văn tả con trâu con bò, tả cái cày cái bừa, thậm chí tả cả cảnh gặt lúa hay tát nước đêm trăng. Cứ như thế: gắn bó với đời học trò thì “nhân dịp khai trường” mà tách rời sách vở thì “nhân dịp nghỉ hè”; thỉnh thoảng, cũng có dăm ba độc chiêu, dăm ba biến tấu hoa hoè hoa sói tươi tắn màu mè hơn, chẳng hạn: “Nhân dịp tổ chức lễ Người Cày Có Ruộng, ông quận trưởng bước lên khán đài đứng trước máy vi âm phát biểu cùng các bác nông phu...” để rồi, với lối tập làm văn gọi là “bình giảng”, tha hồ mà... bình, nào là bình “Trên đồng cạn dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, nào là bình “Trâu ơi ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”...

Mà quả, “Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta” thật! Tôi nghĩ, có cái gì đó rất là nhếch nhác việc làng trong căn bệnh tình cờ này. Không phải là ngẫu nhiên mà, từ hạng giáo sư cho đến phi giáo sư, ai cũng thích... tình cờ khởi đầu câu chuyện. Và, cũng không phải ngẫu nhiên mà cái “nhân” mở lối thì cứ nhàn nhạt khói mây trong khi cái “quả” lại nặng như là núi, nặng với lối bút chiến thật chính quy bài bản, nặng với lối phê bình hay đóng góp vừa tràn trề nộ khí, vừa chi ly tiểu tiết, đầy những chi tiết vặt.

Âm “ờ” của “tình cờ” còn làm tôi nghĩ đến tiếng “ờ” khệnh khạng học làm sang của gã nông dân trong “Trẻ con không được ăn thịt chó” của Nam Cao, câu chuyện về một lũ đàn ông lười thối thây, những kẻ tùng tam tụ ngũ để ăn giành ăn giật của vợ và con. Những kẻ tối ngày chỉ ngồi chép miệng mơ tưởng đến màu xanh của chai Văn Điển và màu vàng của cái đùi thịt chó thế nhưng — cho dù nước bọt đã ứa đầy mồm trước mâm thịt đang bốc khói mời mọc — vẫn cố làm ra vẻ bình thản bằng tiếng “ờ” sang cả trước lời mời “quan viên xơi đi chứ”; cái tiếng “ờ” cố nhại sao cho giống những âm thanh ậm ừ trong cần cổ của ông Chánh, ông Lý, mấy bậc vĩ nhân bên trong lũy tre xanh.

Mà thực. Có tình cờ thì những nhà tình cờ chủ nghĩa của chúng ta cũng chỉ... tình cờ một cách cố ý và tính toán để làm dáng, để khoác một cái vỏ nào đó vào người thế thôi. Cố ý như thể những Chí Phèo xôi thịt “tình cờ” ghé vào những nơi có tiệc tùng, nhậu nhẹt. Tính toán như những kẻ làm dáng nghệ sĩ cẩn thận săm soi để cẩu thả và nhớp nháp hoá bộ cánh cho ra vẻ ta đây con người sáng tạo, con người chỉ biết có thế giới nội tâm chứ chả để ý gì tới mẻ ngoài, chả quan tâm gì đến thế giới vật chất phù phiếm bên ngoài. Mấy tên tham ăn ậm ừ “ờ” cho sang, cho giống mấy bậc vĩ nhân tre làng và cho tan đi cái mặc cảm ăn nhờ ăn chực. Họ bâng quơ... tình cờ để tách biệt với cái giới hay cái lĩnh vực mình nửa muốn dây vào nhưng lại nửa muốn lên giọng bỉ thử, chê bai, ra cái điều ta đây cao thượng, ta đây khinh thế ngạo vật.

Có cái gì đó tương tự nhau giữa hội chứng tình cờ và hội chứng đi trễ, cơn bệnh kinh niên của đời sống tiểu nông, cái đời sống trây trưa lè phè kiểu quan cần dân trễ, dù là giữa môi trường của xã hội hậu kỹ nghệ. Những con bệnh trễ... trễ để ra vẻ ta đây bất cần, ta đây quan trọng lắm. Mấy con bệnh tình cờ... tình cờ để khệnh khạng bề trên: tình cờ đọc hay tình cờ nghe cũng ngụ ý rằng ta đây thuộc về một giới nào khác cao hơn sang hơn chứ chẳng phải là thứ ngang cơ, chẳng phải là thứ thường dây dưa đến ba cái chuyện hời hợt nông cạn như thế này.

Tình cờ, như thế, chính là một khoảng cách làm sang và làm ra vẻ bề trên thiếu thực chất. Đó là thứ tâm lý nước đôi của kẻ nửa muốn dây máu ăn phần nhưng nửa muốn ra bộ kiêu kỳ, ra vẻ ta đây chẳng hề dính dáng với ba thứ hạng nằm dưới tầm con mắt thiên hạ. Đó là tư thế vừa khệnh khạng quý tộc mà cũng vừa nhếch nhác và hủ bại; nó hủ bại y hệt vẻ khệnh khạng ta đây của những trí thức hạng làng, những kẻ biết được một điều là chắc nịch một điều, nhất định không lay chuyển phai sờn, như thể cái vẻ trịch thượng đầy quả quyết của những quan lại đã từng hạch sách Nguyễn Trường Tộ rằng làm gì có thứ “tự động xa” chạy bằng hai bánh!

Cho cao, cho ra vẻ bề trên, là một. “Tình cờ” còn là một đòn thế an toàn, là khoảng cách bảo hiểm tính toán trước khi nhập cuộc. Thằng bé bị ông bố bắt quả tang đang lảng vảng bên sòng tôm cua bầu cá gà nai, lắp bắp “tình cờ đi ngang đứng lại” để hoạ may bớt đi những cái bợp tai đá đít. Gã đàn ông sợ vợ bị bắt quả tang giữa lúc đang chui ra từ một động đĩ, lắp bắp “tình cờ đi ngang qua” để hoạ may tránh bớt những đòn ghen rát hơn lửa cháy. Còn những nhà phê bình tình cờ thì... tình cờ để nhắn nhủ rằng tôi đây amateur tài tử, tôi đây là kẻ không chuyên.

Đấy là một thế thủ thân, là đòn trốn trách nhiệm. “Tình cờ đọc” còn ngụ ý là không thường đọc, là chưa nghiên cứu và tìm hiểu thấu đáo mà chỉ là... tình cờ giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha, nên mới tiện thể có dăm ba lời bàn bạc góp ý thế thôi, có sai quấy gì đó thì cũng nên thể tất chứ đừng có ầm ĩ, ngậu xị lên làm gì. Đó là tư thế của kẻ chưa đánh đã tính đến việc thua chạy, chưa ngồi vào sòng đã tính chuyện quờ chiếu chạy làng. Bằng cái tư thế an toàn đó thì ai cũng có thể, một cách bề trên, xía vào những lĩnh vực mà mình rất lờ mờ, có biết cũng chỉ biết lõm ba lõm bõm, lẽ ra phải ôm cột đứng nhìn.

Phê bình tình cờ, như thế, chính là một thứ phê bình chạy làng, một kiểu cách lên tiếng ươn hèn và bất lực.[6]

Thực thế. Có bất lực thì người ta mới trông chờ vào yếu tố tình cờ, ngẫu nhiên. Càng bó tay trước những khúc quanh ngặt nghèo của đời sống, người ta càng phấp phỏng đợi Bụt, đợi tiên, hay đợi bất cứ thứ thần nhân nào đó “tình cờ” hiện xuống giải quyết khó khăn. Càng bó tay trước cảnh khó “Người nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo”, người ta càng mong mỏi cái giây phút nhiệm màu khi hàng số trên tấm vé Lotto bỗng dưng ăn khớp, một trăm phần trăm, cũng là một kiểu “trời thương” hoàn toàn tình cờ, hoàn toàn ngẫu nhiên. Hay tình cờ như con dao Đoạn Tuyệt... đầy tình cờ của Nhất Linh. Thủ lĩnh của Tự Lực Văn Đoàn muốn Loan, nhân vật của mình, đoạn tuyệt với những giá trị đạo lý phong kiến nhưng lúng túng, không biết làm thế nào để đoạn tuyệt nên mới mượn đến một tình huống đầy tình cờ: cái sự đoạn tuyệt chỉ thực sự diễn ra sau khi người chồng “trượt chân” té ngã vào con dao rọc giấy nàng đang cầm trên tay; một cách xử lý tình huống cực kỳ dễ và cực kỳ khoẻ.

Tôi không đả đảo cái sự tình cờ. Tôi cũng không phủ nhận tác dụng của yếu tố ngẫu nhiên trong dòng chảy của đời sống: xác suất của cái sự bất chợt ghé vào nơi đâu đó, bất chợt đọc hay nghe cái gì đó để rồi bị kích thích đầu óc không phải là một con số vô cùng bé, một epsilon kết bạn láng giềng với cột chuẩn zero trong trục số bên dương bên âm. Tuy nhiên, khi cái sự “tình cờ” kia lan tràn như một căn bệnh đã thành dịch, lập đi lập lại như một thói quen đã thành... chủ nghĩa, thì vấn đề chẳng còn gì là tình cờ nữa.

Chủ nghĩa tình cờ, như thế, chính là một thứ chủ nghĩa cầu sang và cầu an. Hội chứng tình cờ, do đó, chính là một hội chứng cầu nhàn và cầu khoẻ.

Đó chính là phong thái làng nhàng lấy được của đời sống tiểu nông, cái đời sống tràn ngập những yếu tố ngẫu nhiên và tình cờ. Phụ thuộc thiên nhiên, phụ thuộc những yếu tố thời tiết không thể nào chủ động chế ngự được thì cũng có nghĩa là phụ thuộc vào sự... tình cờ. Đó còn là đời sống của những kiến thức tin đồn, sản phẩm của cái sự “tình cờ nghe” hay “tình cờ thấy”, cái kiểu kiến thức: “Tiếng đồn con gái Phú Yên”. Hơn thế nữa, đó còn là một đời sống ôm đồm, thiếu chuyên nghiệp: khi phải bao sân từ A đến Z trong mọi mặt của đời sống, từ canh tác đến sinh hoạt, buôn bán, trao đổi sản phẩm hay vui chơi giải trí v.v..., thì những tiêu chí riêng sẽ trở nên nhợt nhạt và cái gì cũng chỉ đạt tới mức đường được, đường được chỉ để được việc trước mắt.

Chủ nghĩa tình cờ, bởi lẽ đó, chỉ là một thứ chủ nghĩa đường được, một thứ chủ nghĩa đại khái nhì nhằng.

Tình cờ đọc, đọc lõm ba lõm bõm, chỉ mới nắm bắt vấn đề một cách đại khái nhì nhằng mà đã khệnh khạng lên tiếng bảo ban chính là một trò bựa, một trò thô bạo văn hoá. Ý tưởng của bất kỳ tác giả nào cũng có tính hệ thống, không chỉ là hệ thống trong một đơn vị bài viết mà còn là hệ thống của một quá trình làm việc qua một chiều dài thời gian nào đó: bỏ qua tính hệ thống để xoáy vào vài ba điểm tiện việc thì không những là một trò bựa, một trò chơi thô bạo mà còn là một trò gian lận. Bởi, muốn nhúng tay vào bất cứ chuyện gì đó thì phải dám chịu trách nhiệm, phải biết và do đó phải đọc thật kỹ, thật nhiều, đọc cả những gì dây mơ rễ má liên quan. Thế thôi, trừ phi muốn dở trò chơi bựa chơi gian.

Văn hoá hương thôn của chúng ta đã sản sinh ra những Chí Phèo gian và bựa như vậy. Những Chí Phèo xôi thịt “tình cờ” ghé vào những nơi tiệc tùng nhậu nhẹt kiếm ăn. Những Chí Phèo văn hoá “tình cờ đọc” hay “tình cờ nghe” để xía vào những chuyện mà mình hoàn toàn ấm ớ hội tề bằng một thái độ vừa khệnh khạng bề trên, vừa giữ miếng chạy làng, chỉ để xả bớt những nộ ố sân si với cái giọng khinh bạc và bỉ thử của kẻ đã đắc đạo, thoát trần.

Phê bình là động lực của sự cầu tiến, tuy nhiên đó phải là một sự phê bình nghiêm túc, đàng hoàng chứ không thể nhếch nhác và ỏm tỏi như cái cảnh Chí Phèo say rượu vừa đi vừa chửi. Chí ta chửi trời. Chí ta chửi đời. Chí ta chửi cả làng Vũ Đại.

Rồi Chí ta chửi cả những ai không chịu lên tiếng chửi lại mình...

 
Sydney 2.2002

 

___________

Chú thích:

[1]Cuộc “bút chiến” này xoay quanh vấn đề thông phiên dịch, bắt đầu từ cách dịch chữ “Constitutional Conference” và diễn ra trên báo chí và đài phát thanh tại Úc năm 1998. Một phần của cuộc bút chiến này đã được thuật lại trong cuốn Bút chiến ở miệt dưới của Nguyễn Ngọc Phách, tác giả tự xuất bản tại Melbourne năm 1999.

[2]Trần Xuân Ninh, “Đọc sách Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng” [website Việt Báo].

[3]Phạm Thị Hoài, “Sấm Hegel” [website Talawas].

[4]Phan Ngọc, “Câu chuyện dịch ‘Mỹ học’ của Hegel (Trả lời chị Phạm Thị Hoài)” [website Talawas].

[5]Có lẽ đây là một khuynh hướng chung. Nếu các tầng lớp trí thức Việt Nam ngày xưa có xu hướng “Trẻ Nho, già Lão” thì bây giờ thái độ trên lại thể hiện lề lối ứng xử “Thành Nho, bại Lão (hay Phật)” của không ít trí thức, khoa bảng và nghệ sĩ. Hễ thành công một chút thì họ ăn nói lớn tiếng, rổn rảng như là kẻ muốn ra tay “bình thiên hạ”. Đến khi thất bại hay đuối lý trước việc gì thì lại dở giọng của những thiền sư, nhìn đời là hư vô, cho rằng cái gì cũng tạm bợ và “vô thường” cả.

[6]Nguyễn Hoàng Văn, “Phê bình du kích” [website Tiền Vệ].
 
 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021