thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về sự khó hiểu của thơ hiện đại

Cái khó của thơ (và thơ hiện đại đang bị xem là khó hiểu) có lẽ xuất phát từ một trong nhiều nguyên nhân. Trước hết, có những nguyên nhân khiến cho một nhà thơ vô phương tự giãi bày chính mình bằng một cách nào khác hơn là một lối nói tối tăm, khuất khúc, khó hiểu. Trong khi điều đó có thể là một sự đáng tiếc thì tôi nghĩ chúng ta nên mừng là nhà thơ đã có ít nhất một cách để tự giãi bày. Cái khó cũng có thể xuất phát từ sự mới lạ: chúng ta biết các nhà thơ Wordsworth, Shelley và Keats, Tennyson và Browning đã từng bị chế diễu không ít - nhưng chỉ có Browning là nhà thơ đầu tiên bị gọi là khó; những nhà phê bình đã không gọi các nhà thơ kia là khó, chỉ chê là dở hơi. Cái khó cũng có thể xuất phát từ người đọc vốn cứ đinh ninh là bài thơ mình sắp đọc là khó hiểu. Một người đọc bình thường, khi bị cảnh giác về sự tối nghĩa của một bài thơ có khuynh hướng bị ném vào tình trạng kinh khủng rất là không thuận lợi cho việc tiếp nhận bài thơ. Thay vì theo lẽ phải bắt đầu ở một trạng thái mở rộng cảm quan, kẻ ấy lại đóng lại những cửa ngỏ cảm quan này bằng một ý định cố gắng tìm tòi, chứng minh thông thái - tìm kiếm gì thì chưa ai biết - nếu không thế thì cũng muốn không để bị kéo vào trong cuộc. Người ta từng biết tới tâm lý sợ hãi khi lên sân khấu, nhưng những độc giả này bị một tình trạng khác: sự sợ hãi của kẻ bước vào đấu trường. Những độc giả thi thoảng mới đọc thơ, những người đã đạt được một tâm thái trong trắng hơn, không quan tâm tới chuyện hiểu, ít nhất là ở lần đọc đầu tiên. Tôi biết rằng một số thơ mà tôi đã dốc tâm theo dõi nhiều nhất thực ra là thơ tôi không hiểu được ở lần đọc đầu tiên; một số thơ cho tới giờ này tôi vẫn không chắc đã hiểu: thơ Shakespeare, chẳng hạn. Và sau rốt, có cái khó đưa tới từ lý do người viết đã lấy ra ngoài những điều mà người đọc thường hay tìm thấy; do đó, người đọc bị hoang mang, phải mò mẫm dò tìm cái vắng mặt, vò đầu vò tai tìm kiếm một loại ‘ý nghĩa’ mà nó không có ở đó, và không hề có ý định có mặt ở đó.

Sự hữu dụng chủ yếu của ‘ý nghĩa’ của một bài thơ, trong nghĩa thông thường, có lẽ (ở đây một lần nữa tôi chỉ nói tới một loại thơ chứ không phải tất cả) nhằm thoả mãn thói quen của người đọc, để giữ cho tâm trí anh ta an lạc và lắng đọng, trong khi bài thơ làm việc trên tâm trí anh ta, người đọc: chẳng khác nào một kẻ trộm trong tưởng tượng luôn luôn cung cấp một miếng thịt ngon cho chó giữ nhà. Tôi tán thành tình trạng vốn bình thường này. Nhưng tâm trí của tất cả các nhà thơ không hoạt động theo lối này; một số - giả định rằng có những tâm trí tương tự như thế - trở nên mất kiên nhẫn trước loại ý nghĩa dường như dư thừa ấy, và nhận thức về những triển vọng đem tới cường độ cho thơ bằng sự lược bỏ điều dư thừa. Tôi không đề xướng tình cảnh này là lý tưởng; chỉ một điều là chúng ta phải viết những bài thơ của chúng ta theo cách ta có thể diễn bày và đi tới đâu thì tuỳ sự tìm thấy của từng người viết. Có lẽ ở một giai đoạn xã hội một hình thức viết thư thái là chính đáng và ở những giai đoạn khác cần tới những hình thức viết cô đúc hơn. Tôi tin rằng nhiều người cùng cảm thấy như tôi rằng hiệu năng ở một số thơ của các tài thơ lớn thế kỷ 19 đã bị giảm sút vì sự thiếu tính cô đúc này. Có ai giờ đây, vì thú đọc thơ, còn có thể đọc được từ trang đầu đến trang cuối thơ của Wordsworth, Shelley, ngay cả Keats, chắc chắn Browning và Swinburne và phần lớn những nhà thơ Pháp thời ấy? Tôi không có ý cho rằng thời của ‘thơ dài’ đã đi qua, nhưng chí ít phải có những điều gì nhiều hơn là lượng dài ở những bài thơ cũ đã khiến thế hệ hàng ông hàng cố của chúng ta đi tới với chúng và với chúng ta giờ đây thì cái gì có thể nói được trong văn có thể nói được hay hơn trong văn. Và rất nhiều những điều này, qua lối ngỏ ý nghĩa, thuộc về lãnh vực thơ hơn văn. Chủ thuyết ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’, một quan điểm nhầm lẫn, và được quảng cáo nhiều hơn là thực hành, chứa đựng động lực thúc đẩy này bên trong, ấy là sự công nhận về một lầm lẫn khi những nhà thơ cố gắng làm những công việc của kẻ khác. Thế nhưng thơ ca có nhiều điều để học hỏi từ văn hơn là từ những nguồn thơ khác; và tôi nghĩ rằng một sự giao tác giữa văn và thơ, như sự giao tác giữa ngôn ngữ với ngôn ngữ, là một điều kiện tạo thành sinh lực cho văn chương.

Nguyễn Tiên Hoàng dịch từ T.S. Eliot, Selected Prose do John Hayward biên tập, Peregrine Books xuất bản năm 1965, trang 87-88. Tựa do toà soạn đặt.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021