thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lịch sử văn học là lịch sử tác phẩm hay lịch sử tác giả?

Trong một câu chuyện trà dư tửu hậu, tôi nói với một anh bạn làm nghề viết văn rằng trong tương lai, có lẽ sẽ chỉ còn tác phẩm văn chương mà không còn tác giả như là người duy nhất thai nghén và cấp cho tác phẩm một diện mạo nghệ thuật nữa! Anh bạn viết văn của tôi thất vọng ra mặt và tuyên bố đến lúc đó sẽ giải nghệ. Câu chuyện của chúng tôi cũng đã lâu và lúc ấy, cũng chưa có nhiều người làm văn nghệ ở Việt Nam tiếp cận những quan điểm hậu hiện đại về liên văn bản và siêu văn bản.

Qua tác phẩm văn học, dường như chúng ta có thể thấy rõ chân dung tác giả của nó và xa hơn nữa, có thể nhận diện được cả một giai đoạn lịch sử mà tác phẩm văn học đó phản ánh. Từ quan điểm đó đã hình thành những lý thuyết sử quan về nghiên cứu văn học, được giảng dạy trong nhà trường và tạo dựng cả một tập quán xã hội về thưởng thức nghệ thuật. Người đọc có thói quen gắn chặt tác phẩm với tác giả và với lịch sử, thứ lịch sử được đan kết bởi các chân dung tác giả và như thế, tác phẩm có nguy cơ bị đánh chìm trong mớ bòng bong những liên kết phi văn bản. Chúng ta quá quen thuộc với một Hồ Xuân Hương ỡm ờ, đố tục giảng thanh hay đố thanh giảng tục đến mức không còn muốn phân biệt bài thơ nào là của Hồ Xuân Hương, bài thơ nào là do các “hiền nhân quân tử” mượn phong cách Hồ Xuân Hương để “góp gió”. Quan hệ giữa tác giả và tác phẩm vốn đơn giản một chiều theo thói quen nhận thức bị mờ đi và xuất hiện một thực thể mới pha trộn giữa tác phẩm, tác giả, giai thoại và những nghi án văn chương. Lịch sử văn học mà phần đông chúng ta tiếp nhận chính là lịch sử của các thực thể này.

Vậy chúng ta có nên tách bạch rõ ràng hai loại lịch sử văn học:

- Lịch sử tác phẩm mà tên tuổi tác giả hay thời điểm tác phẩm ra đời chỉ là một phần trong lý lịch trích ngang của tác phẩm.

- Lịch sử tác giả với tất cả những giai thoại và nghi án văn chương, vốn là đề tài nghiên cứu của các nhà sử học.

Việc này sẽ dẫn đến nhiều hệ luận.

Hệ luận thứ nhất là vai trò của tác giả. Vai trò của tác giả có gắn liền với khái niệm chủ nghĩa cá nhân trong tiến trình tư tưởng của nhân loại hay không? Chủ nghĩa cá nhân là một khái niệm lịch sử và ý thức về vai trò tác giả cũng là một khái niệm lịch sử nhưng hai khái niệm này không trùng khít với nhau trên cả hai trục đồng đại và lịch đại. Ý thức về vai trò của tác giả xuất hiện sớm hơn chủ nghĩa cá nhân và sự tồn tại của nó bị đặt thành vấn đề không phải do tiến trình tư tưởng mà là do những phương thức hành ngôn mới mẻ liên quan đến các biến đổi kỹ thuật của quá trình truyền thông. Quan niệm được cho là của F. de Saussure rằng ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu tồn tại trước khi chủ thể dụng ngôn xuất hiện, do đó, con người đành chịu cảnh “ăn sẵn”, chỉ còn biết sử dụng hệ thống đó một cách mặc định… là một quan niệm làm khô cứng ngôn ngữ. Hay như ý tưởng của R. Barthes, rằng người viết hay kẻ truyền đạt buộc phải sử dụng những khái niệm và quy ước tồn tại trước đó - những quy ước được sự công nhận của xã hội, của cộng đồng hay ít nhất của hai người là kẻ truyền đạt và kẻ thụ nhận - cũng đã đề cao quá mức khả năng hoạt tác của ngôn ngữ như một chủ thể hành ngôn. Ngôn ngữ là một sinh thể không ngừng biến đổi và bành trướng trong thế giới văn bản, kể cả văn bản nói và văn bản viết, nhưng sinh thể đó không có khả năng tự tăng trưởng trong chân không mà nó chỉ tăng trưởng trong quá trình hành ngôn, nghĩa là trong hoạt động giao tiếp của con người. Người truyền đạt hay người thụ nhận không phải chỉ là những đơn vị chuyển tiếp các dòng thông tin ngôn ngữ cố định mà còn là những “trạm biến tần” tác động vào dòng thông tin đó, không những làm thay đổi thông điệp được chuyển giao mà còn có khả năng thay đổi cả mã thông điệp. Chính trong không gian đa môi trường này mà một hệ thống ký hiệu có thể thực hiện khả năng tương tác của nó và qua đó, nó không ngừng tăng trưởng. Vậy vai trò tác giả nằm ở chỗ nào trong trùng điệp các tương tác giữa hai chủ thể hành ngôn (?) là người sử dụng ngôn ngữ và chính bản thân ngôn ngữ? Phải chăng chính ngôn ngữ tạo ra tư tưởng ở khoảnh khắc ngôn ngữ được giải phóng và trở thành tự do, khoảnh khắc mà tác giả biến thành con rối, thành trò chơi của ngôn ngữ, như ý tưởng của R. Barthes? Hệ luận này dẫn chúng ta đi xa hơn nữa, đến một loại văn học đa tác giả hoặc phiếm tác giả – không phải là văn học dân gian hay tác giả khuyết danh như chúng ta đã biết – mà là một loại tác phẩm bỏ ngỏ, dành tác quyền cho người đọc ở bất cứ thời điểm nào. Nhưng ngay cả như vậy thì tác phẩm bỏ ngỏ ấy cũng phải có một điểm khởi đầu chứ? Sự lên ngôi của người đọc không phải là sự cáo chung của tác giả mà chỉ là sự sắp đặt lại các vai trò, tương hợp với những thay đổi trong kỹ thuật sống còn của con người.

Nói đến kỹ thuật sống, chúng ta có ý tưởng của M. McLuhan rằng vai trò của các phương tiện kỹ thuật nghe - nhìn là để kéo dài và mở rộng các giác quan của chúng ta, tương tự như ý tưởng của O. Spengler rằng các phương tiện kỹ thuật cơ giới là nhằm kéo dài cánh tay hay đôi chân trong tiến trình lao tác của loài thú săn mồi là con người. Một mảnh tước được ghè đẽo công phu ở thời đồ đá có thể là sản phẩm của một người nguyên thuỷ duy nhất, nhưng chiếc computer thì không thể là phát minh của riêng một nhà sáng chế nào, và hệ điều hành Windows cũng không phải là sản phẩm của một Bill Gates. Một tác phẩm văn chương cổ xưa và một tác phẩm liên văn bản hậu hiện đại có thể có khoảng cách giữa một mảnh tước thời đồ đá và chiếc computer, có nghĩa là một tác phẩm văn chương hậu hiện đại cũng sẽ được xã hội hoá ngay trong quá trình sáng tạo với hàm lượng tri thức mà một cá nhân không sao kham nổi. Dù cho rằng văn chương chỉ là trò chơi đi nữa thì homo faber hay homo ludens cũng không lao tác một mình hay chơi một mình. Ngay cả những khái niệm đồng tác giả hay sáng tác tập thể cũng trở nên vô nghĩa trong một nền văn chương siêu văn bản. Tuy nhiên, vai trò tác giả sẽ mờ dần chứ không tắt phụt và tập quán xã hội sẽ tiếp tục duy trì vai trò những tác giả lịch sử của các tác phẩm nghệ thuật cũng như của các phát minh kỹ thuật trong một thời gian dài. Chúng ta sẽ có lịch sử của các phát minh kỹ thuật song song với lịch sử của các nhà sáng chế, lịch sử các tác phẩm nghệ thuật song song với lịch sử các tác giả.

Tóm lại, sự phát triển của kỹ thuật sẽ mở rộng khả năng liên kết giữa các văn bản trong không gian và thời gian và làm giảm thiểu vai trò của tác giả như cội nguồn duy nhất của văn bản. Như vậy, lịch sử văn học như là lịch sử của các tác giả hoặc sẽ không còn ý nghĩa quan trọng như hiện nay nữa, hoặc sẽ là một lịch sử hết sức phức tạp và đồ sộ bởi việc lần tìm dấu vết sáng tạo của từng cá nhân trong một tác phẩm liên văn bản sẽ trở nên gian nan và gần như vô vọng.

Hệ luận thứ hai là không gian tính và thời gian tính của tác phẩm văn học cũng sẽ được đặt lại trong một tương quan khác. Khái niệm liên văn bản đòi hỏi chúng ta nhận thức rằng mỗi văn bản tồn tại trong mối quan hệ với những văn bản khác đồng thời hoặc không đồng thời với nó. Khả năng diễn dịch của người đọc sẽ khai triển văn bản trong không gian qua những liên kết đa tầng với vô số văn bản đồng thời và kéo ngược văn bản đang được diễn dịch về với những văn bản của quá khứ, hơn thế nữa, những văn bản tiềm năng của tương lai cũng được thai nghén trong quá trình diễn dịch này. Lịch sử văn học như lịch sử các tác phẩm không còn là một dòng chảy tuyến tính mà có vẻ giống một mô tả của hình học Lobatsevski. Một văn bản hiện đại khác với một văn bản quen thuộc xưa nay ở hàm lượng văn hoá mà nó dung chứa trong khả năng liên kết siêu văn bản của nó. Một chiếc rìu đá có vai của một nền văn hoá đồ đá mới có hàm lượng văn hoá hơn hẳn một mảnh tước được ghè đẽo thô sơ của một nền văn hoá đồ đá cũ nhưng cả hai sản phẩm đồ đá đó đều có những thao tác chế tạo và sử dụng gần giống nhau. Còn hai văn bản mà chúng ta có trong tay ở cùng một thời điểm có thể thuộc hai nền văn hoá khác nhau với những thao tác viết và đọc hoàn toàn khác nhau.

Một khả năng khác là lịch sử văn học sẽ song hành với lịch sử ngôn ngữ học, bởi lúc này ngôn ngữ cũng tranh chấp vai trò chủ thể hành ngôn với con người. Các cặp đối lập nhị phân như “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt” hoặc “chủ thể hành ngôn” và “khách thể hành ngôn” sẽ rơi vào khủng hoảng. Nhưng ngay từ khởi thuỷ trong ý thức của con người, do tính chất thống nhất và mâu thuẫn của các cặp phạm trù, chúng cũng đã không ngừng tương tác và chuyển hoá lẫn nhau. Dù trong các lý thuyết cấu trúc luận hay giải cấu trúc luận, các cặp đối lập nhị phân này vẫn không ngừng tạo ra những khả thể - dù chúng nằm yên trong một tương quan tĩnh hay chúng trở nên hoạt tác và tồn tại như những yếu tố tự sáng tạo thì chúng vẫn không ngừng kêu gọi đến những chân trời mới của văn bản. Liên văn bản không phải là một thuộc tính của riêng văn học hậu hiện đại mà là một tiềm năng của bất kỳ văn bản nào, vấn đề là người đọc với hàm lượng văn hoá của mình sẽ tiến hành thao tác đọc như thế nào.

Nhưng dù như thế nào đi nữa, lịch sử văn học như lịch sử các tác phẩm cũng vẫn là một lịch sử phải được viết lại.

Một hệ luận khác vượt ra khỏi văn học và động chạm đến những vấn đề nhạy cảm còn hơn cả tác giả hay tác quyền, đó là vai trò cá nhân trong lịch sử. Chủ đề này không chỉ đóng khung trong văn học và cũng không chỉ liên quan đến sự tồn tại của chủ nghĩa cá nhân với tư cách một trào lưu tư tưởng, mà là chủ đề xuyên suốt của các khoa học nhân văn nên tôi xin được dừng lại ở đây.

Chúng ta sẽ xem xét lịch sử văn học nào, lịch sử tác phẩm hay lịch sử tác giả, không phải là tiền đề để chúng ta lựa chọn một cách thế sáng tác hay cảm thụ mà chỉ là một góc độ khai triển những khả năng cá nhân trong các quá trình đó. Và sau cùng, xin người đọc coi đây chỉ là một phiếm luận với những ý tưởng tản mạn, nếu nó có thể gợi ra một ý tưởng nhỏ nhoi nào khác thì cũng là điều mong muốn của người viết.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021