thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Viết nhân ngày 8-3: Về mấy bài thơ “B...” của Phạm Thị Điệp Giang

 

Xưa nay tôi ít viết phê bình văn thơ, và trong tương lai cũng chưa chắc đã làm việc đó. Nếu quý vị cho rằng phê bình thơ là những cảm hứng được khởi lên từ việc đọc một bài thơ, thì trường hợp này của tôi là như vậy. Còn cái dấu mốc 8-3 chỉ như một cái neo thời điểm khiến tôi nghĩ về giới nữ nhiều hơn...
 
Tôi đã có suy nghĩ sẽ viết một cái gì đó về họ nhân ngày này. Những cái to lớn thì chẳng dám (ví như đánh giá cả một trào lưu thơ nữ, hay nhỏ hơn là toàn bộ sáng tác của một nữ tác giả nào đó chẳng hạn...), bởi sợ không kham nổi. Và cuối cùng, chỉ là vài bài thơ nhỏ mà thôi...

 

Gần đây có một chuỗi (đến nay được 4 bài) những bài thơ có nhan đề “B...” của tác giả Phạm Thị Điệp Giang đăng trên Tiền Vệ. Đầu tiên nó gây chú ý bởi cái nhan đề ngắn gọn và lạ của nó. Tác giả đánh số gần như theo thứ tự, từ: B1, B3, B6B8. Chúng không liên tục. Có vẻ như tác giả đặt nhan đề các bài thơ như đánh số các căn hộ chung cư thời hiện đại. Và tôi cũng không thắc mắc nhiều về nó nữa...

Trong 4 bài trên, có hai bài B3B6, theo tôi, chỉ thuần tuý “thuật chuyện” nên sẽ không đề cập đến trong bài viết này. Vậy chỉ còn hai bài B1B8.

Tôi sẽ bắt đầu từ B8...

 

Có vẻ Điệp Giang thường thích khởi đầu bài thơ bằng kỹ thuật lặp lại, thấy rất rõ trong cả hai bài thơ này.

Mở đầu bài B1, cô viết:

Những con kiến bò quanh quẩn chân tường
Khiêng đi những mảnh da chết
Khiêng đi những vụn sừng nơi đầu móng chân tay
Khiêng đi những sợi lông mi đã rụng
...

Còn trong bài B8:

Hôm qua giẫm chân lên những vệt chân ướt bước vào cửa phòng
Y hệt như hôm kia
Y hệt như hôm nay
Lối đi vào vẫn chưa mòn như ý
...

Trong bài B8, tính hiệu quả của kỹ thuật này rất rõ — nó làm tăng thêm độ nặng cho câu cuối:

Lối đi vào vẫn chưa mòn như ý

Cô đang tìm/tạo một lối mòn để bước vào một căn phòng.

Căn phòng của cô chứa những gì?

Tôi treo chân dung tôi
...
Nơi những cuốn sách dang dở trên mặt sàn
Có cuốn cả nghìn trang
...

Và một mớ những linh tượng:

Chỉ còn những cái linga buồn
Những con cá gốm nung lồi mắt
Những con rùa nứt chân, con trâu gãy sừng
Mang về từ những chuyến đi Phan Rang
Chỉ còn những bức tượng Phật
Lớn hơn ngón tay giữa và nhỏ hơn ngón tay út
Mang về từ Bagan, SiemRiep, Borobudur, Yangoon hay Penang
Chỉ còn những chiếc mặt nạ
Ông già và bà già mua rẻ ở chợ Nam Daemon
Vẫn hồn nhiên sống ngày này tháng khác

Và mục đích của việc tìm lối mòn này được giải thích rõ ở đoạn tiếp theo:

Tôi thường dò những bước chân của mình khi bước vào phòng
Những vệt chân của hôm qua
Những vệt chân của hôm kia
Của những ngày trước đó
Và những ngày sau đó
Mong tìm ra một lối đi kỳ vĩ

Ở khổ thơ này lại bắt gặp sự lặp lại: “Những vệt chân...”, qua một tiến trình thời gian liên tục, từ hôm qua, hôm kia, ngày trước đó và những ngày sau đó.

Và kết quả của cả tiến trình này là gì?

Nhưng, không gì ngoài
những cặp mắt trong căn phòng đặc bí
Chòng chọc nhìn tôi
Hăm hở sống ngày này tháng khác
Chẳng chịu chán cuộc đời

Đọc bài thơ này tôi liên tưởng đến những cảm giác phải trải qua của một người mới tập thiền. Trong bát chánh đạo, có một chánh là “Chánh định”. Trong kỹ thuật thiền, sự lặp đi lặp lại cùng một cách thức tập trung tư tưởng, ngày ngày qua ngày khác, bằng một sự nhẫn nại, là phương pháp để đạt đến chánh định. Mục đích tối thượng của thiền là để đạt đến “Chánh niệm”. Và chỉ có thể làm được việc này nếu sự “Chánh định” được thiết lập. Sự “Chánh định” có thể được hiểu như một sự cố gắng để kìm giữ con ngựa bất kham, là tâm thức ta, vào một chỗ.

Có thể hình dung tác giả như một người đang lần mò từng bước tạo lối để khai phá “căn phòng tâm thức” của mình. Những vệt chân được lặp lại liên tục, từ ngày này qua ngày khác liệu có tạo nổi cho cô một lối mòn? Những cuốn sách ngàn trang cũng sẽ trở nên vô ích...

Khổ thơ về những linh tượng, theo tôi, là một đoạn rườm trong bài này. Tác giả có thể chỉ cần chọn một hình tượng nào đó thật mạnh để chuyển tải cái ý niệm tâm linh là đủ và sẽ làm cho bài thơ gọn và súc tích hơn.

 

Trong bài B1, cảm xúc của nhà thơ được khởi phát từ sự quan sát “những đàn kiến trên tường”. Đây là một hình tượng phổ biến, nhưng suy tư trên hình tượng này, theo một cách rất riêng và độc đáo, là đóng góp của bài thơ này.

Như tôi đã nói ở trên, tác giả cũng mở đầu bài thơ này bằng kỹ thuật lặp lại. Nhưng thật đáng tiếc, tính hiệu quả của nó lại không cao như trong bài B8. Đọc đoạn này chỉ có cảm giác như đọc một câu chuyện cười dân gian cũ. Chuyện kể một ông vua đã mở một cuộc thi kể chuyện, và sẽ thưởng hậu cho ai kể câu chuyện mà ông ta nghe đến phát chán. Một anh chàng đã chiến thắng nhờ kể câu chuyện về những con kiến đang tha một đống lúa...

Cái nhìn đàn kiến bò như một chuỗi nhân quả có tính chu kỳ của cuộc đời, là cái nhìn lạ.

Quá khứ tủn mủn bấy nát
Nặng nề trèo lên lưng lũ kiến
...
Không biết lũ kiến đang đột nhập
Mang theo một chuỗi cũ tàn
Vừa bò vừa hoang mang...

Ở đây tác giả đang đứng ở cuối chu kỳ và hướng cặp mắt phán xét của mình về phía sau. Một kẻ đã thực sự “đi qua cuộc đời” là một kẻ đã thực sự leo lên đỉnh hạnh phúc rồi rớt xuống vực sâu. Hạnh phúc thật sự chỉ là “tủn mủn và bấy nát”. Và cô đang lo ngại cho cái hạnh phúc mong manh đang có của một đôi vợ chồng mới cưới:

Trong căn phòng những cửa kính ngưng đọng tiếng ồn ã bên ngoài
Họ hôn nhau, thì thào, làm tình, rồi chìm trong mật ngọt
Không biết lũ kiến đang đột nhập
...

Ở đây, phảng phất cái nhìn vô thường của nhà Phật về cuộc sống.

 
Sài Gòn ngày 8/03/2009
 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021