thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nguyễn Thế Hoàng Linh & hành trình ca dao cho thời hậu hiện đại

 

Nguyễn Thế Hoàng Linh làm thơ dễ, nhanh và nhiều. Ào ào, hàng trăm bài, hàng mấy trăm bài, ngàn bài. Khác với Bùi Chát mà mỗi ngày có thể sản xuất 33 bài thơ nghĩa địa, nhưng loại thơ này chủ yếu chế tác [hay kí sinh] trên thơ người khác, Hoàng Linh sáng tác.

Khởi đầu viết, đa số người làm thơ Việt có xu hướng lãng mạn. “Và nỗi nhớ lại bắt đầu với gió” — Lê Vĩnh Tài. Con đường lớn này rất dễ sa ngã, sa ngã đặc trưng của lối mòn. Xa lộ chính là tử lộ, như lối nói của Nguyễn Hưng Quốc. Số ít chọn triết lí, “siêu hình”. Là lối đi khó nhọc. Chỉ có thiên tài mới khả năng gánh vác và mở ra con đường lớn cho thi ca và tư tưởng. Rimbaud chẳng hạn. Còn lại thì tắc, và nếu không tự thức để chuyển hướng thì chắc chắn, tiêu!(1)

Nguyễn Thế Hoàng Linh là ca lạ, anh chọn cả hai. Lãng mạn và suy tư siêu hình, hoặc tách bạch hoặc trộn lẫn, trong cùng giai đoạn sáng tác.

những giọt lệ bay trong lòng vắng
hoa sữa vỡ vương hương đăng đắng
bụi phố phường li ti hạt cà phê
hoàng hôn ứa máu loang lê thê
con đường dài-sâu-rộng và xa
đôi chân khuỵu chùng theo nỗi nhớ
thất thểu tha trái tim tả tơi
hoảng hốt hôn hoa hồng héo hụt hơi
(“Tuyệt vọng”, Mầm sống, 2001)
 
tôi muốn trốn chạy vào thế giới
thoát khỏi nỗi buồn đơn độc đầy tim
không biết nữa
khi bước ra tôi đã
sợ run người
tôi quay lại
lặng im
(“Không tên 16”, Mầm sống, 2001)
 

Nhưng may, hai tài năng thơ này đã ngưng lại và chuyển. Lê Vĩnh Tài rời bỏ lãng mạn bước sang hiện đại rồi hậu hiện đại. Nguyễn Thế Hoàng Linh từ Mầm sống (2001) qua Uống một ngum nước biển (2004) đến Bé tập tô (2005), đã rất khác. Cũng có thể xem sự đã qua như là giai đoạn thử nghiệm, tôi luyện kĩ năng. Khi đã vượt thoát khỏi gò bó của câu chữ, bí bức của ý tưởng, thơ của Hoàng Linh ào ạt tuôn chảy. Tự nhiên như nhiên. Thơ về mọi sự việc xảy ra hằng ngày, tất tần tật. Thơ như nói chuyện.

chúng tôi nói chuyện về thời tiết. về văn học. về quyết định khổ sở của người cha. về bè bạn. về những thay đổi trong tâm khảm và cơ thể. về nhận thức. về tình yêu. về cái thiện. nhưng như thế vẫn là quá ít. so với những gì chưa nói được.
 
mực của bút không đủ cho mọi nhân vật, mọi câu chuyện... sẽ càng ngày càng khó nhân danh. có lẽ đó là điều lớn nhất làm cá nhân không trở nên hèn mọn và vô nghĩa. tôi mỉm cười. hơi miễn cưỡng. cái mỉm cười chỉ để mỉm cười. dành riêng cho sự mỉm cười. không cho ai khác. cả tôi.
(“đoản khúc”, Bé tập tô)
 

Hoàng Linh làm thơ như trẻ con nói huyên thuyên, như người phố chợ chuyện gẫu. Không để làm gì, không cho ai, không cả cho anh. Làm thơ như thở, ăn, ngủ, làm tình,... Cởi bỏ lại sau lưng mấy nhăn trán siêu hình hay ưu tư thế sự to tát. Tất cả là bây giờ, duy nhất.

để yên phút giây đôi lứa
làm tình sau đợt ném bom
kệ cho bố con thần chết
đợi vu vơ bên miệng hòm
 
để yên trái tim anh vỡ
khi anh không có được em
tham nhũng, độc tài, dịch cúm...
anh đi ăn một que kem
(“cho nhân loại ngủ”, Bé tập tô)
 

Tôi không cho chuyện đi ăn một cây kem của tôi thì to hay nhỏ hơn vấn đề “tham nhũng, độc tài, dịch cúm”, nhưng đó là việc của tôi sắp làm, đang làm. “Thế giới chỉ tốt đẹp và trong sạch khi cuộc sống riêng tư của chúng ta tốt đẹp và trong sạch”, Vivekananda nói. Như vậy thì siêu và sâu quá, Nguyễn Thế Hoàng Linh pha tất. Pha, nhưng không phải hư vô chủ nghĩa. Ở thơ Hoàng Linh, tất cả dàn trải ra bề mặt, trồi lên và lòi ra. Cũng không nên hiểu bề mặt đồng nghĩa với nông cạn, hời hợt. Đây đó anh có triết lí, nhưng là [cố tình] triết lí vụn. Triết lí như thể đang đùa nghịch với triết lí của mình. Về giao thông bệnh hoạn ở Việt Nam, về hút thuốc hay rửa bát:

tôi rửa bát thì ai cứu thế giới
anh rửa bát chính là cứu thế giới
khi đàn ông trên toàn thế giới
coi rửa bát là một thế giới
chắc chắn sẽ cứu được thế giới
(“cứu thế giới”, Bé tập tô)
 

Làm sao để đừng mặc áo, ăn cơm? — Thì cứ mặc áo ăn cơm! Một ngụ ngôn Thiền dạy thế. Đó là thứ triết lí của đời sống thực, cần thiết cho cuộc sinh hoạt hằng ngày. Có thể dùng và đọc nó bất kì đâu. Ai cũng có thể đọc và hiểu. Cô đứng quầy siêu thị hay anh công nhân nhà máy, chàng sinh viên ra trường thất nghiệp hay chú chạy xe ôm đang chờ bắt khách. Đọc, cười lên rồi quên. Cũng có thể giữa tất bật và bề bộn dòng đời, khi ta đụng vấn đề nào đó, hình ảnh rửa bát-cứu chuộc thế giới bất chợt xảy đến và làm vỡ ra, ta sáng lên một thứ ánh sáng rất lạ, tự bao giờ ở trong ta mà ta chưa hề nhận biết.

mỗi khi lòng mệt mỏi
là tôi lại lau nhà
cứ lau đi lau lại
buồn theo mồ hôi ra
(“bài ca lau nhà”, Bé tập tô)
 

Không vấn đề gì trầm trọng cả. Giữa lau nhà với giải sầu vẫn có quan hệ cụ thể nào đó, nếu ta biết nhận ra. Chuyện hoàn toàn mang tính cá nhân tôi, không liên can gì đến ai. Tôi không muốn nó lên giọng dạy đời. Lối triết lí nhẹ nhàng được thể hiện bằng lối viết ngắn và sắc như thế của Hoàng Linh vẫn đầy ý nghĩa và thú vị. Nhưng ưu thế của Nguyễn Thế Hoàng Linh chính là lục bát. Có thể gọi đó là ca dao của và cho thời hậu hiện đại.

Lục bát, lâu nay ta quen xem nó thuần Việt. Nhưng không. Nó là kho trời chung của các dân tộc Đông Nam Á. Cơ cấu ngôn ngữ dị biệt khiến lục bát mỗi nơi phát triển mỗi khác, ở đó khía cạnh đơn âm/ đa âm tiết có vai trò lớn tạo sự khác biệt. Ngay từ cuối thế kỉ XVI - đầu thế kỉ XVII được ghi nhận là thời điểm ra đời của sử thi Akayet Dewa Mưno, lục bát Chăm đã rất chuẩn mực. Trước đó nữa, trong panwơc pađit ca dao Chăm, lục bát là thể thơ được độc quyền sử dụng. Chăm gọi nó là thể ariya.(2)

Không kể các tác phẩm cổ điển sáng tác theo thể lục bát như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên,... lục bát hiện đại Việt Nam phát triển theo bốn dòng chính. Dòng lục bát dân gian, mà lục bát Nguyễn Bính là rất tiêu biểu. Nhịp thơ nhịp nhàng, ngôn ngữ dung dị dễ hiểu, hình ảnh thơ quen thuộc với đời sống thôn quê Việt Nam. Rất gần với ca dao. Dòng lục bát trí tuệ, có thể xem Lửa thiêng của Huy Cận thời Thơ Mới là thành tựu mở đầu. Mới mẻ ở đề tài và ý tưởng, ngôn từ trí tuệ và chắt lọc bên cạnh là độ nén của ý thơ tạo nên thứ thi pháp rất hiện đại. Dòng lục bát huyền ảo nảy nở và phát triển mạnh ở miền Nam thời sáng tác [và ảnh hưởng] Phật giáo thịnh hành: Huy Tưởng, Tuệ Mai và nhất là Phạm Thiên Thư với Động hoa vàng (1973) và Trại hoa đỉnh đồi (1975). Ngôn ngữ thơ mơ mơ hồ hồ bên cạnh hình ảnh mông lung, ý tưởng rời rạc, tạo một cảm giác miên man, mong manh, huyền ảo. Bài thơ đôi lúc chuyển nhịp khá bất ngờ. Dòng lục bát hậu hiện đại mở đầu bằng Bùi Giáng, nhất là các bài thơ giai đoạn sau. Có khi bài thơ chỉ là một chuỗi liên hệ âm, thanh, vần, phép nói lái trong ngôn ngữ nối tiếp hoặc chồng chéo lên nhau, lồng vào nhau như thể một ma trận chữ vô nghĩa; rồi cả chuỗi hình ảnh, ý nghĩ dẫm đạp lên nhau, xô đẩy, nhảy cóc rối tù mù.(3)

Lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh nằm giữa lục bát dân gian và Bùi Giáng.

sống lởm khởm phết em à
nhưng không sống nữa thì ta là gì
em làm ơn hiểu tôi đi
dễ như tôi hiểu nhu mì nơi em
hiểu khi em biết khát thèm...
(“lạ nhưng gần”, Bé tập tô)
 

Cả thơ bảy, tám chữ, ta vẫn thấy thơ anh mang hơi hướng và giọng điệu Bùi Giáng. Từ cách đặt câu đến lối vắt dòng, việc dùng chữ dễ dàng và tuôn trào như không chút dụng công như thơ cần thiết phải thế.

đứng lại trong chiều và anh đã
thấy nhiều khi mình ngu ngốc vô cùng
nhắm mắt lại và anh nghe vũ trụ
hé môi cười như hạt cát bao dung
 
anh đã đá bóng thua còn đánh nguội
đã lười yêu còn trách em hững hờ
đã hèn nhát còn nhân danh cái đẹp
đã hợt hời còn đến quấy rầy thơ
(“hé môi cười”, Bé tập tô)
 

Nguyễn Thế Hoàng Linh không quan tâm đến các dấu vết này. Anh chơi thơ, như dân gian đã từng chơi, xài lại cái người trước đã xài. Trong khi Bùi Giáng xáo trộn từ Việt, từ Hán Việt làm cho chúng chồng lắp, xô đẩy nhau vào cõi rối mù đến vô nghĩa, để nói lên sự bất lực của ngôn ngữ hay để diễn tả tư tưởng bất khả tư nghì thì, Hoàng Linh đi vào khía cạnh thường nhật, từ ngôn ngữ cho đến lối liên tưởng:

nhẩn nha ăn nhé đừng xem đồng hồ
ăn xong em sẽ bảo ô
mình vừa lo cái cóc khô gì nhề
(“hãy”, Bé tập tô)
 
suy nghĩ là giống hiểm nguy
dù chân của nó không vi trùng nhiều
(“đứa lười”, Bé tập tô)
 

Phản ứng lại vần điệu đã lỗi thời của các loại thơ cổ, thơ tự do hiện đại đã làm các cuộc phiêu lưu khai phá lớn, từ đó các nhà thơ tạo các bước đột phá quan trọng. Nhưng bước đột phá này vô hình trung đẩy thơ ngày càng xa rời người đọc. Từ bỏ luật tắc chung của thơ cổ, mỗi nhà thơ hiện đại sáng tạo một luật tắc riêng cho mình, ẩn dụ riêng và có khi cả hệ thống ngôn ngữ riêng. Sợi dây liên lạc giữa thơ và người đọc bị cắt đứt. Nhà thơ chỉ còn đọc nhau hay đọc trong phạm vi nhóm mình. Thơ dần mất đất đứng trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Không ai còn quan tâm đến thơ, ngoài những người làm thơ. Đâu đâu cũng có dự báo về cái chết của thơ.

Nhưng thơ cứ sống.

“Không còn ánh trăng ngà cho thi sĩ làm thơ”, — Nguyễn Trọng Tạo đã than như thế. Cái than thở mang vẻ nuối tiếc thời đã xa. Hết ánh trăng ngà, thi sĩ cứ làm thơ, nhưng làm thơ kiểu khác. Mĩ học nông nghiệp đã lỗi thời, ca dao không còn mảnh đất sống trong thế giới phẳng. Thơ hiện đại là thơ của thị dân. Nhưng ngay cả với thị dân, thơ hiện đại đang tự bó hẹp mình trong một không gian chật hẹp, tù túng và bí bức. Thơ chỉ được dành cho thành phần ưu tú, đặc tuyển.

Hậu hiện đại quyết giải tán sự phân biệt đó. Hậu hiện đại giải tán sự phân biệt cao/thấp trong chất liệu, đề tài và ý tưởng, nhưng hậu hiện đại không chủ yếu nhắm đến việc làm cho thơ dễ đọc. Hậu hiện đại thoải mái sử dụng những yếu tố bình dân, nhưng không phải đồng nghĩa với bình dân hoá, đại chúng hoá.

Nhóm Mở Miệng ra mắt, các nhà thơ hậu hiện đại xuất hiện, tân hình thức Việt được cho ra đời. Mỗi người mỗi cách, đưa thơ trở lại với con người giữa lòng đời phong nhiêu và bề bộn.

Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng nhập cuộc. Hoàng Linh với ca dao mới, ca dao của hậu hiện đại, hoà trộn trong cuộc sống đương đại.

 

Sài Gòn, 30-1-2009.

 

 

--------------
Chú thích:
 
(1) Chuyện vui. Tôi đã khởi sự cuộc viết theo lối thứ hai, nghĩa là đầy suy tưởng “siêu hình”. Thơ viết năm 24 tuổi, “Bài ca cô đơn”:
 
Tôi ca bài ca cô đơn tôi
hắt hiu bờ thảo dã
gió mỏng manh về run cây lá
ruỗng mòn nắng buổi thôi nôi.
 
Tôi ca bài ca cô đơn tôi
hừng hực trưa tàn nhẫn
tro tàn Hi Lạp mù Tây phương
thời sát nhân mọc cánh
bay bay về hoàng hôn.
 
Mặt trời xế bóng trên tờ Kim Cang
nhạt dấu chân xưa Cồ Đàm...
 
Khi ấy, tôi nghĩ viết như vậy là ghê gớm lắm, nhưng vài năm sau, tự thức nó nhảm, nên chỉ chép sổ tay làm kỉ niệm thôi. Hú vía! Còn bài “Con đường” có mấy đoạn đại loại:
 
Khi tôi chỉ còn bóng tối làm bạn đồng hành
Và con đường nằm trong bước chân...
 
Ơi người anh em rớt lại nơi bờ quan san!
Ơi những bàn chân còn dọ dẫm con đường
Với cây đuốc
Mang trái chán chường – bỏ cuộc
Đang lê về trên đôi guốc cũ của viện bảo tàng!
 
Ơi người thi sĩ có màu mắt rất đen và mái tóc rất đen!
Mãi ngủ giấc lành dưới mốc bụi của hành lang thư viện
Cẩn trọng bơi trong dòng hiện sinh
Mắc cạn bên này bờ cuộc chiến.
 
Bao giờ?
Chúng ta trút gánh nặng xuống – lên đường!
Con đường băng qua buổi chiều những thời đại
Gặp gỡ người tình nhân – cô đơn
Con đường vượt lên Đông phương, Tây phương
Giáp mặt với chiều sâu – bóng tối...
 
Viết vào năm 25 tuổi, ít lâu sau tôi thấy nó nhảm rồi, nhưng bởi nhẹ dạ tin nghe một nhà thơ đàn anh ở Hà Nội: “nó hay quá” nên dại dột đưa vào tập Tháp nắng (1996). Sách in ra đọc xấu hổ không biết cất vào đâu! Một triết gia mà tôi không nhớ tên đã viết: “Tôi không tin vào thơ của các nhà thơ dưới ba mươi tuổi.” Không phải không lí do chính đáng. Khổng Tử: 15 tuổi tìm học, 30 trụ vững. Trụ vững rồi mới nói đến sáng tạo. Ngoại trừ những Rimbaud!
 
(2) Xem: Inrasara, “So sánh lục bát Chăm - Việt, vài gợi mở bước đầu”, Tạp chí Văn hoá - nghệ thuật, số 9, 2001; Tienve.org, 2003.
(3) Xem: Inrasara, “Lục bát và các dòng thơ lục bát”, Inrasara.com.
 
Viết thêm: Nói chuyện ở Lớp Cử nhân tại một trường Đại học vào năm 2006, một sinh viên tụng ca lục bát Đồng Đức Bốn “có thơ truyền thống hay thế sao nhà thơ bỏ qua mà lại đi khen ngợi loại thơ hậu hiện đại”, bị tôi hỏi vặn: bạn đã đọc lục bát Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư có mặt trước đó non bốn mươi năm chưa? Câu trả lời là: chưa! Tôi nói: thế thì bạn chưa thể bàn về lục bát được. Đơn giản, nếu là độc giả phổ thông, bạn có thể cảm [cúm, mạo] nhận hay khen chê tuỳ hứng, nhưng khi bạn đang ngồi giảng đường để trở thành người đọc chuyên nghiệp ở thì tương lai (nhà phê bình, giáo viên dạy văn,...) thì bạn cần đọc hệ thống, nghĩa là phải nhận diện thơ lục bát trong tiến trình của nó. Không thể khác.

 

 

--------------------
Các bài viết nằm trong Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại (nghiên cứu - phê bình - tuyển):
 
- “40 km/h với Vũ Thành Sơn”, Tienve.org, 23-8-2008.
- “Lý Đợi không làm thơ”, Tienve.org, 11-1-2009.
- “Như Huy khai vỡ hiện thực như thực từ giữa những câu phức”, Talawas.org, 23-8-2008, viết lại và đăng trên Tienve.org, 27-1-2009.
- “Nguyễn Thế Hoàng Linh & hành trình ca dao cho thời hậu hiện đại”, Tienve.org, 12-2-2009.

 

 

-------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021