thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cuộc chiến của nỗi sợ hãi

 

(Thể loại văn học “lưỡng tính”, hoặc “đa hệ”)*

 

1. Cuối năm Mậu Tý

Lý do được nêu đã “ăn năn hối cải” và “hợp tác” để được đặc xá của nhà báo Nguyễn Việt Chiến xem ra không có gì mới. Đó là giọng điệu có tính “truyền thống” của Đảng và các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam đối với mọi loại “phạm nhân” hay có nguy cơ là “phạm nhân”.

Người ta có thể hoán vị sự “ăn năn hối cải và hợp tác” cho nhà nước trước áp lực của lòng tin và công luận.

Tuy nhiên, nhìn vào việc ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương được bầu vào Bộ Chính trị lại cho thấy mặt trận truyền thông ở Việt Nam đang được đẩy lên một “tầm cao” mới, hứa hẹn nhiều khốc liệt và oan trái. Và có thể hiểu sự thăng quan tiến chức này theo 2 cách:

Một là, sự thắng thế của phe bảo thủ.

Hai là, trọng trách của ông Tô Huy Rứa về tư tưởng văn hóa được Đảng trao “thượng phương bảo kiếm”.

Hành lang pháp lý cho việc “xử trảm” các Blogger bất đồng chính kiến, những người viết báo mạng đã được hoàn tất.

Liệu pháp răn đe với cánh nhà báo trong luồng đã được thực hiện.

Tiền lệ bóp cổ báo chí một cách công khai cũng đã được tạo ra.

Và người ta chờ ông Tô Huy Rứa tiếp tục rút kiếm trong năm 2009.

Điều đáng nói nhất ở đây là, người dân Việt Nam không nhìn thấy Đảng có một “tư tưởng văn hóa” nào trên mặt trận truyền thông toàn cầu, đặc biệt đối với truyền thông Trung Quốc (gần đây công khai tấn công Việt Nam trong các vấn đề lãnh thổ), mà Đảng chỉ quan tâm tới an ninh nội bộ.

Phải chăng, “thượng phương bảo kiếm” chỉ để trấn áp nỗi sợ hãi của chính người dùng kiếm?

 

2. Sau Tết Kỷ Sửu

Bài viết trên BBC cho biết: “Tác giả Aude Genet của Thông tấn xã Pháp AFP nhận xét thế hệ nhà văn mới của Việt Nam, khác với cha anh của họ trước đây, hầu như quên viết về chiến tranh”.

Thật ra có một cuộc chiến khác đang xảy ra ở Việt Nam mà ông nhà báo Pháp không thấy, bởi ông chỉ nhìn vào những gì đang xuất hiện trên bề mặt của nền văn học xếp hàng đi theo lề phải.

Đó là cuộc chiến chống lại nỗi sợ hãi. Cuộc chiến của mỗi người, nhưng nó xứng đáng để nói tới hơn cuộc chiến được ủy nhiệm của quá khứ.

Bên cạnh, những nông dân đi vào thành phố đòi sự công bằng. Những công nhân đồng loạt đứng lên đòi quyền lợi. Những sinh viên lên tiếng cho lãnh đạo đất nước và thày dạy của mình về bài học yêu nước.

Thật ra đã có một thế hệ nhà văn tự đi trên con đường của mình bằng cách từ bỏ nỗi sợ và thói quen giam cầm.

Họ đã là những người đầu tiên từ Nhà Văn hóa Thanh niên bước sang bên kia đường đến Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn trong cuộc biểu tình lần thứ nhất chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa – Trường Sa năm 2007.

Họ đã là những người đầu tiên viết và ký tên vào “Tuyên cáo của người Việt yêu nước” kêu gọi chống Trung Quốc trong sự thuần phục của chính quyền trên mạng lưới thông tin toàn cầu.

Và thật sự thì họ đã là những người viết theo lương tâm, chống lại thói xu nịnh và sự đớn hèn của kẻ nô lệ.

Và thật sự thì họ đã là những người dấn thân vào con đường văn chương không khoan nhượng với cái cũ.

Bạn sẽ hỏi họ đang ở đâu?

Thưa, họ đang sống ở vỉa hè Sài Gòn.

Tôi biết họ vẫn còn sợ, bởi vì vẫn có những kẻ muốn bịt miệng bẻ cổ họ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ không tiếp tục chiến đấu với nỗi sợ.

 

5.2.2009

 

_________________________
* Bài đã đăng (thuộc thể loại văn học “lưỡng tính” hay “đa hệ” của Nguyễn Viện):
 
Tôi vừa ngủ dậy và nghĩ mình cần tiếp tục phải ngủ. Đó là cách tốt nhất để giết thì giờ mà không gây hại cho một ai, đặc biệt đối với các đấng tối cao. / Các đấng tối cao luôn cho rằng bọn không ngủ thì lắm chuyện. / Lắm chuyện tất nhiên rách việc. / Mà việc thì cần phải đâu ra đấy, có nghĩa tầm quan trọng của nó được xếp vào loại an ninh quốc phòng...

 

 

----------------

 

 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021