thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỖI KỲ MỘT TÁC GIẢ: tuyển chọn và giới thiệu Phạm Công Thiện

Phạm Công Thiện ao ước trở thành một nghệ sĩ lớn, như Rimbaud, trong khi nhiều người cầm bút khác lại ca tụng Phạm Công Thiện như là một triết gia. Tôi thì tôi coi Phạm Công Thiện chủ yếu là một nhà thơ và một nhà tuỳ bút. Nói cách khác, theo tôi, Phạm Công Thiện là một nhà thơ trước khi là một nhà tuỳ bút; là một nhà tuỳ bút trước khi là một nhà văn; là một nhà văn trước khi là một nhà tư tưởng; là một nhà tư tưởng trước khi là một người phá phách và là một người phá phách trước khi là một kẻ lập dị. Suốt mấy chục năm nay, Phạm Công Thiện luôn luôn chịu đựng một sự đánh giá bất công cũng như những sự khen ngợi oan ức khi người ta nhìn ông theo một chiều hướng khác, ngược lại.

Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân. Nói như thế cũng có nghĩa là nói thế mạnh đầu tiên và nổi bật nhất của Phạm Công Thiện chính là ở khả năng diễn đạt, hay nói cách khác, ở giọng văn của ông. Đó là một giọng văn có sức hấp dẫn lạ lùng, một giọng văn vừa uyên bác vừa sôi nổi, vừa rất trí tuệ và lại rất giàu chất thơ.

Đã đành trong giọng văn của hầu hết các nhà văn của Việt Nam đều ít nhiều có chất thơ, tuy nhiên, có lẽ, ít ở đâu mà chất thơ lại đậm đặc như là trong văn xuôi của Phạm Công Thiện. Có điều, Phạm Công Thiện làm thơ không nhiều. Đến nay, ông chỉ có một tập thơ duy nhất được xuất bản: Ngày sinh của rắn, trước, do Hoa Nắng in tại Paris, sau, An Tiêm in lại tại Sài Gòn năm 1966 và, Trần Thi in lại tại California năm 1988. Ở lần in nào, tập thơ ấy cũng đều mỏng manh, chỉ có 12 bài, phần nhiều là ngắn và tự do. Nói chung, bài nào cũng có nét riêng, có thể nói là khá hay, đặc biệt là một bài thơ hai câu có sức ngân rất sâu:

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông

Tuy nhiên, đó không phải là những cái hay lớn đủ để biến Phạm Công Thiện thành một nhà thơ có tầm vóc nổi bật so với những nhà thơ cùng thời. Tôi thích hơn, ở Phạm Công Thiện, là những bài thơ ông hoàn thành sau này, chủ yếu là sau năm 1975. Chúng không nhiều, về số lượng, và cũng không đều, về chất lượng, nhưng trong đó, có hai bài rất hay, theo tôi, xứng đáng được xếp ngang hàng với những bài thơ hay nhất trong nền thơ Việt Nam hiện đại: 'Trường giang Mỹ tho' và 'Thơ cho khoảng trống'. Cả hai bài đều đẹp, trong ngôn ngữ và mới mẻ, trong kỹ thuật.

Làm thơ ít, hồn thơ của Phạm Công Thiện tràn vào cõi văn xuôi của ông. Biện pháp tu từ được ông sử dụng nhiều nhất trong văn xuôi là ẩn dụ. Mặt trời không bao giờ có thực là một ẩn dụ. Bay đi những cơn mưa phùn là một ẩn dụ. Trùng trùng ẩn dụ trong từng trang viết của Phạm Công Thiện. Điều đó làm cho hầu hết các bài viết văn xuôi của Phạm Công Thiện đều trở thành những bài tuỳ bút. Tôi nghĩ, rất nhiều tác phẩm triết lý của Phạm Công Thiện sẽ trở thành dễ hiểu và tuyệt vời vô cùng nếu chúng được đọc như những bài tuỳ bút. Ví dụ tập Bay đi những cơn mưa phùn trong đó có bài ‘Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo’ cứ làm cho tôi, khi đọc lại - gần đây- thấy ngẩn ngơ thật lâu. Giọng văn của ông thật phóng khoáng, thật độc đáo và thật đẹp. Từ bài văn ấy, đọc lại các tác phẩm khác của Phạm Công Thiện, tôi phát hiện ra một điều khá bất ngờ, hình như chưa ai nói đến: không chừng Phạm Công Thiện là một trong những nhà tuỳ bút xuất sắc của Việt Nam.

“Thiền học và Thiền tông là gì?"

Câu hỏi không được trả lời. Tất cả còn lại chỉ là những câu thần chú chữ Phạn và một con bướm màu trắng băng qua đại dương.”

Đoạn văn trên, tôi tình cờ nhặt được ở trang cuối cùng của quyển Bay đi những cơn mưa phùn. Câu thần chú chữ Phạn. Cánh bướm trắng bay qua đại dương. Rồi đây, có lẽ sẽ có người có thẩm quyền hơn tôi tìm hiểu và đánh giá câu thần chú chữ Phạn ấy. Hôm nay, tôi chỉ muốn dừng lại và giới thiệu Phạm Công Thiện như một cánh bướm bay qua cái cõi đại dương thơ bao la của Việt Nam.

Chú thích: Bài ''Thơ cho khoảng trống' của Phạm Công Thiện tương đối dễ tìm: nó được đăng trên tạp chí Hợp Lưu gần đây (số 21, ra tháng 2.1995), sau đó được in lại trong tuyển tập 20 năm văn học Việt Nam hải ngoại do Đại Nam xuất bản vào cuối năm 1995. Do đó, ở đây chúng tôi chỉ xin in lại bài 'Trường giang Mỹ Tho', vốn thoạt đầu, được đăng trên tạp chí Quê Mẹ tại Paris.

PHẠM CÔNG THIỆN

Trường giang Mỹ Tho

(Tặng Bùi Ngọc Đường ở Thái Lan)

1

Thôi nôi con trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi mỗi trường an
con diều hâu chạy bắt con chim
con chim lòn qua kẽ núi
lọt ra gió Hải Nam thổi hiu hắt về trường sơn
nước trường giang mẹ ru chim ngủ
con lớn khôn rồi bỏ mẹ bay xa
Cha con già trường sơn con ơi
trường giang đi chảy mãi nửa đời
trường sơn già ngồi đứng hứng mưa
mưa đi từ dưới chân đỏ bồ câu thượng thuỷ tây hồ
con lớn khôn rồi quên đất quên sông
con sông nào Cửu Long chảy từ thượng tứ
Mỹ Tho buồn thây chết trôi sông
Súng nổ bên cầu quay
Mẹ bồng con đóng cửa
Lính Tây dương đang say rượu giao thừa
Bông cúc vàng đầy sân ướt máu
Ba con già con trẻ đi xa
Súng nổ trên mái lầu
Nhà cháy bên hông
Mấy dì con chơi tứ sắc
Con còn nhỏ quá con ơi.

2

Thôi nôi thằng trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi nỗi lang thang
Con chim trĩ xưa đỏ nuôi cá lia thia
Cá phượng mái đẻ ra một bầy trứng
Và rong rêu xanh kì lạ ao hồ
Trốn học bị cha còng cẳng
Bầu cua cá cọp mỗi năm buồn
Càng lớn lên càng thấy Tết bơ vơ
Bông mai nở trên đầu cây chợ vắng
Dưa hấu làng hiu hắt nắng ba mươi
Súng nổ bên cầu quay
Mẹ tôi bồng con chạy trốn
Giặc Lê dương đang say rượu
Thằng bé con có biết gì đâu
Chim bay nhiều chiều nay Toulouse
Tôi uống từng chùm nho đỏ
Còng cẳng tôi trên thượng tuý thu hồ
Người dượng bị Tây bắn
Xác nơi đâu hai con nhỏ bơ vơ
Bà ngoại đi tìm thây chẳng thấy
Mười năm sau tôi bị còng cẳng ngục tù
Mẹ tôi đến thăm
đem theo một gà mên cơm nóng
Mẹ tôi khóc
Tôi nhìn sông Cửu Long chảy
Đừng như dượng con ơi
Tôi nhìn sông Cửu Long chảy
Tôi đúng rồi trường giang mọi rợ
Mẹ hãy về đi và hãy bỏ con đi
Mẹ tôi khóc
Đừng như dượng con ơi
Yêu nước làm gì để hai con nhỏ bơ vơ
Tôi nhìn trường giang chảy
Mẹ hãy về đi
người công an già gác cổng
Cậu rất lạ kì
Sau này cậu có làm lớn
Hãy nhớ đến tôi
Tôi nhìn trường giang chảy
Tôi chỉ muốn làm con chó
Chạy giỡn mưa trường giang sa

3

Rồi từ ấy trường giang lại càng mọi rợ
khi chảy khi bay
khi thượng đỉnh đìu hiu khi trác táng đến tận màn sân khấu
Vẫn nhớ những buổi hát bội quê nhà
Kèn trống cải lương đứa con nít ngó cô đào trang điểm
từng dưới hầm nhà hát Mỹ Tho
Cô đào chửi đụ má
Đứa con nít đéo hiểu gì hết
Mà chỉ nhớ tô hủ tiếu phổi bò
Nó bắt gặp một sáng khi cô đào chổng cẳng ăn gãi ngứa
Tấn tuồng sao quá lạ
Tôi không hiểu
Nhưng sao mà quá đỏ nóng
như một triệu côn trùng loé sáng
Tôi bắt mỗi đêm
trong bao diêm
Cho tôi những tràng dưa hấu
quá đỏ
quá đỏ
những ngày trước Tết
Biển Nha Trang trời sinh các hạ
Đọc thơ Ba Tiêu cho Quách Tấn nghe
Cây mận đẻ hoa thằng Mỹ Tho nằm võng
Từ ô y hạng Quách Tấn tỉa thơ
Ta đéo biết gì hết
Đạp xe đạp ngồi ra bãi biển
ngó cái gì chỉ thấy mây bay
Trường giang chảy đại dương bại trận
Quách Tấn buồn bông cúc đơm hoa

4

Thôi rồi thôi trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi nắng chiều Ban Mê Thuột
Hoàng Kiều ơi em đã đi xa
Buồn xóm cũ chiều xưa chưa tỉnh dậy
Buon Brieng và Bon Sar Par
Kontum và Pleiku chiều nay cỏ mọc
Bu Prang và Ban Don ở nơi đâu
Tìm thượng tứ té ra hạ thế
Gió chiều nay Toulouse máu đỏ
Hai đứa con bây giờ ở nơi đâu?
Dượng của anh bị lê dương bắn chết
Người con gái nằm trôi thây trên bãi lạ
Chiều nay
Chim bay quá nhiều
Chuyện đời xưa không còn nữa
Như Mãn đã chết
Treo thây trên hàng rào
Hoàng Kiều ơi đâu nữa là Thu Uyên
Em còn quá nhỏ
Rừng xưa chim lặng tiếng
Hãy đóng cửa
Long Khánh
Hãy đóng cửa
Con trâu vừa bị chém
Trường giang ta sẽ ru em ngủ
Máu đêm xưa thương em từng trận mưa rào
Bồ câu buồn gáy lại năm xưa
Mái chùa cũ Đà Lạt chiều tận thế.

(16.7.1980)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021