thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
MỖI KỲ MỘT BÀI THƠ: tuyển chọn và giới thiệu

Giờ hẹn

Tặng Mai Thảo

                                                Giờ hẹn với biển tối
                                                kẻ nào quên đội nón ra đi buổi chiều
                                                Hàng bạch dương gió đã dọn hết lá
                                                đâm rễ ngược

(Thường Quán)

Khoảng đầu tháng 9.1997, tôi nhận được email của Khánh Trường, chủ bút tờ Hợp Lưu tại California, báo tin là Mai Thảo bệnh nặng, đang nằm hấp hối trong bệnh viện. Từ đó, suốt mấy tuần lễ liên tiếp, tôi cứ nghĩ về Mai Thảo mãi. Như một ám ảnh. Và lần nào cũng thế, khi nghĩ đến Mai Thảo, tôi lại nhớ lại bài thơ ‘Giờ hẹn’ của Thường Quán đăng trên Tạp chí Thơ tại California số 1, năm 1994. Có lẽ vì đó là một bài thơ Thường Quán viết tặng Mai Thảo. Tuy nhiên, tôi ngờ là ngoài lý do đó còn có một lý do nào khác nữa, ẩn nấp bên trong bản thân bài thơ.

‘Giờ hẹn’ là một bài thơ ngắn, thật ngắn, chỉ có 4 câu, hao hao như một bài tứ tuyệt. Ngôn ngữ cô đúc. Cả bài thơ không hề có một hình dung từ nào để mô tả hay để trang điểm. Hơi thơ rắn rỏi, gân guốc. Nếu bài thơ đẹp thì cái đẹp của nó là cái đẹp của một đoá xương rồng được thu nhỏ trong chậu, một sự cằn cỗi nở hoa. Nó gợi nhớ đến sa mạc, đến cái trống cái vắng cái hun hút vô tận đâu đó.

Ngắn, bài thơ lại thật mơ hồ. Hình như không có chi tiết nào cụ thể. Tại sao lại hẹn với biển tối? Hẹn với biển tối để làm gì? Chúng ta không biết. Chúng ta cũng không biết rõ là ai hẹn với biển tối. Tác giả chỉ viết là ‘kẻ nào’. ‘Kẻ nào’ là kẻ nào? Chữ ‘kẻ nào’ phiếm định, chỉ là một cách nói bâng quơ, mơ hồ và hờ hững, có vẻ như là ai cũng được, có vẻ như là ai thì cũng chả có gì là quan trọng. Tuy nhiên, từ đó, chúng ta thấy được một điểm: trong cuộc hẹn hò ấy, cái việc hẹn, cái giờ hẹn quan trọng hơn cái người được hẹn. Chúng ta không nên quên tựa đề bài thơ là ‘Giờ hẹn’. Và chúng ta cũng không thể không chú ý đến câu thơ mở đầu, cụt ngủn, dứt khoát, quyết đoán: ‘Giờ hẹn với biển tối’. Hết. Không có một chút đẩy đưa. Nó như một thứ định mệnh đã an bài mà người ta phải chấp nhận chứ không phải là một cuộc phiêu lưu mà người ta có thể chọn lựa. Ai cũng phải chấp nhận. Do đó, sự kiện ‘kẻ nào’ chấp nhận sẽ không thành vấn đề. Đến lúc nào đó rồi thì ai cũng phải đối diện với cuộc hẹn hò với biển tối. Vấn đề chỉ là thời điểm.

Nhưng thời điểm nào? Cần chú ý: bài thơ, dù ngắn, vẫn chật cứng ý niệm về thời gian. Tựa đề bài thơ, ‘Giờ hẹn’, nhấn mạnh vào khía cạnh thời gian. Biển ‘tối’, ra đi từ ‘buổi chiều’ cũng lại liên quan đến thời gian. Câu thơ thứ ba tiết lộ một kích thước khác nữa của thời gian: mùa đông. Cả ba thời điểm ấy đều khiến chúng ta dễ dàng liên tưởng đến thời điểm của ‘giờ hẹn’ là một thời điểm muộn màng. Trong ngày. Trong năm. Và có lẽ, trong đời người nữa.

Bài thơ toát lên rất đậm ám ảnh về thời gian. Chúng ta cũng không thể không chú ý đến thái độ của người được gọi là ‘kẻ nào’ trước cuộc hẹn hò với biển tối. Có cái gì như nôn nao, như bồn chồn, như không thể cầm lòng được, cho nên ra đi từ rất sớm, ngay từ buổi chiều. Và hấp tấp và vội vã đến quên cả đội nón.

Nhưng ‘biển tối’ là cái quái gì mà quyến rũ người ta đến vậy?

Thì biển tối là... biển tối. Biển và Tối. Một cái gì thật rộng, thật mênh mông, thật bao la, không bờ không bến. Mà lại âm u, tối sầm, bí hiểm. Đó là cảnh để người ta rợn ngợp, cảm nhận đến tận cùng cái nhỏ nhoi, cái mong manh của thân phận mình. Đó là thế giới vượt ra ngoài tầm nhìn và tầm tay của ta. Các nhà thơ, từ lâu, đã xem đó là biểu tượng của cõi siêu hình. Tự dưng tôi nhớ đến bài ‘Biển cả’ được Chế Lan Viên sáng tác vào năm 1940, trong đó có mấy câu:

Ôi biển không cùng !
                                Ta ghê tiếng sóng
Xin im đi! Từng vút gió chơi vơi!

Ghê tiếng sóng, sợ cái không cùng của biển cả, tuy nhiên, ngay từ năm 1940, tức lúc mới 20 tuổi, Chế Lan Viên đã hiểu được sức quyến rủ kỳ diệu của cái cõi vô tận, siêu hình ấy. Ông hình dung con người lúc nào khắc khoải hướng về cái Xa Xôi, cái Cao Rộng như những đứa con theo cha Lạc Long Quân lên núi nhớ về mẹ Âu Cơ dưới biển:

Ôi thương thay những người con lạc Biển
Trưa bâng khuâng chừng Mẹ gọi ngang đầu

Hẹn với ‘biển tối’, nói theo chữ của Thường Quán, hay hẹn với ‘Mẹ’, nói theo chữ của Chế Lan Viên, như vậy, là hẹn hò với cái không thể bắt gặp được, là hẹn hò với chính số phận của mình, nghĩa là... không hẹn hò gì cả. Đến với biển tối là một thôi thúc từ bên trong chứ không phải là từ một giao ước bên ngoài. Ai cũng có những thôi thúc như thế. Tuy nhiên, tôi nghĩ là tôi hiểu lý do tại sao Thường Quán lại viết bài thơ ‘Giờ hẹn’ này để tặng cho Mai Thảo: đọc tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền của Mai Thảo, xuất bản năm 1989, chúng ta thấy sự thôi thúc ấy ở ông, cùng với tuổi tác, càng ngày càng mãnh liệt. Hay nhất và tiêu biểu nhất không chừng là bài ‘Không hiểu’:

Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi

Chữ ‘chẳng sao’, rất bất cần. Bất cần cái chuyện có ‘triệu điều không hiểu’. Bất cần cả cái chuyện ‘khi đã nằm trong đất’. Nhưng ‘bất cần’ ở đây là vô uý chứ không phải là vô tâm. Bất cần một lời giải đáp biết là vượt ra ngoài khả năng hữu hạn của mình chứ không phải là bất cần những câu hỏi bời bời ngổn ngang, càng về cuối đời càng trùng trùng điệp điệp, trong trí óc của mình. Những câu hỏi ấy là những con đường dẫn người ta ra... biển tối.

Người ta gặp cái gì ở biển tối? Không biết. Mai Thảo tin tưởng là ông sẽ biết khi đã ‘nằm trong đất’. Cũng như, trước đó, Vũ Hoàng Chương tin tưởng là người ta sẽ biết khi nghe tiếng búa nện vào nắp quan tài:

Dấu hỏi (?) vây quanh trọn kiếp người,
Sên bò nát óc, máu thầm rơi.
Chiều nay một dấu than (!) buông đứt
Đinh đóng vào săng, tiếng trả lời.

Thường Quán không hứa hẹn gì cả. Ông dừng lại nửa vời, không nói gì về ‘biển tối’. Tuy nhiên, khác với Vũ Hoàng Chương và Mai Thảo, ông lại nói đến cảnh vật trên đường dẫn đến ‘biển tối’:

Hàng bạch dương gió đã dọn hết lá
đâm rễ ngược

Nói một cách nôm na: hàng bạch dương hai bên lối đi, vào mùa đông, rụng hết lá, chỉ còn những cành nhánh xương xẩu, trơ trụi, khẳng khiu; nhìn từ xa, trông giống như những đám rễ chốc ngược, tua tủa đâm... lên trời. Hình ảnh sắc. Hơi thơ mạnh bạo và quyết liệt. Hoàn toàn không có, trong hai câu thơ ấy, cái hoang mang khiếp sợ của Chế Lan Viên. Cũng không có cái bi quan, tuyệt vọng như Vũ Hoàng Chương.

Chức năng của rễ là hút chất dinh dưỡng từ đất để nuôi cây. Ở đây, những chùm rễ bạch dương lại cắm lên trời, mọc vào khoảng không. Nó hút chất dinh dưỡng từ hư không. Chúng nuôi cây bằng hư không. Ừ, mà có gì là nghịch lý chứ? Vũ Hoàng Chương, trong bài ‘Nguyện cầu’, sáng tác vào năm 1950, đã bộc lộ cái khát vọng sống bằng hư không như thế:

Ta van cát bụi bên đường,
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.
Để ta tròn một kiếp say,
Cao xanh liều một cánh tay níu trời...

Thường Quán không thi vị hoá những cơn say thoát trần như Vũ Hoàng Chương. Thường Quán chỉ ghi nhận một điều là người ta không thể không sống với hư không, với biển tối. Với Thường Quán, hẹn hò với biển tối là một định mệnh. Và từ biển tối, từ hư không, từ thế giới siêu hình mênh mông, rợn ngợp, con người sẽ hút ra những dưỡng chất nuôi cái cuộc sống trần thế nhỏ nhoi và mong manh của mình. Nhớ, trong cuốn Thi nhân Việt Nam, khi bình thơ Xuân Diệu, Hoài Thanh có đưa ra một nhận xét sâu sắc: “Đời sống của cá nhân cần phải vin vào một cái gì thiêng liêng hơn cá nhân và thiêng liêng hơn sự sống.” Có điều, Hoài Thanh chỉ muốn dẫn người ta đến với cộng đồng với dân tộc. Còn Thường Quán, ông chỉ muốn dẫn ta ra.... biển tối.

Thật ra, cả hình tượng lẫn tư tưởng trong hai câu thơ trên không phải hoàn toàn mới. Một cách ngẫu nhiên, Thường Quán trùng hợp với Phạm Công Thiện. Trong cuốn Đi cho hết một đêm hoang vu trên trái đất xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1988, Phạm Công Thiện cũng có lần nhìn thấy “một cây cam sai trái mọc ngược xuống vũng nước mưa trời” (tr. 17). Trước đó 21 năm, trong cuốn Im lặng hố thẳm, in tại Sài Gòn lần đầu năm 1967, sau, được Trần Thi in lại tại California vào năm 1987, Phạm Công Thiện dựng lên một hình ảnh khác, cũng bằng văn xuôi, gần với hai câu thơ của Thường Quán hơn:

“Rễ mọc từ trời cao, tàn lá đưa xuống đất, người viết lên đường đi về hố thẳm, không hy vọng, một cách im lặng, rộng lượng. Người tử tù không còn biết đọc kinh nữa. Mười hai tiếng gõ của tháp chuông buông thả về hư vô.” (tr. 196).

Ý tưởng, khá gần nhau. Hình tượng, khá giống nhau. Tất cả đều đẹp. Nhưng tôi đặc biệt thích cái đẹp gân guốc, xù xì trong hai câu thơ của Thường Quán. Đó là cái đẹp của bonsai: đẹp, trước hết, ở cái dáng, cái thế, cái nét tạo hình. Trong thơ Việt Nam hiện đại, hiếm có câu thơ nào có cái kiểu đẹp chắc và sắc đến như vậy. Hơn nữa, đọc hai câu thơ ấy, tôi có cảm giác không phải chỉ đối diện với hai câu thơ đẹp mà còn đối diện với một quan niệm về cái đẹp nói chung. Cảm giác ấy chủ yếu nảy sinh từ chữ ‘dọn’. ‘Gió đã dọn hết lá’. Bình thường, người ta viết ‘lá rơi’, ‘lá rụng’. Bạo động hơn một chút thì là ‘gió tước’, ‘gió bứt’, ‘gió tỉa’. Tản Đà biến chữ ‘rụng’ vốn là một động từ nội động thành một động từ ngoại động trong câu thơ nổi tiếng: ‘Trận gió thu phong rụng lá vàng.” Chưa ai viết ‘gió dọn’. Trong kết hợp mới mẻ ‘gió đã dọn hết lá’, gió bỗng trở thành hiền từ, gợi hình ảnh những người nội trợ cần cù dọn dẹp nhà cửa, quét tước vườn tược. Và lá vàng, trong quan hệ với những ngọn gió hiền từ ấy, bỗng mất hết vẻ thơ mộng vốn được ca tụng rất nhiều trong thơ văn xưa nay. Lá, ở đây, chỉ đơn giản là những gì đã tàn, đã rụng, đã không còn sự sống nữa. Chúng trở thành những sự thừa thãi, cần được dọn dẹp để sạch sẽ và nhất là, để những cành nhánh rắn và thô phô trương đầy đủ hết tất cả vẻ đẹp tạo hình của chúng:

Hàng bạch dương gió đã dọn hết lá
đâm rễ ngược

Câu thơ viết về gió, về lá, về cây, hơn nữa, cây bạch dương (nhớ câu thơ Tố Hữu viết về một cảnh ở Ba Lan: “Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan / Đường bạch dương sương trắng nắng tràn”), mà không hề có một tính từ. Không hề có một chiếc lá vàng nào đong đưa cả. Tất cả đều được dọn sạch. Mà cũng phải chứ. Người ta cần quái gì những chiếc lá vàng hội hoạ đã vàng nẫu từ cả hàng trăm năm rồi trong khi bản thân cái cây với những cành, nhánh xương xẩu cứng cáp đã là những đường nét sắc cắt lên nền trời như một công trình điêu khắc rất đẹp?


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021