thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Anh xích-lô và Marcel Duchamp

Gần nhà tôi có anh chàng làm nghề đạp xích-lô. Một hôm, vớ đâu được một chiếc đĩa nhạc CD còn mới, anh ta đem gắn vào một sợi dây kẽm cứng rồi buộc phía đuôi chiếc xe xích-lô của mình. Chiếc CD rung rinh lấp lánh dưới ánh mặt trời mỗi khi anh ta đạp xe trên phố Tôi đoán rằng anh ta không có dàn máy CD. Các nhà sản xuất CD chắc chẳng ai nghĩ rằng sản phẩm của mình sẽ được sử dụng như vậy. Chúng ta cũng sẽ nhất loạt bỏ chiếc CD vào máy quay đĩa để nghe chứ không phải để nhìn nó lấp lánh dưới nắng. Một nhà phê bình nghệ thuật nói: “Chiếc CD có chức năng thẩm mỹ”. Giả sử anh xích-lô cũng nói: “Chiếc CD có chức năng thẩm mỹ”, chúng ta sẽ có hai diễn ngôn giống hệt nhau nhưng hàm nghĩa khác nhau, vì chúng nhằm vào hai đối tượng khác nhau. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ có một chiếc CD! Bạn có thể nghĩ rằng anh xích-lô sử dụng chiếc CD thật ngốc nghếch và lãng phí vì anh ta không có CD Player. Còn tôi lại nghĩ rằng anh ta không phải không biết là CD dùng để nghe nhạc, nhưng anh ta đã phát hiện ra một công dụng mới mẻ của chiếc CD và khai thác theo cách của mình. Chúng ta chỉ thấy ở vật thể này cái nội dung qui ước, những gì được gói ghém trong cái vẻ ngoài óng ả của nó, còn anh xích-lô thấy chức năng thẩm mỹ cả ở “phần cứng” chứ không chỉ ở “phần mềm” của chiếc CD. Dường như anh ta có cái nhìn “thi sĩ” hơn, hồn nhiên hơn chúng ta trước khả tính của sự vật. Và đối với anh ta, chiếc CD là một tác phẩm nghệ thuật thị giác chứ không phải là vật chứa môt tác phẩm nghệ thuật thính giác. Cùng là chức năng thẩm mỹ của một vật thể nhưng ở hai người thưởng ngoạn khác nhau, chúng ta thấy hai tương tác khác nhau. Theo bạn, đâu là “bản lai diện mục” của chiếc CD?

Chúng ta ai cũng biết vụ Marcel Duchamp đem chiếc bồn tiểu ra triển lãm mỹ thuật. Đó là một cú sốc đối với giới nghệ sĩ tạo hình đương thời và là một chú giải thú vị cho những bài giảng mỹ học. Chiếc bồn tiểu có chức năng gì? Bạn sẽ nói ngay rằng nó có “chức năng tiểu tiện”. Nhưng bằng hành động của mình, M. Duchamp tuyên bố rằng chiếc bồn tiểu có chức năng thẩm mỹ. Và nếu như ở nhà, ông không thích dùng bồn tiểu mà dùng một gốc cây trong vườn chẳng hạn, ông có thể tuyên bố rằng chiếc bồn tiểu, đối với ông, chỉ có chức năng thẩm mỹ!

Cũng giống như câu chuyện chiếc CD nói ở trên, nhà sản xuất các sản phẩm sứ vệ sinh phải lưu tâm đến khía cạnh mỹ thuật công nghiệp mới mong bán được nhiều hàng hoá. Như thế cũng không có nghĩa chiếc bồn tiểu là một tác phẩm điêu khắc. Nhưng M. Duchamp lại coi nó như một tác phẩm điêu khắc, và đối với ông, chiếc bồn tiểu có chức năng thẩm mỹ. Chiết trung hơn, một nhà phê bình sẽ tuyên bố rằng: Ở chiếc bồn tiểu, “chức năng tiểu tiện” lấn át chức năng thẩm mỹ! Tuyên bố này chỉ đúng khi nhà phê bình vừa trút bầu tâm sự vừa ngắm nghía cái đồ vật bằng sứ đó với một khoái cảm thẩm mỹ rõ rệt. Hầu hết chúng ta chẳng ai làm điều này một cách tự nhiên cả.

Vậy một tác phẩm nghệ thuật có những chức năng gì? Nếu chẳng ai biết đến nó thì nó chẳng có chức năng nào hết. Chức năng chỉ xuất hiện trong tương tác giữa tác phẩm với độc giả, khán giả, thính giả... nghĩa là với những người thưởng ngoạn. Mà khả năng thưởng ngoạn, cung cách thưởng ngoạn thì mỗi người mỗi khác, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: năng lực cảm thụ, học vấn, truyền thống văn hoá, nhu cầu cá nhân... Tác phẩm nghệ thuật không có những “chức năng tiên thiên” cũng như sự vật không có những thuộc tính tiên thiên, thuộc tính của sự vật chỉ có đối với chủ thể nhận thức. Không thể nói một loại hình nghệ thuật nào đó chỉ có những chức năng này mà không có những chức năng kia. Những chức năng ấy chỉ hiện hữu trong tương tác giữa tác phẩm với tâm thế của người thưởng ngoạn. Vàng có thể được dát lên vương miện của một quốc vương châu Âu, có thể được đúc làm bệ xí cho một ông hoàng Arab, cũng có thể bị vứt lăn lóc trong xó bếp của một bộ lạc Indian châu Mỹ. Vậy vàng có chức năng gì? Hay là người Indian thiếu óc thẩm mỹ hơn người châu Âu? Hay là ông hoàng Arab không hiểu gì về giá trị của vàng?

Mượn tạm thuật ngữ của Kant, một tác phẩm nghệ thuật khi chúng ta chưa biết đến thì là “vật tự nó” (things-in-themselves), còn khi chúng ta thưởng thức thì nó trở thành “vật cho ta” (things-as-they-appear).

Quan hệ giữa tác giả và tác phẩm thuộc một phạm trù khác không liên quan tới vấn đề chức năng của nghệ thuật. Bá Nha đập đàn khi Tử Kỳ qua đời khiến dân tộc Trung Hoa không còn biết ngón đàn tuyệt kỹ của Bá Nha ra làm sao, mà cũng có thể Bá Nha chơi đàn chẳng mấy xuất sắc nên người Trung Hoa thời đó thành tai trâu hết!

Sự phong phú vô hạn của một kiệt tác nghệ thuật là ở sự vô hạn của những tương tác mà nó tạo ra đối với người thưởng thức, những tương tác hầu hết nằm ngoài ý đồ của tác giả.

Nguyễn Du viết Truyện Kiều nhằm giải trí người đọc, “mua vui cũng được một vài trống canh”? Nguyễn Du chẳng định giải trí cho ai, cũng chẳng nhằm giáo dục ai hay định phản ánh hiện thực nào, Nguyễn Du chỉ mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để trình diễn những thao tác ngôn ngữ của mình. Ở đây, ngôn ngữ là đối tượng thẩm mỹ, Truyện Kiều đã đánh dấu bước trưởng thành của tiếng Việt văn chương. Bạn đã bao giờ bói Kiều? Vậy Truyện Kiều có chức năng của mai rùa, cỏ thi? Độc giả rỏ nước mắt xót thương số phận truân chuyên của Kiều, vậy Truyện Kiều có chức năng đấu tranh cho nữ quyền? Độc giả căm ghét Tú Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, vậy Truyện Kiều có chức năng giáo dục đạo đức? Những chức năng ấy có với những ai thấy chúng ở Truyện Kiều, còn đối với người không biết tiếng Việt thì Truyện Kiều chẳng có chức năng nào cả. Một áng văn chương đẹp có thể có những chức năng khác ngoài chức năng thẩm mỹ trong tương tác với độc giả. Mã Giám Sinh yêu Kiều rồi biến Kiều thành cô gái điếm không phải vì họ Mã không hiểu đúng “bản chất” của Kiều –“yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”- mà vì Kiều gặp họ Mã trong hoàn cảnh ấy thì ắt sẽ phải vào lầu xanh. Cũng như Kiều gặp Thúc Sinh rồi gặp Từ Hải sau này ắt sẽ dẫn đến phận lẽ mọn và ngôi mệnh phụ chứ Kiều chẳng có “bản chất” hay “chức năng” gái điếm, vợ lẽ hay mệnh phụ! Hay vì họ Mã chẳng yêu thương gì Kiều nên mới ra nông nỗi? Giả thuyết này có vẻ lãng mạn, nhưng tôi tin rằng sau ngần ấy trải nghiệm, người mà Kiều “ớn” nhất chính là Kim Trọng, đành “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ” chứ đâu phải Kiều có “chức năng” bạn bè ?

Chức năng thẩm mỹ hay bất kỳ chức năng nào của tác phẩm nghệ thuật cũng là cái “dụng” mà không phải là cái “thể” của nó, nhưng dường như các nhà phê bình hay nhầm lẫn, cứ coi các chức năng đó thuộc về cái “thể”, gán cho nó những thuộc tính tiên thiên. Vậy cái “thể” của tác phẩm nghệ thuật là gì? Bản chất của các xúc cảm thẩm mỹ là gì? Vấn đề này sẽ dẫn chúng ta đi quá xa, có nguy cơ lạc vào những lý thuyết rối mù về hoạt động tinh thần và các cấu trúc vật chất phức tạp, những gì thiên hạ đã tranh cãi từ thời Plato bên Hy Lạp, Trang Tử bên Trung Hoa đến tận bây giờ vẫn chưa ra môn ra khoai.

Còn tôi chỉ muốn lưu ý bạn câu chuyện anh xích-lô cùng chiếc CD và chuyện chiếc bồn tiểu của M. Duchamp trong lịch sử nghệ thuật thế giới thôi!


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021