thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hậu hiện đại / Hậu thuộc địa / Toàn cầu hoá [và mỹ thuật thổ dân Canada]

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Lời người dịch:
 
Gần đây, một vài học giả / phê bình gia ở Việt Nam bắt đầu truyền bá ý tưởng rằng văn nghệ sĩ Việt Nam không nên tiếp cận văn nghệ hậu hiện đại, mà phải đi trở lại con đường phát triển của chủ nghĩa hiện đại.[*] Theo tôi, đó là một ý tưởng bảo thủ rất vô nghĩa, vì thực tế cho thấy văn nghệ của nhiều nước và nhiều dân tộc bị xem là “lạc hậu” ở châu Phi, châu Đại dương, châu Mỹ La-tinh... đã không cần lặn lội thêm một thế kỷ nữa để lặp lại lịch sử phát triển văn nghệ Tây phương, nhưng họ đã tiến thẳng vào con đường hậu hiện đại và toàn cầu hoá, và đã chứng tỏ những thành công đáng cho chúng ta phải nể phục. Do đó, thay vì phải hoài công tranh luận với ý tưởng bảo thủ vô nghĩa ấy, tôi xin dịch và lần lượt giới thiệu một số bài viết, qua đó những bằng chứng thành công sẽ được văn nghệ sĩ Việt Nam nhìn thấy.
 
Hôm nay, tôi xin gửi đến độc giả Tiền Vệ một bài viết của Gerald McMaster về mỹ thuật hậu hiện đại của thổ dân ở Canada (gồm First Nations — tức là tất cả những bộ tộc người da đỏ —, người Inuitm và người Métis).
 
Gerald McMaster là một thổ dân và là một nghệ sĩ tạo hình kiêm giám tuyển nổi tiếng quốc tế. Từ năm 2005, ông giữ chức vụ Giám Tuyển của Mỹ Thuật Canada tại Art Gallery of Ontario. Trước đó, ông đã làm việc tại Canadian Museum of Civilization, Ottawa, và National Museum of the American Indian, Washington, DC.
 
Ngày 17 và 18 tháng Sáu, 2005, ông mời một nhóm nghệ sĩ, học giả và chuyên gia văn hoá thổ dân từ khắp các tiểu bang ở Canada về tham dự một cuộc hội thảo tại Vancouver để tổ chức một Hội Đồng Cố Vấn Quốc Gia (National Advisory Council) với mục đích soạn thảo một dự án cho việc thành lập một Viện Trưng bày Nghệ Thuật Thổ Dân Quốc Gia (National Aboriginal Art Gallery). Ý tưởng tiên khởi của dự án này đến từ tổ chức Bill Reid Foundation, với ước nguyện thành lập một địa điểm để bảo tồn tác phẩm của Bill Reid, một nghệ sĩ thổ dân Haida nổi danh thế giới. Từ đó, ý tưởng lớn dần lên, và trở thành dự án to lớn và đầy ý nghĩa này.
 
Dưới đây là một trích đoạn từ chương 2 của dự án. Chương này do chính Gerald McMaster viết.

 

 

 

HẬU HIỆN ĐẠI / HẬU THUỘC ĐỊA / TOÀN CẦU HOÁ

 

Chủ nghĩa hiện đại và tính hiện đại, dù là hai thuật ngữ khác nhau, vẫn thường nói về một sự đoạn tuyệt với truyền thống. Thời kỳ hiện đại bắt đầu từ thế kỷ 19 ở châu Âu và sau đó ở Bắc Mỹ. Chắc hẳn sẽ có nhiều người cho rằng chủ nghĩa hiện đại và tính hiện đại đến nay vẫn chưa hề chấm dứt, mặc dù nhiều người khác cho rằng chúng ta đang sống trong trào lưu hậu hiện đại. Những lý luận của cả hai phía đều quá nhiều và quá khó để trình bày lại trong khuôn khổ văn bản này. Tạm thời có thể nói rằng phe hậu hiện đại được ủng hộ bởi những người đã nhìn thấy thời kỳ hiện đại như một thời có mối quan hệ quyền lực bất công, trong đó các dân tộc thiểu số, chẳng hạn như thổ dân ở Bắc Mỹ, hầu như bị loại trừ hay bị gạt ra ngoài lề của xã hội hiện đại; thế nhưng, họ lại bị cưỡng bách phải đồng hoá và hội nhập vào văn hoá chính mạch. Ngược lại, trào lưu hậu hiện đại đã lôi kéo sự chú tâm của mọi người vào những ý niệm như dân quyền và cơ hội bình đẳng, biểu hiện qua các phong trào nữ quyền và đa văn hoá.

 

Mythic Messengers, 1984
Bill Reid (1920–1998)
Phù điêu bằng đồng, dài 8.5 , cao 1.2 m, sâu 45.7 cm
Trưng bày tại Bill Reid Foundation

 

Cùng lúc đó, sức mạnh và vị thế văn hoá của phương Tây đã bắt đầu để lộ ra những vết rạn nứt, bởi vì nhiều nhóm người đã liên tục đặt vấn đề về những tiêu chuẩn mà phương Tây đã bám vào để tạo ảnh hưởng. Thổ dân ở Canada cũng gióng lên tiếng nói trong những lĩnh vực như chủ quyền và đặc biệt quyền sở hữu nguyên thổ, và quyền tự trị. Trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ thổ dân đương đại đã bắt đầu tìm kiếm những mối quan hệ giữa phương tiện truyền thông, nghệ thuật, không gian, và chất liệu.

 

The North American Iceberg, 1985
Carl Beam (1943~)
Sơn acrylic, photo-serigraph và graphite trên Plexiglas; 2.13X3.74 m
Trưng bày tại National Gallery of Canada

 

Sống trong một thế giới hậu hiện đại, hậu thuộc điạ, thì vừa hoang mang vừa phải đương đầu với nhiều vấn đề. Mặc dù chủ nghĩa hậu thuộc địa đã diễn ra trong khoảng nửa thế kỷ trước, lại có ý kiến cho rằng nơi nào cũng đã từng là thuộc địa vào lúc này hay lúc khác. Tuy nhiên, có nhiều nước vẫn tiếp tục bị lệ thuộc văn hoá và kinh tế vào những nước kỹ nghệ thịnh vượng dưới hình thức này hay hình thức khác. Nhiều nền văn hoá và quốc gia ở châu Phi và châu Á đã giành được chủ quyền và sự độc lập từ những những nước Âu châu — ngay cả Ireland cũng đã giành được một vị thế tương tự. Ngược lại, những nền văn hoá thổ dân ở châu Mỹ và châu Úc đang ở trong những điều kiện tân thuộc địa và không thể đòi được một chủ quyền tương tự.

 

Neolithic Tango, 1994-1995
Lance Belanger (1956 ~)
Khối cầu bằng veneers và sáp trên cấu trúc gỗ; đường kính 120 cm
Sưu tập của nghệ sĩ

 

Phức tạp hơn nữa là sự di cư ngang dọc của nhiều dân tộc và văn hoá xuyên qua thế giới, trong đó có những nhóm giữ được một số truyền thồng và phong tục nào đó, trong khi nhiều nhóm khác thì pha trộn và lai ghép với đất nước mà họ đến định cư. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã tồn tại sẵn bên trong các nền văn hoá Âu châu hậu kỹ nghệ. Hai trào lưu này — chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hậu thuộc địa — khảo sát một nền văn hoá toàn cầu đang nổi lên giữ vị trí thống lỉnh, và khảo sát ý tưởng về chủ quyền. Có thể nói rằng cả hai trào lưu này điều tra những ý tưởng về sự "làm chủ" trong những bối cảnh khác nhau.

 

Whaler Mask, 1999
Rick Rivet
Sơn acrylic trên bố; 139x140 cm
Trưng bày tại Indian Art Centre
Department of Indian Affairs and Northern Development, Canada

 

Những thực hành đương đại trong nghệ thuật và công việc giám tuyển đã cho chúng ta những ý tưởng và những lối tiếp cận mới mẻ đang làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ. Ví dụ, hãy thử xem những đề tài lớn trong hành ngôn hậu thuộc địa trong mối quan hệ với phê bình: sử ký và thực tế nghệ thuật; tiến trình toàn cầu hoá văn hoá hiện thời đang xảy ra chung quanh rất nhiều trung tâm; hay đặc tính di động, uyển chuyển và du cư của đời sống đương đại — những đặc tính này đã trở thành những ẩn dụ của hoàn cảnh hôm nay. Cái thế giới mà chúng ta biết đã trở nên càng ngày càng phức tạp và mọi mặt có liên hệ với nhau; như một hệ quả, biểu đồ dân cư của thế giới nghệ thuật đang thay đổi và mở rộng, vượt xa khỏi dự phóng của phương Tây. Những mô thức độc quyền cũ bị lật ngược lại, mang những tiếng nói mới vào chính mạch.

 

Untitled, 1992
Faye HeavyShield (1953~ )
Gỗ, cement, acrylic; 12 thành tố, mỗi thành tố dài 244.5, dày 13.5 cm; đường kính vòng tròn 190.5 cm
Trưng bày tại National Gallery of Canada

 

Toàn cầu hoá có nhiều ý nghĩa đối với mỗi nhóm người khác nhau. Đối với một số người, nó có nghĩa là mọi loại biên giới đều được xoá đi, vì những biên giới khó duy trì trước sự phát triển của những thứ như các công nghệ, phương tiện và thực tế kinh tế. Đối với một số người khác, toàn cầu hoá cung ứng những khả thể vô hạn về nghệ thuật và văn hoá, nhưng đối với những người khác thì ảnh hưởng của nó đến văn hoá, phong tục, giá trị và lối sống truyền thống là điều đáng buồn phiền. Tuy nhiên, một số thành viên của Hội Đồng Cố Vấn Quốc Gia đã nhìn thấy những phương diện tích cực của toàn cầu hoá. Họ thấy trong tiến trình ấy những con người / nghệ sĩ thổ dân trao đổi với nhân loại xuyên qua thế giới. Một người khác nói rằng Viện Trưng Bày Nghệ Thuật Thổ Dân Quốc Gia nên trở thành, cũng giống như Vancouver, một tụ điểm, một không gian cho những cuộc triển lãm liên quốc gia của nghệ thuật thổ dân.

 

Respecting the Circle, 1989
Manasie Akpaliapik (1955~)
Xương cá voi, ngà, đá xám đậm, sừng nai...; 52x 40 cm
Trưng bày tại Art Gallery of Ontario

 

 
 
--------
Nguồn: Trích dịch từ Gerald McMaster,"Post-modern/Post-colonial/Globalization", trong chương 2 [Conditions and Context: Need for a National Aboriginal Art Gallery], trong cuốn National Aboriginal Art Gallery: Project Implementation Plan (Vancouver, Bill Reid Foundation, November 2005) 22-23.

 

Đã đăng:

... tinh thần đa văn hoá được xiển dương bởi chủ nghĩa hậu hiện đại đã mở ra những khung cửa mới cho mỹ thuật đương đại Phi châu, tạo điều kiện cho nó trình bày trước thế giới rằng cái sáng tạo mà trước kia vẫn khiến người ta liên tưởng đến quá khứ của nó, thì giờ đây đã được phục hoạt với một diện mạo tươi trẻ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...) (...)
 
... Ngược lại với hình ảnh lãng mạn hoá trước đây về môi trường sống và những biểu hiện văn hoá, các nghệ sĩ trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đã đương đầu với những sức mạnh lịch sử và chính trị nối kết các nền văn hoá trong khu vực, chẳng hạn tiến trình toàn cầu hoá và những hậu quả của nhiều thập niên nội chiến. Các đề tài của họ gây chú ý đến những bất công xã hội, những sự xâm phạm nhân quyền, những vấn đề về môi sinh và kinh tế, những mối quan tâm mang tính tân thuộc địa trong khu vực, và những chế độ áp bức... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...) (...)
 
... Ấn-độ đứng trên tuyến đầu của lý thuyết phê bình hậu thuộc địa, với những lý thuyết gia như Arjun Appadurai, Homi K. Bhabha, và Gayatri Spivak nổi lên từ đất nước của mình. Cùng với sự nở hoa của nghệ thuật và lý thuyết ở quốc gia trong vùng Nam Á này, các nghệ sĩ và các nhà văn càng lúc càng có nhiều khán giả và độc giả quốc tế... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...) (...)

 

 

_________________________

[*]Trong bài tham luận “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại”, đọc tại hội thảo “Lý luận Văn học Việt Nam thế kỷ XX” tổ chức ngày 7/6/2008 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng lại trên tạp chí Sông Hương ngày 16/7/2008, Hoàng Ngọc Hiến cho rằng việc giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam là một điều “trái khoáy”, chỉ vì “nhiều độc giả không hiểu mấy về chủ nghĩa hiện đại (mà quá trình thăng trầm trải ra trong bốn thập kỷ đầu t.k. 20)”. Ba năm trước đó, trong bài “Văn chương 2004 - oằn mình giữa nhập nhòa cũ - mới” (evan, 21/01/2005), Nguyễn Hoà đã đưa ra ý tưởng rằng không nên quảng bá cho một nền văn học “hậu hiện đại” vào lúc này ở Việt Nam vì trình độ tư duy của văn giới Việt Nam có lẽ chưa đi hết con đường “hiện đại”. Trong bài “Xu hướng Tân hình thức, hậu hiện đại trong thơ: Chiếc áo rộng cho một cơ thể còm” (báo Công An Nhân Dân online, 27/7/2008), Nguyễn Hoà đã một lần nữa khai triển ý tưởng này.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021