thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chủ nghĩa hậu hiện đại: Những sự phát triển gần đây trong mỹ thuật ở Ấn-độ

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

Lời người dịch:
 
Gần đây, một vài học giả / phê bình gia ở Việt Nam bắt đầu truyền bá ý tưởng rằng văn nghệ sĩ Việt Nam không nên tiếp cận văn nghệ hậu hiện đại, mà phải đi trở lại con đường phát triển của chủ nghĩa hiện đại.[*] Theo tôi, đó là một ý tưởng bảo thủ rất vô nghĩa, vì thực tế cho thấy văn nghệ của nhiều nước và nhiều dân tộc bị xem là “lạc hậu” ở châu Phi, châu Đại dương, châu Mỹ La-tinh... đã không cần lặn lội thêm một thế kỷ nữa để lặp lại lịch sử phát triển văn nghệ Tây phương, nhưng họ đã tiến thẳng vào con đường hậu hiện đại và toàn cầu hoá, và đã chứng tỏ những thành công đáng cho chúng ta phải nể phục. Do đó, thay vì phải hoài công tranh luận với ý tưởng bảo thủ vô nghĩa ấy, tôi xin dịch và lần lượt giới thiệu một số bài viết, qua đó những bằng chứng thành công sẽ được văn nghệ sĩ Việt Nam nhìn thấy.
 
Hôm nay, tôi xin gửi đến độc giả Tiền Vệ một bài viết của Atteqa Ali về mỹ thuật hậu hiện đại ở Ấn-độ.
 
Atteqa Ali là một người giám tuyển độc lập, sống và làm việc tại Lahore, Pakistan. Bà đã thực hiện hai cuộc triển lãm rất đặc biệt nhân dịp khánh thành toà National Art Gallery mới tại Islamabad, Pakistan. Trong đó, "Homecoming" bao gồm tác phẩm của những nghệ sĩ Pakistan lưu vong, và "Outside the Cube" bao gồm những tác phẩm sắp đặt tuỳ-theo-chu-cảnh-địa lý, của sáu nghệ sĩ đang sống tại Pakistan. Năm 2003, bà thực hiện cuộc triển lãm nổi tiếng "Playing with a Loaded Gun: Contemporary Art in Pakistan" tại Apex Art Curatorial Programs, New York. Năm 2004, cuộc triển lãm này được tái tổ chức tại Kunsthalle Friedricianum, Kassel, Đức.
 
Atteqa đã làm việc như một cố vấn giám tuyển cho một số cuộc triển lãm, trong đó có "The American Effect", tại Whitney Museum of American Art, New York. Bà đã đóng góp tiểu luận cho nhiều tạp chí, trong đó có tờ Art Asia Pacific và tờ Orientations.

 

 

 

CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI:

NHỮNG SỰ PHÁT TRIỂN GẦN ĐÂY

TRONG MỸ THUẬT Ở ẤN-ĐỘ

 

Trong những năm gần đây, khí hậu chính trị ở Ấn-độ rất bất ổn. Đảng Bharatiya Janata của phe dân tộc chủ nghĩa Ấn-độ giáo lên nắm chính quyền. Tình hình căng thẳng với Pakistan tăng lên đến mức gần nổ ra cuộc chiến nguyên tử trong năm 2002. Trong cùng thời gian ấy, Ấn-độ là một nước có nền dân chủ đang trưởng thành với một dân số gần một tỷ người. Văn hoá đại chúng ở Ấn-độ cũng lan rộng thêm, vì loại phim thương mại, thường được gọi là "Bollywood", trở thành một thứ kỹ nghệ tung ra nhiều sản phẩm nhất trên thế giới. Một số hoạ sĩ lấy cảm hứng hay vay mượn trực tiếp từ những yếu tố của nền văn hoá đại chúng ở địa phương; một số họa sĩ khác đem những biến cố thời sự vào tác phẩm của họ.

Một vài hoạ sĩ và phê bình gia mỹ thuật ở Ấn-độ đã bắt đầu khái niệm hoá cái vị trí độc đáo của họ trong toàn cảnh mỹ thuật quốc tế đương đại. Họ tra vấn lại những ý tưởng của chủ nghĩa hiện đại, chẳng hạn chủ nghĩa hình thức, từ quan điểm của những người đang làm việc trong một xã hội hậu thuộc địa vừa mới trồi lên từ bên dưới cái bóng của sức mạnh Tây phương. Thật ra, Ấn-độ đứng trên tuyến đầu của lý thuyết phê bình hậu thuộc địa, với những lý thuyết gia như Arjun Appadurai, Homi K. Bhabha, và Gayatri Spivak nổi lên từ đất nước của mình. Cùng với sự nở hoa của nghệ thuật và lý thuyết ở quốc gia trong vùng Nam Á này, các nghệ sĩ và các nhà văn càng lúc càng có nhiều khán giả và độc giả quốc tế và, quả thật, trong số văn nghệ sĩ ấy có nhiều người định cư bên ngoài Ấn-độ.

Trong số ấy có Anish Kapoor, một nghệ sĩ sinh tại Ấn-độ nhưng sống và làm việc tại nước Anh. Ông sáng tạo những hoạ phẩm mang tính nhục cảm và tâm linh (mà đúng nhất nên gọi là siêu thăng), gợi đến cả sự khoái lạc lẫn sự ưu phiền. Ông sử dụng những màu rực rỡ làm nhớ lại những sắc độ chói chang mà ta thường thấy trong văn hoá đại chúng Ấn-độ và những lễ hội Ấn-độ giáo.

 

Untitled: From 15 etchings portfolio, 1996
Anish Kapoor (định cư tại Anh, sinh tại Ấn-độ, 1954)
Tranh khắc acid
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Giống như Kapoor, một số nghệ sĩ chọn hình thức sắp đặt. Những tác phẩm sắp đặt của Rummana Hussain là những không gian suy tưởng trong đó khán giả được dẫn dụ nhẹ nhàng để trầm tư về những đề tài sôi động, chẳng hạn sự xung đột tôn giáo, bệnh tật, và chủ nghĩa nữ quyền.

 

A Space for Healing, 1999
Rummana Hussain (Ấn-độ, 1952–1999)
Tác phẩm sắp đặt gồm vật liệu hỗn hợp và âm thanh
Dựng tại tư gia của nghệ sĩ.

 

Mặc dù những tác phẩm sắp đặt của Nalini Malani cũng lưu tâm đến những chủ đề mang tính xã hội và chính trị, chúng lại hầu như đối lập với những không gian nhục cảm của Hussain. Malani bày ra trước mắt khán giả một khối to lớn những hình ảnh và âm thanh nói đến các vấn đề như chiến tranh nguyên tử và những sự căng thẳng giữa Ấn-độ giáo và Hồi giáo.

 

 

Remembering Toba Tek Singh, 1998
Nalini Malani (Ấn-độ, sinh năm 1946)
Tác phẩm sắp đặt với video chiếu lên tường, cùng một số vật liệu hỗn hợp
Dựng tại Queensland Art Gallery, Brisbane, Australia, 2002.

 

Nilima Sheikh sử dụng những bức tế mật hoạ [miniature painting] — có lẽ bà là nghệ sĩ đương đại duy nhất ở Ấn-độ chọn hình thức này — để khảo sát những ý tưởng về thủ công nghệ và truyền thống. Những tác phẩm sắp đặt của bà trông giống những cái lều khiến những hoạ phẩm của bà ra thoát ra khỏi chu cảnh của một phòng triển lãm nhỏ hẹp, thân mật. Cũng như Sheikh, ban đầu Vivan Sundaram đã thực hành hội hoạ trên giá vẽ, nhưng gần đây ông đã làm việc với những tác phẩm sắp đặt quy mô lớn. Ông dùng những quy chiếu lịch sử đa tầng để nghị luận về những trạng huống đương thời như chiến tranh và bạo động tôn giáo.

Ravinder Reddy, trong những tác phẩm điêu khắc, cũng khơi lại lịch sử, đặc biệt gợi đến những pho tượng cổ của nữ thần yakshini hay những hình ảnh phồn thực. Những bức tượng khêu gợi nhục cảm của Reddy, tuy nhiên, lại hiện hữu trong thời đương đại vì những sắc độ chói lọi của chúng được tạo bằng chất sơn xe hơi phủ lên một cái sườn bằng chất sợi thuỷ tinh. Nhưng còn hơn thế, những người đàn bà mắt mở to làm nhớ đến những pho tượng mà hôm nay người ta vẫn dùng trong các lễ hội dân gian Ấn-độ giáo.

 

Appayamma, 2001
G. Ravinder Reddy (Ấn-độ, sinh năm 1956)
Trưng bày tại Walsh Gallery, Chicago.

 

Những tác phẩm nhiếp ảnh màu của Raghubir Singh về đời sống thường nhật ở các vùng đô thị cũng bám dính vào khoảnh khắc đương đại. Tuy nhiên, nhiếp ảnh có một lịch sử dài ở Ấn-độ; nó du nhập vào lục địa Ấn-độ chỉ vài năm sau khi nó được phát minh ở Pháp trong những năm 1840. Những tấm ảnh màu của Singh gợi đến lịch sử của Ấn-độ trong lúc chúng nắm bắt giây phút hiện tiền của đất nước.

 

Tài xế taxi cãi với khách bộ hành tại đường Chitpur, Calcutta, 1987, rửa hình năm 1991
Raghubir Singh (Ấn-độ, 1942–1999)
Bản in chromogenic; 25.4x37.4 cm
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Người chiêm bái và nữ thần bệnh đậu mùa, 1988
Raghubir Singh (Ấn-độ, 1942–1999)
Bản in chromogenic; 25.3x37.5 cm
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Chợ trời bên kia cửa kính, Bombay, 1989
Raghubir Singh (Ấn-độ, 1942–1999)
Bản in chromogenic; 25.3x37.8 cm
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.
 
 
-----
Nguồn: Atteqa Ali. "Postmodernism: Recent Developments in Art in India", trong Heilbrunn Timeline of Art History (New York: The Metropolitan Museum of Art, 2004).

 

Đã đăng:

... tinh thần đa văn hoá được xiển dương bởi chủ nghĩa hậu hiện đại đã mở ra những khung cửa mới cho mỹ thuật đương đại Phi châu, tạo điều kiện cho nó trình bày trước thế giới rằng cái sáng tạo mà trước kia vẫn khiến người ta liên tưởng đến quá khứ của nó, thì giờ đây đã được phục hoạt với một diện mạo tươi trẻ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...) (...)
 
... Ngược lại với hình ảnh lãng mạn hoá trước đây về môi trường sống và những biểu hiện văn hoá, các nghệ sĩ trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đã đương đầu với những sức mạnh lịch sử và chính trị nối kết các nền văn hoá trong khu vực, chẳng hạn tiến trình toàn cầu hoá và những hậu quả của nhiều thập niên nội chiến. Các đề tài của họ gây chú ý đến những bất công xã hội, những sự xâm phạm nhân quyền, những vấn đề về môi sinh và kinh tế, những mối quan tâm mang tính tân thuộc địa trong khu vực, và những chế độ áp bức... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...) (...)

 

 

_________________________

[*]Trong bài tham luận “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại”, đọc tại hội thảo “Lý luận Văn học Việt Nam thế kỷ XX” tổ chức ngày 7/6/2008 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng lại trên tạp chí Sông Hương ngày 16/7/2008, Hoàng Ngọc Hiến cho rằng việc giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam là một điều “trái khoáy”, chỉ vì “nhiều độc giả không hiểu mấy về chủ nghĩa hiện đại (mà quá trình thăng trầm trải ra trong bốn thập kỷ đầu t.k. 20)”. Ba năm trước đó, trong bài “Văn chương 2004 - oằn mình giữa nhập nhòa cũ - mới” (evan, 21/01/2005), Nguyễn Hoà đã đưa ra ý tưởng rằng không nên quảng bá cho một nền văn học “hậu hiện đại” vào lúc này ở Việt Nam vì trình độ tư duy của văn giới Việt Nam có lẽ chưa đi hết con đường “hiện đại”. Trong bài “Xu hướng Tân hình thức, hậu hiện đại trong thơ: Chiếc áo rộng cho một cơ thể còm” (báo Công An Nhân Dân online, 27/7/2008), Nguyễn Hoà đã một lần nữa khai triển ý tưởng này.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021