thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tây Á: chủ nghĩa hậu hiện đại, cuộc sống lưu vong, và vai trò của các nữ nghệ sĩ

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

 

SALWA MIKDADI

(1948~)

 
Lời người dịch:
 
Gần đây, một vài học giả / phê bình gia ở Việt Nam bắt đầu truyền bá ý tưởng rằng văn nghệ sĩ Việt Nam không nên tiếp cận văn nghệ hậu hiện đại, mà phải đi trở lại con đường phát triển của chủ nghĩa hiện đại.[*] Theo tôi, đó là một ý tưởng bảo thủ rất vô nghĩa, vì thực tế cho thấy văn nghệ của nhiều nước và nhiều dân tộc bị xem là “lạc hậu” ở châu Phi, châu Đại dương, châu Mỹ La-tinh... đã không cần lặn lội thêm một thế kỷ nữa để lặp lại lịch sử phát triển văn nghệ Tây phương, nhưng họ đã tiến thẳng vào con đường hậu hiện đại và toàn cầu hoá, và đã chứng tỏ những thành công đáng cho chúng ta phải nể phục. Do đó, thay vì phải hoài công tranh luận với ý tưởng bảo thủ vô nghĩa ấy, tôi xin dịch và lần lượt giới thiệu một số bài viết, qua đó những bằng chứng thành công sẽ được văn nghệ sĩ Việt Nam nhìn thấy.
 
Hôm nay, tôi xin gửi đến độc giả Tiền Vệ một bài viết của Salwa Mikdadi về mỹ thuật Tây Á đương đại.
 
Salwa Mikdadi sinh năm 1948 tại Palestine, lớn lên ở Kuwait và Jerusalem, tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật tại American University of Beirut, Lebanon, nơi bà có cơ hội quen biết nhiều nghệ sĩ, và bà đã làm người giám tuyển của cuộc triển lãm đầu tiên giới thiệu các nghệ sĩ Palestine tại Beirut vào năm 1968.
 
Năm 1972, bà rời Beirut để sang Mỹ du học. Khi bà học xong, chính quyền Do-thái không cho bà về Jerusalem, nên bà định cư tại Berkeley, California, và bắt đầu làm việc với các nghệ sĩ Ả-rập ở Mỹ. Năm 1988, Mikdadi thành lập The Cultural and Visual Arts Resource/ICWA, một trong những hội mỹ thuật đầu tiên có mục đích giới thiệu các nghệ sĩ Ả-rập đến với khán giả Mỹ. Qua đó, bà tổ chức các cuộc hội thảo, triển lãm, những chương trình quảng bá mỹ thuật và bảo trợ nghệ sĩ du thuyết và du diễn. Công trình nghiên cứu của bà về các nữ nghệ sĩ Ả-rập đã dẫn đến kết quả là chuyến triển lãm Forces of Change: Artists of the Arab World. Đó là chuyến triển lãm mỹ thuật Ả-rập lớn nhất và dài nhất, diễn ra trên nhiều nơi ở Mỹ.
 
Năm 2005, bà cũng là người giám tuyển của cuộc triển lãm In/Visible: Contemporary Art by Arab Americans, và tác giả của cuốn sách cùng tên, lần đầu giới thiệu các nghệ sĩ Mỹ gốc Ả-rập, và sự kiện này diễn ra trong dịp khánh thành The Arab American National Museum ở Detroit.
 
Hiện nay, bà đã về sống tại Jerusalem, và là cố vấn cho Chương trình Phát triển Nghệ thuật Palestine của Liên Hiệp Quốc.

 

 

 

TÂY Á: CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI,

CUỘC SỐNG LƯU VONG, VÀ VAI TRÒ CỦA CÁC NỮ NGHỆ SĨ

 

Chủ nghĩa hậu hiện đại ở Tây Á

Đối với Tây Á, chủ nghĩa hậu hiện đại tương ứng với thời kỳ sau-1980, lúc người ta chứng kiến sự chuyển biến từ một nghệ thuật mang tính cá nhân chủ nghĩa hơn, với một hay hai điểm quy chiếu, đến những hình thức diễn đạt với nhiều điểm quy chiếu nhưng không nhất thiết phải hội tụ với nhau trong một quan điểm thẩm mỹ thống lĩnh. Mỗi quốc gia trong khu vực đã bước vào thời kỳ này từ con đường phát triển độc đáo của riêng nó, với những quan điểm dị biệt và đôi khi mâu thuẫn với nhau về ý nghĩ của chủ nghĩa hậu hiện đại. Những nền văn hoá sắc tộc và tôn giáo khác nhau tồn tại trong khu vực và trong mỗi nước (chẳng hạn ở Iraq và Do-thái) cung ứng cho các nghệ sĩ một bảng màu phức tạp và phong phú của những điểm quy chiếu. Ví dụ, các nghệ sĩ Do-thái từ những bối cảnh văn hoá khác nhau đã vượt qua những biên giới và pha trộn những yếu tố rút ra từ nghệ thuật Hồi giáo và Do-thái giáo.

 

Tehilim, 1978–81
Jacob El Hanani (Do-thái, sinh tại Morocco, 1947)
Mực trên bố; 127x127 cm
Sưu tập của The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Mỹ thuật trừu tượng là phương tiện khả dụng để diễn đạt những kinh nghiệm bản thân trong một cảm thức tập thể độc đáo đối với từng hoàn cảnh. Cái lịch sử ít tuổi của mỹ thuật hậu hiện đại ở bán đảo Ả-rập chứng tỏ một nỗ lực dữ dội để cứu vớt một nền văn hoá bản địa đã trải qua một sự chuyển hoá hầu như quá khẩn cấp từ đời sống du mục đến một xã hội tiêu dùng hiện đại. Trong chu cảnh này, mỹ thuật loay hoay giữa bút pháp trừu tượng và những phương thức trình bày mang tính hiện thực về nền văn hoá địa phương. Những màu sặc sỡ đến từ các thứ vải vóc truyền thống hay phong cảnh sa mạc xác lập tính chất căn bản cho những lối tạo hình pha trộn với mỹ học và kỹ thuật Tây phương.

 

Composition, 1995
Abdel Rahim Sharif (Bahrain, sinh năm 1954)
Sơn dầu trên bố; 133x 68 cm
Sưu tập của The Museum of Contemporary Arab Art, Doha, Qatar.
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Composition, 1967
Yussef Ahmad (Qatar, sinh năm 1955)
Vật liệu hỗn hợp trên bố; 135x232 cm
Sưu tập của The Museum of Contemporary Arab Art, Doha, Qatar.
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Nét ký tự Ả-rập được đặt vào nền của những lối tạo hình đa phương tiện đã tìm thấy một thị trường phát đạt ở vùng Vịnh.

 

Text Body, 2002
Faisal Samra (Saudi Arabia, sinh tại Bahrain, 1956)
Vật liệu hỗn hợp và lưới kẽm; 90x50x25 cm
Sưu tập của Paulla Al-Subah
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Kuwait, một quốc gia chỉ mới có một lịch sử ngắn ngủi trong mỹ thuật hiện đại, đã chứng kiến một trong những nghệ sĩ của nó với tên tuổi được khẳng định trên diễn đàn quốc tế đang hình thành một định nghĩa nghệ thuật vượt qua những ý niệm truyền thống và những ảnh hưởng đia phương.

 

Transmutation III, 1991
Basil Alkazzi (Kuwait, sinh năm 1938)
Gouache trên giấy; 76.2x54.9 cm
Sưu tập của The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Trong những năm 1970, các nghệ sĩ Do-thái là những người đầu tiên trong khu vực sử dụng mỹ thuật Ý Niệm để diễn tả những đề tài chính trị. Sau cái thảm trạng của cuộc xâm lăng của Do-thái vào Lebanon và cuộc nổi dậy lần đầu tiên của người Palestine, các nghệ sĩ Do-thái đã tra vấn cái chính trị về bản sắc dân tộc, tra vấn những biên giới văn hoá, và họ bắt đầu, cùng với các nghệ sĩ Palestine từ West Bank và nội địa Do-thái, khảo sát những vấn nạn mà cả hai dân tộc cùng phải đối phó.

Tinh thần đa phương là đặc tính của thời hậu hiện đại và, trong mỹ thuật, những điểm quy chiếu không độc quyền hướng về phương Tây. Các nghệ sĩ Tây Á sử dụng những kỹ thuật và chất liệu mới mẻ, gồm công nghệ điện tử, video, nhiếp ảnh, sắp đặt, trình diễn, và chạm khắc. Ngược lại với hình ảnh lãng mạn hoá trước đây về môi trường sống và những biểu hiện văn hoá, các nghệ sĩ trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 đã đương đầu với những sức mạnh lịch sử và chính trị nối kết các nền văn hoá trong khu vực, chẳng hạn tiến trình toàn cầu hoá và những hậu quả của nhiều thập niên nội chiến. Các đề tài của họ gây chú ý đến những bất công xã hội, những sự xâm phạm nhân quyền, những vấn đề về môi sinh và kinh tế, những mối quan tâm mang tính tân thuộc địa trong khu vực, và những chế độ áp bức. Lối tiếp cận mỹ thuật đa tầng và tinh tế, và sự khảo sát mang tính phê phán về những vấn đề gây tranh luận vốn thường bị kiểm duyệt trong các phương tiện truyền thông và báo chí ở các nước Ả-rập, lại càng làm cho loại hình này phổ biến hơn trong thế hệ nghệ sĩ trẻ.

 

Grafting, 1995
Khalil Rabah (Palestine, sinh năm 1961)
Cây ô-liu, đất, chỉ màu
Tác phẩm được uỷ thác thực hiện cho cuộc triển lãm Dialogues of Peace
Ariana Park, Geneva, Switzerland.

 

Cuộc sống lưu vong

Những cuộc xung đột và bạo động liên tục diễn ra đánh dấu lịch sử thế kỷ 20 của nhiều quốc gia trong khu vực. Như những hệ quả, lưu vong và di trú là những kinh nghiệm chung của giới nghệ sĩ. Phần lớn các nghệ sĩ làm việc bên ngoài quê hương là những người Lebanon, Palestine, và gần đây là Iraq. Trong số người di dân sau Thế Chiến II, một vài người đã có những sự nghiệp xuất sắc và đã cống hiến cho nền nghệ thuật của các quốc gia mà họ lưu trú.

 

Lebanon, 1978
Chafic Abboud (Lebanon, 1926–2004)
Sơn dầu trên bố; 160x160 cm
Sưu tập của The Arab Museum of Modern Art, Doha, Qatar
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Light Sentence, 1992
Mona Hatoum (Palestine, sinh tại Lebanon, 1952)
Những chiếc tủ bằng dây kẽm, bóng đèn di chuyển chậm; 198x185x490 cm
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Al-Wakef, 1970
Marwan Qassab Bachi (Syria, sinh năm 1934)
Sơn dầu trên bố; 162x114 cm
Sưu tập của Khalid Shoman
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.

 

Thoạt tiên, nhiều nghệ sĩ lưu vong nghĩ rằng cuộc sống tha hương của họ là tạm thời và khăng khăng cho rằng họ sẽ trở về một khi những điều kiện sinh tồn ở cố hương trở nên dễ chịu hơn. Tuy nhiên, từ những năm 1990, các nghệ sĩ đã cảm thấy bớt băn khoăn về vấn đề trú xứ và bắt đầu làm việc một cách thoải mái giữa hai và đôi khi ba nền văn hoá khác nhau. Các nghệ sĩ lưu vong đang tạo nên một đường lối phát triển cho mỹ thuật đương đại trong khu vực; những người đã có tác phẩm được các tổ chức mỹ thuật Tây phương công nhận thì được xiển dương ở cố hương. Tác phẩm của những nghệ sĩ xuyên quốc gia này, cùng với sự quan tâm trở lại của phương Tây đối với khu vực này và văn hoá Hồi giáo, đã giúp lôi cuốn con mắt quốc tế chú ý đến mỹ thuật Tây Á đương đại. Các nghệ sĩ Ả-rập, chẳng hạn, đang tham gia vào những cuộc triển lãm quốc tế như Venice Biennale ở Ý và Documenta ở Đức. Dù đang làm việc ở hải ngoại hay tại quê hương của mình, họ đều đang hun đúc một ý thức mới mang tính hoàn vũ và nhân loại.

 

Các nữ nghệ sĩ

Vị thế của phụ nữ thì khác nhau ở mỗi nước và không thể có một tổng quan khái quát cho toàn khu vực gồm hơn 300 triệu dân, một nửa tổng số là phụ nữ. Trong các nước Hồi giáo, vị thế của phụ nữ tuỳ thuộc vào vai trò hiến định và pháp chế của giáo luật, vào sự phát triển kinh tế và giáo dục, cũng như vào sự ổn định và an ninh chính trị. Nó cũng tuỳ thuộc vào những sự thay đổi khác, chẳng hạn sự du nhập những tập quán xã hội vốn thường bị các tôn chỉ Hồi giáo xem là xa lạ. Ngoại trừ có sự cấm đoán đàn ông đến xem triển lãm tranh của phụ nữ ở Saudi Arabia, phụ nữ trong khu vực từ lâu đã được những cơ hội bình đẳng để học hành và triển lãm tác phẩm của mình. Gần 80 phần trăm các phòng trưng bày và trường mỹ thuật ở các nước Ả-rập ở Tây Á được thiết lập và điều khiển bởi phụ nữ. Và kể từ những năm 1980, nhiều nữ nghệ sĩ hơn là nam nghệ sĩ đã được quốc tế công nhận trong lĩnh vực mỹ thuật và kiến trúc.

 

Project Architect
Zaha Hadid (Iraq, sinh năm 1950)
The Richard and Lois Rosenthal Center for Contemporary Art, Cincinnati, Ohio, USA.

 

Các nữ nghệ sĩ đã có mặt trong hàng ngũ những người đầu tiên giới thiệu hội hoạ trừu tượng vào mỹ thuật Lebanon và thách thức ý nghĩ của phương Tây khi họ nhìn về phương Đông và cái thành kiến của họ đối với tấm mạng che mặt.

 

Poem II, 1963–65
Saloua Raouda Choucair (Lebanon, sinh năm 1916)
Gỗ gụ; 39x19x17.5 cm
Sưu tập của Saloua Raouda Choucair
Trưng bày tại The Metropolitan Museum of Art, New York, USA.
 
 
-----
Nguồn: Salwa Mikdadi, “West Asia: Postmodernism, the Diaspora, and Women Artists”, trong Heilbrunn Timeline of Art History (New York: The Metropolitan Museum of Art, 2004).

 

Đã đăng:

... tinh thần đa văn hoá được xiển dương bởi chủ nghĩa hậu hiện đại đã mở ra những khung cửa mới cho mỹ thuật đương đại Phi châu, tạo điều kiện cho nó trình bày trước thế giới rằng cái sáng tạo mà trước kia vẫn khiến người ta liên tưởng đến quá khứ của nó, thì giờ đây đã được phục hoạt với một diện mạo tươi trẻ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...) (...)

 

_________________________

[*]Trong bài tham luận “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại”, đọc tại hội thảo “Lý luận Văn học Việt Nam thế kỷ XX” tổ chức ngày 7/6/2008 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng lại trên tạp chí Sông Hương ngày 16/7/2008, Hoàng Ngọc Hiến cho rằng việc giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam là một điều “trái khoáy”, chỉ vì “nhiều độc giả không hiểu mấy về chủ nghĩa hiện đại (mà quá trình thăng trầm trải ra trong bốn thập kỷ đầu t.k. 20)”. Ba năm trước đó, trong bài “Văn chương 2004 - oằn mình giữa nhập nhòa cũ - mới” (evan, 21/01/2005), Nguyễn Hoà đã đưa ra ý tưởng rằng không nên quảng bá cho một nền văn học “hậu hiện đại” vào lúc này ở Việt Nam vì trình độ tư duy của văn giới Việt Nam có lẽ chưa đi hết con đường “hiện đại”. Trong bài “Xu hướng Tân hình thức, hậu hiện đại trong thơ: Chiếc áo rộng cho một cơ thể còm” (báo Công An Nhân Dân online, 27/7/2008), Nguyễn Hoà đã một lần nữa khai triển ý tưởng này.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021