thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Động thái của sự viết

 

Bản dịch của Hải Ngọc.
Hoàng Ngọc-Tuấn hiệu đính.

 

TRỊNH T. MINH-HÀ

(1953~)

 

Sinh tại Việt Nam, sống tại Mỹ từ 1970, Trịnh T. Minh-hà là một nhà làm phim, nhà văn, nghệ sĩ tạo hình, nhà viết nhạc, và học giả. Tác phẩm của bà gồm có:
 
• 7 cuốn phim: Night Passage (98 phút, Digital, 2004), The Fourth Dimension (87 phút, Digital, 2001), A Tale of Love (108 phút, 1995), Shoot for the Contents (102 phút, 1991), Surname Viet Given Name Nam (108 phút, 1989), Naked Spaces - Living is Round (135 phút, 1985) và Reassemblage (40 phút, 1982).
 
• 10 cuốn sách: The Digital Film Event (Routledge 2005), Cinema Interval (Routledge 1999), Drawn from African Dwellings [viết chung với Jean-Paul Bourdier] (Indiana University Press 1996), Framer Framed (Routledge 1992), When the Moon Waxes Red: Representation, Gender and Cultural Politics (Routledge 1991), Out There: Marginalisation in Contemporary Culture [đồng chủ biên với Cornel West, R. Ferguson & M. Gever] (New York: New Museum of Contemporary Art and M.I.T. Press, 1990), Woman, Native, Other: Writing Postcoloniality and Feminism (Indiana Universty Press 1989), En minuscules (tập thơ, Edition Le Meridien 1987), African Spaces - Designs for Living in Upper Volta [viết chung với Jean-Paul Bourdier] (Holmes & Meier 1985), và Un Art sans oeuvre, ou l’anonymat dans les arts contemporains (International Book Publishers, Inc. 1981).
 
• 3 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt: The Desert is Watching [cùng thực hiện với Jean-Paul Bourdier] (Kyoto Art Biennale, 2003), Nothing But Ways [cùng thực hiện với L. M. Kirby] (Yerba Buena Center for the Arts, San Francisco, 1999), và L’ Autre marche / The Other Walk [cùng thực hiện với Jean Paul Bourdier] (Musée du Quai Branly, Paris, 2006-2009).
 
• 2 nhạc phẩm: Poems. Composition for Percussion Ensemble (trình diễn lần đầu bởi Univ. of Illinois Percussion Ensemble, Denis Wiziecki, chỉ huy dàn nhạc, 09/04/1976) và Four Pieces for Electronic Music (trình diễn lần đầu Univ. of Illinois, 1975).
 
Các tác phẩm điện ảnh của bà đã được trình chiếu nhiều lần tại nhiều sự kiện quan trọng ở nhiều nước trên thế giới, và bà đã được trao tặng nhiều giải thưởng, trong đó có: “Trailblaizers” Award tại MIPDOC, Cannes; AFI National Independent Filmmaker Maya Deren Award; Blue Ribbon Award for Best Experimental Feature tại American International Film Festival; Golden Athena Award for Best Feature Documentary tại Athens International Film Festival, 1986; Merit Award tại Bombay International Film Festival; Film as Art Award tại Society for the Encouragement of Contemporary Art (SF Museum of Modern Art); Blue Ribbon Award tại American Film and Video Festival; Jury’s Best Cinematography Award tại 1992 Sundance Film Festival; Best Feature Documentary Award tại Athens International Film Festival, v.v...
 
Là một học giả, bà đã giảng thuyết về điện ảnh, nghệ thuật, chủ nghĩa nữ quyền và chính trị văn hoá tại Mỹ, Úc,Tân-tây-lan, và nhiều nước khác ở châu Âu và châu Á. Bà đã dạy tại National Conservatory of Music in Dakar, Senegal (1977-80); và tại các viện đại học Cornell, San Francisco State, Smith, Harvard, và Ochanomizu (Tokyo); và là Professor of Women’s Studies and Rhetoric (Film) tại University of California, Berkeley.

 

____________

 

ĐỘNG THÁI CỦA SỰ VIẾT

 

... Không hoàn toàn mang tính cá nhân cũng không thuần tuý mang tính lịch sử, mỗi phương thức viết tự nó là một chức năng. Như một động thái của sự tương thông mang tính lịch sử, nó biểu lộ, đồng thời với quan điểm và chủ ý mang tính cá nhân của tôi/người viết, một mối quan hệ giữa sự sáng tạo và xã hội. Do đó, chỉ nhắm đến một trong hai phương diện này thì quả nhiên là một lối tiếp cận vô hiệu. Cũng vô hiệu như thế là việc thuyết giáo về tính cách mạng thông qua một lối viết lưu tâm đến việc áp đặt hơn là khơi dậy ý thức liên quan đến tiến trình mà ngôn ngữ vận hành, hay đến bản chất, động thái và vị thế của chính sự viết...

Sự thay đổi triệt để không thể xuất hiện chừng nào hành động viết chưa được nhận ra, nói một cách chính xác, như một phương thức khắc hoạ xã hội hay như “một sự chọn lựa phạm vi xã hội mà trong đó người viết ưu tiên nhắm đến để định vị Bản Chất ngôn ngữ của mình.” (R. Barthes). Điều này đòi hỏi một ý niệm về sự viết không còn bị giản lược ngây ngô thành một phương tiện để biểu đạt một hiện thực hay để phát ra một thông điệp. Nhấn mạnh vào sự biểu đạt và vào thông điệp tức là quên rằng, ngay cả nếu nghệ thuật có được coi là “một ô cửa nhìn ra thế giới”, nó vẫn chỉ là một “ô cửa được phác hoạ” mà thôi. (V.Schklovsky). Và cũng như những ô cửa được phác hoạ đó có những hiện thực riêng của chúng, sự viết, tự nó như một hệ thống, cũng có những quy tắc và tiến trình cấu trúc của riêng nó.

Bài học vỡ lòng dạy rằng để cho các mẫu tự trở thành các chữ và để cho các chữ có ý nghĩa thì chúng phải có quan hệ đến các mẫu tự khác, đến các chữ khác, đến cái bối cảnh mà trong đó chúng triển khai — dù đó là bối cảnh ngôn từ hay bối cảnh phi ngôn từ — cũng như đến các bối cảnh hiện diện hay khiếm diện khác. (Ngôn từ là những kho ý tưởng bị nhét đầy bởi những thứ ký ức bậc-hai và bậc-ba — những thứ ký ức chai cứng bất chấp những ý nghĩa không ngừng biến đổi của chúng.) Do đó, sự viết không ngừng tham chiếu sự viết, và không sự viết nào có thể khẳng định là nó hoàn toàn được tự do trước những sự viết khác...

Vậy thì từ đây bạn sẽ làm gì? Tôi sẽ làm gì? Và một nhà văn nữ có ý thức dấn thân sẽ làm gì? Nắm bắt một giọng điệu, tìm kiếm các chữ và các câu: hãy nói ra điều gì đó, một điều thôi hoặc không điều gì cả; hãy buộc vào/cởi ra, đọc/giải trừ cái đọc, vứt bỏ những hình thức của chúng; hãy tỉ mỉ quan sát những quán tính ngữ pháp trong lối viết của bạn, và hãy tự cân nhắc liệu chúng cho bạn tự do hay chúng kiềm toả bạn. Hãy lay đổ cú pháp, đập nát những huyền thoại và, nếu bạn thất bại, bạn hãy cứ tiếp tục lướt tới, hãy KHAI QUẬT những lối đi ngôn ngữ mới. Bạn có gây ngạc nhiên không? Bạn có gây sửng sốt không? Bạn có một sự lựa chọn nào không?

 

 

------------
Nguồn: Trinh T. Minh-ha, “The Activity of Writing”, trong tạp chí HOW(ever), Vol.5, No.4 (October, 1989), trích từ cuốn Woman, Native, Other: Writing Postcoloniality and Feminism của Trinh T. Minh-ha (Bloomington, IN: Indiana University Press, 1989).
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021