thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về “Thơ Việt Nam Hôm Nay”

 

[BÀI CẬY ĐĂNG]

 

Lời toà soạn Tiền Vệ:
Tiền Vệ nhận được bài viết này từ nhà thơ Lý Đợi — một bài viết liên quan trực tiếp đến chủ đề "Thơ Việt Nam Hôm Nay" đang diễn ra trên website Hội Luận, vì nhà thơ Lý Đợi đã viết như một sự đáp lại những câu hỏi mà website Hội Luận đã đặt ra. Thông thường, Tiền Vệ không đăng những bài viết liên quan trực tiếp đến một cuộc thảo luận đang diễn ra trên một website khác, vì như thế sẽ khiến cho cuộc thảo luận ấy bị tản mạn, thiếu tập trung. Tuy nhiên, chúng tôi đăng bài này vì những lý do mà nhà thơ Lý Đợi trình bày dưới đây.
 

_________

 
Lý Đợi thưa trước với độc giả Tiền Vệ:
 
Hội Luận (http://hoiluan.vanhocvietnam.org/) không sòng phẳng...! Đó là suy nghĩ của tôi lúc này, bởi lúc tôi gởi bài đi (trước khi tháng 5-2008 bắt đầu), như trong thư họ có yêu cầu, họ nói để nhường “không khí” lại cho Lê Đạt — một thi sĩ đàn anh vừa đi xa, tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ như vậy. Thế nhưng, khi bắt đầu với chủ đề: “Thơ Việt Nam Hôm Nay”, họ đã lần lượt in những bài gởi sau tôi, vì căn cứ theo ngày ký cuối mỗi bài thì biết. Ví dụ bài của Trần Văn Toàn, Trần Mộng Tú, Nguyễn Đình Chính... đều viết sau ngày 27-4 của tôi.
 
Tại sao tôi xem quan trọng sự trước sau này, khi mà, quyền thu xếp thời gian đăng bài là do nhóm chủ trương của Hội Luận? Bởi vì có 2 lý do: Thứ nhất, họ đòi biên tập và cắt bỏ một số đoạn trong bài viết — và tôi cũng đồng ý, vì nghĩ đó là nguyên tắc, và cũng vì ủng hộ tình hình chung. Thứ 2, tôi có phản ứng về cách hỏi kiểu “mặt trận” của họ, không phe này thì phải phe kia, dù đó là phe phái trong tư tưởng, trong thẩm mỹ, trong quan điểm... Theo cảm nghĩ của riêng tôi, nếu họ in bài trả lời này trước, thì họ ngại những phản ứng tương tự sẽ xảy ra, họ ngại những lý do được xem là “nhạy cảm”. Trong tất cả sự nhạy cảm mà họ nêu ra, tôi hơi ngạc nhiên khi họ đòi bỏ bài thơ “Cặc đương thời” của Nguyễn Quốc Chánh.
 
Dưới đây là nguyên văn bài mà tôi gởi cho Hội Luận đã được “biên tập”, nay tôi gởi đăng lên Tiền Vệ, để khỏi phải đợi lâu [một cách vô lý] hơn nữa.

 

Thi sĩ Việt = trộm + cướp + lộn xộn.

Trả lời về thơ Việt hôm nay, góp gió cùng với Hội Luận, với tín hiệu: Nếu ai chỉ giữ trong đầu mình mỗi khái niệm: hoặc phản đối, hoặc độc tài – thì kẻ ấy, hoặc theo chủ nghĩa độc tài, hoặc theo cơ chế toàn trị...

Đầu tiên, cũng cần nói rõ, tôi không muốn dùng khái niệm: “Thơ Việt Nam Hôm Nay”, bởi nếu chỉ bó hẹp trong 2 chữ “Việt Nam”, thì gần như chúng ta cũng loại bỏ những người ở bên ngoài Việt Nam, những người ghét Việt Nam, và cả không phải là người Việt Nam. Bởi kinh nghiệm và lịch sử văn học cho thấy, những người có quan tâm đến thơ Việt, văn học Việt – thì chưa hẳn là người Việt Nam.

Cũng tuyên bố trước, riêng trong lần này, tôi cũng dành “nhiều đất” để phân tách một vài tác phẩm của Bùi Chát, gọi là “tiện tay lăng-xê” đồng bọn. Và trong những lần sau, tôi sẽ phân tách tác phẩm của những người khác.

Và những ý rời này được thiết lập dựa trên các câu hỏi của Hội Luận [HL] sau đây:

 

HL: 1— Anh/chị đi tìm điều gì trong một bài thơ? Và có thường tìm thấy nó không?

 

Lý Đợi: Trong thơ Việt hôm nay, có 2 điều tôi luôn tìm ra: đó là tên người làm thơ, và “nội dung – hình thức” [2 cặp từ này nghe rất gớm] của bài thơ. Điều này có quan trọng không? Theo tôi là quan trọng, bởi có những trường hợp, thấy cái tên người làm thơ là tôi không cần đọc bài thơ. Mà đã không đọc bài thơ, thì cần gì nói đến chuyện“đi tìm điều gì trong một bài thơ”.

Tôi thường đọc khoảng 10% số nhà thơ viết bằng tiếng Việt, và còn sống, và đang viết. Trong đó, tôi tìm thấy được thái độ về nhân quyền, về xã hội và chính trị ở 2-3%, còn 6-7% kia là đọc với hi vọng họ sẽ thay đổi. Tất nhiên, nếu họ không thay đổi thì tôi cũng không tuyệt vọng, vì tôi lấy quyền gì mà hi vọng chứ. Đơn giản, tôi chỉ thích những nhà thơ có thái độ về nhân quyền, xã hội và chính trị... Tại sao? Vì trong một bối cảnh xã hội nhiễu nhương, và nhiều thối nát; trong một bối cảnh văn hoá lưu manh, nguỵ tạo... như Việt Nam hiện nay, bất kì ai góp một tiếng nói phản tỉnh, một tinh thần phản tư vào những vấn đề này, đều đáng quý.

Tôi thường đọc Nguyễn Quốc Chánh, dù gần đây, tác giả này rất ít công bố tác phẩm của mình; và cũng ít cả việc giao du. Tác phẩm của anh buộc người đọc nghĩ ngay về nhân quyền, xã hội và chính trị; và tìm về những vấn đề khác của văn chương – dù ở bề mặt con chữ, đã rất mạnh mẽ, rất sòng phẳng. Ví dụ những bài đã in trên Tiền Vệ [1]...

Theo tôi, thơ Việt đang bị chia thành 3 cực, xếp từ đông đến thiểu số:

a. Những nhà thơ trang trí, chuyên múa lửa lắc vòng, mua vui con mắt các giới chức, cơ quan thông tin đại chúng...

b. Những nhà thơ “vô thưởng vô phạt”, làm thơ với hi vọng bất tử hay đi vào lịch sử văn học...

c. Những nhà thơ “phản kháng”, gồm khoảng 2-3% như đã nói ở trên.

 

HL: 2— Anh/chị đánh giá ra sao về nền thơ ở miền Bắc trước đây, ở miền Nam trước đây, ở hải ngoại, ở trong nước, đặc biệt là từ góc độ của một người không đứng cùng miền địa lý chính trị (xin lấy ví dụ: một người đang sống ở trong nước nhìn về thơ hải ngoại, hay một người đang sống ở hải ngoại đọc thơ trong nước).

 

Lý Đợi: Đây là một câu hỏi, hoặc ngớ ngẩn, hoặc phản động.

Ngớ ngẩn, là vì làm sao để xác định đâu là thơ miền Bắc, đâu là thơ miền Trung, miền Nam, và miền hải ngoại, miền websites... Theo quan điểm về văn học – nhưng được nhìn từ góc độ xã hội học dung tục [kiểu như câu hỏi này] – chúng ta rất dễ bị nhìn theo thói quen, nhưng lười tư duy và suy nghĩ. Đây là một cách nhìn kiểu mặt trận, rất phổ biến trong “khí quyển và tư tưởng” của văn học ở Việt Nam lâu nay, nơi cái gì cũng bị ép vào phe ta phe địch, không địch thì ta, không ta thì địch. Những người, những tư tưởng trung lập đứng ở đâu?

Đơn cử vài trường hợp: Phan Khôi viết bài “Tình già” ở đâu, chắc chắn không phải là ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, và chỉ cho Điện Quang quê ông! [Chắc không có cái gọi là “Tình già” Điện Quang?!]. Những người chủ lực trong nhóm thơ Bình Định, nhóm Sáng Tạo, sinh ra ở đâu và “thành hình” ở đâu? Làm sao có thể truy xét tính vùng miền ở trong con người văn chương của Phan Khôi, của nhóm Bình Định, của nhóm Sáng Tạo...

Phản động, là nói như cách phân chia về 3 cực ở câu 1. Vì thế, khi nói về thơ, theo tôi, chỉ nên nói về những trường hợp đơn lẻ, không thể nói theo kiểu hợp tác xã, hay hội đoàn. Đơn cử như trong phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, khi đã nói về trường hợp Phan Khôi, Hữu Loan... thì không nên “cào bằng” với những trường hợp khác; khi đã nói về Thuỵ An, Nguyễn Hữu Đang... cũng thế; rồi Đặng Đình Hưng, Trần Dần; rồi Quang Dũng, Phùng Quán...; rồi Văn Cao, Yến Lan...; rồi Lê Đạt, Hoàng Cầm... cũng thế. Một phong trào được xem là có nhiều ý hướng và “sách lược” chung, nhưng mỗi trường hợp thì rất riêng, chẳng thể nào để gần nhau được.

Cũng giống như thơ hải ngoại hiện nay, tôi không tin có thể để chung Đinh Linh, Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường,... gần nhau được, dù nhìn từ bề ngoài, nhiều người ngộ nhận là họ có một vài nét cơ bản giống nhau. Cũng tương tự như thế, làm sao có thể để chung Mộng Lan, Nguyễn Hoa, Barbara Trần, Lê Thị Diễm Thuý,... gần nhau – theo cái nghĩa tìm sự tương đồng kiểu “chung xuồng”.

Rồi Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Hoằng Vị, Trần Tiến Dũng, Inrasara... đều đang ở Sài Gòn, nhưng cũng đâu thể để gần nhau. Phan Bá Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vương Huy, Huỳnh Lê Nhật Tấn... cũng vậy. Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán... cũng chẳng thể.

Tương tự, tại Hà Nội, tôi không có cách nào tìm ra điểm tương đồng của Đặng Thân, Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến...

Chúng ta đã thiếu, đang thiếu và sẽ thiếu những nhà chuyên môn đủ thẩm quyền trong việc “thẩm định”, “phân tích” và “xếp loại” kiểu này. Vì thế, những câu hỏi kiểu này, nếu không ngớ ngẩn, phản động, thì cũng là chuyện phù phiếm, vô bổ, vì không có lời đáp. Và nếu có, thường chủ quan, và và dễ gì tạo được niềm tin nơi người đọc.

Tôi không tin có cái gọi là “thơ Việt hải ngoại”, mà chỉ thấy có những người gốc Việt, những người Việt ở hải ngoại làm thơ. Tương tự, tôi cũng không tin có cái gọi là “thơ miền Bắc – Trung – Nam”, thơ người Kinh và thơ dân tộc thiểu số, hay cả thơ websites...

Hãy tin vào con người, với những trường hợp đơn lẻ!

 

HL: 3— Theo anh/chị, thế nào là một bài thơ hay? Xin cho ví dụ (không phải là thơ của mình) và diễn giải về ví dụ đó.

 

Lý Đợi: Tôi không hiểu câu hỏi này.

Nhưng chợt nhớ một bài thơ của Bùi Chát,[2] diễn tả cái lơ ngơ, cái ngớ ngẩn của người làm thơ, có liên đới tới một vài người khác, ví dụ Nguyễn Bính:

 
Hậu quả của việc ham mê thơ thẩn
 
Thơ như ánh trăng mê man thấm thía
Bán cho ma nhưng ma chẳng có tiền
Thì cho đấy dẫu là hồn là vía
Thơ í mà, tỉnh quá cũng là điên
 
Bi giờ ma đã có tiền
Như chim đậu thuyền, như cá giỡn câu
Nhưng...
 
Tiền không là lá câu ơi
Tiền là giấy bạc của đời in ra
Người ta giấy bạc đầy nhà
Cho nên mua trà về uống với thơ
 
Ra đường cứ thấy lơ ngơ
 

Hay như một lần khác, Bùi Chát đi bia ôm:

 
Chiến lợi phẩm sau mỗi lần tiếp khách
...
Lời kĩ nữ đã vỡ vì nước mắt
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo làn gió nước
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ, kĩ nữ thấy sông trôi
Du khách đi
- Du khách đã đi rồi!
 
Nhưng còn rất nhiều mồi
Các chị em
Nhậu thôi!
 

Những dân chơi [như Xuân Diệu] ngày xưa, đi bia ôm là cốt để vui thú, chơi bời nơi bàn nhậu, tiêu hết tiền rồi về; qua bài thơ “Lời kĩ nữ” tôi thấy thế. Có một số dân [không] chơi, nhưng chịu ở lại, để nghe tâm sự của mấy tiếp viên: “Các chị em, nhậu thôi!” Bởi ở quán bia ôm nào cũng có một vài em bị quê lồn, nghĩa là ngày hôm đó tự nhiên không có khách, ngồi trong phòng chờ từ chiều đến khuya mà không thấy thằng ma nào gọi, đốt giấy hơ phong long dưới háng 9 lần vẫn ế, thành ra đói meo lông. Cuộc nhậu này [trong bài của Bùi Chát] chơi khá nới tay, nên mồi mòng bia bọt còn lại khá nhiều, mấy em ế hàng được một bữa khuya no nê, khỏi phải ăn hủ tiếu gõ trên đường về hay mì gói ở phòng trọ. Thường thì cứ ế hàng 3 đêm, mấy em lại tìm người cho chơi xả xui một nhát, bởi ế hàng lâu quá, vừa không có tiền chi tiêu phấn son, lại bị má mì khiển trách, bị ma cô hành hạ, và cho đi tàu ngắn ra đứng đường, hay đi tàu dài về quê nhổ cỏ làm “guộng”. Có trường hợp, sau 3-4 ngày ế hàng nhưng không tìm ra được “đại ca” giúp xả xui, sau đó là 3-4 ngày phất cờ đỏ, thành ra, đói cheo queo cả tuần.

Thế nào là một bài thơ hay? Đó là một câu hỏi gây bối rối, vì dựa vào tiêu chí, hay định mức nào để trả lời đây. Cho nên, nếu hỏi: “Trong thời gian gần đây, anh/chị đọc thơ của ai nhiều nhất? Hãy diễn giải về một bài nào đó mà anh/chị có quan tâm, thấy phấn khích” – thì cũng không phải là một câu hỏi hay, nhưng có vẻ dễ trả lời hơn, vì nó để cho người đọc tự do chọn lựa.

 

HL: 4— Theo anh/chị, thế nào là một bài thơ dở? Xin cho ví dụ và diễn giải về ví dụ đó.

 

Lý Đợi: Tại sao đã có câu hỏi 3, mà còn sinh ra câu hỏi 4 nữa chứ. Kiểu như gặp một ngã 3, rẽ trái thì thôi rẽ phải chứ.

Giải trí với câu hỏi này bằng mấy bài thơ sau của Bùi Chát vậy.

 
Có đường nào...
 
Có khi nào trên đàng đời cấp tập
Ta thâm tình đã lê bước qua nhau
Gót quang đãng chẳng ngờ đương bị vất
Một căn hầm ta đào đã từ lâu?...
(Nguyên liệu: “Có khi nào...” của Bùi Minh Quốc)
 
Hoa trắng thôi cài trên áo tím [kiểu huế]
 
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường
...
 
Nghĩ lại thấy cũng bình thường
Chiến tranh nào có ai lường được đâu
Sá chi một mối tình đầu
 
Thời gian xuôi ngược bên cầu cá tra
Thôi, cho qua!
(Nguyên liệu: “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của Kiên Giang)
 
Bình luận & hù doạ bắp ngô báo cáo tóm lược
 
Từng nghe:
Việc nhơn nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Gâu gâu [go go]
Sơn xuyên chi phong vực kí thù, nam bắc chi phong tục tiệc dị hợm hĩnh hĩnh
Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần, chi triệu tạo ngã quốc, giận dữ Hán Việt tự điển... Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương trình bày biện giải tán loạn luân lí bí đao phủ kiệt
 
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Nhưng hồng hào như Lý Liên Kiệt [hoặc Lý Thường Kiệt] đời nào cũng có đầy, [thiếu mẹ gì]
Chính vì thế:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm pháp luật rừng rậm rạp chiếu bóng đá me chua lét..
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
Quân ta chém giết đã đời tay chân
Thế mà vẫn được lòng nhân
Bọn mày đúng là đồ đần hiểu chưa
Tiếp tục thì sẽ từa lưa
Đồ con lừa!
 
(Nguyên liệu: “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi)
 

5— Có nhiều ý kiến trái ngược nhau về thơ Việt Nam hiện nay. Nhìn chung, anh/chị thất vọng hay hy vọng về nó? Tại sao?

 

Lý Đợi: Đó là điều bình thường và đáng mừng chứ. Bởi chỉ có cơ chế độc quyền, hoặc chế độ toàn trị mới mong “thống nhất” tư tưởng về một mối. Trong ngôn ngữ, chẳng phải chúng ta luôn được lưu ý về các trường hợp ngoại lệ, bất quy tắc... đó sao. Mà thậm chí, dị biệt, và ngoại lệ mới quý.

Cuộc hội luận này cứ xô người ta vào chỗ “nhị nguyên đối đãi”, khổ thật.

 

HL: 6— Anh/chị nghĩ gì về trào lưu Hậu hiện đại trong thơ? Ảnh hưởng của trào lưu Hậu hiện đại lên một số dòng thơ hiện nay như thơ trẻ Sài Gòn, thơ giễu nhại, hay lên một số tác giả cụ thể, ra sao?

 

Lý Đợi: Thế nào là thơ trẻ kia chứ? Chẳng lẽ xếp theo tuổi, mà ai quy định tuổi làm thơ đây, Hội Luận được chăng?! Với những người kĩ tính, chỉ cần một câu hỏi như thế này, họ sẽ không thể nào tham gia trả lời được nữa. Tôi thì thuộc “bộ lạc nhiều chuyện”, nên chơi luôn.

Câu hỏi thứ 6 này có thể chia ra làm 2 vế, mà vế sau chỉ làm có mỗi một việc: bóp cổ vế trước, và bóp cổ luôn hào hứng và tư duy của người trả lời.

 

HL: 7— Không thể không nói đến các khuynh hướng thể nghiệm như thơ ngôn ngữ, thơ cụ thể, thơ trình diễn, v.v... Anh/chị nghĩ sao về chúng, phản đối hay ủng hộ?

 

Lý Đợi: Câu hỏi này sẽ khá hơn nếu không ép người trả lời vào thế bí: phản đối, hay ủng hộ. Tại sao phải ủng hộ, và tại sao phải phản đối? Chẳng lẽ làm thơ mất tự do như vậy sao. Không khác gì công an ngang nhiên bắt người đi đường về đồn, chỉ để hỏi một câu: Anh/chị phản đối, hay ủng hộ biểu tình chống Trung Quốc rước đuốc? Vì họ có đi loanh quanh gần đó.

Chỉ thị là “phản đối”, nhưng lỡ bắt nhầm người đang đi biểu tình về thì sao? Còn nếu chỉ thị là “ủng hộ”, nhưng lỡ bắt nhầm người trung lập, hay phản đối thì sao? Nếu xã hội chỉ có 2 cực: phản đối, và ủng hộ, thì đơn giản và hạnh phúc quá. Nhưng khốn một nỗi, xã hội thì phong phú đủ kiểu, mà gần như kiểu gì cũng có lý tồn tại của mình. Và có một điều mà những người đặt ra câu hỏi cố tình lờ đi khái niệm: làm theo chỉ đạo. Tự nhiên phản đối, hay tự nhiên ủng hộ, đều không được.

Như đã nói ở câu 5, đây là một hoạt động và biểu hiện bình thường, chỉ sợ thơ chỉ có một kiểu duy nhất, hoặc là hiện thực xã hội chủ nghĩa, hoặc là thơ ngôn ngữ, hoặc là thơ cụ thể, hoặc là thơ trình diễn, hoặc là không thơ... Ngay cả thơ của thánh thần viết ra cũng thế, nếu chỉ có một kiểu thì nên vứt đi. Nếu ai chỉ giữ trong đầu mình mỗi khái niệm: hoặc phản đối, hoặc độc tài – thì kẻ ấy, hoặc theo chủ nghĩa độc tài, hoặc theo cơ chế toàn trị...

 

HL: 8— Thơ thế giới được dịch ra tiếng Việt ra sao? Phải làm gì để người đọc biết nhiều hơn đến thơ nước ngoài? Nhà thơ nước ngoài nào mà anh/chị thường đọc nhất hay chịu ảnh hưởng nhiều nhất? Mặt khác, tình hình giới thiệu thơ Việt Nam ra thế giới hiện nay như thế nào?

 

Lý Đợi: Tôi vẫn tin vào con số [trong đó có tôi]: khoảng 95% số nhà thơ Việt là không đủ khả năng đọc hết một bài thơ ngoài ngôn ngữ của mình. Và trên 75% là không đủ khả năng đọc hết một bài thơ cùng ngôn ngữ, nhưng không phải của mình.

Gần như ai cũng tự cho mình làm thơ hay, nhưng rất khoái chí khi đặt ra câu hỏi: thế nào là một bài thơ hay? Tôi cũng thế.

Cũng tương tự, gần như ai cũng làm thơ dở, nhưng lại rất hào hứng khi hỏi: thế nào là một bài thơ dở? Tôi cũng vậy.

Sao không tự trả lời luôn đi?

Cá nhân tôi là một động vật ăn sẵn, thôi thì, hãy phó thác việc này vào số ít các nhà nghiên cứu, các dịch giả lành nghề. Có thắc mắc gì, xin hãy hỏi họ.

 

HL: 9— Phê bình và lý luận về thơ có vai trò gì đối với sự phát triển thơ ca? Tình hình giới thiệu, xuất bản, phổ biến thơ hiện nay? Có một bài viết, một cuốn sách, một công trình, hay một hội nghị nào về thơ gần đây mà anh/chị đã đọc hay theo dõi và cảm thấy thú vị nhất? Tại sao?

 

Lý Đợi: Khi nào có văn hoá của văn chương thì hãy đặt ra câu hỏi này. Đầu trộm đuôi cướp và chính giữa là một đám lộn xộn, đó là thơ Việt hiện nay. Về vấn đề này, và về văn hoá văn chương, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc có những bài viết, và một vài cuốn sách khá sâu sát.

Công thức tôi thấy như thế này: Thi sĩ Việt = trộm + cướp + lộn xộn. Và tôi cũng thế.

 

HL: 10— Nhà thơ và trách nhiệm xã hội: anh/chị nghĩ gì về vấn đề này?

 

Lý Đợi: Đã trả lời phần chính ở câu 1.

Ở đây, tận dụng thời cơ để khuyến mãi thêm mấy bài khác, cũng của Bùi Chát, tôi không để nguồn nguyên liệu của tác phẩm, để người đọc đoán chơi:

 
Tệ nạn xã hội
 
Ngày mai tao bỏ làm thơ sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tao sẽ đi tìm nơi hoang vắng
Lập cơ sở hành nghề cầu cơ
 
 
Đùn đẩy trách nhiệm
 
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng bay vừa thì thôi
- Không liên quan gì đến tôi!
 

“- Không liên quan gì đến tôi!” Vậy thì, liên quan đến ai đây? Và trách nhiệm của chữ “tôi” chung ấy là gì?

 

La Hán Phòng, 27-4-2008

 

_________________________

[1]Xem tại đây: http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=23

[2]Tất cả thơ Bùi Chát được trích dẫn từ Xin lỗi chịu hổng nổi, Nxb Giấy Vụn, 12-2007.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021