thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những giới hạn của ngôn ngữ

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

(1915-1973)

ALAN WATTS

 

Alan Watts là nhà văn, nhà triết học, và diễn giả, sinh năm 1915 ở Anh và học ở King’s School, Canterbury, sau đó lấy bằng MA ở Seabury Western Theological Seminary ở Illinois và bằng tiến sĩ danh dự về thần học ở Đại học Vermont. Ông là tác giả khoảng 20 cuốn sách và nhiều bài viết về bản sắc con người, bản chất của thực tại, và sự đeo đuổi hạnh phúc — liên hệ những kinh nghiệm trong kiến thức khoa học với những học thuyết tôn giáo và triết học Đông và Tây — trong đó, nổi bật ngay từ cuốn đầu tiên, là The Spirit of Zen [1936, năm ông 20 tuổi], tiếp theo là The Wisdom of Insecurity (1951), The Way of Zen (1957), The Book (1989)... Tiến sĩ Watts là một trong những tiếng nói sáng chói những năm 60 và đầu những năm 70 ở các giảng đường đại học, các buổi diễn thuyết, hội thảo, kể cả các buổi nói chuyện trên đài. Từ những năm đầu thập niên 60 ông chuyển về cư ngụ ở Sausalito, California, bờ bên kia cầu Golden Gate, giảng dạy và viết sách. Ông mất năm 1973, để lại cho chúng ta một núi tác phẩm, ít nữa đã minh chứng một ý hướng cao cả: ông luôn mong muốn làm cây cầu nối cái cũ / cái mới, phương Đông / phương Tây, văn hoá / thiên nhiên. Năm 1995, Nhà xuất bản Charles Tuttle Co. ở Tokyo cho xuất bản ở Nhật và ở Mỹ cuốn The Philosophies of Asia, biên tập từ tám bài nói chuyện của Alan Watts trong khoảng 1965 đến 1972, giúp người đọc có một cái nhìn bao quát về những truyền thống chính trong tư tưởng phương Đông.

 

______________

 

NHỮNG GIỚI HẠN CỦA NGÔN NGỮ

 

MỖI CÁI NHÌN CỦA CHÚNG TA VỀ THẾ GIỚI THÌ ĐƠN GIẢN CHỈ LÀ MỘT CÁCH NHÌN SỰ VẬT, VÀ CHÚNG TA CÓ VÔ SỐ NHỮNG CÁCH NHÌN KHÁC NHAU

 

1.

Khi chúng ta cảm nhận chúng ta hiểu được một cái gì, thật sự phần đông chúng ta muốn nói rằng chúng đã có thể phiên dịch cái ấy ra chữ.

Tuy nhiên chúng ta cũng hiểu được một số rất lớn những sự vật mà chúng ta không biết gì bằng chữ. Chúng ta biết thở thì phải làm sao, chẳng hạn, nhưng chúng ta không sao có thể đưa cái biết ấy vào chữ.

Bằng cách nào đó chúng ta tự mình đã đi vào cái tâm trạng mà ở đấy, trừ phi chúng ta có thể đưa một cái gì đó vào chữ — đặc biệt cái gì đó thuộc loại mà tôi đã đem ra thảo luận — chúng ta cảm thấy chúng ta không hiểu được nó.

Có rất nhiều lối sống không cách gì có thể dung chứa bên trong những mạng lưới mà ta coi như nhạy cảm hoặc đáng coi trọng về mặt học thuật. Điều này bao gồm cả những lối sống của cây cỏ. Chúng ta thường bảo những người nào thân xác và đầu óc gần như không hoạt động là họ chỉ còn sống như cây cỏ. Đấy là một cách nói sỉ nhục về cây cỏ. Không có loại cây cỏ nào chỉ là cây cỏ.

 

2.

Bạn càng biết nhiều về thực vật học, bạn càng dùng óc tưởng tượng của mình và càng cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của một bông hồng, thì trong đầu bạn càng bắt đầu nhận ra rằng đây là một hình thức sống quan trọng.

Emerson từng nói điều này trong một đoạn văn nổi tiếng: “Những bông hồng kia dưới cửa sổ nhà tôi không lo lắng gì về chuyện chúng có ngon lành hơn những bông hồng trước đó hay những bông hồng tiếp sau có sẽ ngon lành hơn chúng hay không. Đơn giản là bông hồng có đó; nó hiện hữu với Thượng Đế ngày hôm nay. Còn con người, coi thường những tiền của chung quanh mình, lúc nào cũng kiễng chân lên để tiên đoán một tương lai, và họ không biết làm cách nào để sống trọn vẹn ở đây và bây giờ.”

 

6.

Chúng ta đang ở giữa một hệ thống truyền thông phi vận hành. Nói vậy có nghĩa là mọi đài phát thanh, truyền hình, báo chí, vân vân — mọi thứ thông tin mà ai nấy nhận được — thực sự là vô bổ bởi lẽ

                  bạn chẳng có thể làm gì về chuyện đó.

Hơn thế, có một sự khác biệt rất lớn giữa cái thế giới hiện hữu và cái  thế giới như nó được người ta mô tả. Chúng ta thừa nhận rằng thế giới trong truyền hình, báo chí, phim ảnh, sách vở, tạp chí, Time, Newsweek, thể hiện cái hiện thời đang xảy ra là bởi lẽ chúng ta đã quen thích nghi với thứ văn hoá văn học của một quốc gia công nghiệp phương Tây.

Hoàn toàn không phải như vậy.

Giống y như ý kiến của bạn về bản thân bạn không hề là chính bạn, tin tức không phải là cái đang xảy ra. Nó là một cái nhìn đặc biệt bị xô lệch về những gì đang diễn ra, là cách biểu hiện của những trí tuệ bị giới hạn của đám chính trị gia và nhà báo.

 

9.

Khi tôi còn bé tôi nghĩ nghệ thuật Trung Hoa là huyền ảo. Sự vật không có vẻ như thế; hoa và núi được cách điệu, kỳ lạ. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu quen với nghệ thuật Trung Hoa tôi thấy họ nhìn sự vật với sự chính xác không thể nào có thể tin được.

Tại Viện Bảo Tàng Victoria and Albert ở Luân đôn có lần tôi nhìn thấy một ấn bản khắc gỗ Nhật in hình một con cọp. Đấy là một con cọp phức tạp, huyền ảo mà cả đời tôi chưa từng thấy, và tôi chắc là không bao giờ hiểu ra ngọn ngành, nhưng tôi thích nó bởi lẽ nó rất kỳ lạ.

Vậy nên tôi lôi tập vẽ của tôi ra và chép bức ấn hoạ kia.Tôi vẽ theo sát rất tỉ mỉ cả bốn chân cọp va khám phá ra cách sắp xếp chân cọp hoàn toàn hợp lý. Tranh chẳng kỳ lạ chút nào, đơn giản nó chỉ là một bức hoạ một con cọp vẽ rất thông minh, rất đẹp.

Khi rốt cục tôi đến thăm được vùng Viễn Đông tôi nhận ra một cách tuyệt vời thích thú như thế nào nước Nhật trông đúng là nước Nhật. Ở đây ngay trước mặt tôi có đủ những tranh vẽ đời sống thường ngày. Những bức tranh không còn có vẻ kỳ lạ nữa.

 

 

---------------
Bốn đoạn trích “Những giới hạn của ngôn ngữ” giới thiệu trên đây dịch từ nguyên tác “The Limits of Language”, trong Alan Watts, OM-Creative Meditations,* do Judith Johnstone biên tập và soạn thảo (Berkeley, California: Celestial Arts, 1980).
 
* Ghi từ Alan Watts Tape Archives (Electronic Educational Programs, Mill Valley, California). Theo lời tựa của Mark Watts [con trai Alan Watts, ở Mill Valley, California, 1980] thì những suy niệm này được ghi lại từ các buổi nói chuyện của Alan Watts, những bài nói mà sau nhiều giờ lắng nghe lại đã cho thấy chính là mẫu mực những bài giảng ghi âm của cha ông. Mark Watts đánh giá cao công trình biên tập và soạn thảo của Judith Johnstone, mà ông nhận xét là đã bắt được tinh thần và hương vị của những bài nói nguyên thuỷ: những trang trong OM-Creative Meditations chứa đựng nguyên cái nhịp khoan thai trong lời nói của diễn giả, nên theo ông, ta có thể đem bản văn đã được ghi lại ra đọc lớn để người nghe có thể thưởng thức trọn vẹn những lời dạy ứng khẩu ấy.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021