thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Morris West và những bí quyết của một nhà văn best-seller

Phải nói ngay rằng Morris West không phải là nhà văn tôi hâm mộ. Ông không phải là một biểu tượng tập trung của sự sáng tạo văn chương. Ông không nỗ lực xây dựng một hệ thẩm mỹ mới, không phát hiện những kỹ thuật viết mới, không mở rộng thêm định nghĩa về văn chương. Ông chỉ dùng cây bút để kể chuyện. Chính ông đã phát biểu: "Tôi chưa bao giờ tự xem mình là bất cứ gì cả ngoài một người kể chuyện, mặc dù có chút ít của một người triết lý trong tôi."[1] Thực vậy, ông đã kể liên miên hết chuyện này đến chuyện khác, toàn những chuyện làm thiên hạ say mê. Cuối cùng, ông đã ra đi như một võ sĩ chết trên sân đấu, một kỵ sĩ chết trên lưng ngựa, một ngư phủ chết trên biển cả, để lại trong tâm tưởng mọi người một hình ảnh đẹp đẽ của một người yêu nghề trọn vẹn: một người 83 tuổi tóc bạc trắng, sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, từ giã cuộc đời ngay tại bàn viết, bút vẫn cầm trên tay, ngực đè lên bản thảo còn dang dở, mắt mở lớn sau cặp kính lão, nhìn đăm đăm vào tủ sách chất đầy những câu chuyện suốt đời mình đã kể.

Sau khi đã xuất bản 30 tiểu thuyết và ba kịch bản, trong đó nhiều cuốn được dịch ra đến 27 ngôn ngữ trên thế giới và nhiều cuốn được dựng thành phim, ông không hề được giới phê bình văn học đương thời lưu ý đến. Trong khi đó, một nhà văn khác của Úc như Gerald Murnane chỉ viết mới vài cuốn tiểu thuyết ít người đọc đã trở thành đề tài nghiên cứu nghiêm túc trên các tập san văn học quốc tế, trên nhiều sách lý luận văn học và trong các viện đại học. Điều này không làm Morris West phiền lòng vì đó là điều quá hiển nhiên: ông đã quyết định chọn con đường viết văn cho độc giả phổ thông, thay vì tự dằn vặt mình với khát vọng của một nhà cách tân văn học.

Thái độ chọn lựa của Morris West hết sức rạch ròi. Suốt đời, ông không hề tham dự vào những cuộc tranh luận văn học, không cãi vã với những nhà tiền phong, không hề sợ hãi bị văn học sử lãng quên. Ông chỉ biết chuyên chú viết và xuất bản. Ông say mê với nghề nghiệp và nhận được những phần thưởng ông mong muốn. Đối với tôi, ông có nhiều điều đáng nể, nhưng điều đáng nể nhất ở ông không phải là số lượng tác phẩm đồ sộ, cũng không phải khả năng hấp dẫn quần chúng khắp thế giới bằng những câu chuyện. Điều đáng nể nhất ở ông là sự sáng suốt trong nhận thức về vai trò của mình. Ông không có một chút ảo tưởng phù phiếm nào về bản thân. Vô số người có tham vọng viết tiểu thuyết phổ thông bán chạy, và không thể thành công như ông, nhưng lại tự xây dựng cho mình ảo tưởng rằng mình đang đóng góp lớn vào văn học nước nhà. Morris West thì ngược lại. Là một nhà văn xuất bản nhiều nhất nước Úc, có độc giả nhiều nhất nước Úc, và giàu nhất nước Úc, nhưng khi có người cho rằng ông là "tài sản của quốc gia", ông trả lời: "Bullshit!"[2]

Ở các nước tiền tiến, chúng ta thấy có sự phân biệt hai hướng văn nghệ: một hướng nhắm vào việc thí nghiệm, khám phá và thực hiện những ý niệm thẩm mỹ mới; một hướng nhắm vào sự ứng dụng những phong cách, kỹ thuật, và phương pháp sáng tác sẵn có vào việc tiêu khiển quần chúng. Cả hai hướng đều cần thiết, và một xã hội lành mạnh phải phát triển đồng thời cả hai. Thiếu phát minh mới thì văn học nghệ thuật không có tương lai, nhưng thiếu tác phẩm văn nghệ phổ thông thì đời sống quần chúng mất vui thú. Mỗi nghệ sĩ, do đó, phải xác định một hướng hoạt động cho bản thân và dốc hết sức vào đó để đạt thành công cao nhất. Nhờ sự phân biệt rạch ròi đó, ở các nước tiền tiến, bên cạnh sự xuất hiện liên tục của những đỉnh cao sáng tạo nghệ thuật, luôn luôn có những sản phẩm văn nghệ best-seller được tung ra dồn dập không ngừng.

Trong tiểu luận này, tôi sẽ nêu lên những bí quyết đã giúp Morris West trở thành một nhà văn best-seller. Phần lớn những bí quyết này được chính ông tiết lộ hoặc do tôi phân tích và tìm thấy qua hoạt động sáng tác của ông. Tôi hy vọng những bí quyết này sẽ đem đến ít nhiều lợi ích cho những nhà văn trong chúng ta đang muốn thành công theo hướng văn chương phổ thông.

I. Hãy viết những điều người ta muốn đọc, và viết kịp thời

Tôi được dịp gặp và nghe Morris West nói chuyện lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tại Goethe Institute, Sydney, ngày 13 tháng 10 năm 1984, nhân đại hội "1984 Multicultural Writer's Weekend". Ông được mời tham dự như một guest speaker. Bài diễn văn ứng khẩu của ông chủ yếu tập trung vào đề tài làm thế nào để một nhà văn lưu vong có thể viết và xuất bản thành công trên một đất nước mới. Ngay đoạn vào đầu, ông nói:

Kính thưa ông Chủ Tịch, cùng quý bà và quý ông,
Như nhiều người trong cử toạ, tôi đã từng là một kẻ xa lạ trên một đất nước xa lạ. Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm tôi đi lang thang xuyên qua nước Nhật Bản, không đủ khả năng đọc một dòng, không hiểu một chữ, và vì thế không thể phân biệt được một quán ăn và một cầu tiêu công cộng. Cảm giác bị cách ly đó, cảm giác về sự dị biệt văn hoá đó, cảm giác về sự đe doạ đó, vì thế, rất thực đối với tôi. Cảm giác hiện hữu như một kẻ mà người Nhật Bản gọi là "gaijin" (ngoại nhân), kẻ ở bên ngoài, kẻ ngoại cuộc, vẫn còn sống động trong tôi. Bởi thế, tôi hiểu cảm giác đứng bên lề, thứ cảm giác xâm nhập vào những người đến đất nước này từ bên ngoài, bất kể họ thuộc thế hệ nào, bởi vì sự hội nhập không bao giờ có nghĩa là bị bứng ra khỏi gốc rễ. Gốc rễ của chúng ta vẫn còn đó, dòng nhựa trong nó vẫn tuôn chảy, và chính sự tuôn chảy của dòng nhựa từ quá khứ và sự pha trộn của nó vào dòng nhựa của mặt đất mới đã đem đến cho chúng ta những khó khăn.[3]

Như thế, ông đã chinh phục ngay cử toạ, trong đó hầu hết là những cây bút lưu vong mới đến Úc. Đó là một trong những "bí kíp" của Morris West: bao giờ ông cũng viết hay nói đúng ngay vào những gì người ta đang muốn đọc hay muốn nghe. Nhìn lại những tác phẩm bán chạy nhất của ông, ai cũng thấy rõ điều đó.

Thử nêu vài ví dụ. The Shoes of the Fisherman, tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, được tung ra vào năm 1963 ngay sau cái chết của Giáo hoàng John XXIII. Câu chuyện xoay quanh việc bầu cử một Giáo hoàng mới; và để đập ngay vào mắt độc giả, Morris West lập đi lập lại câu "Giáo hoàng đã chết" ngay trong bốn đoạn văn đầu tiên của tiểu thuyết. Cuốn Ambassador được tung ra vào năm 1965, ngay trong giai đoạn cuộc chiến tranh Việt Nam đang căng thẳng với những rối loạn chính trị sau cái chết của tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963, sau cuộc xung đột quân sự ở Vịnh Bắc Bộ vào năm 1964, tiếp theo là những cuộc chạm súng xảy ra khắp nơi và 50 ngàn quân Mỹ đổ bộ vào tháng 6 năm 1965. Cuốn The Tower of Babel, nói về những xung đột ở Trung Đông, được tung ra ngay sau khi Do Thái tấn công thần tốc vào Ai Cập và Jordan vào ngày 5 tháng 6 năm 1967 và, chỉ 5 ngày sau đó, chiếm kênh đào Suez.

Để hấp dẫn được nhiều độc giả, việc khai thác những đề tài thời sự nóng bỏng là then chốt. Muốn làm thế, nhà văn phải viết thật nhanh, và ngay từ đầu sự nghiệp, Morris West đã chứng tỏ khả năng đó. Năm 1943, thời Úc đang đương đầu với Nhật Bản trong Đệ Nhị Thế Chiến, lúc đang đóng quân ở Mount Isa, Queensland, trung sĩ Morris West viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Moon in My Pocket. Không biết ông viết cuốn đó trong bao lâu, nhưng có lần bản thảo bị cơn gió lốc thổi bay tứ tung ngoài sa mạc, ông phải viết lại gần trọn cuốn sách.[4] Sau 12 năm làm những việc khác, ông quyết định quay lại với nghề viết tiểu thuyết vào năm 1955, và hoàn tất cuốn tiểu thuyết thứ nhì, Gallows on the Sand, trong bảy ngày. Sau khi cuốn này bị Paul Reynolds, một tay trung gian xuất bản ở New York, chê là chưa đạt, Morris West viết cẩn thận hơn, và hoàn tất cuốn kế tiếp, Kundu, trong hai tuần lễ, và được nhà xuất bản Dell ở New York in năm 1956. Năm 1957, ông cho ra hai cuốn. Năm 1958, lại hai cuốn nữa. Sức viết như vậy khiến các nhà xuất bản lưu ý và, vào năm 1959, nhà Daily Mail ở Anh quốc đặt hàng cho ông viết một loạt về đề tài khủng hoảng đạo đức của Vatican -- một đề tài rất ăn khách lúc đó. Để tìm ý tưởng, Morris West bay sang Roma để tham quan toà thánh, và hoàn tất ngay cuốn The Devil's Advocate trong dịp đó. Cuốn này mang đến cho ông số tiền nhuận bút hơn 1 triệu đô la -- số tiền rất lớn trong thời ấy, và là dấu hiệu thành công đầu tiên của sự nghiệp viết best-seller của ông.

II. Hãy viết những điều cụ thể

Theo Morris West, để trở thành một tác giả best-seller, nhà văn không nên bận tâm về việc dùng chữ nghĩa để bày tỏ tâm sự mình một cách thâm trầm sâu sắc, mà nên kể những chuyện thật cụ thể và dễ hiểu, những chuyện có khả năng đi xuyên qua mọi văn hoá. Chúng ta thấy hiếm có tác phẩm nào của Morris West tiết lộ điều gì về cá nhân ông.

Trong bài nói chuyện tại Goethe Institute năm 1984, ông nhấn mạnh đến sự sai lầm của những người vừa muốn sách bán chạy vừa muốn viết như một hành động mang giá trị văn hoá dân tộc. Ông cho rằng, để một cuốn truyện đến tay nhiều người, nó phải thoát ra khỏi cái khung văn hoá của người cầm bút. Ông nói:

Một điều nữa các bạn phải nhận ra là sự chuyển dịch các biểu tượng từ văn hoá này sang văn hoá khác là một vấn đề thực sự nan giải. Các biểu tượng nằm ngay trong gốc rễ của tất cả sự thông tri, và các bạn phải hết sức cẩn thận, và đó là một phần của nghề nghiệp mà các bạn phải học hỏi, bạn phải biết những biểu tượng nào sẽ thông tri được ở mức độ rộng rãi nhất, những chữ nào sẽ còn ý nghĩa trọn vẹn nhất khi đi xuyên qua tất cả các thứ tiếng. Không phải tôi đang cho các bạn một bài học về phong cách viết, nhưng tôi thực sự thúc giục các bạn như những tay chuyên nghiệp và như những người cầm bút đến từ nhiều nguồn gốc văn hoá khác nhau hãy làm sao để quảng bá được những ý nghĩ của mình một cách rộng rãi nhất. Đây là vấn đề then chốt.[5]

Theo ông, để mở rộng việc quảng bá tác phẩm, nhà văn phải tránh dùng các từ trừu tượng và nhắm vào các từ cụ thể:

Churchill là một tên mỵ dân vĩ đại, nhưng những bài diễn văn vĩ đại của Churchill chỉ nói đến những điều cụ thể. Chúng gợi lên những hình ảnh cụ thể trong trí óc. "Chúng ta sẽ tấn công chúng trên những bờ biển." Các bạn có thể thấy ngay những bờ biển. Các bạn cũng phải suy nghĩ theo cách đó. [...] Những chữ trừu tượng không thể dịch dễ dàng từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Những chữ cụ thể làm được điều đó. Trong khi tôi lang thang khắp nước Nhật Bản, những người tôi có thể nương tựa vào để kiếm sống là những người đàn bà, bởi vì những người đàn bà hiểu được cái ăn, cái uống, cái tắm giặt -- những điều rất đơn giản, những điều cụ thể.[6]

Khi đang tìm cách nhấn mạnh vào khả năng quảng bá của những điều cụ thể, Morris West nhận ra trong cử toạ có một số người Việt Nam, ông liền ứng khẩu nêu lên ngay một ví dụ thú vị. Ông nói:

Nếu tôi hỏi cử toạ mà trong đó, nếu tôi không lầm, có những người Việt Nam, rằng Hai Bà Trưng [ông dùng chữ "Chung Sisters"] là ai, tôi sẽ nhận được những cái nhìn ngơ ngác. Hai Bà Trưng là những nữ anh hùng cưỡi voi đuổi giặc Tàu. Hai Bà Trưng có ý nghĩa gì đó đối với người Việt Nam; họ không có chút ý nghĩa nào đối với cuộc họp mặt này. Bởi thế sự kiên cường và lòng dũng cảm của dân tộc này và sự trường kỳ của lịch sử chống ngoại xâm của họ và nhu cầu đoàn kết quốc gia của họ không diễn tả được gì cho những người còn lại trong cuộc họp mặt này qua ẩn dụ đó.[7]

Tất nhiên, ví dụ do Morris West đưa ra trên đây không chắc sẽ được các nhà văn Việt Nam chúng ta đồng ý. Nhiều người trong chúng ta vẫn còn lấn cấn ở chỗ vừa muốn viết best-seller vừa muốn chuyển tải ý nghĩa văn hoá Việt Nam qua các biểu tượng lịch sử. Thực ra, nếu nhà văn chúng ta có ý muốn viết sách bán chạy trên khắp thế giới, kinh nghiệm và lời khuyên của Morris West là điều đáng suy gẫm.

III. Hãy sáng suốt và kiên trì để chinh phục các nhà xuất bản thương mại

Morris West cho rằng nếu muốn tác phẩm mình được các nhà xuất bản thương mại chấp nhận, người cầm bút phải hiểu rõ bản chất của họ. Là những nhà đầu tư, họ không xét một tác phẩm qua giá trị văn chương, mà chỉ xét nó như một món hàng có khả năng sinh lợi. Do đó, vấn đề chinh phục các nhà xuất bản bỏ vốn đầu tư là một vấn đề hết sức khó khăn, nếu nhà văn là một người chưa có tiếng tăm. Ông nói hết sức thẳng thắn:

Đây là một vấn đề đã khiến tôi bị ám ảnh trong nhiều năm. Bởi vì cái giáo phái best-seller là một giáo phái tàn nhẫn, bởi vì cái giáo phái "bán không được thì hoàn lại" là một giáo phái tàn nhẫn khác, ở đó bạn đem sách chất đầy các tiệm sách mà người bán sách lại nói: "Được, tôi nhận để đó, nhưng bán được bao nhiêu thì tôi trả tiền bấy nhiêu", và nhà xuất bản thì lại giữ một thái độ e dè khủng khiếp đối với tiền nhuận bút cho nhà văn bởi vì cái phương pháp buôn bán tàn nhẫn này. Điều này chẳng dính dấp gì đến giá trị, nó chẳng màng gì đến giá trị đích thực của văn chương hay tâm hồn.[8]

Morris West lật tẩy cho các nhà văn tại cuộc hội thảo thấy cái nguyên tắc của nghề cầm bút để kiếm sống. Ông giảng giải rõ ràng về phương pháp đầu tư của nhà tư bản và khuyên người cầm bút nên suy nghĩ hết sức thực tế nếu muốn dùng chuyện viết lách làm kế sinh nhai. Trước hết, nhà văn nên dẹp bỏ ý tưởng rằng một tác phẩm có giá trị văn chương là một tác phẩm đáng được xuất bản. Ông nói:

Thật vô ích khi ngồi trong một căn nhà xép ở Woollahra và nói: đây là tác phẩm lộng lẫy toả ánh sáng khắp vùng Đông Nam Á và nó bị mất hút trong thế giới vì không ai làm gì cho nó. Sự thật là, không ai nghe về nó.[...] Điều y (nhà tư bản) đang lo lắng là khoản tiền ứng trước và lưu lượng tiền ra vào của sản phẩm...[9]

Đem chính tác phẩm mình ra làm ví dụ về sự đối nghịch giữa thành công kinh tế và giá trị văn chương, Morris West tuyên bố:

Các bạn chỉ cần nhìn vào cái danh sách best-seller, mà tôi đã xuất hiện trong đó, để thấy loại rác rưởi (crap) nào đang được nâng lên hàng đầu của danh sách, tôi nói thực với các bạn như vậy. Và tôi đã ở trong cùng nhóm với những cây bút rất tồi tệ.[10]

Tuy nhiên, ngay cả khi đã viết được một tiểu thuyết hấp dẫn và có tiềm năng kinh tế, nhà văn còn phải biết cách chinh phục nhà xuất bản. Morris West khuyên rằng nhà văn phải hết sức kiên trì, đừng vì bị từ chối mà nản chí. Ông nêu lên một hình ảnh khôi hài và chua chát:

Các bạn đã học hỏi rất nhiều, và một trong những điều các bạn đã quên là cái nghề thành thực, cũ rích, nhưng rất hiệu nghiệm, là nghề ăn mày. Các bạn biết đó, khi các bạn đang đi bộ bên ngoài một giáo đường... Khi tôi sống ở Sorrento, tôi đã đương đầu với một gã ăn mày lành nghề. Chúng tôi đã đương đầu với một gã ăn mày, gã đã sống nhờ vào chúng tôi, gã đã chọn chúng tôi, và hằng ngày gã cứ ngồi y chỗ đó. Gã đến lúc chín giờ sáng và gã nhất định chờ đến mười giờ. Gã nhất định ngồi đó lặng lẽ chìa tay ra. Ngay khi tôi bước ra và bỏ vào đó chút ít, gã lập tức di chuyển đến trạm khác. Gã kiên trì, tôi đã không thể bỏ lơ gã được. Tôi đã cảm thấy xấu hổ trước sự hiện diện của gã. "Hôm nay, Ngài (Signor) đã trở nên bần tiện và keo kiết." OK, các bạn phải ứng dụng chút ít nghề ấy vào chuyện xuất bản.[11]

Đối với nhà văn Việt Nam chúng ta, những người có lòng tự ái cao, điều trên đây này quả thực không dễ thực hiện. Tuy nhiên, nếu quyết định dấn thân vào nghề viết văn phổ thông, có lẽ nhà văn chúng ta cũng nên suy gẫm.

IV. Hãy viết liên tục và tìm cách dịch ra ngoại ngữ

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, Morris West đã viết không ngừng. Ông khôi hài tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là cacoethes scribendi (bệnh ngứa viết). Năm 1993, sau khi xuất bản tác phẩm thứ 26 với nhan đề The Lovers, ông tuyên bố "bệnh ngứa viết" đã được trị dứt. Khi nghe nhà văn 77 tuổi nói thế, ai cũng tin. Nhưng "bệnh ngứa viết" không thể dễ dàng chấm dứt như vậy. Sau khi im lặng được ba năm, ông lại tung ra hai tác phẩm vào năm 1996, Vanishing PointA View from the Ridge. Rồi năm 1997 ông lại tung ra tuyển tập văn và minh hoạ Images and Inscriptions; năm 1998, lại thêm tiểu thuyết Eminence; và ông gục chết trên những trang cuối cùng của cuốn The Last Confession. Khi được hỏi tại sao lại tiếp tục viết sau khi tuyên bố giải nghệ, ông đáp một cách dí dỏm theo nhan đề phim James Bond 007 Never Say Never Again, rằng: "Bây giờ tôi khám phá ra rằng bạn không thể nói và đừng bao giờ nên nói không bao giờ".[12]

Ngày ông qua đời, Chris O'Hanlon, con trai của ông, đã nói về ông: "Nếu ông có một niềm sợ hãi, thì niềm sợ hãi lớn nhất của ông không phải là cái chết mà là sự mất khả năng và không còn đủ sức để viết hay trao đổi ý nghĩ. Chắc hẳn ông rất hài lòng về cách thế ra đi của ông."[13]

Nói cho đúng, để trở thành một cây bút best-seller và giữ vững vị trí ấy, Morris West đã tự bắt buộc mình viết liên tục không ngừng như thế. Có thể viết nhiều thành thói quen không bỏ được, nhưng thói quen ấy là động cơ quan trọng của sức sản xuất. Cho đến ngày cuối cùng trước khi qua đời, dù già yếu, ông vẫn giữ đúng cái kỷ luật đã thực hiện suốt năm mươi năm: mỗi ngày đều phải viết.[14] Trong bài nói chuyện tại Goethe Institute năm 1984, ông cho thấy rằng các nhà xuất bản thương mại không những chỉ chú trọng đến sản phẩm bán chạy, mà còn đòi hỏi lượng cung ứng sản phẩm phải liên tục và dài lâu. Nhà văn có thể đem đến trình với nhà xuất bản một tiểu thuyết rất hấp dẫn, nhưng chưa chắc nhà xuất bản đã chịu chấp nhận đầu tư, nếu họ không nhìn thấy trước sức sản xuất của nhà văn. Ông nói:

Các bạn phải chuẩn bị để cung ứng một khối lượng tác phẩm không gián đoạn. Các bạn phải có đủ lòng kiên trì để sản xuất một bộ thư mục tác phẩm, một khối lượng đáng kể. Một cuốn lẻ thì không đủ. Kẻ có thẩm quyền xuất bản sẽ đưa ra phán xét, căn cứ trên cách sản xuất một tác phẩm mà cách sản xuất ấy làm toát ra cảm nghĩ rằng: người này có thể tiếp tục kéo dài công việc này. Trên một góc độ, nhà xuất bản nhận xét như vậy là có lý. Một nhà xuất bản giỏi sẽ nói: "Tôi đang tìm một tác giả có khả năng viết liên tục, một người sản xuất một tác phẩm và rồi một tác phẩm khác và rồi một tác phẩm khác và rồi một tác phẩm khác."[15]

Để chứng tỏ mình có sức viết liên tục và dài lâu, nhà văn phải cho nhà xuất bản thấy rõ khả năng viết kịp thời vụ của mình, hướng viết lách của mình, toàn bộ những dự án, kế hoạch và phương pháp thực hiện của mình. Để thuyết phục nhà xuất bản đầu tư vào tác phẩm đầu tiên của mình, nhà văn không cần phải đem cả bản thảo cuốn sách đến giao cho nhà xuất bản. Họ không có thì giờ đọc, vì mỗi tháng có thể họ phải nhận hàng trăm bản thảo thượng vàng hạ cám như thế. Để làm họ thấy rõ cách sản xuất hiệu quả của mình, nhà văn phải biết cách tiếp cận họ. Morris West hướng dẫn cụ thể:

Những tác phẩm có thể được đem đến để giới thiệu, những dự án cũng có thể được đem đến để giới thiệu, không cần thiết phải đem cả bản thảo hoàn chỉnh đến, mà chỉ cần đem hai hoặc ba chương là đủ. Nếu các bạn có khả năng nói: vâng, đây là hai chương đầu, được dịch bởi ông này ông nọ, nhuận sắc bởi ông kia ông khác, và đây là bản tóm lược của cuốn sách. Đó là cách làm việc có hệ thống đối với vấn đề xuất bản.[16]

Đối với nhà văn lưu vong, tất nhiên việc dịch sách ra ngoại ngữ hiện hành là một trong những điều then chốt. Bên cạnh đó, để các nhà xuất bản chính mạch lưu ý đến tầm quan trọng của việc xuất bản sách của các nhà văn sắc tộc, Morris West đề nghị các nhà văn của mỗi sắc tộc nên kếp hợp với nhau thành một khối và thay phiên nhau liên tục đến giới thiệu tác phẩm, kế hoạch và dự án sáng tác của mình. Càng nhiều nhà văn thuộc một sắc tộc nào đó liên tục đến để tiếp xúc, nhà xuất bản sẽ bắt đầu suy nghĩ về tiềm năng kinh tế của việc xuất bản sách của các nhà văn thuộc sắc tộc ấy. Ông nói:

Trong số các bạn ở đây, những ai viết bằng tiếng Đức, những ai viết bằng tiếng Pháp, những ai viết bằng tiếng Ý, những ai viết bằng các thứ tiếng Á châu, phải cùng kết hợp với nhau thành từng khối, như thế các bạn sẽ tương trợ nhau, người này giúp người kia. Nếu có một dịch giả tài giỏi chuyên chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh, dịch giả ấy có thể phục vụ chung cho một số người.[17]

Nói về việc chuyển ngữ, chúng ta không nên quên lời nhắc nhở của Morris West rằng phải viết về những điều cụ thể bằng thứ ngôn ngữ thật cụ thể để việc chuyển ngữ rộng rãi được dễ dàng thực hiện. Chính những tác phẩm viết bằng Anh ngữ của Morris West cũng được viết theo đường lối này. Giới phê bình thường đồng ý với nhau rằng ông có tài kể chuyện hấp dẫn và theo sát những biến cố sôi nổi đương thời trên thế giới, nhưng chê rằng các nhân vật và đối thoại của ông thì "gỗ" (wooden).[18] Tuy nhiên, ông không màng đến lời chê trách đó, chính tính cách "gỗ" đó đã giúp các dịch giả chuyển ngữ tác phẩm ông dễ dàng và thật sát với nguyên bản ra 27 thứ tiếng trên thế giới.

*

Trên đây, tôi đã nêu lên bốn bí quyết của Morris West trong việc viết và xuất bản những tác phẩm best-seller. Những bí quyết này có vẻ dễ dàng nghĩ ra được, nhưng kỳ thực, đó là những chiếc chìa khoá cụ thể giúp Morris West mở những cánh cửa đến thành công.

Thực tế văn học Việt Nam cho thấy chúng ta vừa chưa có được những tác phẩm thực sự kỳ vĩ và mới lạ làm chấn động cơ sở thẩm mỹ thời đại, lại vừa chưa có được những tác phẩm best-seller được dịch ra nhiều thứ tiếng và bán hàng triệu cuốn. Chúng ta không có cả James Joyce lẫn Morris West. Văn chương sáng tạo đích thực và văn chương phổ thông, cả hai đều cần thiết và có tác dụng tốt đối với xã hội con người. Một đằng mở ra những khả thể sáng tạo cho tương lai, một đằng đem đến cho độc giả những niềm vui cần thiết hàng ngày.

Thay vì cứ tiếp tục loay hoay giữa khát vọng sáng tạo đích thực và khát vọng thành công như một nhà văn best-seller, mỗi người trong chúng ta nên dứt khoát chọn cho mình một hướng sáng tác, dồn hết nỗ lực vào đó để đạt hiệu quả cao nhất. Với tiểu luận này, tôi xin thành thực cầu chúc và mong mỏi các nhà văn phổ thông Việt Nam sớm thành công như Morris West -- một cây bút tài ba suốt đời đã liên tục kể những chuyện hấp dẫn làm bao nhiêu người trên thế giới say mê, và cuối cùng ra đi với lòng yêu nghề trọn vẹn.

_________________________

[1]Tony Stephens, "The Last Chapter," World Press Review 1.5 (May 1993):48.

[2]Như trên, 48.

[3]Morris West, "Address to the Multicultural Writers' Weekend", Writing in Multicultural Australia (Sydney: Australia Council for the Literature Board, 1985), 9.

[4]Tony Stephens, 48.

[5]Morris West, tài liệu đã dẫn, 13.

[6]Như trên, 13-14.

[7]Như trên, 14.

[8]Như trên, 10.

[9]Như trên, 13.

[10] Như trên, 10-11.

[11]Như trên, 13.

[12]Orbituaries: Morris West", Sydney Morning Herald (Monday 11 October 1999):43.

[13] Murray Waldren, "Best-seller Bows Out Pen in Hand, Leaving Big Shoes to Fill," The Australian (Monday 11 October 1999):1.

[14]Như trên.

[15]Morris West, tài liệu đã dẫn, 12.

[16]Như trên, 13.

[17]Như trên, 13.

[18]Tony Stephens, 1.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021