thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cùng một câu hỏi trước cùng một vực thẳm...

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

SAINT-JOHN PERSE

(1887-1975)

 

Saint-John Perse [tên thật và đầy đủ là Marie René Auguste Alexis Léger, trong ngành ngoại giao được biết là Alexis Léger, trong văn học là Alexis Saint-Léger Léger, trước khi lấy tên Saint-John Perse] sinh tại Pointe-à-Pitre, Guadeloupe, ngày 31 tháng 5 năm 1887, là một nhà thơ và nhà ngoại giao nổi tiếng của Pháp. Ông xuất thân từ một gia đình xứ Bourgogne định cư ở quần đảo Antilles thuộc Pháp từ thế kỷ 17 và đã trở về Pháp cuối thế kỷ 19. St.-John Perse theo học Luật ở Bordeaux từ năm 1904, có dịp quan hệ với nhiều nhà văn như Francis Jammes, Paul Claudel, André Gide, Jacques Rivière, là những người từng khuyến khích ông trong nghiệp văn: tập thơ đầu tay của ông, Eloges, xuất bản năm 1911, từng được đón nhận một cách trân trọng. Sau khi không theo đuổi được khoa Chính trị, ông đã vào ngành ngoại giao năm 1914. Kể từ năm 1940, trong khi giữ chức vụ tổng thư ký Bộ Ngoại giao ở Quai d’Orsay, ông bị chính quyền Vichy buộc tội “hiếu chiến”, phải ra khỏi ngành ngoại giao, bị tước quốc tịch Pháp [kể cả tài sản] và đã định cư ở Hoa Kỳ. Từ 1941-1945, ông là cố vấn văn học ở Thư viện Quốc hội Mỹ. Sau chiến tranh, ông được trả lại quốc tịch Pháp [1944] nhưng vẫn ở lại sống ở Hoa kỳ — có lẽ vì không chịu nổi Tướng de Gaulle, hay vì Tướng de Gaulle không chịu nổi ông?* Năm 1950 ông chính thức nghỉ hưu với hàm Đại sứ Pháp và vẫn tiếp tục sống ở Hoa Kỳ.
 
Thơ ông khởi đầu ghi lại những ấn tượng thời thơ ấu, tiếp đó là một bài thơ dài từng làm nhiều người đọc và các nhà phê bình sửng sốt, sáng tác trong thời gian [1916-1921] ông làm ngoại giao ở Bắc kinh: Anabase [1924]. Phần lớn những tập thơ sau đó đều được viết trong thời gian định cư ở Mỹ: Exil [1942], Poème à l’étrangère [1943], Pluies [1943], Neiges [1944], Vents [1946], Amers [1957 - cũng là năm ông trở lại Pháp nhiều lần, ở bán đảo Giens], Chronique [1960 - năm ông nhận Giải Nobel Văn chương], Poésie [1961]... và sau cùng là Oiseaux [1963 - lấy hứng từ tranh của George Braque] và Chant pour un équinoxe [1971]. Saint-John Perse qua đời ngày 20 tháng 9 năm 1975 ở Giens, sau khi hoàn thành những tác phẩm cuối đời: Nocturne [1973] và Sécheresse [1974]... Năm 1972, Gallimard xuất bản Œuvres complètes của Saint-John Perse trong Tủ sách “Bibliothèque de la Pléiade”, và sách đã được bổ sung trong lần tái bản năm 1982.
 
Những người yêu thơ Saint-John Perse không nghĩ rằng cuộc lưu đày mà nhà thơ Giải thưởng Nobel Văn học 1960 đã sống trải qua ở Hoa kỳ là thời gian ông phải sống xa quê hương. Sự lưu đày chính ở chỗ, trong gần hai mươi năm kể từ tập thơ Anabase cho đến Exil, nhà thơ đã phải cách ly với thơ ca, và chỗ trống không gì có thể lấp được. Thơ Saint-John Perse, với những câu dài viết nhịp nhàng, thường cho thấy hai động tác ngụy trang: nó mở ra thế giới để hít vào hết tiết tấu của đời sống nhưng chính thế giới khi đi qua ngôn ngữ của ông lại thoát ra với một gương mặt mới. Bài diễn văn đẹp đọc trong Lễ tiệc ở Stockholm ngày 10 tháng 12 năm 1960, hôm ông nhận Giải Nobel văn học [thường được giới thiệu dưới tên “Thơ ca”], là một tác phẩm văn trong đó những khẳng định, những ẩn dụ, những hình ảnh có khi làm người đọc cảm động đến rùng mình, những lời lẽ sáng sủa không chỉ diễn đạt thơ ca, mà cả con đường nhân bản, nghệ thuật đi vào thời đại mới của mỗi con người: thơ ca, đó chính là lối nhận thức, lối sống, là đam mê, là sức mạnh, là sự bất khuất, là sự thấy trước... Có thể ghi thêm vào danh sách những từ định nghĩa trên, cho Saint-John Perse, chữ “hào hoa”!
 
* Năm 1960, trong dịp nhận Giải Nobel Văn Học ở Thụy Điển, ông tuyên bố đã nhận “những lời khen tặng của 14 chính phủ nước ngoài nhưng trong số không có chính phủ của chính quê hương ông.”

 

_______________

 

 

CÙNG MỘT CÂU HỎI TRƯỚC CÙNG MỘT VỰC THẲM...

 

Tôi đã thay mặt cho thơ để nhận cái vinh dự dành cho nó ở đây, cái vinh dự mà tôi nóng lòng trả về cho nó.

Nếu không có quý vị, thì thơ sẽ không thường được đề cao. Ấy là bởi sự chia cách dường như cứ gia tăng giữa tác phẩm thơ và sinh hoạt của một xã hội bị lệ thuộc vào những đòi hỏi vật chất. Nhà thơ chấp nhận khoảng cách đó, dù nhà thơ không tự ý tìm kiếm nó. Nhà khoa học cũng sẽ thấy nó hiện hữu trước mắt, nếu nó không trở thành đối tượng cho những ứng dụng thực tiễn của khoa học.

Nhưng đối với nhà bác học cũng như đối với nhà thơ, cái mà người ta muốn ca ngợi nơi đây chính là tư tưởng không vụ lợi. Ít ra nơi đây họ không còn bị coi là anh em thù nghịch với nhau. Bởi vì họ có cùng một câu hỏi trước cùng một vực thẳm, chỉ những cách thế tìm kiếm của họ là khác nhau.

Khi người ta chứng kiến tấn bi kịch của khoa học hiện đại lúc nó khám phá ra những giới hạn luận lý của nó trong toán học thuần tuý; khi người ta thấy trong vật lý học hai chủ thuyết lớn đặt ra, một là nguyên tắc tổng quát của thuyết tương đối, một là nguyên tắc “lượng tử” không xác thực và vô định là nguyên tắc sẽ mãi mãi giới hạn mức chính xác của cả những kích thước vật lý; khi người ta được nghe nhà cách tân lớn nhất về khoa học thế kỷ này, là người khởi xướng khoa học vũ trụ hiện đại và chịu trách nhiệm về sự tổng hợp bao quát nhất của tri thức bằng những phương trình; khi ta được nghe ông kêu gọi trực giác tiếp sức với lý trí và công bố rằng “óc tưởng tượng là địa hạt nẩy mầm của khoa học”, và đi luôn đến chỗ đòi giành cho nhà bác học có được một “cái nhìn nghệ sĩ” thật sự — thì phải chăng người ta cũng có quyền đặt phương tiện thi ca chính đáng ngang hàng với phương tiện luận lý?

Thật ra, mọi sáng tạo của trí tuệ trước hết đều mang “tính thơ” theo nghĩa đen của từ đó; và khởi thuỷ, trong tương quan của những mô thức cảm xúc và tâm linh, công việc của nhà bác học và công việc của nhà thơ có cùng một chức năng. Khởi đi từ tư tưởng suy lý hoặc từ tính cách hàm súc trong thơ, ai là kẻ đi xa hơn và ai là kẻ đến từ nơi xa hơn? Và từ trong đêm khởi thuỷ mà hai kẻ mù mắt từ khi mới vào đời mò mẫm đi, kẻ thì trang bị bằng dụng cụ khoa học, kẻ chỉ được tiếp tay bằng những tia chớp sáng của trực giác, ai là người bước ra sớm hơn, và phát quang nhiều hơn cả? Câu trả lời không quan trọng. Điều bí ẩn vẫn là một. Và cuộc phiêu lưu vĩ đại của tinh thần thơ cũng không nhường một bước nào đối với những mở đầu bi thảm của khoa học hiện đại. Nhiều nhà thiên văn có thể điên đầu lên vì một học thuyết vũ trụ đang phát triển, sự phát triển cũng không phải là ít trong cái vô cùng của tinh thần con người — cũng là một vũ trụ. Khoa học càng nới rộng bờ cõi chừng nào, thì trên khắp vòng cung thênh thang của bờ cõi đó, người ta sẽ còn nghe thấy tiếng đoàn săn đuổi của nhà thơ. Bởi vì nếu thơ không phải, như người ta đã nói, là “cái thật tuyệt đối” thì nó cũng là niềm khát khao gần nhất và là sự lĩnh hội gần nhất của cái thật tuyệt đối đó, ở cái mức đồng loã tận cùng mà cái thật trong bài thơ dường như tự tìm hiểu mình.

Nhờ tư tưởng loại suy và biểu trưng, nhờ sự soi sáng ra xa của hình ảnh trung gian, và nhờ lối hoà hợp các giác quan, trên hàng ngàn chuỗi phản ứng và kết hợp từ bên ngoài, và sau cùng nhờ đặc ân của một ngôn ngữ trong đó chính chuyển động của con Người tự truyền đạt, nhà thơ chiếm được một thứ siêu thực không thể là cái siêu thực của khoa học được. Có thứ biện chứng nào cảm kích hơn nơi con người và có gì nơi con người khích lệ hơn nữa? Khi ngay những triết gia bỏ trốn khỏi ngưỡng cửa siêu hình thì ngẫu nhiên nhà thơ lại thay vào chỗ nhà siêu hình học; và lúc bấy giờ, chính thơ ca chứ không phải triết học, đã tỏ ra đúng là “con đẻ của sự kinh ngạc”, theo cách nói của nhà triết học cổ từng tỏ ý nghi ngờ về thi ca hơn cả.

Nhưng thơ không phải chỉ là một cách thế nhận thức, mà trước hết là một cách thế sống — và sống trọn vẹn. Nhà thơ đã hiện hữu trong con người thời hang động, nhà thơ cũng sẽ hiện hữu trong con người thời đại nguyên tử: bởi vì nhà thơ là phần cấu thành không tách ra khỏi con người được. Các tôn giáo sinh ra chính là từ chỗ đòi hỏi có thơ, là một đòi hỏi tinh thần, và nhờ cái đẹp của thơ, tia chớp sáng thiêng liêng sống mãi trong đá lửa loài người. Khi nào những thần thoại sụp đổ thì chính trong thơ thánh thần sẽ tìm thấy được nơi trú ẩn mà còn có thể là nơi nghỉ tiếp sức nữa. Và cả đến trong trật tự xã hội, và ngay chính trong con người, khi mà những người Khuân bánh mì trong một đám rước thời thượng cổ nhường bước cho những con người Mang đèn đuốc thì cũng chính nhờ sức tưởng tượng của thơ mà vẫn còn cháy sáng được cái đam mê cao cả của các dân tộc tìm kiếm ánh sáng.

Thật là hãnh diện cho con người bước đi với gánh nặng của vĩnh cửu trên mình! Niềm hãnh diện của con người bước đi dưới gánh nặng của nhân loại khi mà trước mặt họ mở ra một nền nhân bản mới, thật sự bao quát và trọn vẹn thuộc tâm linh... Trung thành vói nhiệm vụ của mình, là chính ở chỗ đi sâu vào cái huyền bí của con người, thơ hiện đại dấn thân vào một công trình mà sự theo đuổi cần có sự tập trung toàn diện của con người. Chẳng có gì gọi là đồng bóng trong một thứ thơ như vậy cả. Cũng chẳng có gì thuần thẩm mỹ. Thơ không phải là nghệ thuật của kẻ ướp xác hay của nhà trang trí. Thơ không nuôi ngọc trai, không buôn bán những thần tượng hay những dấu hiệu, và không thể đành lòng chấp nhận một thứ lễ nhạc nào cả. Thơ kết hợp theo những đường đi của nó, vẻ đẹp là sự kết hợp tuyệt đỉnh, nhưng không lấy đó làm cứu cánh hoặc làm dưỡng chất duy nhất của mình. Không chịu tách rời nghệ thuật ra khỏi đời sống, cũng không chịu tách rời nhận thức khỏi tình yêu, thơ là chủ động, là đam mê, là sức mạnh và là sự làm mới thường trực di chuyển các ranh giới. Tình yêu là nhà ở của thơ, bất khuất là luật của nó và chỗ của nó ở khắp nơi, trong vòng khả năng nhìn thấy trước. Thơ không bao giờ chịu vắng mặt hay khước từ.

Tuy nhiên thơ không chờ đợi gì vào những lợi thế của thời đại. Gắn liền với số phận của chính mình và đứng ngoài mọi ý thức hệ, thơ tự biết mình ngang hàng với chính cuộc sống vốn không phải tự chứng minh. Và cũng như một đoạn thơ dài linh hoạt, bằng cùng vòng siết đó, thơ từ hiện tại ôm vòng cả quá khứ và tương lai, phàm tục cùng với siêu phàm, cả khoảng không gian hành tinh cùng không gian vũ trụ. Cái tăm tối mà người ta trách cứ nơi thơ không do chính bản chất của thơ, vốn vẫn dùng để soì sáng, mà do ngay ở cái đêm tối mà nó thám hiểm, và thấy có bổn phận phải thám hiểm; đêm tối của chính tâm hồn và của sự huyền bí đang phủ lấp con người. Lối diễn tả của nhà thơ lúc nào cũng tự buộc không được tối mù và lối diễn tả đó không kém gắt gao so với lối diễn tả của khoa học.

Như vậy, bởi sự hoà mình trọn vẹn vào sự vật, nhà thơ là mối dây liên lạc của chúng ta với cái thường trực và thuần nhất của con Người. Và bài học của người làm thơ là sự lạc quan. Với nhà thơ chỉ có một định luật hoà hợp chi phối toàn cả thế giới tạo vật. Không gì có thể bất ngờ xảy ra trong thế giới đó mà do bản chất có thể vượt quá tầm vóc của con người. Những đảo lộn ghê gớm trong lịch sử chỉ là những tiết nhịp theo mùa trong một chu kỳ những tiếp nối và đổi mới rộng lớn hơn. Và các nữ Hung Thần đi ngang qua, ngọn đuốc đưa cao chỉ soi sáng được có một khoảnh khắc của cái đề tài rất dài đang diễn ra. Những nền văn minh đã lão luyện không thể chết được vì những xao xuyến của một mùa thu, mà chỉ thay hình đổi dạng. Chỉ có sự bất động mới là mối đe doạ. Nhà thơ là kẻ nào đập vỡ cho ta cái ta đã tập thành quen.

Và chính ở chỗ đó mà nhà thơ dù tự mình không muốn vẫn liên hệ chặt chẽ với biến cố lịch sử. Và không có gì trong thảm kịch của thời đại họ đối với họ là xa lạ. Với tất cả mọi người — nhà thơ phải nói lên rõ ràng lòng khao khát được sống trong thời đại vạm vỡ đó. Bởi vì thời gian mênh mông và mới mẻ, cần phải nắm lấy ngay. Vậy chứ chúng ta sẽ nhường lại cái vinh quang của thời đại chúng ta cho ai đây?

“Đừng sợ”, lịch sử bảo, vào một ngày nào đó khi nó lột cái mặt nạ bạo động ra — và với bàn tay đưa lên nó phác cái cử chỉ hoà giải của Thần Linh châu Á ngay giữa vũ điệu tàn phá của mình. “Đừng sợ cũng đừng nghi ngờ — bởi vì nghi ngờ là diệt sức và sợ hãi là nô dịch. Tốt hơn nên lắng nghe tiếng vỗ nhịp nhàng mà bàn tay vươn cao của ta, bàn tay đổi mới, in vào câu nói vĩ đại của con người lúc nào cũng trên đường sáng tạo. Sự thật là cuộc sống không sao từ bỏ chính nó được. Không có cái gì sống mà bắt nguồn từ hư vô, hay say mê hư vô. Mà cũng không có gì giữ lại hình thể hoặc kích thước, dưới bước tiến dồn dập không ngừng của con Người. Bi kịch không ở trong chính sự hoá thân. Thảm kịch thực sự của thời đại nằm trong khoảng cách mà người ta để mặc cho gia tăng giữa con người hữu hạn và con người vô hạn. Con người được soi sáng ở phía bên này có để cho mình bị tối mù ở phía bên kia không? Và sự trưởng thành gò ép của họ trong một cộng đồng không có cảm thông có phải là trưởng thành giả tạo không?...”

Bổn phận của nhà thơ bất chia phân là phải nhận chân trong chúng ta hai thiên chức của con người và đó chính là nâng cao trước trí tuệ một tấm gương soi chiếu rõ hơn những may mắn tinh thần của chúng. Đó là gợi ra giữa chính thế kỷ này một phận người xứng đáng hơn của người nguyên thuỷ. Sau cùng, đó chính là kết hợp một cách dạn dĩ hơn tâm hồn của đám đông với sự tuần hoàn của năng lực tinh thần trong thế giới... Đối diện với năng lực hạt nhân, ngọn đèn đất của người làm thơ có đủ cho chính họ không? Có, nếu con người còn nhớ đến đất.

Và đối với nhà thơ, làm ý thức hư ngụy của thời đại mình cũng đã là quá lắm rồi.

 

 

----------------------
“Cùng một câu hỏi trước cùng một vực thẳm...” [tựa do người dịch đặt] là bản dịch bài “Diễn văn đọc tại buổi lễ nhận Giải Nobel Văn Chương 1960” của nhà thơ Saint-John Perse, từng xuất hiện trên tạp chí Thế Giới Mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tp. HCM, khoảng năm 1990/91 và sau đó trên một tạp chí văn học ở California, Hoa Kỳ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021