thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôn ngữ “tục”

 

Lời toà soạn:
 
Trong bài “Ngôn ngữ ‘tục’” này, nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Văn có đề cập đến bài “Con cặc” của Nguyễn Hưng Quốc vốn được đăng tải trên talawas cũng như Tiền Vệ từ cuối năm 2003. Bài viết này được NHQ sửa lại thành chương “Văn hoá tục” in trong cuốn Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học do Văn Mới xuất bản tại California vào đầu năm 2007. Giữa hai bản có một số thay đổi. Chúng tôi xin đăng lại chương “Văn hoá tục” này để bạn đọc tham khảo. Chúng tôi thêm từ “bản mới” phía sau để phân biệt với bài “Văn hoá tục”, đã được đăng trên Tiền Vệ vào tháng 5.2005, vốn là một ý kiến ngắn, có thể xem như một phần trong bài “Văn hoá tục” (bản mới) và cho đến nay, bản mới này có lẽ cũng là bản hoàn chỉnh nhất về đề tài này của NHQ.
 
Xin bạn đọc xem phần hồi âm của NHQ về bài “Ngôn ngữ ‘tục’” ở cuối bài viết này.
 
Tiền Vệ

 

_________

 

NGÔN NGỮ “TỤC”

Nguyễn Trọng Văn

 

Trước Tết, trên diễn đàn talawas (18.12.03) tôi được đọc một bài của anh Nguyễn Hưng Quốc với cái tựa khá bắt mắt “Con cặc”. Bài này đem lại cho tôi nhiều điều bất ngờ thú vị.Tôi đang sưu tầm và so sánh ca dao “tục” ngữ liên hệ tới vấn đề tính dục với hy vọng tìm ra sự khác biệt về triết lý tính dục phương Đông và phương Tây. Bài của NHQ gãi đúng chỗ ngứa. Một đề tài rất hấp dẫn, ai cũng muốn tìm hiểu nhưng lại ngại nói ra, đành bằng lòng với mớ kiến thức mù mờ, thậm chí mê tín về sex của mình. Tôi viết bài này nhằm cám ơn anh NHQ đã đặt, đúng ra phải nói là dám đặt vấn đề một cách công khai và rất trí tuệ, đồng thời cũng xin nêu ra một số “bức xúc” mong được trao đổi với anh NHQ và các bạn đọc cùng quan tâm tới vấn đề.[*]

Bài này gồm ba phần: phần một tóm tắt những ý chính trong bài của NHQ, phần hai: những điều tôi tiếp thu và những điều tôi không tiếp thu hoặc còn thắc mắc, phần ba: đề nghị một phương pháp tiếp cận mới cho vấn đề.

Phần một: Tóm tắt ý chính

1. Ngôn ngữ tục liên hệ tới bộ phận sinh dục, bắt nguồn từ ngôn ngữ thân xác, lấy thân xác làm cơ sở:

a) “Thân thể là một văn bản của văn hoá, là hình thức biểu trưng trên đó ghi dấu các quy phạm và các thiết chế xã hội.” (Janet Lee) (trang 1)

b) Ở Việt Nam, các học thuyết lớn du nhập từ Trung Hoa, Ấn Độ ít quan tâm đến thân thể nhưng cách nhìn truyền thống của người Việt Nam lại coi trọng thân thể, được thể hiện bằng từ ngườimình. “Người là thân thể (người ướt đẫm mồ hôi) là cộng đồng (người Việt, người Úc) là nhân loại (của người và chuột) Mình là thân thể (mình đau như dần) là cá nhân cụ thể, mình ngôi thứ nhất (mình thấy rằng...) là một tập thể, ngôi thứ nhất, số nhiều (mình tính sao đây...)” (tr.1)

c) “Trong cả hai hệ thống chuyển nghĩa, thân thể là trung tâm. Trung tâm của thân thể là gì nếu không phải là bộ phận sinh dục.” (tr.2)

2. Bộ phận sinh dục không chỉ có tính sinh lý, vật thể nó còn có tính văn hoá, xã hội , liên quan tới văn minh, quyền lực, chính trị...:

d) “Đụng đến bộ phận sinh dục là đụng đến văn hoá, thậm chí đụng đến phần sâu thẳm nhất của văn hoá.” (tr.2)

e) “Khoái cảm sinh lý là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành nhân cách, các học thuyết về dục tính, dục vọng, chủ thể tính đều dựa trên hình ảnh dương vật (hoặc sự thiếu vắng dương vật), lịch sử văn minh nhân loại là tiến trình đè nén và thăng hoa bản năng sinh lý gắn liền với bộ phận sinh dục.” (Freud, Lacan) (tr.2)

f) “Bộ phận sinh dục, thân thể con người là cái được tạo thành hơn là có sẵn: nó được tạo thành bởi các hoạt động diễn ngôn và các quy phạm văn hoá trong những hệ thống quyền lực nhất định.” (Foucault) (tr.2)

g) “Cặc không chỉ là một vật thể mà còn là một ký hiệu, một ẩn dụ, một biểu tượng, nghĩa là vừa là nó, vừa không phải là nó (...) Tính biểu tượng ấy làm cho “cặc” trở thành từ đa nghĩa, đa tầng; nó thâu tóm trong nó cả lịch sử nhận thức và lịch sử thẩm mỹ của một cộng đồng.” (tr.2)

3. Sự khác biệt và hơn hẳn giữa “cặc” so với “lồn”:

h. “Chửi tục và và văng tục của người Việt Nam có hai đặc tính: thứ nhất, hay nhắc tới bộ phận sinh dục, thứ hai, phái nào thì nhắc tới bộ phận sinh dục của phái ấy (nhờ đặc tính thứ hai mà ta biết sự khác nhau trong cách nhìn của phái nam và nữ về bộ phận sinh dục của họ)” (tr.2)

i) Nam: tự hào, hiên ngang, ngạo nghễ, thách thức / của quý, lo bảo vệ, sợ mất (thiến)/ phái nữ phải ghen tị, ao ước (penis envy)/ yếu tố duy nhất xác định tính đực, đàn ông = con cặc. Nữ: Nằm sâu bên trong, bí ẩn, có mặt mà như vô hình, khiếm khuyết / bị coi như cái dơ dáy, xấu xa, nơi để đầy đoạ, sỉ nhục người khác / không có giá trị tự tại để trở thành sự tự hào, thách thức / mãi mãi mang tính sinh lý, không có tính văn hoá. (tr.3-4)

k) Cặc là biểu tượng của quyền lực. Cặc nằm ở vị trí giao điểm của trò chơi quyền lực, thói quen tự chủ, tự kiềm chế, không buông thả theo bản năng, khả năng đâm thọc xuyên thấu, truyền chủng dòng họ. (tr.4)

l) Văn minh phương Tây xây dựng trên một cột trụ chính: dương vật, chủ nghĩa duy dương vật (phallocentrism) = quyền lực, trung tâm, chuẩn mực, hệ quy chiếu, đo lường và đánh giá mọi sự vật hiện tượng. Loài người là người vì có dương vật, người ta nói mankind chứ không nói womankind. Cấu trúc mở-cao trào- kết thúc của truyện, kịch xuất phát từ kinh nghiệm tính dục nam giới, khi đạt tới tình trạng sướng ngất là lúc kết thúc mọi xung đột, mọi vấn đề (tr.4)

4. Ý nghĩa của văng tục:

m) “Văng tục là hành vi thách thức, khiêu khích mạnh mẽ và táo bạo nhất, chúng khiêu khích với chính quyền lực. Văng tục là một thái độ phản kháng,một sự nổi loạn” (tr.5)

n) “Quy phạm văn hoá cũng là một thứ quyền lực. Nổi loạn để chống lại các quy phạm văn hoá ấy là một hiện tượng thường xẩy ra, trong đời sống cũng như trong văn học, đặc biệt ở những giai đoạn tính chất cũ kỹ và sáo mòn đã đè nặng đến mức gần như không thể chịu đựng được nữa.

o) Chính trong cái không khí ngột ngạt, nặng chĩu những công thức và giáo điều, những sự mệt mỏi và sợ hãi như thế, một tiếng cặc vang lên sang sảng, nghe rất đã (...)

Phần hai: Tiếp nhận và hoài nghi

1) Những điều tôi tiếp nhận:

I, 1: a + b + c.

I, 2: d + f + g.

I, 3: h + i + k + l. Mỗi yếu tố này, tôi đồng ý một nửa, không tiếp thu một nửa, như sẽ trình bầy sau.

I, 4: m + n + o. Như trên , với các yếu tố này tôi nhất trí một nửa còn một nửa không nhất trí.

2) Những điều tôi không tiếp nhận hoặc còn thắc mắc:

I, 2: e. Nơi con người, phần con (vật) có tính sinh vật, sinh lý, bản năng như các sinh vật khác (đói thì ăn, khát thì uống, con đực thấy con cái thì xáp tới...) phần người do văn hoá, giáo dục, xã hội tạo thành (đói khát nhưng cho ăn uống một cách khinh bỉ thì từ chối, thấy gái đẹp thì thèm nhưng biết tự chủ, tự kiềm chế). Không phải khoái cảm sinh lý hình thành nhân cách, chính việc làm chủ đời sống sinh lý, bản năng mới giúp hình thành nhân cách. Quan điểm phallocentric là một cách lý giải chứ không phải là cách lý giải độc nhất, hợp lý nhất về lịch sử các nền văn hoá, văn minh của nhân loại.

I, 3: h. Văng tục chửi tục của người Việt có tới bốn đặc tính chứ không phải hai đặc tính: thứ nhất, nhắc tới bộ phận sinh dục, thứ hai: phái nào nhắc tới bộ phận sinh dục của phái ấy, thứ ba: lôi bố mẹ,ông bà, tổ tiên người ta ra mà chửi. Người Mỹ chửi: Fuck you! (Đụ mày!), người Việt chửi: Đụ mày!. Nâng cấp mình lên hàng bố mẹ của đối tượng để mắng mỏ, chửi bới chứ không thèm đứng ngang hàng với nó, thứ tư: chửi thề, chửi tục được nâng cấp thành văn-hoá, thành thơ văn, có vần có điệu bộ hẳn hoi, có thể gọi là văn hoá chửi (lộn lèo, lộn vèo, nắng cực, đá đeo, đấm lại đeo)

I, 3: i (1) Cặt và Cặc, thứ nào hiên ngang, hùng dũng và đầy khí thế? Người bênh vực cho “cặt” viện lý do đọc và nhìn chữ “t” thấy nó mạnh và hiên ngang hơn còn chữ “c” thấy yếu xìu, không khí thế. Nếu nhìn mà thấy được một nét chữ là hùng dũng ngang tàng hay yếu xìu, xuội lơ thì chắc là do nhìn lại tâm lý, liên tưởng chủ quan của mình chứ không phải nhìn vào nét chữ. “T” trông hiên ngang nhờ nét ngang đầy khí thế và uy lực, “c” yếu xìu vì luôn ở vị trí 6 giờ. Bạn cũng có thể liên tưởng cách khác để nói “t” yếu kém hơn.Ít ra vì 3 lý do: nó gầy ốm, khẳng khiu so với “c” mập mạp, lực lưỡng hơn; đầu nó gai góc, vướng víu bất tiện cho việc đi sâu đi sát, đầu “c” tròn tròn, thuôn thuỗn, tiện lợi hơn, “đầu đội nón da loe chóp đỏ”; “c” lực lưỡng, thần lẫn ra, chóp đỏ loe ra thành khấc càng tốt vì chính sự nong nới co bóp này tạo cảm giác đầy khí thế (khác với “t” nhỏ xíu như đuôi chuột ngoáy lọ mỡ!) Cũng nên lưu ý việc đề cao dương vật, nói về tính hùng dũng, hiên ngang, khí thế... giả định một mô hình dương vật dũng mãnh, luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sự thưc không phải, có chiến tranh và hoà bình, lao động và nghỉ ngơi, có mạnh khoẻ và đau yếu, có ngang tàng và xuôi xị, 9 giờ và 6 giờ.

i (2) Penis envy hay womb envy? Freud có cái nhìn kỳ thị và khinh miệt đàn bà, đàn bà kém đàn ông về mọi mặt vì không có penis, họ luôn luôn ao ước có một penis như đàn ông. Về lý luận cũng như thực tế, khó tưởng tượng nổi tại sao đàn bà lại muốn có dương vật như đàn ông trong khi họ được phú bẩm cho một chức năng đặc trưng của mình là sinh đẻ, nuôi nấng con cái. Thay vì nói đàn bà muốn có dương vật phải nói đàn ông muốn có vú (womb envy) hiểu theo nghĩa đàn ông ghen tị với những chức năng của đàn bà như mang bầu, sinh con, có vú, nuôi con bằng sữa, cho con bú, tình mẫu tử, sự bao dung che chở... Chúng ta hoàn toàn có thể nói ngược lại: đàn ông lao vào các hoạt động khác là để bù trừ cho sự tự ti, thiếu thốn, khát khao một chức năng mà họ không thể có được!

i (3) Đàn ông = con cặc? Công thức này có vẻ như đùa, trong phạm vi chửi tục và phallocentrism có thể (miễn cưỡng) chấp nhận được nhưng trong phạm vi lôgích bình thường, nó đặt ra một vấn đề rất cộm. Muốn định nghĩa một khái niệm ta phải xếp nó vào hệ thống loạihạng nhất định.

Loại và hạng của khái niệm phản ánh mối quan hệ cái chung và cái riêng, loại lớn hơn hạng. Vạn vật là loại, sinh vật và vô sinh vật là hạng; sinh vật chia ra động vật và thực vật, sinh vật là loại, động vật và thực vật là hạng. Quan hệ giữa các khái niệm có tính tương đối: sinh vật là hạng so với vạn vật là loại nhưng sinh vật lại là loại so với động vật và thực vật (hạng). Muốn định nghĩa một khái niệm ta dùng công thức sau: Hạng = Loại + đặc tính riêng

Con người = Sinh vật + có lý trí, có ngôn ngữ, chế tạo công cụ...

Con người, con khỉ, con chó, con cua, con gà...đều là những động vật, làm sao phân biệt con người với các động vật khác? Áp dụng công thức trên ta có con người là sinh vật như những động vật kia nhưng nó có những đặc tính riêng có giúp phân biệt nó với các động vật kia: có lý trí, có ngôn ngữ, biết chế tạo công cụ lao động v.v...

Định nghĩa Đàn ông = con cặc khó chấp nhận được vì con cặc không phải là đặc tính riêng có của đàn ông, con khỉ (đực), con chó (đực)ù, con dê (đực), con heo (nọc) đều có con cặc! Nếu nhận: Đàn ông = con cặc thì ta sẽ có Đàn ông = con cặc, Nhà phê bình X = đàn ông, vậy nhà phê binh X = con cặc. Điều này vô lý!

i (4) Bên trong, ần dấu, vô hình, vắng mặt... là xấu, là kém? Chưa chắc. Xấu tốt hơn kém là tùy quan điểm. Nếu bạn chon vị trí một người quan sát, ưa nhìn ngắm, thích sự rõ ràng, sáng sủa, sự xuất hiện, oai vệ, hiên ngang thì đồng ý là con cặc hơn cái lồn vì nó có những đặc tính mà đối tác của nó không có được. Còn nếu bạn chọn vị thế một người lao động, chỉ chú ý tới quá trình sản xuất và sản phẩm làm ra thì vấn đề lại khác hẳn, từ cái nhìn thẩm mỹ (hình dáng, đẹp xấu) ta chuyển sang cái nhìn thực dụng (dùng làm gì, hoạt động ra sao, năng suất cao hay thấp, có đạt mục đích không...) Khi đó cặc – lồn trở thành những bộ phận không thể tách rời của một quá trình sản xuất, sản xuất ra con người và sự khoái lạc “Cha là sào, mẹ là thuyền, con cái là khách qua đò”. Tách rời cặc và lồn thì “lồn câm cặc điếc” nghĩa là cả hai đều trở thành vô dụng, tách biệt để so bì hơn kém thì lại càng ngu xuẩn hơn.

i (5) Đàn bà không văng, không trỏ, mà chỉ dùng các từ bú, liếm, chui, nhét? Không đúng, họ cũng văng (“Lồn!” “Mặt lồn!”) cũng trỏ (“Lồn tao đây này!”) như đàn ông. Về những chữ bú, liếm, chui, nhét..., phân tích của NHQ chưa thoả đáng. Ý nghĩa của một câu chữ không nằm trong câu chữ mà nằm trong ý định của người nói và hoàn cảnh nói. Đối với người nghe cũng vậy. Trong cảnh chăn gối, thân mật các từ bú, liếm, chui, nhét đều có ý nghĩa tích cực, và cặc-lồn đi theo những từ đó cũng đều có nghĩa như của quý, đáng tự hào, đáng nâng niu, cưng chiều (“Bú (lồn) em đi!”,”Liếm (cặc/lồn) nhè nhẹ thôi!” ) Trái lại, khi tức giận, văng tục, chửi tục các từ bú, liếm, chui, nhét lại có ý nghĩa tiêu cực, và cặc –lồn đi theo những từ đó cũng đều có ý nghĩa xấu xa, đáng ghê tởm (“Bú cặc!” “Liếm lồn bà!” “Nhét cặc vào mồm mày!”) Đòi nhét cặc vào mồm đối phương là cách chửi tục bình thường, khá phổ biến chứ không phải là “khá hiếm hoi”, câu “Nhét cặc vào mồm” cũng tương đương với câu “Iả vào mồm mày!”; mặt khác, cặc, trong trường hợp này, phải hiểu là sự bẩn thỉu, ghê tởm, đáng khinh bỉ chứ tuyệt nhiên không được hiểu là một thứ của qúy, niềm tự hào của đàn ông!

i (6):Không có giá trị tự tại để trở thành niềm tự hào, thách thức, mãi mãi mang tính sinh lý, không thể mang tính văn hoá? Xem i (4), i (5)

k. Cặc không chỉ có tính sinh lý vật thể, nó được nâng lên hàng văn hoá, đa nghĩa, đa tầng, thâu tóm tất cả lịch sử nhận thức , thẩm mỹ của con người. Còn người đàn bà, vì chỉ có cái lồn mà không có con cặc nên mãi mãi chỉ có tính sinh vật, không thể có tính chất văn hoá? Lập luận trên cực kỳ sai lầm: con người nâng mình từ đời sống tự nhiên, sinh vật lên đời sống văn hoá, xã hội là nhờ lao độngngôn ngữ chứ không phải nhờ có một dương vật. Thói quen tự chủ, tự kiềm chế, không buông thả theo bản năng không phải chỉ dành cho đàn ông, đàn bà cũng có những đặc tính trên chứ!. Khi nói “đâm thọc xuyên thấu” chúng ta liên tưởng tới mũi tên, mũi dao, mũi kiếm, đâm thọc để lại một cái lỗ, đâm vào thì quan trọng hơn rút ra. Bây giờ hãy liên tưởng ngược lại: có một cái lỗ, có thể đâm vào và rút ra, rút ra lại quan trọng hơn đâm vào; trong trường hợp này, tách rời để so bì, nhìn ngắm và hợp tác lao động để cùng sản xuất và sướng ngất tới bẩy tầng trời thứ nào hay hơn?

l. Đoạn này là một thí dụ điển hình cho phép chứng minhbác bỏ trong lôgích học. Chứng minh là khẳng định tính đúng đắn của một phán đoán, một kết luận, còn bác bỏ là phủ định tính đúng đắn của phán đoán kia. Chứng minh và bác bỏ đều cần ba yếu tố: luận đề, luận cứ và luận chứng nhưng bác bỏ lợi hại hơn vì chỉ cần bác bỏ được một trong ba yếu tố là đủ để đánh sập toàn bộ lý luận của đối phương.

Chứng minh:

Luận đề:

Con cặc là biểu tượng của quyền lực, là trung tâm, hệ quy chiếu, đo lường và đánh giá mọi sự vật, hiện tượng.

Luận cứ:

a. Loài người được dịch là MANKIND, chứng tỏ đàn ông, con cặc tiêu biểu cho loài người.

b. Cấu trúc mở-cao trào-kết thúc của kịch nghệ, tiểu thuyết xuất phát từ kinh nghiệm dục tính của nam giới, khi đạt tới sướng ngất là kết thúc mọi vấn đề.

Luận chứng:

Cách sắp xếp các lý lẽ, chứng cớ một cách hợp lý, thuyết phục để người nghe chấp nhận luận đề của mính, “tâm phục khẩu phục”.

Bác bỏ: (bác bỏ luận cứ)

Luận đề:

Con cặc không phải là biểu tượng của quyền lực cũng không phải là trung tâm, hệ quy chiếu, đo lường và đánh giá mọi sự mọi vật.

Luận cứ:

a) Màng trinh, HYMEN, đặc trưng riêng có của đàn bà mới tiêu biểu cho loài người. Trong mankind, man, số ít, chỉ tiêu biểu cho một người, trong hymen, men, số nhiều, đây mới thực tiêu biểu cho loài người. [Xem phụ chú [**]] (Ở phương Đông, đàn ông, dương, được thể hiện bằng 1 vạch, số ít còn đàn bà, âm, được thể hiện bằng 2 vạch, số nhiều)

b) Cấu trúc mở-cao trào-kết thúc trong kịch, tiểu thuyết xuất phát từ kinh nghiệm dục tính của đàn bà vì về mặt này đàn bà hơn hẳn đàn ông: thứ nhất, bộ phận sinh dục nữ tinh vi, hoàn chỉnh hơn (lỗ đái lỗ đẻ có lối đi riêng, nơi đàn ông lỗ đái và lỗ dẫn tinh phải sử dụng chung một hành lang), thứ hai, chức năng sinh nở đặc trưng của đàn bà, đàn ông có mơ cũng không có được, thứ ba: về hoạt động tính dục , đàn bà mạnh hơn đàn ông nhiều, họ có thể đạt vô số lần sướng ngất (orgasm) một đêm trong khi đàn ông quá lắm chỉ 3,4 lần là cùng!

Luận chứng:

Tìm mọi cách để bác bỏ luận đề, luận cứ của đối phương, buộc họ phải “tâm phục khẩu phục” chấp nhận lập luận của mình.

I, 4: m. “Khiêu khích mạnh mẽ và táo bạo nhất: chúng khiêu khích với cả chính quyền. Văng cặc, do đó, trở thành một thái độ phản kháng và một sự nổi loạn”. Chưa chắc, nếu xét về mặt dụng pháp và về tính hữu hiệu.

n, o: “Chính trong cái không khí ngột ngạt, nặng trĩu những công thức và giáo điều những sự mệt mỏi và sợ hãi như thế, một tiếng “cặc” vang lên sang sảng nghe rất đã.” Câu này, rất tiếc, đã phá vỡ toàn bộ giá trị của bài văn, nó cho thấy NHQ chẳng hiểu gì về ý nghĩa thực sự của văng tục, nhất là những câu văng tục cực ngắn. Tôi có một kinh nghiệm sống thực được / bị nghe câu chửi tục cực kỳ ngắn gọn kiểu trên , xin kể tặng bạn NHQ nghe cho nó đ...ã. Hôm đó là buổi ôn thi môn Lôgich, tôi dặn vài bí kíp làm bài trắc nghiệm, cả lớp im phăng phắc chăm chú ghi chép, bỗng “Đụ má!”, một tiếng chửi rất lớn, vang lên ngoài hành lang. Một anh thợ hồ, đang bực tức cãi cự với đám bạn đã chửi toáng lên như vậy, mấy người kia lảng đi không thèm trả lời, chưa hả giận anh bồi thêm một câu nữa “Con c...ặ...c!” lần này câu chửi còn lớn hơn nữa, vang lên sang sảng. Một lúc sau nhân viên nhà trường tới mời anh vào văn phòng. Điều đáng nói trong vụ này là sinh viên, ngay cả những em ngồi gâàn cửa sổ, đã tỏ ra rất điềm tĩnh: không cười hô hố hưởng ứng theo, không nhổm lên xem cái gì xẩy ra bên ngoài , không nhìn tôi với ý phân bua, chê trách người chửi tục, sự trầm tĩnh mang vẻ ái ngại, tha thứ hơn là chê trách. Rồi thầy trò lại tiếp tục ôn thi, coi như không có chuyện gì xẩy ra. Một câu chửi, dù tục tĩu tới đâu nhưng tách khỏi khung cảnh muốn chửi sẽ mất hết ý nghĩa và phản tác dụng, nó chẳng nói lên được điều gì ngoài việc tự tố cáo sự thiếu văn hoá của chính người chửi.

Phần ba: Một phương pháp tiếp cận mới

1) Giới thiệu

Một vấn đề thường có nhiều cách tiếp cận. Phương pháp tiếp cận mà tôi muốn giới thiệu với các bạn dựa trên ba khoa học: công nghệ thông tin, ngữ nghĩa học và phép biện chứng. Ở công nghệ thông tin, tôi lấy được một ý: các nền văn hoá, văn minh, tôn giáo, triết học, giáo dục, văn học nghệ thuật v.v... đều là những dạng thông tin (nghĩa là phát-nhận-phản hồi các ký hiệu thông tin, chữ nghĩa, ngôn ngữ từ thế hệ này qua thế hệ khác, cá nhân này qua cá nhân khác). Ở ngôn ngữ học, tôi chú ý về mặt dụng pháp (nói,viết để làm gì) trong ba ngành của ngôn ngữ học (ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa) tôi chỉ chú ý tới ngữ nghĩa học, trong môn học này tôi chỉ quan tâm một điều: ý nghĩa của một câu chữ (một văn bản, tác phẩm) nằm ở đâu? Đối với phép biện chứng, tôi dùng được hai ý: a) Mọi sự vật đều biến chuyển, không phải theo đường thẳng (luôn luôn đổi mới, không gặp lại những vấn đề cũ, có khởi điểm có tận cùng) hay đường tròn (đời đáng chán, nhân loại quay đi quay lại những vấn đề đã được đặt ra từ hàng ngàn năm nay như sinh lão bệnh tử; thờ kính thần linh, lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ đất nước, không có gì mới dưới ánh mặt trời...) mà theo đường xoáy ốc (trở lại những vấn đề cũ nhưng ở một trình độ cao hơn, một bản chất mới hơn; thí dụ: so với đấu tranh bất bạo động của Gandhi, cách đấu tranh của Thích Quảng Đức tính chất đại hùng đại lực đại từ bi cao hơn nhiều) b) Biện chứng của tư duy quan trọng hơn biện chứng tự nhiên, tự nhiên không có ý nghĩa gì cả, chính biện chứng của tư duy đem lại ý nghĩa cho biện chứng tự nhiên. Cần suy nghĩ độc lập, sáng tạo, nhất là liêm khiết trí thức (không nói có thành không, nói không thành có, đủ dũng khí để bảo vệ điều mình tin là đúng là tốt đồng thời đấu tranh với điều mình nghĩ là sai, là xấu , xuất phát trước nhất từ chính lòng mình)

Từ đó tôi đi tới 4 tiền giả định có tính phương pháp luận như sau:

1. Cuộc đời nói chung, tôn giáo, triết học, sinh hoạt văn học nghệ thuật nói riêng là một quá trình thông tin-phản hồi liên tục.

2. Hết vòng này tới vòng khác, từ thấp lên cao, quá trình thông tin luôn luôn có những yếu tố mới xuất hiện, trong thời gian và hoàn cảnh mới.

3. Văn hoá, văn minh thể hiện qua ngôn ngữ, chữ viết. Hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ chữ viết thì có thể lý giải được những vấn đề lý thuyết và thực tiễn.

4. Ý nghĩa, niềm tin và giá trị liên hệ chặt chẽ với nhau. (Anh tin rằng ý nghĩa anh phát hiện ra là đúng nhất, hay nhất nên anh mới nói ra, viết ra hoặc hành động như vậy). Tuy nhiên ý nghĩa này có thể được phát hiện dần dần, niềm tin có thể đúng hay sai, giá trị có thể thay đổi.

Ta có thể mô tả quá trình thông tin xoáy ốc qua 4 bước như sau:

Ghi chú:

1. Quá trình liên tục, xoay tròn và nâng cao dần dần, tri thức và hành động ở (1+2+3) là phương tiện để thực hiện mục đích cuối cùng (4) là hạnh phúc của con người, sự phát triển toàn vẹn nhân cách v.v... Lẫn lộn phương tiện và cứu cánh là ngây thơ, gian lận hoặc một tội ác.

2. Bước 1 là tiếp nhận thông tin từ kho tàng tri thức của xã hội, của nhân loại (tôn giáo, triết học, văn hoá tư tưởng...) bước 2: chế biến tri thức chung đó thành tài sản riêng , tin tưởng và tự hào về vốn liếng tinh thần của mình. Nhờ vậy cái chung tồn tại trong cái riêng và bất cứ cái riêng nào cũng là cái chung. Bước 2 bộc lộ tính độc lập, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của người tiếp nhận thông tin. Bước 3: bằng sản phẩm vật chất hay tinh thần lại dâng hiến đóng góp của mình cho xã hội, cho nhân loại. Bước 4: vay trả, trả vay theo vòng quay của cuộc đời, với hy vọng đóng góp phần nhỏ bé cho hạnh phúc của con người.

3. Tới bước 4 lại quay trở lại bước 1 (thông tin mới mẻ, cập nhật hơn...) bước 2 (xử lý khôn khéo, sáng tạo hơn...) bước 3 (hành động hữu hiệu hơn...) bước 4 (con người phát triển hơn về mọi mặt...) v.v... cứ như vậy mãi mãi. Cuộc đời là nhận-phát, nhận-phát, mã hoá-giải mã vô tận. Cuộc đời luôn sáng tạo những giá trị mới. Không có ý nghĩa đầu tiên, cũng không có ý nghĩa sau cùng.

4. Chuẩn mực đánh giá căn cứ trên chính 4 yếu tố của quá trình thông tin: Thông tin: lượng thông tin mới hay cũ, đúng hay sai, khách quan hay thành kiến, trọn vẹn hay cắt xén v.v... Xử lý /Tin: Biến tri thức chung thành tài sản riêng, có phê bình, sáng tạo hay chỉ biết nhai lại như bò hoặc biến mình thành giai cấp “thông ngôn mới” (chữ latinh, chữ Nho, chữ Nhật, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga v.v...). Niềm tin đúng hay sai, tiến bộ hay lạc hậu, cởi mở khoan dung hay cố chấp, giáo điều v.v... Hành động: nhằm mục đích gì, biến những lý tưởng tôn giáo, triết học thành hiện thực hay coi tất cả những thứ đó (thông tin, tôn giáo, chủ nghĩa, triết học, lý thuyết văn học nghệ thuật) chỉ là phương tiện giúp đạt cứu cánh cuối cùng là phục vụ hạnh phúc con người? Cứu cánh: Được coi là đúng, là tốt những tư tưởng, hành động nào khẳng định địa vị con người, giúp con người tạo dựng hạnh phúc, phát triển nhân cách; bị coi là sai, là xấu, là có vấn đề những tư tưởng, hành động nào coi con người là phương tiện để phục vụ những cứu cánh giả tạo bên ngoài, bên trên con người (có thể tìm thấy những dấu vết đó trong các tôn giáo hoặc chủ nghĩa đang trở thành giáo điều, lỗi thời).

Trong phạm vi lý luận, phê bình, ngoài các chuẩn mực trên, có thể thêm một số chuẩn mực thiết thực hơn: a) Những tiêu chuẩn cần khách quan, được sự nhất trí của những nhà chuyên môn và của số đông, b) Khả năng lý giải sâu rộng hơn, c) đặt trở lại toàn cảnh, giúp vấn đề trở nên sáng tỏ hơn

2) Trở lại vấn đề ngôn ngữ tục

Hãy lấy ngôn ngữ tục như một đề tài minh hoạ cho phương pháp tiếp cận trên . Bốn bước phải làm được thể hiện cụ thể như sau:

1) Những thông tin tổng quát về vấn đề ngôn ngữ tục.

2) Xử lý tin và tin. Các thông tin rất tổng quát (văn hoá phương Đông, phương Tây, giao thoa giữa các nền văn minh...) và riêng lẻ (bài báo, sách vở, tài liệu của các tác giả trong và ngoài nước) đã được xử lý, lựa chọn và chế biến thành tài sản riêng. Nói và viết không phải là thể hiện tri thức nói chung nữa mà là thể hiện niềm tin vào tri thức được tư hữu hoá của mình, nếu niềm tin này sai thì mớ tri thức được nói hoặc viết ra cũng sai.

3) Hành động. Biến niềm tin thành hành động nói-viết-làm cụ thể.

4) Mục đích. Mọi hoạt động tôn giáo, chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật đều trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm đề cao địa vị con người, tạo điều kiện kiến tạo hạnh phúc, phát triển nhân cách v.v... Xét tới mục đích cũng là xét tới chuẩn mực đánh giá; vì là những chuẩn mực khách quan có thể kiểm chứng được nên những chuẩn mực này hoàn toàn có thể dùng để đáng giá sáng tác của người khác và của chính mình. Không có chuyện chủ quan, thiên lệch, “mèo khen mèo dài đuôi”.

Bước 1: Thông tin về vấn đề

Chúng ta có những thông tin rất phong phú, từ nhiều nguồn về vấn đề, có thể khái quát dưới cái nhìn so sánh như sau:

Bước 2: Xử lý tin/Tin

Nhờ đối chiếu điểm mạnh điểm yếu của hai bảng A và B, với óc phê bình và sáng tạo tôi loại bỏ những thông tin sai lầm (tổng quát và cá nhân) và củng cố, phát triển những thông tin đúng đắn, hợp lý, biến chúng thành hệ thống riêng có của mình. Tôi tin mãnh liệt vào hệ thống này (có thể đúng hoặc sai) và bắt tay vào việc nói – viết- hành động.

Bước 3: Hành động

i) Triết học âm dương tương phản tương hợp phương Đông chú ý về mối tương quan giữa các sự vật hơn là tới từng sự vật riêng lẻ. Vị trí con người trong quan hệ Thiên- Địa –Nhân, vị trí của cái bụng trong thân thể con người, ta có bảng đối chiếu các mối quan hệ như sau:

Con người là trung gian giữa Trời và Đất, giới tự nhiên sinh vật và giới văn hoá, tư tưởng; nơi con người thì bụng là trung gian giữa đầu và chân (chứ không phải là bộ phận sinh dục nam hay nữ). Các học giả nước ngoài thường nói người Việt suy nghĩ bằng cái bụng vì thấy nói sáng dạ, tối dạ chứ không thấy nói thông minh hay ngu dốt. Thật ra vấn đề quan trọng và thú vị hơn nhiều:

Bụng liên hệ tới đầu, trí khôn, tư tưởng: sáng dạ, tối dạ, lớp vỡ lòng, học thuộc lòng, nhớ nằm lòng, ghi lòng tạc dạ, sáng mắt sáng lòng, lú gan lú ruột (vợ Cuội bị cướp giết moi hết ruột gan, phải thay bằng ruột chó nên thường lơ đễnh, dặn đâu quên đó, lú gan lú ruột), nhớ canh cánh bên lòng, binh giáp tàng hung trung, to đầu mà dại bé dái mà khôn...

Bụng liên hệ tới tình cảm, cảm xúc, đam mê: tốt bụng, xấu bụng, lòng tốt, lòng nham hiểm, nói để bụng, giận tím gan tím ruột, rầu thúi ruột, nghe hả dạ, một lòng một dạ, lòng thành với trời Phật, Chúa lòng lành, gan cóc tiá, những người có lòng, cả gan, nóng ruột, nóng lòng, mát ruột, thề ăn gan uống máu, miệng Nam mô bụng bồ dao găm, lòng mẹ thương con, lòng lang dạ thú, tức lộn ruột, tức mình, cười bể (vỡ)bụng, gỡ rối tơ lòng, máu chẩy ruột mềm, lòng vả cũng như lòng sung, bấm bụng mà chịu...

Bụng liên hệ tới bản năng, dục vọng, tính dục : ăn nằm, phải lòng, con lợn lòng, ngọn lửa lòng, nén lòng dục, lòng tham làm mờ con mắt, khơi ngọn lửa lòng, dạ con, thèm chẩy dãi, nuốt nước miếng, no bụng đói con mắt, nhất lưỡi nhì râu tam đầu tứ củ...

Bụng liên hệ tới thần linh, giới tự nhiên, văn hoá...: Trời giầu lòng nhân hậu, thần Xương Cuồng lòng dạ độc ác, lòng sông, vùng lòng chảo, an nghỉ trong lòng đất, chôn nhau cắt rốn, bụng làm dạ chịu, được lòng ta xót xa lòng người; thuyền ơi có nhớ bến chăng, bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền; thò tay mà bứt lá ngò, thương anh đứt ruột giả đò ngó ngơ...

ii) Bộ phận sinh dục

Cách gọi tên, đặc tính, chức năng của bộ phận sinh dục nam và nữ thể hiện triết lý âm dương tương phản tương hợp. Âm-dương, trên-dưới, trong-ngoài, sáng- tối, rỗng-đặc, lồi lõm- đầy vơi... Qua cái nhìn của triết lý phồn thực, bộ phận sinh dục nam –nữ không phải chỉ để nhìn ngắm (voyeurisme) mà phải phối hợp với nhau nhằm hoàn thành một chức năng nào đó (truyền chủng+ tạo khoái lạc) Vô thức tập thể và cá nhân đều thể hiện cách nhìn trên .

Ở những nhân vật thần thoại, bộ phận sinh dục cũng có kích cỡ rất thần thoại: Lồn bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng, Cặc ông Tứ tượng bằng hăm bốn (băm bốn, năm bốn...) con sào. Đám cưới của họ lại càng thần thoại hơn:

Khi họ nhà trai đến nhà gái, thì trời bỗng nhiên tối sẫm lại, vì bà Nữ Oa vô tình thả váy bà xuống, úp chụp mặt đất, che kín mặt trời. Để đến được nhà gái phải qua một con sông. Tối mò mò lại không có thuyền làm cách nào để qua sông được đây? Mọi người đang lúng túng thì Tứ Tượng bèn nghĩ ra một cách. Chàng lấy dương vật của mình vắt ngang qua sông làm cầu cho mọi người đi. Họ nhà trai đang đi trên cầu thì cụ già cầm hương vô ý để tàn lửa rơi xuống cầu. Bị bỏng, Tứ Tượng co dương vật lại. Cầu đột ngột co lại như thế làm cho cả họ nhà trai rớt tòm xuống sông. Nữ Oa vội vén váy lên, thế là trời lại sáng. Thấy họ nhà trai ngã xuống sông, Nữ Oa bèn lấy tay vốc cả bọn ở dưới nước lên, thấy họ đều bị ngấm nước, rét run cầm cập, Nữ Oa bèn sưởi cho họ bằng cách nhét tất cả vào âm hộ của mình... Hơi ấm của Nữ Oa làm cho tất cả đều hồi sức.Nữ Oa lại móc họ ra khỏi âm hộ của mình. Tuy gặp sự cố nhưng cuối cùng đám cưới cũng kết thúc tốt đẹp (...) Về sau Nữ Oa bày cho nam nữ cách giao cấu để sinh con đẻ cái (...)

Từ những hình ảnh trên , chúng ta hiểu tại sao Hồ Xuân Hương lại nói Cán cân tạo hoá rơi đâu mất, miệng túi càn khôn khép lại rồi; mát mặt anh hùng khi tắt gió, che đầu quân tử lúc sa mưa; một bên con khóc một bên chồng, bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng, thằng bé hu hơ khóc dưới hông...

Đực: Bố, cha, chồng, trống, trai, giai, cồ (Đại Cồ Việt, trứng có cồ) gồ, buồi, cặc, dái, cu, cu tí, chim, con cặc, dương vật, ông Lậc Cậc bà Lậc Cậc (ông Lậc Cậc có liên hệ gì với cặc, bà Lậc cậc có liên hệ với bà cộc?)

Cái: Mẹ, u, má, mái, cái, gái, vợ, mẹ đĩ, lồn, hĩm, trôn, chim, âm vật, cửa mình, ông Cồ bà Cộc. Gọi là thằng cu, cu tí, con hĩm, cái hĩm chứ không gọi là thằng hĩm, cu hĩm. Chim hiểu như danh từ có thể dùng để chỉ bộ phận sinh dục bé trai hoặc bé gái (ông bà thường nựng nịu hôn má, hôn chim cháu (trai/gái) và khen nức nở: Thơm quá!) Chim hiểu như động từ dùng chỉ sự ve vãn, tán tỉnh, con trai tán tỉnh con gái gọi là chim gái, con gái cũng ve vãn con trai: gái đâu có gái lạ đời, chỉ còn thiếu một ông trời không chim)

Rỗng –Đặc: Mồm, miệng, răng, bụng, ruột, lòng, dạ, dạ dầy (bọc chứa thức ăn) dạ con (bocï chứa đứa con) lỗ mồm, lỗ ỉa, lỗ đái, lỗ đít, lỗ lồn. Lòng và lồn hình như liên hệ với nhau (rỗng, luồn lỏi, len lách, lú ra, lộ ra), ở các lỗ kia: tiếp nhận dữ liệu, xử lý, chế biến dữ liệu, rồi tới đầu ra là đồ phế thải, trái lại lồn có đặc tính khác hẳn: input là nguyên vật liệu chưa thành phẩm, sau khi chế biến nhào nặn output trở thành sản phẩm chất lượng cao. Dạ, dạ con liên hệ tới cái túi, cái bao (túi càn khôn, tuí hồ lô, bourse, đàn ông như giỏ, đàn bà như hom) do đó tới bìu, dái, buồi. Nẩy mầm, nứt mộng, hé mở, nứt, hẻm, hõm, hĩm, nứt ra một lỗ hỏm hòm hom, tối om om... Liên hệ tới dạ con, có một từ rất quan trọng là từ nhau: ống dẫn truyền máu, sự sống từ mẹ sang con, từ ý nghĩa sinh vật học (đã ra hết nhau , cắt rốn,) nhau mang ý nghĩa văn hoá xã hội (nơi chôn nhau cắt rốn) và sau cùng dùng để chỉ mối quan hệ qua lại giữa con người với con người và sự vật (ăn nằm với nhau, yêu nhau, tù ti với nhau, làm quen với nhau, ghét nhau, chửi nhau, đánh nhau, con người và thiên nhiên có mối quan hệ với nhau ...) Thân, mình thì cô đơn, độc lập, nhau chỉ sự hỗ tương, liên lập.

Lồi - lõm: Gò má gồ lên, u, mu, mu rùa, mu lồn, mái nhà, mả, trống mái, mẹ. Ông Cồ: gồ lên một cục, một quả, một củ, củ cặc; ngổ ngáo, ngông, ngang tàng, tồng ngồng, ngẩng lên, ngửng, nứng, nựng, nhẩy cẫng, cứng, cửng. Bà Cộc: cụt (áo cộc tay, cụt tay) hụt (hơi), thụt (két), thọt (chân), thiếu (tiền), thâm lạm (công quỹ), lẹm (cằm), lõm (sâu, thụt vào) hẹp ( nhỏ hẹp) hẻm (đường nhỏ, hẹp) kiệt (đường nhỏ, hẹp, kẹt giữa hai dẫy nhà) hĩm (lỗ nhỏ, hẹp, giữa hai cánh cửa nhỏ hẹp - cửa mình). Lồn có liên hệ gì với Yoni không?

Đầy – Vơi: Động tác âm dương giao hoà là đắp cho đầy, chồng cho kín, thừa thiếu bù qua đáp lại. Vợ là vơ vào, kéo lại, chồng là chồng lên, phủ cho kín? Làm đặc cái rỗng, làm rỗng cái đặc, làm đầy cái vơi, làm vơi cái đầy tương tự như thần thoại Androgyne của Platon với cặp tương phản thừa và thiếu. Đắp đầy, lắp đít, đụ, đéo, địt, đĩ, đút, đếch, lẹo tẹo tù ti (liền tù tì, dính lại với nhau) Kết quả: có bầu, có thai, có chửa (rỗng thành đặc) rồi sinh đẻ, khai hoa nở nhụy (đặc thành rỗng – hoa là lồn của cây) đưá trẻ như nụ, nhụy, nhú, nhô ra. Nó bú, mút, nút vú (vú, nhũ, nhô lên, đựng sữa) vú sữa căng đầy thì đưa trẻ bụ bẫm, mập mập, mũm mĩm, từ nhỏ, nhỡ, nhớn dần. Với cặp tương phản mặt (trên, trước) và đít (dưới, sau) ta có trung giới là miệng, bụng, trôn: lấy trôn nuôi miệng, trên răng dưới dái. Trai gái gần nhau sinh chuyện thì dân gian gọi là lửa gần rơm lâu ngày phải bén tức là phải lòng nhau, ăn nằm với nhau; nếu lâu ngày mà không bén thì gọi là lồn câm cặc điếc, cả hai trở thành đồ vô dụng, không hoàn thành chức năng của chúng!

iii) Ngôn ngữ tục

a) Con người là trung gian giữa tự nhiên và văn hoá, yếu tố con cho thấy con người có đời sống vật chất, bản năng, sinh vật như những động vật khác, yếu tố người chứng tỏ con người nâng mình từ nếp sống sinh vật, tự nhiên lên nếp sống văn hoá, tư tưởng. Yếu tố giúp con người chuyển từ tự nhiên sang văn hoá chính là lao độngngôn ngữ. Trước khi có con người biết lao động, nói năng, viết lách, giới tự nhiên có đấy nhưng hoàn toàn không có tên gọi, không có một ý nghĩa gì. Nhờ ngôn ngữ, chữ viết con người gán ý nghĩa cho mọi sự mọi vật, khả năng mã hoá và giải mã, gán nghĩa và giải nghĩa là một khả năng đặc biệt của con người: chính nhờ khả năng này con người tự nâng mình lên hàng chủ thể văn hoá đồng thời giúp mọi sự vật trong giới vật chất, tự nhiên tham dự vào nếp sống văn hoá của mình. Bằng cách đăït tên và gán cho chúng một ý nghĩa. Vấn đề là các chữ, các khái niệm của ngôn ngữ, trong đó có ngôn ngữ tục đã được thành hình như thế nào.

Lưu ý:

- Tại sao các từ chỉ động tác sinh lý thường bắt đầu bằng phụ âm đ ? Trong số những từ này có một từ đồng âm lưỡng nghĩa: địt (tiếng Bắc là động tác sinh lý, coðter, faire l’ amour (P) to fuck,to make love (A) địt, tiếng Nam: đánh rắm, xì hơi – péter (P), to fart (A)

- Các từ đụ, đéo, địt được hiểu theo hai nghĩa: truyền chủng + tạo khoái lạc, còn từ chơi nặng về tìm kiếm khoái lạc hơn. Tương đương với đụ, đéo, địt tiếng ta có faire l’amour (P), to make love (A) hai từ này rất ý nghĩa, động tác sinh lý là một thứ lao động, hoặc sản xuất ra đứa trẻ hoặc sản xuất ra sự khoái lạc, còn chữ play thì coi như tương đương với chữ chơi: chủ yếu là tìm khoái lạc. Người ta ưa dùng chữ dân chơi, playboy, playgirl hơn gái chơi, làng chơi.

Xuất phát từ những hình ảnh vô thức tập thể và cá nhân vô cùng mung lung, huyền hoặc của các dân tộc (tạo dựng trời đất, đội đá vá trời, cột trụ trời, đếm sao, đào sông xây rú...) tôi tự hỏi những con người thần thoại đầu tiên đó làm nghề gì mà nói tới lao động, sản xuất? Không thể là nhà văn, nhà thơ vì với chữ nghĩa làm sao xây cột trụ trời (thần thoại Việt, Mường, Mèo, Thái, Ba Na...) cũng không thể là nhà thiết kế thời trang vì hồi đó ông Adam và bà Eve ở truồng đâu biết tới quần áo, tôi nghi rất có thể họ là công nhân xây lắp của một xí nghiệp lớn liên lục địa. Nghề của họ, bằng những động tác mạnh mẽ, đục đẽo, đóng khớp, đóng ngàm, kết nối các nguyên vật liệu là làm đặc cái rỗng, rỗng cái đặc, đầy cái vơi, vơi cái đầy nhằm tạo ra được một công trình đồ sộ, hữu ích cho nhân loại (Ai vác dùi đục đi hỏi vợ/ hay ăn đi ở vú, hay đú đi làm nàng hầu / đêm đông đốt đèn đi đụ đĩ / đỏng đảnh, đú đởn, đắp đít, đắp đập) Từ những liên tưởng miên man trên tôi hiểu được tại sao các động tác đụ, đéo, địt , đếch, đút giữa người nam và người nữ lại có thể tạo ra những tiểu phẩm kháu khỉnh ngộ nghĩnh (truyền chủng) hoặc những khoái cảm sướng ngất đưa con người lên tận chín tầng mây xanh (tạo khoái lạc). Thế nhưng đánh rắm (tiếng Bắc) và địt (đánh địt, tiếng Nam) có liên quan gì với chức năng truyền chủng hay tạo khoái lạc đâu? Đánh rắm và đánh địt đều là đánh nghĩa là dùng một sức mạnh tác động lên một sự vật (kênh xáng, xáng cho một cái bạt tai / mẹ tôi xáng cái địt, cha tôi cưỡi ngựa chạy như hít, chạy đi chạy lại địt mẹ chưa khít...) Cả hai đều đùn đẩy một sự vật gì từ trong ra ngoài, gây mùi khó chịu (vãi rắm, vãi địt, vãi cứt / trong hang trong hốc lốc nhốc bò ra, cả huyện cùng nha không ai bắt được / trông ra nào thấy đâu nào, hương thừa dường hãy ra vào nơi đây) Cái được đẩy ra ngoài là đồ phế thải (pet honteux = rắm ngầm, pet de maçon = rắm vãi cứt) Tuy nhiên, địt (đánh địt) và đụ rất khác nhau: ï một đằng thuộc chức năng bài tiết, một đằng thuộc chức năng truyền chủng và tạo khoái lạc. Dĩ nhiên người ta cũng hay nói ăn, ngủ, đụ, ỉa nhưng cái khoái do bài tiết không thể so sánh với cái cực khoái kia được. Khi coi địt hoặc đánh địt có nghĩa là đánh rắm thì ta chú ý tới đặc tính gây tiếng và gây mùi (đánh rắm ngầm, bỏ bom, cây thối địt / bủm - chỉ túm miệng túi gì đó, bủm - là tiếng “ắm” thối theo gió, càng nín - lại càng nổ tiếng to, chó cũng giật mình - vẫy đuôi gió) khi coi địt đụ, đéo thì chúng ta chú ý tới mặt chức năng và mục đích của thao tác.

b) Ở một trình độ cao hơn, ngôn ngữ tục để chỉ cơ quan sinh dục và bài tiết hoặc động tác của chúng đều có một ý nghĩa văn hoá, tách khỏi ý nghĩa vật chất, sinh lý. Để vui đùa, giải trí / để mô tả những tình cảm tâm lý, xã hội để chửi tục một cách văn hoá (văn hoá chửi)

-Dán bùa lồn mèo: việc làm khó khăn, vô ích
-Đĩ cái, đĩ đực, đĩ ngựa, gái đĩ trăm thàng, ngủ với trai
-Phá trinh, chữ trinh còn một chút này, hoa tàn nhụy rữa
-Thối địt, thối dái, thối mồm, thối ruột
-Chó đẻ/ chó đéo, chó chết, dái chó, cả ngày lông nhông ngoài đường như chó dái / (nói chó đéo nhưng không nói chó đụ hoặc chó địt.)
-Đừng có đụng vô dái ngựa
-Mười con gái không bằng hòn dái con trái
-Trăm con trai không bằng lỗ tai (chim) con gái
-Ăn độc chốc đít / Tối bẩy ngày ba vào ra không kể
-Trai có vợ như giỏ có hom
-Trai có vợ như lỗ tiền trôn
-Tào Tháo đuổi, chạy vãi cứt / vãi rắm, vãi địt
-Vợ chồng sống gửi thịt, chết gửi xương
-Vừa đéo vừa run / sướng bỏ mẹ/ sướng chết được (...)

Tạm kết

Về ngôn ngữ tục ta có thể tạm kết luận:

1. Phương Tây: (một số nhà biên khảo, nhà văn) coi trọng dương vật, xem như trung tâm quyền lực, văn hoá, văn minh, mọi giá trị... Phương Đông: quan niệm khác, Âm Dương tương sinh tương hợp, lao động và ngôn ngữ mới góp phần hình thành các giá trị văn hoá văn minh.

2. Phương Tây (do ảnh hưởng tôn giáo) có thái độ né tránh, đạo đức giả đối với vấn đề sex, số người còn mù mờ về chức năng truyền chủng và chức năng tạo khoái lạc không phải là ít. Phương Đông, vấn đề khác hẳn (Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam...)

3. Cần phân biệt những đòi hỏi sâu thẳm, chính đáng của con người với những gò bó, phép tắc của xã hội, tôn giáo, đó là hai cái khác nhau. (Phần tạm kết mới được viết hồi tháng 9/2007)

 

Nguyễn Trọng Văn
viết xong, Noel 2003, đọc lại lần 1, 9/ 2007.

 

 

VÀI LỜI CỦA NGUYỄN HƯNG QUỐC VỀ BÀI “NGÔN NGỮ ‘TỤC’”

 

Tôi rất thích tính chất hoà nhã trong ngôn ngữ tranh luận của Nguyễn Trọng Văn. Tiếc, tôi không đồng ý với anh được nhiều điều. Tôi không nghĩ là anh hiểu đúng cái ý đồ chiến lược mà tôi đặt ra trong bài viết của mình. Nguyên nhân có thể do tôi thất bại trong việc diễn đạt tư tưởng của mình. Cách khắc phục: viết lại bài viết khác. Cũng có thể đó là một điều tự nhiên trong nghiên cứu: chỉ cần chênh tầm nhìn hoặc lệch góc nhìn, người ta sẽ thấy những điều khác hẳn nhau. Cách khắc phục: kiên nhẫn. Hơn nữa, đó cũng có thể là điều tự nhiên trong văn chương: vốn có tính liên văn bản, văn chương bao giờ cũng đa nghĩa và cũng khá hàm hồ, lúc nào cũng có khả năng dẫn đến những cách diễn dịch khác với ý định ban đầu của tác giả hay với những người đọc khác. Cách khắc phục: bất khả!

Chấp nhận tính đa nghĩa và sự hàm hồ của văn chương cũng có nghĩa là phải chấp nhận, trong những chừng mực nhất định, sự tự do diễn dịch và phát hiện của người khác. Do đó, tuy không đồng ý, tôi vẫn hoan nghênh những nỗ lực tìm tòi “một phương pháp tiếp cận mới” về ngôn ngữ tục của Nguyễn Trọng Văn. Biết đâu, từ đó, anh sẽ có được những phát hiện thú vị và bổ ích trong một đề tài còn khá mới mẻ và còn khiến nhiều người ngại ngần này.

Bản thân tôi, sau khi viết xong bài “Con cặc” vào cuối năm 2003, vẫn tiếp tục bị ám ảnh bởi đề tài văn hoá tục, ở đó, cái tục được nhìn như một văn bản, một biểu tượng, một thứ địa-chính trị và đồng thời cũng là một thứ mỹ học. Chính vì vậy, tôi vẫn tiếp tục sửa và bổ sung bài viết của mình. Chương “Văn hoá tục” (bản mới) in trong cuốn Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học do Văn Mới xuất bản đầu năm nay (2007) – và được đăng lại trên Tiền Vệ hôm nay - chắc không phải là ấn bản cuối cùng.

NHQ

 

_________________________

[*]Trong năm qua, hai bài tiểu luận có giá trị của NHQ là "Tính đại chúng, kẻ thù của văn học""Con cặc". Tôi ngần ngừ, lẽ nào ôm cả 2 em Vân lẫn em Kiều? Cuối cùng tôi viết 2 tờ giấy bỏ vào thùng phiếu (như đảng Dân chủ với Cộng hoà ở Mỹ ấy) tôi xóc và oái oăm thay, tôi vớ ngay: “Con cặc” (Trần Wũ Khang, Một năm “top ten” văn chương, Tiền Vệ, 2004).

[**][Phụ chú của Tiền Vệ] Nguyễn Trọng Văn đã nhầm lẫn ở điểm này. Ông tưởng rằng chữ HYMEN (màng trinh) là tiếng Anh thuần tuý, nên ông cho rằng MEN ở đây là số nhiều của MAN. Thực ra, chữ HYMEN xuất phát từ tiếng Hy-lạp Ὑμέναιος (HYMENAIOS) tức là tên vị thần của hôn lễ (theo thần thoại Hy-lạp). HYMENAIOS thường đến dự tất cả các cuộc hôn lễ. Nếu ông không dự cuộc hôn lễ nào, thì cuộc hôn lễ ấy sẽ trở thành tai hoạ. Vì thế, trong các cuộc hôn lễ ở Hy-lạp, người ta có phong tục chạy vòng quanh và gọi thật lớn tên thần HYMENAIOS.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021