thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nishiwaki Junzaburo và việc cách tân ngôn ngữ thơ

I

Mùa Giáng Sinh năm 1956, khi đang nằm tại Saint Elizabeths Hospital, thi sĩ và phê bình gia Ezra Pound -- người thường được xem là "nhà thơ của những nhà thơ" vì những ảnh hưởng sâu sắc của ông đối với nền thơ Anh ngữ thế kỷ 20 -- nhận được một bưu phẩm, trong đó có bản Nhật ngữ tập Hugh Selwyn Mauberley của ông do Iwasaki Ryozo dịch. Khi gửi cho Pound bưu phẩm này, Iwasaki còn gửi kèm theo một bài thơ Anh ngữ của một người bạn. Đó là một bài thơ dài, có nhan đề January in Kyoto. Đầu năm 1957, trong bức thư hồi âm của Pound có những đoạn sau:

Thực là một mùa Giáng Sinh sung sướng nhất của tôi, và tôi xin cảm ơn ông về hai điều ngạc nhiên đầy thú vị. Bản in trang nhã của 'Mauberley' (& những bài thơ khác), và bài thơ "Janus" của J.N. [...] Junzaburo có một thứ Anh ngữ sinh động hơn bất cứ người nào tôi từng thấy trong nhiều năm qua [...] Tôi đã thưởng thức bài thơ Janus đó hơn bất cứ những gì tôi từng bắt gặp trong nhiều năm qua.[1]

Pound gọi bài thơ là "Janus" vì hình ảnh trung tâm của bài thơ là vị thần Janus. Theo thần thoại La Mã cổ đại, Janus là thần của mọi sự khởi đầu, của tháng Giêng, của những lối ra (januae), những cổng xuất quân (jani), và có biểu tượng là chiếc đầu mang hai khuôn mặt nhìn về hai hướng Đông và Tây. J.N. là hình thức viết tắt tên của Nishiwaki Junzaburo (gọi theo cách Anh ngữ là Junzaburo Nishiwaki). Trong bức thư, quả thực Pound chỉ lướt qua đôi lời về hình thức trang nhã của bản in tập thơ dịch Nhật ngữ của ông, và dành nhiều lời để tán thưởng bài thơ Anh ngữ của Nishiwaki Junzaburo.

Sau đó, ông lại viết thêm một bức thư nữa gửi đến Iwasaki Ryozo:

Ryozo Iwasaki thân mến,
Không giải thưởng văn học nào hoặc bằng khen của hội đồng giám khảo nào có thể chuyển được trọng lượng của một phụ âm hay đổi được trường độ của một nguyên âm, nhưng xét về mặt thực tiễn, nếu ở nước bạn có những tổ chức như Hàn Lâm Viện Nhật Bản hay cơ quan có thẩm quyền nào đó, thì cũng không hại gì khi giới thiệu tác phẩm của Junzaburo Nishiwaki đến Hàn Lâm Viện Thụy Điển; tôi nhớ rằng họ chưa vinh danh một người Nhật nào.[2]

Khi nhận được bài thơ Anh ngữ của Nishiwaki Junzaburo, Ezra Pound không biết rằng nhà thơ Nhật đã thôi làm thơ Anh ngữ. Lúc ấy, Nishiwaki Junzaburo đã 63 tuổi và đã là nhà thơ hàng đầu của Nhật Bản. Tháng Giêng năm ấy, Nishiwaki Junzaburo đã vinh dự trở thành viện sĩ của Nihon gakujutsu kaigi (Hội đồng khoa học Nhật Bản); tháng Hai năm ấy, ông đã được trao giải thưởng Yomiuri cho tập thơ Dai san no shinwa ('Đệ tam thần thoại'). Pound cũng không phải là tiên tri để biết rằng Nishiwaki sẽ còn sáng tác thêm 25 năm nữa và cho ra đời thêm 9 tập thơ Nhật ngữ nữa trước khi qua đời vào năm 1982.

Tuy nhiên, những bức thư của Pound cũng đã cho người Nhật Bản thấy thêm một mặt khác của thi tài Nishiwaki, đồng thời cho người Nhật lúc ấy thấy tầm cỡ của Nishiwaki đối với thế giới. Trước đó, Pound đã nổi danh là một nhà phê bình đầy khám phá. Chính ông đã khám phá và diễn giải giá trị văn chương của Robert Frost, D.H. Lawrence, James Joyce, và sự khám phá và diễn giải của ông đã đưa hai nhà thơ T.S. Eliot và W.B. Yeats đến với giải Nobel văn chương. Do đó, những bức thư của Pound đã thúc đẩy Nhật Bản chính thức giới thiệu Nishiwaki đến Hàn Lâm Viện Thụy Điển như một ứng viên của giải Nobel văn chương vào mùa thu năm 1957.

Tất nhiên, Nishiwaki đã không đoạt giải Nobel, vì số lượng thơ của ông sáng tác bằng ngoại ngữ hay được dịch ra ngoại ngữ lúc ấy còn quá ít nên hội đồng văn chương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển không thể đánh giá được. Tuy nhiên, đây không phải là điều chính yếu tôi muốn đề cập trong tiểu luận này. Điều chính yếu là nỗ lực cách tân ngôn ngữ thơ Nhật bản của Nishiwaki -- một nỗ lực được khởi sự và đạt kết quả bằng một phương pháp độc đáo: Nishiwaki đã dùng ngoại ngữ để cách tân thơ Nhật ngữ.

II

Trước khi làm thơ bằng Nhật ngữ, Nishiwaki đã bỏ ra nhiều năm để chỉ làm thơ bằng ngoại ngữ. Tập thơ đầu tay của ông, Spectrum, được viết bằng Anh ngữ, do nhà Cayme Press xuất bản tại London năm 1925. Gần bốn mươi năm sau đó, khi nhìn lại giai đoạn sáng tác đầu tiên của mình, ông đã nhận định:

Lý do tôi đã không làm thơ bằng Nhật ngữ là vì tôi đã thấy rõ rằng, để làm thơ bằng Nhật ngữ, tôi hẳn đã phải sử dụng một thứ ngôn ngữ "văn chương" hay một phong cách "trau chuốt" đã quá lỗi thời. Khi làm thơ bằng Anh ngữ, tôi đã có thể tránh được điều này.[3]

Quả thế, vào những năm 20 của thế kỷ này, các nhà thơ Nhật Bản phải đối diện với một tình thế hết sức gay go. Thời Minh Trị (1868-1912) đã là một tiến trình hiện đại hoá xã hội về mọi phương diện. Ra đời năm 1894, Nishiwaki lớn lên trong thập niên thứ tư của tiến trình cách tân văn học Minh Trị. Tuy nhiên, lúc ấy, sức mạnh của các loại thơ cũ như tanka, haiku, và kansi (thơ theo phong cách Trung Quốc), cũng như thái độ ngôn ngữ nhuốm mùi cổ điển ước lệ còn giữ vai trò thống trị. Mãi đến 1917, ngôn ngữ thông tục mới bắt đầu được đem vào thơ với sự ra đời của thi tập Tsuki ni hoeru ('Sủa trăng') của Hagiwara Sakutaro. Đó là thi tập đầu tay của Hagiwara Sakutaro và do chính tác giả bỏ tiền ra để in vì không nhà xuất bản nào chấp nhận. Nishiwaki Junzaburo nhận định về Hagiwara Sakutaro như sau:

Hagiwara Sakutaro là một trong những người chỉ đạo tinh thần của tôi. Những chủ đề thơ của ông, (chủ yếu là cảm thức thi tính của ông), ngôn ngữ và phong cách của ông đã làm tôi hài lòng. Nhờ tác phẩm xuất sắc của ông mà lần đầu tiên tôi cảm thấy thích thơ Nhật Bản. Tôi vẫn tiếp tục nghĩ rằng tác phẩm của ông là thứ thơ Nhật Bản tôi yêu thích nhất.[4]

Sau đó, những phong trào thơ mới bắt đầu lần lượt nổi lên:

- Ngày 15 tháng 8 năm 1920, Wakatsuki Shiran viết bài giới thiệu về Dada trên nhật báo Yorozuchòhò. Lập tức bài báo bị các nhà thơ thủ cựu phản công kịch liệt. Năm 1922, Takahashi Shinkichi bắt đầu làm thơ Dada; và năm 1923, ông tung ra tập thơ Dada đầu tiên của Nhật Bản, với nhan đề Dadaisto Shinkichi no shi ('Thơ của người Dada Shinkichi').

- Tháng 12 năm 1921, Hirato Renkichi đứng trên đường phố đông đúc của Tokyo, phân phát tờ truyền đơn "Nihon miraiha sengen undò" ('Tuyên ngôn phong trào vị lai chủ nghĩa Nhật Bản'). Hành động này làm đa số người trong thi giới đương thời choáng váng, vì lần đầu tiên họ thấy một thi sĩ đang hoạt động cho thơ trên đường phố thay vì cô đơn cặm cụi trong phòng văn.

- Tháng 1 năm 1923, tập san Aka to kuro ('Đỏ và đen') ra đời với sự hợp tác của Hagiwara Kyòjirò, Okamoto Jun, Kawasaki Chòtarò và Tsuboi Shigechi. Trên bìa tập san là tuyên ngôn của trường thơ vô chính phủ do Tsuboi viết:

Thơ là gì? Thi sĩ là gì? Vứt bỏ tất cả mọi ý niệm từ quá khứ, chúng tôi mạnh dạn tuyên bố "Thơ là một trái bom! Thi sĩ là một tên tội phạm mờ ám ném bom vào những bức tường và cánh cửa kiên cố của ngục tù!"[5]

- Năm 1925, một số bài thơ siêu thực của Paul Éluard và Louis Aragon được Kitasono Katsue lần đầu dịch ra Nhật ngữ. Tháng 11 năm 1927, Kitasono Katsue sáng lập tạp chí thơ siêu thực đầu tiên của Nhật Bản Shòbi - majutsu - gakusetsu ('Hoa hồng - ma thuật - lý thuyết').

Trong suốt thời gian từ 1922 đến 1925, Nishiwaki Junzaburo không có mặt ở Nhật Bản. Ông đang ở Anh quốc, và cũng đang nỗ lực làm mới ngôn ngữ thơ Nhật Bản theo cách của riêng mình: ông làm thơ bằng ngoại ngữ.

III

Từ lúc còn trẻ, Nishiwaki đã mê Anh ngữ và biểu lộ năng khiếu về ngoại ngữ. Ông cũng bắt đầu yêu thơ sau khi đọc các bài thơ Hán ngữ của Trung quốc. Tuy nhiên, ông lại chán ghét thơ Nhật ngữ đương thời. Thời ấy, các nam sinh Nhật Bản có thói làm dáng trí thức bằng cách đọc văn chương Nhật ngữ và làm thơ haiku hay tanka. Để tăng thêm vẻ "nghệ sĩ", họ còn bày ra trò uống sake và kéo nhau đi chơi điếm. Nishiwaki cho rằng cái "thế giới văn chương" đó là sáo rởm, và ông thấy tính sáo rởm đó nằm ngay trong tác phẩm của các nhà thơ nổi danh đương thời, kể cả phái cổ điển lẫn phái tự nhiên. Do đó, ông tìm vui trong ngoại ngữ, cổ thi, và hội hoạ.

Năm lên 17 tuổi, vào tháng 4 năm 1911, ông được nhận làm môn đệ của hoạ gia hiện đại lừng danh Fujishima Takeji, và được dịp gặp gỡ với những nhà danh hoạ khác như Kuroda Seiki và Shirotaki Ikunosuke. Nhưng chỉ một tháng sau đó, giấc mộng đi Paris học hội hoạ đành than vỡ vì thân phụ của ông đột ngột qua đời, để lại một gánh nặng về kinh tế cho gia đình. Nishiwaki buộc lòng quay lại với chương trình học phổ thông. Mất niềm vui hội hoạ, ông trở lại với ngoại ngữ và bắt đầu say mê Shakespeare. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình, Nishiwaki theo ngành Kinh Tế học tại Đại Học Keiò. Tuy nhiên, trong những năm đại học, ông say mê học tiếng Hy Lạp, La Tinh, Đức ngữ, và bắt đầu làm thơ bằng Anh ngữ. Ông nhận thấy rằng chỉ với việc làm thơ bằng ngoại ngữ ông mới có thể tách mình ra khỏi không khí thơ cách tân nửa mùa của những nhà thơ lừng danh lúc ấy như Shimazaki Tòson, Kanbara Ariake, Ueda Bin và Kitahara Hakushu. Trong những giờ Kinh Tế học, ông lén đọc những tác phẩm văn chương ngoại ngữ của Turgenev, Tolstoy, Baudelaire, Rimbaud, Verlaine, Flaubert, Maupassant, Symons, Pater, Yeats, Wilde, Dostoyevsky, Nietzche, Verhaeren và Maeterlinck.

Năm 1917, ông tốt nghiệp Kinh Tế học với một luận án viết hoàn toàn bằng tiếng La Tinh. Vì toàn ban giảng huấn không ai đọc được, nên ông được yêu cầu viết một bản tóm lược. Với bản tóm lược dài chỉ 15 trang, ông tốt nghiệp đại học. Từ đó, trong giới đại học nổi lên lời đồn rằng: "Nishiwaki tốt nghiệp với luận án chỉ 15 trang giấy."[6]

Ngay sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu gửi đăng thơ và tiểu luận trên tạp chí Eigo bunkaru ('Anh quốc văn học'). Nhờ những tác phẩm xuất sắc viết bằng Anh ngữ, năm 1922 Nishiwaki được Đại Học Keiò gửi đi du học về văn chương Anh quốc, phương pháp phê bình, và ngữ học, tại Đại Học Oxford. Đến Anh quốc, Nishiwaki được dịp kết bạn với nhiều nhà văn, nhà thơ và hoạ sĩ trẻ ở London, trong số đó người thân nhất với ông là tiểu thuyết gia John Collier.

Nishiwaki giới thiệu cho Collier những bài thơ Anh ngữ ông viết từ lúc còn ở Nhật Bản và bị Collier chê ngay là lạc hậu. Ông thất vọng, nhưng sau khi được Collier cho đọc thi phẩm The Waste Land của T.S. Eliot, ông nhận ra ngay nhược điểm của mình: máu lãng mạn cuối mùa của Nhật Bản đã khiến thơ Anh ngữ của ông chịu ảnh hưởng thi phong của John Keats. Ông quyết tâm rũ bỏ nhược điểm ấy bằng cách theo Collier để tìm hiểu nhiều trường phái hiện đại của châu Âu lúc bấy giờ, như Dada, siêu thực, lập thể, biểu hiện, vị lai. Ông nghiên cứu hội hoạ của Van Gogh, Picasso và Matisse, vũ điệu của Diaghilev và âm nhạc của Igor Stravinsky. Ông say mê Pound, Eliot, Joyce và Wyndham Lewis. Ông mua không sót một tác phẩm nào của Eliot để nghiền ngẫm (khi trở về Nhật Bản, ông đã dịch The Waste LandFour Quarters của Eliot ra Nhật ngữ và viết nhiều tiểu luận về Eliot). Năm 1922 cũng là lúc Joyce cho ra đời cuốn Ulysses, và Nishiwaki mua đọc ngay. Ông đến với tác phẩm của Joyce một cách đặc biệt nghiêm túc và tìm thấy nhiều điều cần học hỏi ở đó. Sau này, năm 1933, ông hoàn thành việc dịch ra Nhật ngữ và xuất bản một tuyển tập gồm một số bài thơ của Joyce cùng với một số đoạn trong Finnegans Wake (lúc ấy Joyce chỉ mới công bố những đoạn này; năm 1939, cuốn Finnegans Wake mới chính thức được xuất bản toàn bộ). Niềm sùng mộ của Nishiwaki đối với Joyce còn kéo dài đến những năm 60, thể hiện qua nhiều tiểu luận ông viết về Joyce.

Năm 1923, trong khi đang học ở Đại Học Oxford, ông đã tìm cách đi Pháp quốc để theo dõi những phong trào cách tân nghệ thuật ở đó và học hỏi được nhiều điều từ hội hoạ ấn tượng. Trở về Anh quốc, bài thơ "A Kensington Idyll" của Nishiwaki đã được vinh dự chọn đăng trong tập san thơ The Chapbook số 39, cùng lượt với bài thơ "Doris's Dream Song" của Eliot. Năm 1925, tập thơ Anh ngữ đầu tay của ông, Spectrum, ra đời và được giới phê bình văn học Anh quốc đánh giá rất cao. Đồng thời, ông cũng hoàn thành tập thơ Pháp ngữ Une montre sentimentale. (Sau đó, vào năm 1930, ông còn xuất bản ngay tại Tokyo một tập thơ Anh ngữ có nhan đề Poems Barbarous; và hoàn tất một tập thơ Anh ngữ khác với nhan đề Exclamations: Music of the Soul.)

Tháng 11 năm 1925, Nishiwaki trở về Nhật Bản và nhậm chức giáo sư văn chương tại Đại Học Keiò. Với một ý thức mới về nghệ thuật, ông đã đào tạo được những nhà thơ rường cột của văn học Nhật Bản hiện đại như Ueda Toshio, Takiguchi Shùzò, Satò Saku, Ueda Tamotsu và Miura Kònosuke. Những bài giảng của ông đã để lại những ấn tượng cực kỳ sâu sắc trong tư duy sáng tạo của các nhà thơ trẻ ấy và gây nên một niềm đam mê cách tân trong tâm hồn họ. Satò Saku kể lại:

Mỗi tuần, sau bài giảng của Giáo Sư Nishiwaki, chúng tôi có thói quen tụ tập tại một quán cà-phê ở Mita và bàn luận về thơ. Chúng tôi chỉ trả tiền cho một tách cà-phê nhưng ngồi suốt nhiều giờ. Nhưng điều đó cũng chưa đủ; chúng tôi kéo nhau đến tư gia của Giáo Sư ở Tengenji và tiếp tục nói đến quá nửa đêm. Nhìn lại, tôi thấy chúng tôi quả là một đám gây phiền nhiễu quá độ, nhưng ông ấy vẫn vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Phòng của ông ấy ngập ngụa khói thuốc lá và ánh đèn bị khói thuốc lá làm mờ hẳn đi. Trên bàn giấy, ngổn ngang những tập thơ ngoại ngữ: Lautréamont, Rimbaud, Breton, Goll, v.v... Chúng tôi nhìn ngắm những bức tranh và những bức tượng Phi châu và đàm luận không ngừng về những lý thuyết thơ từ thời cổ đại đến hiện đại. Tuần nào chúng tôi cũng làm như thế.[7]

Năm 1926, Nishiwaki cho đăng những tiểu luận quan trọng trên tập san Mita bungaku ('Văn học Mita'), và năm 1929 ông cho xuất bản tập tiểu luận Chògenjitsushugi shiron ('Thi pháp siêu thực'). Tháng 12 năm 1927, ông chủ biên tuyển tập thơ siêu thực đầu tiên của Nhật Bản, Fukuikutaru kafu yo ('Ôi, đồ xúc than thơm tho') gồm các tác phẩm của chính ông và các môn đệ. Tuyển tập này đánh dấu sự cách tân triệt để đầu tiên trong ngôn ngữ thơ hiện đại Nhật Bản.

IV

Như chúng ta đã thấy, trước và đồng thời với những nỗ lực cách tân của Junzaburo Nishiwaki đã có những nỗ lực của những người Nhật Bản khác thể hiện qua các tuyên ngôn và tập san văn học. Tuy nhiên, giới nghiên cứu văn học Nhật Bản đồng thanh công nhận ông chính là nhà thơ hiện đại đầu tiên của Nhật Bản. Lý do là vì chỉ với ông ngôn ngữ thơ Nhật Bản mới thực sự thoát khỏi những ám ảnh mỹ học cũ. Trong khi hầu hết những nhà thơ khác, dù kêu gào "làm mới", vẫn còn nặng lòng với ý tưởng "làm đẹp" tiếng mẹ đẻ bằng cách này hay cách khác. Chỉ có Nishiwaki can đảm mở cửa để những cấu trúc ngôn ngữ mới lạ từ những phương xa du nhập vào và cách tân tiếng mẹ đẻ.

Từ năm 1917, với tập thơ Tsuki ni hoeru ('Sủa trăng'), Hagiwara Sakutaro đã cố gắng làm mới thơ Nhật Bản bằng cách đem ngôn ngữ thông tục vào thơ, nhưng cố gắng ấy chỉ mới có tác dụng phá vỡ tính cách ước lệ mỹ miều của ngôn ngữ cổ điển và đem thơ đến gần hơn với tiếng nói của dân gian. Những nhà thơ như Natsume Sòseki và Takamura Kòtarò cũng đã du hành ra ngoại quốc, nhưng lại trở về Nhật Bản với hai bàn tay trắng và những tâm trạng chua chát trước thái độ "da trắng" hay "thực dân" mà họ đã phải chịu đựng trong những năm tháng bơ vơ nơi xứ người. Natsume Sòseki du học ở Anh quốc từ 1900 đến 1902, nhưng quay về cố quốc trong một tâm cảm cay đắng, mang triệu chứng đau thần kinh, và suốt đời thù Anh quốc, vì ông đã không thể tìm thấy một ý nghĩa gì trong đời sống và nghệ thuật của xứ người. Takamura Kòtaro cảm thấy chính ông là nạn nhân của tinh thần kỳ thị chủng tộc trong những ngày tháng ở Hoa Kỳ và Pháp quốc, để rồi trở về Nhật Bản và cuồng nhiệt ủng hộ hoàng gia và làm thơ ái quốc suốt thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Nishiwaki Junzaburo thì khác: ông luôn luôn sống với một cái nhìn khách quan đối với thế giới; nói như Hirata Hosea, Nishiwaki đã thực hiện một "chiến lược cách ly" (strategy of distance)[8] đối với cả quê hương lẫn ngoại quốc, và bằng chiến lược này ông có thể sáng suốt nhìn thấy tất cả những điểm yếu và mạnh, cũ và mới của mọi nền văn hoá. Khả năng lạ thường về ngoại ngữ và kiến thức cực kỳ uyên bác về văn hoá và nghệ thuật Đông Tây đã hỗ trợ ông rất nhiều trong chiến lược này. Ông nhận thấy rằng chỉ có thể hiện đại hoá thơ Nhật Bản bằng sự chuyển dịch chủ nghĩa hiện đại của thế giới Tây phương vào Nhật Bản.

Quả thế, để hiện đại hoá, thơ Nhật Bản phải làm sao trút bỏ được các thể thơ cũ với những tiết tấu, nhạc điệu và phong cách ngôn ngữ khuôn sáo mà chúng vẫn đòi hỏi. Tuy nhiên, từ ý thức về sự trút bỏ đến việc thực hiện sự trút bỏ có một khoảng cách rất xa và nhiều chông gai. Ngay từ đoạn đầu của thời Minh Trị, có những nhà thơ đã tìm cách dịch và giới thiệu thơ Tây phương vào ngôn ngữ Nhật Bản với hy vọng phát khởi một cảm hứng mỹ học mới: năm 1882, xuất hiện tập thơ dịch đầu tiên, Shintaishi shò ('Tân thái thi tập'); rồi năm 1889 có tập Omokage ('Những ngấn tích'); và năm 1905 có tập Kaichòon ('Hải triều âm'). Tuy nhiên, phần đông độc giả và thi giới Nhật Bản đã không học hỏi được điều gì mới lạ trong những tập này, vì các dịch giả đã sử dụng ngôn ngữ khuôn sáo cũ của thơ Nhật Bản để Nhật hoá tất cả những bài thơ ngoại ngữ. Nói cách khác, trong quá trình chuyển ngữ, các dịch giả đã hầu như biến thơ hiện đại Tây phương thành thơ cũ Nhật Bản.

Tuy nhiên, một số người đọc có cảm thức mỹ học nhạy bén đã mang máng cảm nhận được một chút gì mới hoặc lạ trong những bài thơ dịch ấy: đó là thái độ sử dụng ngôn ngữ thông tục trong thơ và thể thơ tự do của các nhà thơ Tây phương. Và chính điều này đã thúc đẩy Hagiwara Sakutaro hoàn thành tập thơ Tsuki ni hoeru ('Sủa trăng') vào năm 1917. Ông là người Nhật Bản đầu tiên dùng ngôn ngữ thông tục và jiyùshi (tự do thi) để làm thơ; và tập thơ của ông đánh dấu sự chuyển mình đầu tiên trong thơ Nhật Bản thời kindai (cận đại). Nishiwaki Junzaburo đã cảm nhận ngay được cái chuyển mình đó, và rắp tâm thực hiện một cuộc đổi mới toàn triệt. Tuy nhiên, chính Hagiwara lại không thể bước thêm bước nào nữa và cuối cùng quay trở về với ngôn ngữ ước lệ cổ điển trong tập thơ cuối đời có nhan đề Hyòtò ('Băng đảo') năm 1934. Hagiwara đã công khai thú nhận sự thất bại của ông:

Sau những nỗ lực tuyệt vọng nhằm khám phá một ngôn ngữ mới cho thơ Nhật Bản, cuối cùng tôi đã quay trở lại với thứ ngôn ngữ văn chương lão suy. Làm như thế, tôi đã bỏ rơi sứ mệnh văn hoá của một nhà thơ. Tôi đã già rồi. Cầu chúc các nhà thơ trẻ nổi lên và vạch ra một con đường mới, một con đường mà tôi đã không thể xây dựng nổi trong suốt một cuộc đời.[9]

Sự thất bại của Hagiwara, cũng như của nhiều nhà thơ cùng thời, xuất phát từ chỗ họ không đủ can đảm đương đầu với tinh thần dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi và ấu trĩ. Tinh thần này phản đối và dán nhãn "ngoại lai" lên tất cả những nỗ lực cách tân ngôn ngữ. Nó xem những bài thơ thực sự mới chỉ là những bản dịch vụng của thơ nước ngoài. Nó xem ngôn ngữ thơ mới không phải là ngôn ngữ Nhật Bản.

Trong trạng huống đó, ngôn ngữ mới của Nishiwaki xuất hiện. Sau tuyển tập thơ siêu thực đầu tiên của Nhật Bản, Fukuikutaru kafu yo ('Ôi, đồ xúc than thơm tho'), Nishiwaki nỗ lực thúc đẩy các nhà thơ trẻ lao mình vào con đường mới, vượt qua lực diên trì của không khí thơ đương thời. Năm 1933, ông tung ra tập thơ đầu tiên ông viết bằng Nhật ngữ, Ambarvalia.

Trong khi Hagiwara bị dính chặt vào ngôn ngữ truyền thống và suốt đời tuyệt vọng mơ tưởng đến cõi thơ hiện đại của Pháp quốc,[10] Nishiwaki đem thẳng tính hiện đại của ngôn ngữ thơ Tây phương vào Nhật ngữ. Tập thơ Ambarvalia chủ yếu viết bằng Nhật ngữ, nhưng xen lẫn với Nhật ngữ là một số lượng lớn các câu chữ bằng nhiều ngôn ngữ Tây phương, kể cả tiếng La Tinh. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thứ tiếng Nhật của Nishiwaki đã được mạnh dạn "ngoại hoá" trong các biện pháp tu từ và kết cấu ngữ pháp. Tính cách đa ngữ của tập thơ là một thách đố to lớn đối với óc dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi; và thái độ công khai "ngoại hoá" Nhật ngữ là một thách đố còn to lớn hơn nữa.

Vì hàng rào ngôn ngữ không cho phép chúng ta sử dụng Việt ngữ để đi sâu vào việc bàn luận phong cách sử dụng Nhật ngữ mới lạ của Nishiwaki, tôi chỉ xin trích lại ở đây nhận định của nhà phê bình và nghiên cứu văn học sử Nhật Bản Hirata Hosea đối với tập thơ Ambarvalia:

Trong một khoảnh khắc, chúng ta dường như đánh mất khả năng xét đoán cố hữu của mình -- chúng ta không biết là phải nhăn mặt cau mày hay vỡ ra cười. Tuy nhiên, sự sinh động của thứ ngôn ngữ "thơ" mới lạ này, thứ ngôn ngữ đã bứt phá khỏi những phong cách và cảm thức văn chương Nhật Bản cố hữu, đã để lại ảnh hưởng vĩ đại lên những thế hệ mới của các nhà thơ gendai (hiện đại).[11]

Đường lối cách tân ngôn ngữ thơ Nhật Bản của Nishiwaki có thể làm chúng ta liên tưởng đến Pablo Neruda, nhà thơ Chile đoạt giải Nobel văn chương năm 1971. Nhiều người trong chúng ta đã từng biết về việc cách tân ngôn ngữ thơ của Pablo Neruda trong thi tập Residencia en la tierra ('Trú xứ trên mặt đất'). Các nhà phê bình đều nhận định rằng đây là tác phẩm xuất sắc nhất của Neruda. Với thi tập này, ông đã phá vỡ những khuôn thức truyền thống trong tư duy và ngôn ngữ thơ Tây Ban Nha và Chile, và tạo dựng một phong cách cá nhân cực kỳ độc đáo: nerudismo (phong cách neruda). Các nhà phê bình cũng đều nhận định rằng Neruda hẳn là không thể tạo dựng được phong cách này nếu ông không có cơ hội sống nhiều năm trên những thuộc địa Anh. Chính tiếng Anh đã giúp ông làm mới ngôn ngữ thơ Tây Ban Nha của ông. Cách dùng động từ trong thơ ông không còn là cách Tây Ban Nha hay Chile nữa, mà là một cách mới, chịu ảnh hưởng Anh ngữ, và trở nên đầy sự mới lạ.

Sự thật là thế, nhưng không phải nhà thơ nào sống ở nước ngoài cũng làm được như Pablo Neruda hay Nishiwaki Junzaburo. Trở ngại ngôn ngữ, mặc cảm ngoại nhân, mặc cảm ngoại lai, lòng hoài hương, ý thức dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, và nhiều rào cản khác không ngừng trói buộc ý chí sáng tạo của nhiều người vào những tâm cảm và thói quen ngôn ngữ xưa cũ. Để thực hiện được những điều như Neruda và Nishiwaki, có lẽ các nhà thơ phải có cuộc sống tinh thần như họ. Hãy thử đọc vài lời mô tả cuộc sống tinh thần của Nishiwaki:

Nishiwaki đã thực sự là một vị thần Janus, luôn luôn nhìn thấy cùng lúc cả Đông và Tây, cả thế giới hiện đại và thế giới cổ sơ, cả phái siêu thực và thơ haiku, cả cái tầm thường và cái siêu việt. Không một nhà thơ Nhật Bản nào đã có thể bắt kịp kiến thức quán triệt của ông về văn chương thế giới, từ cổ sơ đến hiện đại. Cùng một lúc ông có thể bàn luận về Piers Plowman và André Breton, chất gây ảo giác của Henri Michaux và một bát xúp miso. Vừa xì xụp ăn bún soba Nhật Bản, ông vừa đùa cợt rằng "Thơ Eliot không đạt thì cũng chẳng phải là chuyện đáng ngạc nhiên; ông ấy đã chả bao giờ nếm thử món này." Khi ông qua đời, ông để lại một bản thảo dài hơn 20 ngàn trang. Đó là một công trình nghiên cứu ngôn ngữ học đối chiếu về cổ ngữ Hy Lạp và Trung quốc mà ông bắt đầu thực hiện ở tuổi bảy mươi.[12]

Kiến thức uyên bác, nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ, và "chiến lược cách ly", đã giúp Nishiwaki đứng vững vàng trên ranh giới phân chia các nền văn hoá Đông Tây để thấy tất cả điểm mạnh và yếu, mới và cũ của cả hai bên. Khi làm thơ Anh ngữ, Pháp ngữ hay La Tinh ngữ, ông đem những cấu trúc đặc thù của Nhật ngữ và Hoa ngữ vào. Khi làm thơ Nhật ngữ, ông đem những cấu trúc lạ lùng của ngôn ngữ thơ Tây phương hiện đại vào. Tất nhiên là khi làm thơ bằng ngoại ngữ hay Nhật ngữ, Nishiwaki cũng đều đặt cơ sở trên tư duy vươn đến sự cách tân về cả ngôn ngữ lẫn thẩm thức mỹ học. Đó là lý do tại sao Ezra Pound đã thấy Nishiwaki tạo được một phong cách thơ Anh ngữ mới lạ. Đó cũng là lý do tại sao người Nhật Bản thấy Nishiwaki tạo được một phong cách thơ Nhật ngữ mới lạ. Pound thấy thơ Anh ngữ của Nishiwaki là kiệt xuất, xứng đáng với giải Nobel văn chương. Văn giới Nhật Bản hiện đại xem thơ Nhật ngữ của Nishiwaki là vĩ đại, xứng đáng được xem như biểu tượng ưu liệt nhất của công cuộc hiện đại hoá văn chương Nhật Bản trong thế kỷ 20.

Những điều này chắc chắn làm chúng ta, những cây bút Việt ngữ đang mang khát vọng về một nền văn chương Việt Nam hiện đại có tầm cỡ, phải suy gẫm.

_________________________

[1]Kodama Sanehide (ed.), Ezra Pound and Japan: Letters and Essays (Redding Ridge, Conn.: Black Swan Books, 1987), 135.

[2]Như trên, 141.

[3]Trích theo tài liệu của tiến sĩ Yasuko Claremont trong bài tham luận "Japan's First Modernist Poet: Nishiwaki Junzaburo (1894-1982)", đọc tại hội nghị Pacific Rim Conference in Transcultural Aesthetics, University of Sydney, June 18-20, 1997.

[4]Như trên.

[5]Hosea Hirata, The Poetry and Poetics of Nishiwaki Junzaburo: Modernism in Translation (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1993), 136.

[6]Như trên, xxi.

[7]Như trên, xxv.

[8]Như trên, xxiv.

[9]Trích theo Ueda Makoto, Modern Japanese Poets and the Nature of Literature (Stanford: Stanford University Press, 1983), 179-180.

[10]Sato Hiroaki and Burton Watson (trans. and ed.), From the Country of Eight Islands: An Anthology of Japanese Poetry (Seattle: University of Washington Press, 1981), 475.

[11]Hosea Hirata, 189.

[12]Như trên, xviii.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021