thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vài nét về tạp chí Việt
Lời ban chủ trương:
Tạp chí Việt chỉ sống có bốn năm, với 8 số báo, nhưng đã gây nên nhiều tranh cãi ồn ào không phải chỉ ở hải ngoại mà còn cả ở trong nước nữa. Cho đến nay, chúng tôi không có ý định viết bài tổng kết những gì Việt đã làm được cũng như những gì nó mơ ước nhưng chưa thực hiện được. Lý do chủ yếu là vì chúng tôi cho công việc của Việt chưa kết thúc: nó vẫn được tiếp tục trên trang nhà Tiền Vệ này. Tuy nhiên, một độc giả và là một Mạnh Thường Quân của Việt, giáo sư Nguyễn Phương Linh, đã tự ý đứng ra làm công việc ấy. Thật ra, với ông, đây chỉ là một sơ kết: ông viết bài này vào đầu năm 2002, khi chúng tôi chưa đi đến quyết định đình bản Việt để chuyển sang làm một diễn đàn trên mạng lưới internet. Mọi sự sơ kết nào cũng có ý nghĩa tương đối: chúng chỉ là một cách nhìn từ một cá nhân nhất định. Nhiều điểm chúng tôi không hoàn toàn chia sẻ. Nhưng ngay cả khi không chia sẻ, chúng tôi vẫn trân trọng trước việc làm đầy nhiệt tình và đầy công phu của một độc giả và một người bạn chân tình của tạp chí Việt.

 Tiền Vệ

Cách đây bốn năm tại Melbourne, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cùng một nhóm văn hữu cho ra đời tạp chí Việt. Từ đó về sau cứ mỗi lần có một số Việt in ra là có những bàn tán xôn xao trong giới người đọc và người cầm bút, cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài. Nhiều người hồ hởi xem sự xuất hiện của Việt như là một biến cố văn học lớn của Việt Nam cuối thế kỷ 20. Nhưng cũng có không ít người đã tỏ ra e dè, lo ngại rằng với chủ trương đổi mới táo bạo Việt sẽ xoá mờ truyền thống văn học “quốc hồn quốc tuý” đã từng nuôi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam trong mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc.

Nhằm tìm hiểu tại sao có nhiều người quan tâm đến Việt như thế, chúng tôi đã tìm đọc lại 8 số Việt đã xuất bản. Ngay trong số đầu, độc giả cũng đã thấy những người trong ban chủ biên là những người nặng tình với quê hương dân tộc. Họ khẳng định “Việt là Việt Nam”, là để “vượt qua đủ loại khoảng cách để gặp lại quê hương” (Việt, số 1, trang 2). Đó là quyết tâm của Việt, là vị trí của Việt, là tình cảm sâu nặng của Việt. Nhưng điều quan trọng hơn là chủ trương của Việt, phần trí tuệ của Việt. Tạp chí công khai tuyên chiến với nền văn học tù đọng hiện nay. Lời tuyên chiến ấy đã được dóng lên rằng họ sẽ “vượt qua những cái cũ, cái sáo, cái giả tạo để tìm gặp văn chương đích thực” (Việt, số 1, trang 2). Phương châm để đi đến một nền văn học nghệ thuật đích thực theo họ là đổi mới, là cách tân triệt để, là phải nâng cao nhận thức của cả độc giả, người sáng tác, lẫn nhà phê bình.

Trọng tâm của bài này là dựa trên những số báo đã in để tìm xem Việt đã cống hiến được gì so với mục tiêu đã đề ra và cần có những điều chỉnh nào để Việt có thể tiếp tục đi trên con đường đã chọn?

**

Trước hết, chủ trương của Việt có thể thấy một phần qua sựï phân bố các thể loại trong 8 số báo Việt. Với tổng cộng 1861 trang (trừ các trang quảng cáo và những bài viết ít liên quan đến văn học), Việt đã dành 1229 trang cho nghiên cứu, phê bình, tiểu luận (bao gồm cả các bài phỏng vấn nghiên cứu).[1] Với 66 % số trang trên tổng số trang trong 8 số Việt dành cho nghiên cứu, phê bình văn học, quả thực Việt là một tạp chí chuyên ngành quán quân trong lãnh vực này. Do đó mà nhiều người đã xem Việt thực sự là một tạp chí phê bình văn học lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài số trang ra, nếu đọc các bài viết không ai có thể phủ nhận giá trị của Việt qua những công trình nghiên cứu công phu trên tạp chí này, đặc biệt là những bài của Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hoàng Văn, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Hoàng Đức và nhiều tác giả khác. Qua những công trình nghiên cứu, Việt đã cung cấp một khối lượng kiến thức cập nhật không nhỏ về văn học nghệ thuật nhằm giúp người đọc có một tầm nhìn bao quát hơn trong việc thưởng ngoạn một tác phẩm văn học.

Trong số 1229 trang nghiên cứu và phê bình, có 148 trang (12% bài nghiên cứu) là bài dịch của 12 tác giả nổi tiếng người nước ngoài. Đây cũng là một chủ trương của Việt nhằm giúp người đọc tiếp cận những quan điểm văn học khác với truyền thống “văn dĩ tải đạo” hay “nghệ thuật vị nhân sinh” mà nhiều người Việt chúng ta có một thời rất mực ham mộ. Những bài chọn dịch từ những tác phẩm của Italo Calvino (số 6), T.S. Eliot (số 1), Charles Jencks (số 7), Richard Kostelanetz (số 1), Barry Lewis (số 7), Jean-Francois Lyotard (số 7), W.J.T. Mitchell (số 1), Rainer Maria Rilke (số 1) là những viên kim cương trí tuệ đầy lấp lánh cần thiết cho một nền văn học đang phát triển như nền văn học Việt Nam hiện nay.

Mục tiêu của nhóm Việt còn thể hiện rất rõ qua chủ đề của mỗi số báo. Số 1 “đặc biệt về thơ”. Thân hữu hưởng ứng cộng tác với Việt có lẽ vì người chủ biên là một người viết rất đẹp về thơ. Do vậy đến với Việt trước hết phải là thơ. Thơ đến với Việt do đó không phải ngẫu nhiên như trong lời nói đầu mà rất tự nhiên. Cũng qua số đặc biệt về thơ này nhóm Việt chủ tâm đánh đổ cái cũ, cái sáo và cái giả tạo trong thơ nói riêng và trong văn học nói chung. Số 2 chú tâm vào “sống và viết ở hải ngoại”. Chủ đích của Việt nhằm phơi bày những vui ít buồn nhiều trong nghiệp viết lách ở ngoài quê hương. Việt số 3 tập trung vào “cái mới trong văn chương” nhằm tháo bỏ những phép tắc, khuôn sáo đã kềm hãm sự đơm hoa kết trái của nền văn học Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua. Số 4 Việt bước vào thế giới của “tình yêu, tình dục và vấn đề phái tính trong văn học”. “Tình dục” và “phái tính” là hai lãnh vực tương đối ít được đề cập đến nếu không nói là cấm kỵ trong văn học Việt Nam trước đây. Số 5 xuất bản đầu năm 2000, năm đầu của thiên niên kỷ mới, tiến xa hơn, Việt bàn đến nền “Cộng hoà văn chương thế kỷ 21” với chủ đề “họ đã viết văn, làm thơ như thế nào?” rồi đi thẳng vào việc phân xẻ công việc viết lách, viết chơi, viết từ kinh nghiệm riêng, viết từ hiện đại đến hậu hiện đại. Số 6 dành cho “văn chương Việt Nam bước vào thế kỷ 21” với những dự đoán về một nền văn học toàn cầu hoá, một nền văn học hypertext. Để rồi qua số 7 Việt đi xa hơn với chủ đề “chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Việt Nam”, cung cấp nhiều thông tin về các chủ nghĩa văn học trên thế giới và vị trí khiêm nhường của văn học Việt Nam. Cuối cùng Việt số 8 giới thiệu các “lý thuyết, phê bình và sáng tác văn học” chuẩn bị cho việc tìm hiểu nền “văn học trong một thế giới đa văn hoá” sẽ xuất bản vào đầu năm 2002.

Thơ là thể loại ưu tiên thứ hai sau nghiên cứu và phê bình. Việt đã để dành 307 trang trong số 1861 trang cho thơ (16.5% tổng số trang trong 8 số báo Việt). Có 58 nhà thơ đóng góp 142 bài thơ và chùm thơ trên 8 số báo.[2] Khác với thể văn nghiên cứu và phê bình ở trên, nhiều độc giả chưa cảm nhận hết cái hay cái đẹp của thơ trên Việt. Thơ trên Việt có thể đã “cách tân” nhưng theo ý nhiều người nó chưa “đẹp” đủ, chưa “thân” đủ, để thơ có thể đến gần độc giả, hoà quyện cùng con người như trong thơ-nhạc của Trịnh Công Sơn. Thơ trên Việt có lẽ đụng chạm nhiều đến trí tuệ của một số người, nhưng chưa thu phục được con tim của đại chúng. Nhiều người chưa thấy cái gì hay trong bài thơ “Đọc Chinh phụ ngâm” cuả Khế Iêm trong Việt số 1 hay “Đọc ca dao” của Lê Văn Tài cũng cùng trong số ấy. Chúng có thể mới nhưng hay và đẹp thì hoàn toàn không. Cũng có thể vì vậy mà mỗi số Việt chỉ có vài ba bài thơ của một số tác giả lạ còn phần lớn là sáng tác của 12 nhà thơ đóng chốt thường xuyên trên Việt. Không có sự đóng góp của nhiều tác giả lạ có thể có nhiều lối giải thích. Một, ngày nay không có nhiều thơ hay và đẹp đủ để được đăng trên Việt. Hai, những lớp áo cách tân triệt để của Việt có thể bị những “đồ đệ say mê cái dị hợm” nặn tim óc để khạc nhả ra những bài thơ mới quá trớn có thể làm cho nhiều người hoảng sợ, tránh xa. Ba, cái mới chỉ có thể dễ dàng được đón nhận khi nó đi đôi với cái đẹp, cái chân, nhưng thơ trên Việt còn thiếu một cái gì đó chưa khuyến khích được nhiều người nhập cuộc.

Chỉ có 325 trang trong 8 số báo dành cho truyện, tùy bút và truyện ngắn.[3] Điều này khiến cho nhiều người nghĩ rằng thể văn này không được Việt xem là quan trọng? Chắc chắn đây không phải là chủ đích của Việt, nhưng sự phân bố số trang như thế đã làm cho nhiều người có cảm tưởng ấy. Đó là một sự phân bố khập khiễng nếu không nói là thiếu công bằng bất lợi về phía thể loại truyện, tuỳ bút, truyện ngắn, mặc dù về nội dung khó có ai có thể phủ nhận được giá trị của 47 truyện, tùy bút và truyện ngắn trong 8 số báo của Việt. Xin hãy đọc một số truyện tiêu biểu: Võ Phiến (“Cô Quì còn không”, 3; “Cái chết như một phát biểu”, 6), Phạm Thị Hoài (“Ám thị”, 4; “Cam tâm”, 8), Võ Đình (“Chuyện của B.”, 6), Mai Ninh (“Hợp âm trong vùng sân khuất”, 5), Phạm Hải Anh (“Xuân Phương Shop”, 6). Đó là những truyện hay, mới và đẹp được viết từ những cây bút thuộc nhiều thế hệ tuổi tác khác nhau và sống trong những khu vực địa lý - chính trị không thuần nhất. Người đọc đã có cơ hội chia sẻ sâu xa với tác giả từng mảng đời lớn nhỏ có quá nhiều biến cố, nỗi thao thức chơi vơi trong từng đêm sâu, những đắng cay ân hận kéo dài hun hút. Nhưng tiếc thay những tác phẩm quý, hiếm đó chưa có nhiều!

Có thể có người cho rằng đây là hiện tượng cạn kiệt đề tài. Dĩ nhiên nhiều người sẽ không đồng ý. Nguyên do trước hết là Việt chưa phát động đồng bộ phong trào cách tân văn học. Trong hơn một nửa thế kỷ qua, người Việt Nam có thừa chất liệu để có thể viết ra những tác phẩm văn học đồ sộ. Vấn đề là người viết văn làm thơ vì nhiều lý do còn hời hợt trong viết lách và chưa thực sự bám sát vào cuộc sống để tìm chất liệu sáng tác. Chất liệu sáng tác ở ngay trong cuộc sống của chúng ta. Người Việt Nam có 20 năm khổ lụy trong chia cắt và cả một thập niên 1960s chịu đựng thảm hoạ chiến tranh ghê gớm nhất trong thế kỷ 20. Rồi sau năm 1975 và tiếp diễn cho đến nay chúng ta là những người mất quê hương hay chịu đựng đau đớn tận cùng ngay chính trên xứ sở của mình. Những tai hoạ và nỗi đau đớn ấy to lớn vô cùng. Đó chính là kho tàng chất liệu vô tận cho mọi công trình sáng tác nghệ thuật.

Nếu khai thác đúng mức chủ đề sáng tác, chúng tôi nghĩ rằng nhà văn nhà thơ sẽ tìm được những đề tài sáng tác từ chính trong cuộc sống của mỗi người và từ trong lòng đất nước mình đã và đang sống. Có người sẽ bảo rằng cần phải có thời gian để có những tác phẩm lớn ra đời. Điều đó không sai nhưng với thời đại công nghệ thông tin ngày nay, với những tài liệu như “Mười ngàn ngày chiến tranh”, với trên 4 triệu trang vi phiếu và gần hàng ngàn cuốn sách viết về cuộc chiến Việt Nam, và rất nhiều tư liệu quí báu khác những tác phẩm văn học lớn có thể ra đời sớm hơn.

**

Đánh giá sơ bộ về sự đóng góp của nhóm chủ trương Việt qua 4 năm làm việc và 8 số báo đã xuất bản, chúng tôi thấy Việt đã hoàn thành một số mục tiêu ban đầu mặc dù còn có những công việc cần phải làm tiếp tục và kiên trì và có một số điều cần điều chỉnh.

Từ ngày ra đời, một trong những đóng góp lớn của Việt là tập trung được một nhóm người viết trẻ từ nhiều nơi. Họ phần lớn là những người trước đây chưa có sự nghiệp viết lách, nhưng qua các bài báo và nếu còn tiếp tục, trong 5 hay 10 năm sau họ sẽ là những nhà nghiên cứu văn học có tầm cỡ của Việt Nam. Chúng tôi cho đây là đóng góp lớn vì nhân sự bao giờ cũng là nhân tố quyết định mọi sự thành bại.

Với 8 số báo, Việt đã đóng góp nhiều bài nghiên cứu có giá trị, nhất là đã giới thiệu một số lý thuyết về văn học và các trường phái văn học có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Xin nêu ra một số bài tượng trưng: Nguyễn Minh Quân với “Lý thuyết và phê bình văn học đương đại…” (số 7) và “chủ nghĩa hậu hiện đại… ( số 8); Hoàng Ngọc-Tuấn với “Thử thưởng thức một tác phẩm văn chương hậu hiện đại” (số 7); Nguyễn Hưng Quốc với “Tiến tới một nền cộng hòa văn chương” (số 6) và “Chủ nghĩa h(ậu h)iện đại và văn học Việt Nam (số 7); Barry Lewis với “chủ nghĩa hậu hiện đại và văn chương” (số 7); W.J.T. Mitchell với “Bảy luận đề về thời hoàng kim của phê bình văn học” (số 1); Richard Kostelanetz với “Bước vào nghệ thuật hiện đại” (số 1); Charles Jencks với “Chủ nghĩa hậu hiện đại là gì?” (số 7). Đây là một đóng góp rất có ý nghĩa, không những cho người đọc trong nước mà ngay cả độc giả hiện đang sinh sống tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Việt cũng đã bàn đến nhiều vấn đề cơ bản có ảnh hưởng đến sự xây dựng một nền văn học lớn như kinh nghiệm thưởng thức một tác phẩm văn học (Hoàng Ngọc Tuấn, số 7), cái mới trong văn chương (Hoàng Ngọc Tuấn, 3; Đỗ Ngọc Yến, 3; Nguyễn Hoàng Đức, 3), vấn đề đạo đức trong một tác phẩm văn chương (Hoàng Ngọc Tuấn, 8), chức năng chính của phê bình (Nguyễn Hưng Quốc, 8), viết về một nền văn học quá độ (Nguyễn Hoàng Văn, 7), nhìn lại những trang viết cũ (Nguyễn Mộng Giác, 5), và còn nhiều bài viết khác rất có giá trị. Đây là những bài viết có chiều sâu của suy tưởng, có vị ngọt của mật, màu tươi của hoa và cả gai nhọn của cây. Tám số Việt là tám dòng suối nhỏ lấp lánh đầy trăng sao đang cuộn chảy về tô bồi cánh đồng văn học phì nhiêu bao la của Việt Nam.

Trong các số báo ấy, Việt cũng có chủ trương đả phá cái “sáo”, cái “rỗng”, cái “nhai lại”, và hô hào cái mới, xây dựng những luật lệ và trật tự văn học mới (Nguyễn Hưng Quốc, số 3). Việt cũng tấn công lề thói phê bình thù tạc, khen chê theo cảm tính có thể ảnh hưởng không ít đến sự thưởng thức một tác phẩm văn chương (Nguyễn Hoàng Văn, 8). Bàng bạc trong nhiều bài viết, Việt ghét cái giả dối trong viết lách và Hoàng Ngọc-Tuấn đòi hỏi phải có đạo đức chuyên nghiệp trong văn chương (Việt, 8). Có người cho một số cây bút trong Việt là quá khích. Sự thực, những nhận xét, phê phán của Việt sắc bén và không khoan nhượng, đôi khi không thỏa hiệp đến độ tàn nhẫn. Điểm nổi bật của Việt là khách quan và thận trọng khi đưa ra những nhận xét hoặc phê bình một tác phẩm, một tác giả. Việt không đả phá để đạp đổ hay trả thù. Nỗ lực của Việt là xây dựng, xây dựng những cây bút cứng cáp hơn, sắc sảo hơn. Việt thật sự muốn “vượt” lên tầm cao.

Một trong những đóng góp quan trọng khác của các cây bút của Việt là đã cho người đọc thấy thái độ thận trọng cùng cực trong nghiên cứu, sáng tác. Đọc một tác phẩm, nếu có chỗ thắc mắc họ tra cứu tận gốc. Khi viết, họ dành rất nhiều thì giờ để ghi ra những chú thích rành rọt, những trích dẫn cần thiết. Họ đã làm việc với sự cẩn trọng tối đa. Họ trân trọng người đọc. Kết quả, người viết ở nhiều nơi đã bắt đầu thận trọng hơn khi cầm bút và không dám cẩu thả trong phần trích dẫn hay chú thích. Truyền thống này về lâu về dài cũng sẽ tạo được sự tin tưởng và thích thú ở người đọc.

Nêu lên những ưu điểm trên không có nghĩa là Việt đã toàn bích. Để đi con đường xa, Việt cần có một số điều chỉnh. Nhiều người cho rằng một số thành viên trong Việt là cao ngạo, quá khích hay đánh quá mạnh tay. Những cây bút viết mạnh nhất trong Việt đa số còn tương đối trẻ, có tuổi bình quân chưa đến 40. Trẻ, khoẻ, chắc chắn họ mạnh. Do đó sự phê phán của họ không rào trước đón sau như những người ở các lứa tuổi lớn hơn. Nhưng theo chúng tôi nghĩ sự phê phán không thoả hiệp là rất cần thiết. Phần lớn những người làm việc bằng trí óc đôi khi có cái tật của họ. Không ai cổ vũ tư tưởng quá khích hay thái độ cao ngạo, nhưng với những người cầm ngọn hải đăng, họ có niềm tự hào của mình.

Qua sự phân bố các trang viết trong 8 số báo, Việt đã dành quá nhiều trang cho thơ và rừng thơ chỉ để cho một số ít người độc quyền vun xới. Nhiều người thấy thơ trong Việt mỗi ngày một nghèo nàn đi vì phải đọc đi đọc lại một số khuôn mặt quen thuộc. Chúng tôi nghĩ Việt nên có kế hoạch “tuyển mộ” thêm người sáng tác để cho vườn văn học sáng tác của người Việt phong phú hơn. Việc đa dạng hoá người viết, nhất là các tác giả trong nước và giới trẻ đang sinh sống tại hải ngoại hiện nay cũng cần có sự đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, nhìn vào số tác giả viết thơ, truyện và phê bình trong 8 số Việt, chúng ta sẽ thấy tại úc rất mạnh về thơ và phê bình, nghiên cứu nhưng thiếu nhiều cây bút chuyên về truyện ngắn, tùy bút. Đó cũng là điều Việt cần suy nghĩ thêm. Sứ mệnh sẽ không thể chu toàn nếu Việt lơ là trong chủ trương đa dạng hoá thành phần tác giả và thể loại sáng tác.

Một chủ đề cực kỳ cần thiết nhưng chưa được Việt quan tâm đúng mức là “chất lượng sáng tác”. Không phải chỉ quan tâm trong 1, 2 số mà phải đặt ưu tiên thường xuyên cho chủ đề này. Vì càng đào sâu chất lượng sáng tác chúng ta càng có thêm nhiều tác phẩmlớn, giải quyết được nạn khan hiếm đề tài hiện nay. Không những chỉ giải quyết nạn khan hiếm mà còn giúp giới văn nghệ sĩ Việt Nam có cơ hội để trả món nợ lịch sử vì họ chưa viết được gì đúng với tầm cỡ của nhưng tang tóc mà đất nước và con người Việt Nam đã phải triền miên gánh chịu trong hơn nửa thế kỷ qua.

“Hình tượng văn học” cũng là một chủ đề hết sức quan trọng. Hình tượng “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, lý tưởng “quốc gia”, chủ nghĩa “cộng sản”, khái niệm “dân tộc”… sẽ phải xem xét lại. Những hình tượng ấy có còn cần được duy trì trong văn học Việt Nam đương đại? Nếu cần thì dưới gốc độ nào? Nếu không thì hình tượng gì sẽ thay thế để có thể có một nền văn học nghệ thuật bụ mập, hùng tráng? Những hình tượng mới sẽ đến từ đâu? Đó là những vấn đề then chốt đang thách thức không những chỉ cho nhóm Việt mà còn là một trọng trách của bất cứ một tạp chí văn học nghệ thuật nào. Đó cũng còn là thao thức miên trường của những thế hệ người Việt khắp nơi hôm nay. Văn học không thể phát triển, xã hội khó có được sự tiến bộ một khi tư tưởng của con người còn bị giam cầm trong những niềm tin lạc hậu.

Chúng tôi viết ra những suy nghĩ của mình khi Việt mới 4 tuổi. Có người sẽ hỏi tại sao lại đánh giá Việt lúc này? Người viết có lý do của mình. Một, khi bắt đầu một chu kỳ mới (thập niên mới trong một thiên niên kỷ mới) mọi việc cần phải có sự thẩm định từ đâu đó. Hai, hy vọng với một số nhận xét chủ quan có thể giúp tạp chí Việt một số gợi ý cần điều chỉnh. Sau cùng, chúng tôi có một niền tin sắt đá rằng, nếu còn tiếp tục, trong 5 hay 10 năm sau, tạp chí Việt cũng như một số cây bút cột trụ của Việt hiện nay sẽ đóng góp một kho tàng đồ sộ những chuẩn mực sáng tạo cho sự xanh tươi và um tùm của khu rừng văn học Việt Nam. Niềm tin ấy nếu được chia sẻ sẽ là một nguồn cổ vũ lớn lao cho nhóm Việt mạnh dạn tiếp tục cuộc hành trình đầy cam go của mình.

Melbourne

2002

_________________________

[1]122 bài, 1229 trang, trên 8 số báo, 64 tác giả trong đó có 12 tác giả người nước ngoài (chiếm 18.75%), bình quân 14 bài trên mỗi số. 2 tác giả có bài trong 8 số báo, 1 trong 7 số, 2 trong 5 số, 3 trong 4 số và 3 trong 3 số; nghĩa là có 11 người thường xuyên đóng góp bài cho tạp chí Việt (6 ở Úc, 2 ở Mỹ, 2 ở Việt Nam và 1 ở Đức). Hoàng Ngọc Tuấn, Phụ tá Chủ bút, với 266 trang (chiếm 21.5% tổng số trang nghiên cứu và phê bình và 14.3% số trang trong 8 số Việt) gồm 11 bài nghiên cứu và phê bình, chưa kể 49 trang dịch và nhuận sắc; Nguyễn Hưng Quốc, Chủ bút, cộng cả số trang cùng một tác giả nhưng mang tên khác là 185 trang (chiếm 15% tổng số trang nghiên cứu và phê bình và 10% tổng số trang trong 8 số Việt) với 15 bài tiểu luận; Nguyễn Hoàng Văn (9 bài, 67 trang); Phan Việt Thủy (5 bài, 30 trang) và 2 bài dịch gồm 31 trang; Đỗ Minh Tuấn (4 bài, 39 trang); Nguyễn Hoàng Đức (4 bài, 31 trang); Võ Đình (4 bài, 27 trang); Nguyễn Minh Quân (3 bài, 60 trang); Phạm Thị Hoài (3 bài, 28 trang) và Võ Phiến (3 bài, 13 trang).

[2]142 lần xuất hiện trên 8 số báo, chiếm 307 trang hay 16.6% trong tổng số trang trên 8 số Việt. Có 58 tác giả, bình quân 18 tác giả có bài trên mỗi số. Trong số này có 12 người đóng góp bài thường xuyên từ 4 số trở lên. Phạm Miên Tưởng sống ở Úc (8 số), Uyên Nguyên sống ở Úc (8 số), Vi Hoà sống ở Úc (8 số), Chim Hải sống ở Úc (7 số), Thận Nhiên sống ở Hoa Kỳ (7 số), Lê Văn Tài sống ở Úc (6 số), Trần Lộc Bình sống ở Úc (6 số), Trần Đình Lương sống ở Úc (5 số), Huỳnh Mạnh Tiên sống ở Pháp (4 số), Lưu Hy Lạc sống ở Hoa Kỳ (4 số), Nguyễn Quốc Chánh sống ở Việt Nam (4 số) và Phan Nhiên Hạo sống ở Hoa Kỳ (4 số).

[3]28 tác giả, 47 truyện, truyện ngắn và tùy bút, 325 trang, 17.5% trên tổng số 1861 trang trong 8 số Việt. Có 1 tác giả viết 5 truyện (sống ở Hoa Kỳ), 1 tác giả viết 4 truyện (sống ở Hoa Kỳ) , 3 tác giả đóng góp 3 truyện (1 ờ Hoa Kỳ, 1 ở Hòa Lan, 1 ở Đức), và 6 tác giả xuất hiện 2 lần (1 ở Hoa Kỳ, 1 ở Anh, 1 ở Canada, 1 ở Đức, 1 ở Pháp và 1 ở Úc).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021