thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nàng Remedios Xinh Đẹp còn sống và khoẻ mạnh

 

Bản dịch của Võ Tấn Phong và Hoàng Ngọc-Tuấn.

 

Tôi vừa được tin chủ nghĩa hiện thực thần kỳ đã chết. Lối viết sáng giá trước đây đã làm văn chương châu Mỹ La-tinh phổ biến như điệu nhảy mambo bây giờ đã bị chính con mình giết chết, vậy mà tôi không được chứng kiến. Chúng ta có nên làm lễ canh xác không nhỉ? Phải chăng Gabriel García Márquez sẽ bay bổng cả thân x ác lên thiên đàng, tay níu lấy cuốn tiểu thuyết vĩ đại của ông, Trăm Năm Cô Đơn, theo cách nhân vật của ông là Remedios Xinh Đẹp thăng thiên, tay níu lấy hai tấm khăn trải giường?

Kẻ vừa giết cha vừa hô hoán lớn giọng nhất, theo khám phá của tôi, là Alberto Fuguet, nhà văn Mỹ gốc Chile, người mà vào năm 1996 đã thay thế cái làng Macondo tưởng tượng của García Márquez bằng cái làng McOndo[1] bịa đặt của mình. Ông bảo cái đề tài cũ về bản sắc châu Mỹ La-tinh, “Chúng tôi là ai?”, đã bị ra rìa. Đề tài mới, “Tôi là ai?,” đã nhập cuộc. Không còn những sử thi tập thể nữa. Làng McOndo cần thứ chủ nghĩa hiện thực thô lậu về những cá nhân.

Theo như tôi mới tra cứu gần đây nhất, việc tạo ra nhóm từ “chủ nghĩa hiện thực thần kỳ” được xem là công trạng của Angel Flores của Đại Học Queens ở New York, và nhóm từ ấy xuất hiện lần đầu tiên trong một tham luận ông đọc ở New York vào năm 1954. Nói tóm lại, ông thấy phong trào này thành hình sau Thế Chiến I ở những tác giả như Kafka và họa sĩ Giorgio di Chirico, với những tiền nhân nhiều ảnh hưởng như Gogol, Poe, Melville và Strindberg. Ông tường thuật cái ảnh hưởng của Kafka đối với Jorge Luis Borges trong tập truyện Lịch Sử Phổ Quát của Sự Đồi Bại do Borges viết năm 1935 như khởi đầu cho xu hướng hiện thực thần kỳ ở châu Mỹ La-tinh: “Với Borges như người mở đường... một nhóm những cây bút sáng láng vốn sính phong cách đã nở rộ chung quanh ông... đường hướng chung là chủ nghĩa hiện thực thần kỳ”. Ông nhìn thấy nó như “sự chuyển hóa của cái quen thuộc và thường thấy hàng ngày thành cái kỳ diệu và hư ảo... đang trổ hoa lộng lẫy... và, hy vọng rằng, sẽ trường tồn.”

Vào thập niên 1960 những người thừa kế ở châu Mỹ La-tinh của phong trào này đã bùng ra với những tiểu thuyết có phẩm chất văn học cao cấp, tạo ra cú “Nổ Lớn” — gồm những tác phẩm phi thường của, trong số nhiều người khác, García Márquez, Mario Vargas Llosa, Carlos Fuentes, Jose Lezama Lima và Jose Donoso, người đã viết một cuốn sách vào năm 1972 về cú "Nổ Lớn" này. Với cú "Nổ Lớn", chủ nghĩa hiện thực thần kỳ đã đi vào quỹ đạo văn học.

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi, Chiếc Xe Tải Mực (1969), là một hài kịch siêu thực về cuộc đình công thất bại thảm hại ở một toà báo. Lúc ấy tôi không biết chút gì về chủ nghĩa hiện thực thần kỳ, nhưng Kafka đã xâm chiếm trí tưởng tượng của tôi, cũng thế, những người Gipsy huyền bí, những hồn ma bóng quế từ Dickens, Thornton Wilder, Shakespeare, vân vân. Kịch của Pirandello, phim của Bunuel và Bergman, cũng như những giấc mơ, đã kích xúc tôi. Vì vậy tôi đã quyết định “Chiếc Xe Tải Mực” sẽ bay lơ lửng cách mặt đất một tấc rưỡi; không hẳn là một pháp sư bay lơ lửng, nhưng gần như thế. Tôi đã gọi nó là gần-như-siêu-thực, chứ không phải là chủ nghĩa hiện thực thần kỳ.

Thế rồi, vào năm 1970, tôi viết bài điểm sách cho cuốn Trăm Năm Cô Đơn, tác phẩm đầu tiên tôi đã đọc từ cú "Nổ Lớn" Boom, hồi đó chưa ai gọi nó như thế. Tôi đã viết rằng nó là “tác phẩm văn chương đầu tiên kể từ Sáng Thế Ký mà toàn thể nhân loại cần phải đọc”. Hai năm sau tôi đến Barcelona để phỏng vấn García Márquez (gọi thân mật là Gabo); tên tuổi của ông vẫn chưa được biết đến ở Mỹ dù cuốn sách của ông ngày càng nổi tiếng. Từ trưa đến 2 giờ chiều, chúng tôi thảo luận về bất cứ thứ gì đáng thảo luận và trở thành bè bạn. Hai tạp chí lớn của Mỹ từ chối đăng bài phỏng vấn, một viên chủ bút còn khuyên tôi hãy “để ông ta nổi tiếng đã, rồi chúng tôi sẽ đăng nó”. Tờ Atlantic đăng nó, giới thiệu Gabo với nước Mỹ. Khi ông và tôi nói chuyện, chúng tôi đã không đề cập đến chủ nghĩa hiện thực thần kỳ; ông chỉ nói đến chủ nghĩa siêu thực. “Ở Mexico”, ông nói, “chủ nghĩa siêu thực chạy đầy đường. Chủ nghĩa siêu thực đến từ thực tế của châu Mỹ La-tinh.”

Cũng như các nhà văn của phong trào McOndo hôm nay từ chối chủ nghĩa hiện thực thần kỳ, thì trước kia, tôi — chưa hề tham gia bất kỳ phong trào nào — với cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi (và tất cả các tác phẩm sau đó), cũng đã chối bỏ một số tiền nhân văn chương của chính tôi, đáng kể là những nhà Tự Nhiên chủ nghĩa — chẳng hạn, nhà văn vĩ đại Theodore Dreiser, James T. Farrell, thậm chí John Dos Passos, một trong những thần tượng thực sự của tôi — vì đối với tất cả họ, cá nhân là thành phần không tránh khỏi những mũi dùi thù địch từ các lực lượng xã hội. Tôi là một nhà báo, và lối viết như thế, dù có tham vọng phê phán xã hội thế nào đi nữa, dường như đã mang tính tiền định, và là một sự mở rộng của ngòi bút báo chí đấu tranh. Tôi cần có phần vô thức trong tiểu thuyết của mình, cái khủng hoảng trong phần sâu kín nhất của tự ngã, yếu tố chiêm bao, và Chiếc Xe Tải Mực là một hành vi hoang dại, nếu không nói là vô kỷ luật, theo chiều hướng đó. Trong những tiểu thuyết sau đó — như Cỏ Sắt Những Lóng Xương Rất Cũ, chẳng hạn — tôi đã giữ lại cái siêu thực, nhưng kiềm chế nó, vì tôi muốn tác phẩm của tôi chạm xuống mặt đất, chứ không bay lơ lửng. Ngày nay các nhà văn của phong trào McOndo cũng thế, họ cách ly chính họ với dạng thức Macondo, vì dạng thức này đã bị làm ầm ĩ bởi những kẻ bắt chước, nói như Fuguet, những kẻ bắt chước “đã biến việc viết văn chương hư cấu thành ngành kinh doanh chuyện thần tiên.” Tiếng hô xung trận của ông là: “Châu Mỹ La-tinh không còn hấp dẫn nữa”.

Trăm Năm Cô Đơn không hấp dẫn, nhưng nó mang tính độc sáng, cũng như tác phẩm của Kafka, bậc thầy của huyễn tưởng; của Hemingway, bậc thầy của lối văn súc tích, đầy thi tính, và Joyce, thiên tài ngôn ngữ, tất cả những nhà văn này đều bị bắt chước tới mức độ ăn cắp đại quy mô trên khắp hành tinh. Họ cho chúng ta những phương pháp mới để nhìn thực tại. Đám đông những kẻ bắt chước họ, khi sử dụng những công cụ này, chỉ muốn đạt đến sự độc sáng bằng những lối đi tắt. Các nhà văn của phong trào McOndo không cần những công cụ tiền chế kiểu Macondo. Cũng công bằng thôi.

Nhưng bản thân chủ nghĩa hiện thực thần kỳ — không trường tồn ư? Đã qua rồi ư? Khi tôi phỏng vấn Gabo, chúng tôi nói về cái chết của tiểu thuyết, và ông kết luận: “Nếu anh nói rằng tiểu thuyết đã chết, thì đó không phải là tiểu thuyết. Mà chính anh đã chết đấy.” Vì vậy nếu ai đó cứ khăng khăng rằng chủ nghĩa hiện thực thần kỳ đã chết, thì thái độ đó có một mối tương quan nào với nhận định này chăng? Có lẽ thế. Tôi nghĩ rằng bất kỳ vị nào khăng khăng theo phái McOndo cũng nên kiểm tra lại xem tim mình có còn đập hay không.

 

 

----------
Dịch từ nguyên tác: “Remedios the Beauty Is Alive and Well” của William Kennedy, trong Newsweek International, 5/6/2002.

 

_________________________

[1]“McOndo” là một chữ do Alberto Fuguet (1964~) bịa ra để dấy động một phong trào chống lại những nhà văn chuyên bắt chước lối viết của Gabriel García Márquez. Sau thành công vĩ đại của Gabriel García Márquez và những nhà văn lừng lẫy của chủ nghĩa hiện thực thần kỳ, rất nhiều nhà văn tầm thường đã mượn cái nhãn hiệu “chủ nghĩa hiện thực thần kỳ” để viết văn với mục đích thương mại, nhưng trong những năm 1970 đến 1990, rất nhiều nhà xuất bản ở Hoa-kỳ đã bỏ vốn ra để ấn hành hàng loạt những cuốn tiểu thuyết hiện thực thần kỳ nhếch nhác này. Trong thực tế, có những nhà xuất bản đã từ chối in bất cứ tiểu thuyết nào đến từ châu Mỹ La-tinh mà không có mùi vị “hiện thực thần kỳ”! Thậm chí, lúc ấy đã có người kể rằng nếu cuốn sách nào từ châu Mỹ La-tinh được mang sang Hoa-kỳ mà thiếu mùi vị ấy, thì các nhà biên tập và các ông giàm đốc xuất bản sẽ khuyên tác giả: “hãy thêm vào một ít chuyện dân gian huyền hoặc với một chút không khí nhiệt đới, rồi vác sách trở lại đây thì sẽ được in!”
 
Alberto Fuguet là một trong những nhà văn bị các nhà xuất bản ở Hoa-kỳ từ chối theo kiểu đó, nên ông bịa ra chữ “McOndo” [vừa nhại theo chữ “Macondo”, vừa ghép các chữ McDonald's + Macintosh + condominium] với thông điệp rằng châu Mỹ La-tinh bây giờ không còn giống như cái làng Macondo nữa. Nó đã trở thành một thế giới của những quán ăn McDonald's, những mày computter Macintosh và những khu chúng cư ở đô thị. (Chú thích của HN-T)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021