thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ James Prichett / nhạc Frances White: Tây phương hậu hiện đại và Đông phương cổ điển

Tôi biết đến tên tuổi của James Pritchett vào năm 1993 khi tôi bắt gặp một cuốn sách của anh do Cambridge University Press xuất bản với bìa cứng mang nhan đề The Music of John Cage xuất hiện trong một hiệu sách ở Sydney. Tôi mua ngay cuốn sách vì khi ấy tôi đang truy cứu tài liệu về mỹ học âm nhạc của John Cage. Khi giở cuốn sách ra đọc, tôi hết sức thích thú vì trong chỉ chừng 250 trang giấy, James Pritchett đã đi xuyên qua trọn cuộc đời nghệ thuật của John Cage. Là một độc giả Đông phương, niềm thú vị của tôi càng tăng khi thấy tác giả bàn luận đến cả mỹ học Ấn Độ và thiền học.

Từ đó, tôi bắt đầu lưu tâm đến James Pritchett và được biết thêm đôi nét về anh. Anh tốt nghiệp tiến sĩ âm nhạc tại Princeton University với luận án mà sau này được xuất bản dưới nhan đề The Music of John Cage (như đã đề cập ở trên), và là tác giả của nhiều chuyên luận về âm nhạc tiền phong. Đồng thời, anh là chuyên gia thảo chương về điện nhạc và đã hoàn thành nhiều công trình quan trọng, trong đó có "Edsnd" -- một nhu liệu tối tân dùng để biên tập âm thanh trên đồ hình, hiện đang được sử dụng tại Winham Computer Laboratory ở Princeton University.

Là một nhà nghiên cứu mỹ học âm nhạc và khoa học điện nhạc, James Pritchett đồng thời còn là một nhà thơ. Điều thú vị là thơ của James Pritchett được viết cho một mục đích khác hẳn với những mục đích của đa số các nhà thơ đương thời. Anh sáng tác thơ để đọc đồng thời với các nhạc phẩm của Frances White -- hôn thê của anh.

Chị là một khúc tác gia chuyên viết khí nhạc và điện nhạc, và là môn đệ của những tên tuổi tiền phong như Lawrence Moss, Charles Dodge, và Paul Lansky. Tốt nghiệp chương trình đại học tại University of Maryland và cao học tại Brooklyn College thuộc City University of New York, chị đang nghiên cứu luận án tiến sĩ về nhạc tác (composition) tại Princeton University. Các tác phẩm của chị đã được trình tấu thường xuyên trên sân khấu và đài truyền thanh của Hoa Kỳ và các nước Âu châu, Á châu và Úc châu. Frances White đã đoạt nhiều giải thưởng giá trị về âm nhạc, trong đó có các giải: ASCAP Foundation Young Composers (1990); Bourges International Electroacoustic Music Competition lần thứ 18 và lần thứ 24 (1990 và 1997); và nhiều ASCAP Special Awards (từ 1993 đến 1998). Bên cạnh đó, chị thường xuyên được ủy thác sáng tác nhạc bởi các tổ chức âm nhạc quan trọng như Groupe de musique experimentale de Bourges, ASCAP Foundation, International Computer Music Association. Nhiều tác phẩm của Frances White đã được ghi âm bởi các hãng đĩa chuyên về nhạc hiện đại như Wergo, Centaur, Nonsequitur, và Harmonia Mundi.

Năm 1996, khi International Computer Music Association ủy thác Frances White sáng tác nhạc để trình tấu tại International Computer Music Conference ở Hồng Kông, chị thực hiện tác phẩm Birdwing cho shakuhachi (động tiêu Nhật Bản) và băng từ. Để sáng tác phần nhạc cho shakuhachi, Frances White đã bỏ ra nhiều tháng để học thổi nhạc khí này và nghiên cứu mỹ học âm nhạc honkyoku cổ truyền của Nhật Bản. Phần băng từ được thực hiện tại Winham Computer Laboratory ở Princeton University và là sự thể hiện tư duy mỹ học về tiếng động và sự im lặng -- một mỹ học mới mẻ đã thâu hoá và dung hợp triết lý thiền tông và thế giới quan mang tính môi sinh học hậu hiện đại.

Trong khi Frances White viết Birdwing, James Prichett đã sáng tác bài thơ Birdwing (for Frances) để khán giả đọc trong khi nghe nhạc phẩm ấy được trình tấu. Mỹ học thi ca của James Pritchett hoàn toàn phù hợp với mỹ học âm nhạc của Frances White: chúng ta có thể cảm nhận trong bài thơ một không khí tịch mặc phảng phất tính chất haiku lẫn với nỗi xao xuyến của ý thức con người thời đại về môi trường sống tự nhiên. Sự kết hợp thú vị giữa mỹ học Tây phương hậu hiện đại và mỹ học Đông phương cổ điển, đồng thời giữa nhạc và thơ, đã gây thán phục sâu sắc trong giới chuyên gia của hội nghị. Ngay sau đó, nhạc sư Trung Quốc Josef Fung đã yêu cầu Frances White sáng tác một nhạc phẩm đặc biệt cho dàn nhạc Chinese Virtuosi của ông. Dàn nhạc này đang hoạt động tại Bắc Kinh và chuyên sử dụng các nhạc khí cổ truyền của Trung Quốc để trình tấu các tác phẩm đương đại. Nhận lời yêu cầu, từ năm 1997 đến 1998 Frances White và James Pritchett đã cùng thực hiện tác phẩm While Listening to the Waves (at Island Beach).

Về phần nhạc, Frances White sử dụng kỹ thuật khúc thức hậu hiện đại[1] để viết cho nhị hồ, địch, đàn tranh và tỳ bà. Âm sắc của mỗi nhạc khí tất nhiên chứa đựng trong nó sự kết tinh của ý thức thẩm mỹ đã tạo ra nó. Việc sử dụng bốn nhạc khí cổ truyền Trung Quốc để chuyển tải ý thức thẩm mỹ hậu hiện đại Tây phương quả là một thách đố lớn, đặc biệt khi Frances White không sử dụng băng từ hay điện nhạc kèm theo.

Về phần thơ, James Pritchett sử dụng thủ pháp nhiếp tượng để làm cho cảnh vật được mô tả trong bài thơ hiện lên như những tấm postcard: một cái nhìn hết sức khách quan, chính xác, và không gợi lên một chút cảm giác trữ tình nào. Thủ pháp này dựng lên một cảm thức mỹ học vừa đối lập với truyền thống "thi ngôn chí", lại vừa kế tục và hiện đại hoá truyền thống mô tả thiên nhiên và ý niệm "thi trung hữu hoạ, hoạ trung hữu thi" của thơ cổ điển Trung Quốc.

Điều tôi muốn nói thêm là sự kết hợp thơ/nhạc ở đây tạo nên một hiện tượng nghệ thuật hoàn toàn khác hẳn với những kiểu kết hợp thơ và nhạc thường thấy như ngâm thơ, phổ thơ thành ca khúc, hay đọc thơ trên nền nhạc ngẫu tác. Ở đây, thính/độc giả vừa thưởng thức (bằng tai nghe) một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, vừa thưởng thức (bằng mắt đọc) một bài thơ hoàn chỉnh, trong cùng một lúc. Như thế, thính/độc giả có thể cảm nhận cùng lúc hai nguồn âm thanh: âm thanh cụ thể của nhạc khí và âm thanh trừu tượng của việc đọc thơ trong im lặng. Đồng thời với hai nguồn âm thanh là hai nguồn ý tưởng: một nguồn ý tưởng phi ngôn ngữ của nhạc, và một nguồn ý tưởng qua ngôn ngữ của thơ. Các nguồn này hiện hữu trong tư thế vừa tương tác vừa độc lập.

Một điều khác tôi cảm thấy cần nhấn mạnh: đây là hai bài thơ đầu tay của James Pritchett. Điều làm cho anh sáng tác hai bài thơ đầu tay xuất sắc tất nhiên không phải là tay nghề của một nhà thơ giàu kinh nghiệm, mà chính là cảm thức mỹ thuật sâu sắc và đầy sáng tạo sinh ra từ vốn kiến thức mỹ học phong phú và một ý chí cách tân mạnh mẽ.

Dưới đây, tôi xin gửi đến độc giả bản dịch Việt ngữ của hai bài thơ này. Đọc thơ James Pritchett trên mặt giấy là phải chịu mất đi một nửa mỹ thuật của khối hợp nhất thơ/nhạc như vừa trình bày ở trên. Rủi thay!

(Sydney, 09/1999)

Thơ James Pritchett

Cánh chim (cho Frances) [2]

1

Tôi may mắn đến bờ hồ thật sớm, khi vạn vật còn đông cứng và bất động: tôi có thể nhìn thấy mấy vết cánh nhỏ nhắn của chim sẻ để lại trên tuyết.
Trong một khoảnh khắc gió sẽ thổi qua và chúng sẽ tan biến mất.

2

Chúng tôi biết nơi bầy mịch cầm làm tổ. Chúng là loài chim kín đáo và bí mật. Mỗi mùa xuân chúng tôi đi nghe chuyến bay đêm của chúng.
Phải đứng giữa cánh đồng trống vào chập tối và chờ đợi: chờ đợi lũ chim ngày về chỗ ngủ, chờ đợi sự tĩnh lặng, chờ đợi mặt trời và vầng nguyệt. Chỉ đến khi bóng tối phủ ngập tầm nhìn, chúng mới xuất hiện. Bạn không thể thấy chúng, nhưng bạn có thể nghe bài ca của những đôi cánh vỗ, lượn vòng vút lên trời cao và buông rơi xuống.
Năm kia chúng tôi đứng im và chờ đợi, nhưng chúng không còn ở đó. Không hình bóng không âm thanh, bầy chim chỉ còn bay lượn trong ký ức chúng tôi, nhịp cánh reo vi vút.

Khi lắng nghe tiếng sóng (ở Island Beach) [3]

1 (nhìn xuống)

Giờ đây chỉ còn lại một bãi cát đôi khi biển trườn lên mơn trớn, rồi rút đi với một chút lấp lánh thoáng qua (cát ướt, cát khô; cát ướt--cát khô).

Khoảng giữa; không phải của bờ không phải của biển; cân phương và vô hình.

2 (nhìn lên)

Hai cánh diều giấy màu cam treo trên nền trời hoang xanh thẳm; bất động.

3 (nhìn lại phía sau)

Một hàng cọc gỗ, đứng trên mỗi cọc một con hải âu.

Đằng sau đó, hàng giậu chắn tuyết.

Đằng sau đó, những cồn cát--đường cong của cát chạm vào bầu trời--những lá cỏ cắt nét ngang dọc.

Đằng sau đó, ống khói ngôi nhà người đánh cá.

Đằng sau đó, một dãy chim vụt bay đi.

_________________________

[1] Kỹ thuật khúc thức hậu hiện đại của Frances White rất phong phú, trong đó đáng lưu ý nhất là việc khai thác sự chuyển trạng tế vi của âm sắc (timbral modulation), và việc sử dụng tính cách ngẫu hợp của các mảnh giai điệu để tạo ấn tượng đa tiết tấu (polyrhythmic) và đa chủ âm (polytonal).

[2]Nguyên tác Anh ngữ đăng trên website: http://www.music.princeton.edu/~jwp/texts/birdwing.html (Copyright 1996 by James Pritchett)

[3]Nguyên tác Anh ngữ đăng trên website: http://www.music.princeton.edu/~jwp/texts/while.html (Copyright 1998 by James Pritchett)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021