thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lời bạt cho tập thơ CÁCH DÙNG của Jiří Kolář

 

Bản dịch © Diễm Châu 1994

 

Xuất bản tác phẩm của Jiří Kolář là một công việc từa tựa như đi khảo cổ. Một cuộc phiêu lưu, đặt lại trong khung cảnh hiện đại những công trình phát sinh trong một khí hậu văn hoá và chính trị hoàn toàn khác biệt, khiến chúng ta mỗi lần lại khám phá ra một lát nhỏ lịch sử văn hoá của chúng ta và thường đưa ra ánh sáng những tương phản đáng ngạc nhiên giữa quá khứ và hiện tại. Nó thúc đẩy chúng ta đặt lại vấn đề đối với những ý tưởng đã được chấp nhận và sửa đổi cái định nghĩa thông thường của chúng ta về thơ. Nó, lật ngược cái tương quan nhân quả, khiến chúng ta tìm lại ngọn nguồn đầu tiên của những khuynh hướng mà các thứ phó sản đã làm chảy nhiều mực.

Sau khi hiến văn chương Tiệp những cuốn sách thật đáng chú ý như Lâm-bô và những bài thơ khác (1945) và Những ngày trong năm (1948), Jiří Kolář đã bị bắt buộc phải im hơi lặng tiếng trong những năm năm mươi. Ông chỉ được nói gián tiếp qua công việc phiên dịch, một lối nói mà ông đã biết cách, qua những bản phóng tác Carl Sandburg và Edgar Lee Masters, đem lại cho một sức mạnh bất hủ. Ðối với ông, ấy cũng là một thời kỳ suy tư thật cam go về những vấn đề của thi ca, một cuộc nghiền ngẫm dưới sự chỉ đạo của một quyết định mà người ta đã linh cảm nơi những tác phẩm trước nữa của ông, trong đó, mối quan tâm đến sự thật về số mệnh con người vượt trên những suy xét có tính cách thẩm mỹ, những quy ước đã được chấp nhận về thi ca nhường bước cho một định kiến phải xô đẩy đảo lộn dẫn đưa nhà thơ tới một quy phạm mới về hình thức. Lúc ấy, Kolář tuyên bố rằng thi ca không tiến tới được lấy một phần kể từ “The Waste Land” của T.S. Eliot, tác phẩm minh hoạ sự tan rã không nguyên của những lược đồ tình tự mà cả của những nghĩa lý nhân bản truyền thống, sự thiết yếu phải làm thơ khác đi kể từ nay. Thoạt nhìn, người ta có thể ngờ đây là một thái độ hư vô chủ nghĩa, nhưng Kolář đã mau mắn đem lại cho cử chỉ của ông một nội dung tích cực. Những bài thơ dành cho người mù sử dụng, những bài thơ điên (dingogrammes), những bài thơ theo chiều sâu, những tác phẩm “rollages, chiasmages” và những “bài thơ-đồ vật” của ông cho thấy rằng mọi sự đều có thể trở thành chất liệu của thơ. Trong tay ông, chữ biến thành sự vật. Chính các sự vật – những đồ vật mà ta gần gụi trong cuộc sống hàng ngày – hoà nhập “nguyên xi” như thế trong “thơ thị giác” của ông. Ðây là một lập trường gần với lập trường mà vài năm sau chính Pierre Restany, lý thuyết gia của trường hiện thực mới của Pháp, cũng sẽ nhìn nhận khi kêu gọi huỷ bỏ khoảng cách giữa nghệ thuật và đời sống, đưa vào nghệ thuật “thực tại có tính cách xã hội học của nền văn minh hiện đại.” Kết quả, nơi Kolář, là một sự biến hình thật lạ lùng. Ông khước từ các chữ, hay ít ra là khước từ những ý chỉ mà ngôn ngữ đã đặt vào chúng và thực tại cũng đã từ lâu tố cáo tính độc đoán. Ông khước từ thứ văn pháp suy lý và ưng kêu gọi tới các sự vật hơn, những sự vật nằm đây đó trên những chặng đường của con người, ông cũng vận dụng cả các từ như các đồ vật nữa, để cuối cùng đạt tới một văn pháp tạo hình mới. Ông chối bỏ sự lừa gạt của các chữ, chứ không phải cái thơ mà ông khám phá ra ở nơi khác: “Tôi đã đi tới những tập hợp, lắp ráp (assemblages) là nhờ cuộc thăm viếng viện bảo tàng Auschwitz. Ðối với tôi, đó là một trong những kích xúc lớn nhất mà tôi từng cảm thấy: những gian buồng rộng rãi với những khung cửa lắp kính trổ trong vách, đầy những tóc, giầy dép, va-li, áo quần, những hàm răng giả, chén dĩa, kính đeo mắt, đồ chơi trẻ em, v.v. Tất cả những thứ đó được đánh ghi bằng một số mệnh thật hãi hùng, bằng một cái gì đó mà nghệ thuật không đủ để diễn tả, và có lẽ sẽ không bao giờ đủ.” Tức thời, thêm một lần nữa ông lại lọt vào sổ đen: những kẻ khám phá các “thần thoại hàng ngày” mà Những ngày trong năm đã loan báo), những nhà canh tân “hàn lâm tính Apollinaire” cũng như các thi nhân của chủ trương tự tình sát đất của xã hội hiện đại (một đường hướng mà Kolář đã thực hành trong các bản dịch) nhìn tác phẩm của ông trước hết như một trò chơi đơn thuần – cố nhiên hay thì có hay, nhưng nhất định là nằm ngoài thi ca. Khước từ ấy gần như ngay tức khắc đã bị phong trào nổi bật lên trên trường quốc tế cải chính và ngày nay cho phép chúng ta đo lường được tất cả tính độc sáng và tầm quan trọng của công việc tiền phong này.

Về phương diện này, tập thơ “giải-tĩnh” (déstatique) nhỏ mà người ta vừa đọc đây chính nó cũng tiêu biểu cho một cuộc theo đuổi truy tầm cổ vật. Có lẽ người ta sẽ nhầm lẫn khi để cho mình bị lối viết hoàn hảo của những bài thơ này lừa gạt. Người muốn tôn trọng ý hướng của tác giả nhất thiết chẳng nên chỉ bằng lòng với chuyện đọc. Những bài thơ này muốn được thực hiện. Nguyên liệu chúng sử dụng không phải là ngôn ngữ, cũng chẳng phải cả đến những đồ vật (đóng một vai trò chứng nhân, như trong những tác phẩm cắt dán, lắp ráp), mà là hành động của con người như hành động của con người. Thơ ở đây hoá thân nơi hành động (hoặc cái bất-hành động, tuỳ theo quyết định của chúng ta đứng trước những chỉ thị đã cho) và ấy cũng là một cách để nhận biết chính bản thân chúng ta. Bởi thế, đây là những bài thơ có tính cách Socrate. Tác giả ghi năm tháng của những bài thơ ấy là 1965, nhưng nhiều bài, trong thực tế, đã có trước đấy. Có lẽ sẽ là vô ích khi nhấn mạnh ở đây về những quan hệ thân thiết nối kết tác phẩm của Kolář với nhiều khuynh hướng nghệ thuật hiện đại – trường phái lettrisme,[1] thơ cụ thể và hiển nhiên, những happenings,[2] v.v. Công việc của ông là một thành phần sống động của diễn tiến này, nơi ông đã tìm cảm hứng, nhưng cũng đi xa hơn về nhiều mặt. Chúng tôi chỉ muốn nhắc lại, thay cho kết luận, cái nguyên tắc nằm ở nền tảng của hầu hết những nỗ lực này và cũng là điều không biểu lộ ở đâu rõ rệt cho bằng trong những bài (chỉ dẫn) cách dùng của Kolář. Ấy là ý định huỷ bỏ khoảng cách giữa người nghệ sĩ và khán giả bằng cách mời gọi sự tham gia tích cực của người này. Ý hướng có lẽ là không-tưởng, không bao giờ có thể thực hiện được đầy đủ, nhưng nó chứng tỏ chiều kích nhân bản của nghệ thuật này, một nghệ thuật đang vạch ra những đường hướng mới cả cho thực tại lẫn ý thức tập thể.

 

Josef Hlavácek

 

---------
Tập thơ CÁCH DÙNG của Jiří Kolář / bản dịch Diễm Châu được đăng trên Tiền Vệ, song song với bài viết này.

_________________________

[1]trường phái nghệ thuật và văn nghệ tiền phong chủ trương cái đẹp và thơ nằm trong âm hưỡng hoặc cách sắp đặt các chữ, các ký hiệu.

[2]hình thức trình diễn xuất phát từ Hoa Kỳ, đòi hỏi sự tham dự tích cực của công chúng, tìm cách tạo ra sáng tạo nghệ thuật đột khởi, hồn nhiên.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021