thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hãy để họ ăn pixels!
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn,

 

Dưới chế độ chính quyền kiểm soát toàn bộ việc phát hành ấn phẩm, các nhà thơ Việt Nam đã lên web để xuất bản và đọc tác phẩm của nhau. Một trang web duy nhất, Tiền Vệ, chịu trách nhiệm cho hiện tượng này. Được thành lập vào năm 2002 bởi nhà văn/nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và nhà phê bình/nhà văn/nhạc sĩ/dịch giả Hoàng Ngọc-Tuấn, cả hai đều sống ở Úc, Tiền Vệ là trang web độc đáo vì nội dung được cập nhật hàng ngày. Mỗi sáng, vừa thức dậy tôi đã tìm thấy ngay những bài thơ và những bản dịch mới để đọc, ngay cả một số bài của chính tôi vừa gửi cho ban biên tập trước đó một ngày hay một giờ. Tờ báo mạng này đang sống và phát triển trước mắt mọi người, và những cuộc thụ phấn liên thể loại giữa thơ và truyện là bằng chứng hùng hồn. Trong một cuộc phỏng vấn truyền thanh gần đây, Hoàng Ngọc-Tuấn giải thích rằng chủ ý của ông là cổ vũ những thí nghiệm, ngay cả nếu như phải xuất bản những bài thơ chưa hoàn hảo, và đây là điều không tránh khỏi khi sẵn sàng đón nhận những kết quả bất khả tiên liệu. Tuy vậy, có rất nhiều tác phẩm hay và giá trị trên tờ báo mạng này. So với cái văn hoá chữ nghĩa chính thống ở Việt Nam, nơi những cây bút già bị bắt nạt phải viết loại thơ nhếch nhác như con nít, và những cây bút liều lĩnh hơn chỉ dám nhét một hai bóng ma vào bài thơ để khoe cái phẩm chất "siêu thực" của họ, thì Tiền Vệ nện cho một đá bể đít!

Tiền Vệ có thể được coi là diễn đàn văn chương duy nhất, hay, đúng hơn, là cuộc chơi duy nhất trong vũ trụ (tiếng Việt), nên nhiều nhà thơ đã chọn nó làm thư khố cho toàn bộ tác phẩm của mình. Với 1.043 tác giả trong thư tịch, trong số đó có nhiều người là những tên tuổi quốc tế lần đầu xuất hiện trong tiếng Việt, thường không được xin phép, tất nhiên — nhưng vì lợi ích của thơ,[1] xin đừng kiện tờ báo mạng này — Tiền Vệ là một nguồn văn chương không thể thiếu cho cả độc giả lẫn văn giới Việt Nam, là khung cửa thênh thang cho họ nhìn ra thế giới.

Nhưng các công dân của những nền dân chủ khả dĩ lành mạnh ở phương Tây rút ra được những bài học gì ở đây? Như một người Mỹ có thêm dấu gạch nối,[2] tôi trộm nghĩ rằng khi tra tấn, giết chóc, cướp bóc, gian lận lá phiếu có hệ thống, tham nhũng trắng trợn và bắt cóc những người bị khả nghi[3] đã trở thành quốc sách, thì cái ngày mà chúng ta chỉ còn pixels[4] để ăn, nếu còn bất cứ thứ gì để ăn, cũng chẳng xa xôi gì lắm.

 

--------------------------------
Chú thích của người dịch:
* Đinh Linh cho biết nhóm chữ "Let Them Eat Pixels!" là nhại theo câu nói lừng danh (được truyền tụng là) của Marie Antoinette: "Let Them Eat Cakes!"
 
[Nguyên văn tiếng Pháp của câu nói này là: "S’ils n’ont plus de pain, qu’ils mangent de la brioche" (Nếu họ không còn bánh mì trắng, thì để họ ăn bánh mì bơ ngọt), thường được dịch sang tiếng Anh là: "If they have no bread, let them eat cake". Jean-Jacques Rousseau thuật lại trong cuốn tự truyện Confessions (xuất bản năm 1783) rằng một "công chúa lừng danh" đã phát biểu câu này trước nạn đói của nông dân. Có giả thuyết cho rằng câu nói này là của Marie Thérèse (vợ của vua Louis XIV), chứ không phải là của Marie Antoinette (vợ của vua Louis XVI), vì Jean-Jacques Rousseau viết cuốn Confessions trước khi Marie Antoinette từ Áo sang Pháp năm 1770.]
 
[1] Trong nguyên tác Anh ngữ: "for Ossian’s sake". Theo truyền thuyết của Ái-nhĩ-lan, Ossian là một thi nhân anh hùng sống vào thế kỷ thứ 3.
[2] Trong nguyên tác Anh ngữ: "hyphenated American". Đinh Linh là Vietnamese-American, Mỹ-gốc-Việt.
[3] Trong nguyên tác Anh ngữ: "special renditions". Đây là một "thuật ngữ" mà chính quyền Bush dùng khi họ bắt cóc những người khả nghi ở nước ngoài.
[4] Pixels là những ô vuông rất nhỏ kết hợp với nhau để tạo nên hình ảnh kỹ thuật số (digital image). Những gì chúng ta thấy trên màn hình của máy computer đều được tạo nên bởi những pixels. Mỗi bức hình có thể được tạo nên từ hàng trăm ngàn cho đến hàng triệu pixels. Càng nhiều pixels chừng nào thì hình ảnh càng mịn và trung thực chừng ấy. Trong một số từ điển Trung văn hiện nay, tôi thấy người ta dịch chữ "pixel" là (tượng tố), hoặc có khi là (hoạ tố) — chữ này có vẻ thiếu chính xác! Hôm nay (22.11.2006), bạn Ái Vân Quốc, một nhà thơ trẻ hiện ở Nhật Bản, gửi email cho tôi biết ngành máy tính ở Việt Nam đã dịch chữ này là "ảnh điểm" . Tôi thấy chữ "ảnh điểm" rất hay. Cũng có nhiều người Việt Nam dùng chữ "điểm ảnh", nhưng như thế là không đúng với nguyên tắc cấu tạo từ ghép Hán-Việt.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021