thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ORIANA FALLACI (1929-2006) — sự lương thiện trong giấc mơ tàn

 

GHI NHẬN ĐẶC BIỆT

 

 

Khi nhà báo Ý Oriana Fallaci quyết định chuyển qua lĩnh vực chính trị quốc tế và tìm đến những nơi có xung đột, nội loạn, cách mạng, Việt Nam đương nhiên là nơi đến lý tưởng của cô. Có lẽ cô đã thấy chán những cuộc phỏng vấn những nhân vật tên tuổi trong điện ảnh, văn học. Họ có một cuộc sống thường là êm đềm, phẳng lặng, đến mức nhiều khi phải cần những vụ tai tiếng để thấy rằng mình còn hiện hữu. Ở nhiều người, sự trưởng giả, kiểu cách đối với cô là kệch cỡm và không che giấu được sự nghèo nàn, xơ xác của chính bản thân họ. Và cũng có người quá tinh vi đến mức trong cuộc sống không thật này con người của họ có điều gì giả tạo, đối diện với người phỏng vấn mà tưởng như đang đứng trước ánh đèn sân khấu. Từ khi còn nhỏ, Oriana đã là một nữ du kích quân tham gia kháng chiến chống quân thù. Cô theo cha cầm súng bắn vào bọn lính Đức quốc xã chiếm đóng quê của cô vùng đồi núi Florence nước Ý. Cô từng làm giao liên, và nhà cô có lúc là nơi che giấu nghĩa quân. Cá tính cô được tôi luyện trong hoàn cảnh đó, vừa gai góc, gan lì, vừa thông minh, bén nhậy. Cô giỏi ứng phó, đối đáp nhanh nhẹn, và thường làm cho người đối thoại trở nên bị động. Trong mười năm đầu làm báo, một nghề mà cô đã chọn không thể sai được, thành công đã đến rất sớm nhưng không làm cho cô thỏa mãn được. Phỏng vấn các nghệ sĩ chẳng làm ai sống chẳng làm ai chết, chỉ dành cho những người có thời giờ đọc cho vui, và đọc rồi quên – có lẽ ngay cả những người được phỏng vấn. Nhưng để cho nghề nghiệp của mình trở thành một thách đố thực sự cho những hoài bão và lý tưởng đã hàng đêm đi vào giấc ngủ, để cho tên tuổi của mình vượt qua không gian và thời gian, Oriana chỉ thấy có một con đường: tìm đến những nơi mà chân lý chưa sáng tỏ và bạo lực đang là tên của trò chơi và qui luật của tồn tại. Cho nên, Việt Nam trong những năm sáu mươi đương nhiên là “đất hứa” của những người đi tìm biên cương mới cho sự tìm kiếm của mình.

 

“Trí thức tiến bộ”

Trong chiến tranh Việt Nam, có một số phụ nữ trí thức đến Việt Nam tìm “chân lý”. Nhớ lại những năm đó, người ta dường như có thể nghe được giọng hát phản chiến ngân vang lanh lảnh của Joan Baez trong các khuôn viên đại học của Mỹ, thấy được “chị” Jane Fonda đội nón sắt giữa Hà Nội, và đọc Mary McCarthy viết về “thiên anh hùng ca của một dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc kiểu mới”.[1] Những nhà báo thông thường phải có thái độ khách quan hơn, mặc dù tư tưởng con người thường được xây dựng ban đầu từ những định kiến. Tuy nhiên, khi một nhà báo hay nhà văn muốn được người ta nhìn mình như một “trí thức tiến bộ”, thì “sự thật khách quan” có thể là “lời nói dối tỏa sáng” – cách này hay cách khác, bên này hay bên kia. Trong số những nhà báo phụ nữ thành danh với chiến tranh Việt Nam, có thể kể ba nhân vật tiêu biểu.

Trên tầng lầu hai của khách sạn Continental trên đường Tự Do là văn phòng của Newsweek - tuần báo nổi tiếng với bài báo “Ours Rabbits Theirs Tigers” trong năm 1967, xem quân đội Saigon như là thỏ. [Trưởng văn phòng của Newsweek là Maynard Parker, một người còn rất trẻ, chỉ vừa 30 vào năm 1970. Lúc đó người ta nói nếu không có thân thế, Parker đã không sớm lên đến vị trí đó. Quả thật, vào những năm 80, ông đã lên chức chủ bút của Newsweek, tên của ông vọt lên trên đầu manchette của tờ báo – cho đến khi ông mất vì bệnh ung thư năm 1998.] Đây cũng là nơi làm việc của Frances FitzGerald, một ký giả tự do qua Việt Nam từ tháng hai năm 1966 và ở lại đến tháng 11 năm đó để nghiên cứu “những khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội” của Việt Nam trong cuộc chiến này với kêt luận rằng người Việt Nam không bao giờ ủng hộ quân nước ngoài can thiệp vào nội tình, người Mỹ thiếu những hiểu biết căn bản về cả kẻ thù lẫn đồng minh của mình, chưa nói đến đối sách, cho nên không thể theo đuổi cuộc chiến tranh này một cách thành công. Cuốn Fire in the Lake, the Vietnamese and the Americans in Vietnam [2] được ba giải thưởng: Pulitzer, National Book Award, và Bancroft – thành công vang dội cho tác phẩm đầu tay của một người phụ nữ khá trẻ. Giáo sư Patrick Honey của Đại học Luân Đôn tuy nhiên cho rằng FitzGerald đã nghiên cứu lịch sử và xã hội Việt Nam từ một chiều, một nguồn, và nếu không nhằm vào lúc phản chiến trở thành cao trào ở Mỹ, và nếu không có những “quan hệ tốt” ở Washington (cha của bà, Desmond Fitzgerald – vốn là Phó giám đốc rất nhiều ảnh hưởng của CIA) – thì Lửa trong hồ không thể được đón nhận đến mức đó.

Cũng có một suite trong khách sạn Continental ở tầng lầu ba là văn phòng thường trú của tờ The New York Times. Nữ ký giả Gloria Emerson đã từ đó theo dõi cuộc chiến Việt Nam trong thời Nixon, hòa đàm Paris năm 1969, cuộc hành quân qua Campuchia năm 1970, chiến dịch Hạ Lào năm 1971 và cuộc độc diễn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mùa hè đỏ lửa năm 1972 và chiến dịch oanh tạc Hà Nội 12 ngày đêm dẫn đến hiệp định hòa bình 27-1-1973. Một nhân vật Việt Nam đã giúp bà đắc lực không kém vai trò của ông tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đối với báo Time. Đó là Nguyễn Ngọc Lương, cũng người cao, gầy, tinh anh, nhanh nhẹn như Ẩn. Nhưng Lương là người miền bắc di cư năm 1954. Sau này khi có điều kiện đi Mỹ, ông đã ở lại. Khách nước ngoài đến quán La Bibliothèque của bà luật sư Nguyễn Phước Đại trên đường Nguyễn Du có thể gặp ông ở đó làm “em-xi” cho những show bỏ túi về âm nhạc và múa dân gian của Việt Nam. Emerson là một nữ ký giả lăn lộn từ các chiến trường trên bốn vùng chiến thuật và chính trường Saigon. Bà cũng được xem là một tác giả “phản chiến” sau khi cho xuất bản cuốn Winners and Losers, Battles, Retreats, Gains, Losses and Ruins from the Vietnam War, [3] vào lúc mà chiến tranh Việt Nam đã kết thúc nhưng những “ám ảnh chết chóc vẫn không bao giờ dứt” với bà. Nguyễn Ngọc Lương đã giúp bà điều tra tích cực trong vụ Mỹ Lai của trung úy Calley và theo dõi vụ chuồng cọp Côn Đảo của Don Luce. Bà cũng theo dõi vụ bầu cử độc diễn năm 1971 của Thiệu. Và Gloria Emerson cũng tìm hiểu về nhận thức của lính Mỹ tại Việt Nam về cuộc chiến cũng như tinh thần của họ – trong bối cảnh chung của một thế hệ thanh niên Mỹ oán ghét, sợ hãi chiến tranh, không thấy cuộc chiến có liên quan gì đến mình – theo ước tính của American Civil Liberties Union (ACLU) có đến 750.000 lính đào ngũ và thanh niên trốn quân dịch cần được đại xá tính cho đến 31-12-1974! Tác phẩm của Gloria Emerson là một cáo trạng nhức nhối về chính sách của Mỹ tại Việt Nam, dựng lên những người bất xứng tại Saigon, không tìm được cách dứt điểm cuộc chiến tranh một cách tốt đẹp, gây tang tóc cho người dân, làm phân hóa xã hội Mỹ. Khác với Lửa trong hồ có tính cách khảo cứu, Kẻ thắng, Người thua… sống động vì văn phong báo chí. Nó làm người ta nhức nhối vì những con số liệt kê, tuy không đầy đủ, ở cuối sách: gần 1.8 triệu người thường dân miền Nam vừa chết vừa bị thương trong 10 năm chiến tranh 1965-75, và hơn 10 triệu người trở thành dân tỵ nạn chỉ trong vòng tám năm 1965-73. Chưa thống kê số tử vong trong quân đội miền Nam. Chưa nói đến những con số tương tự, chắc phải khủng khiếp hơn nhiều lần, ở miền bắc. Với những con số này trong trí, được thua có ý nghĩa gì và ai có thể điềm nhiên nói chuyện được thua ở đây. Gloria Emerson mất năm 2004, khi bà được 75 tuổi.

 

Văn chương và báo chí

Người thứ ba là Oriana Fallaci. Gốc gác của bà khác xa gốc gác của Fitzgerald và Emerson, cho nên tuy cũng chống chiến tranh như hai nhà báo phụ nữ Mỹ, “động thái” của người phụ nữ Ý này rất khác biệt. Frances Fitzgerald và Gloria Emerson chỉ phê phán chiến tranh sau khi kết thúc công việc của mình ở đó. Fallaci lại là người chống chiến tranh, hay đúng hơn, ủng hộ hay có thiện cảm với “phe bên kia” của cuộc chiến, từ trước khi đặt chân lần đầu xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Bà là người từ nhỏ đã đi theo kháng chiến Ý chống Đức Quốc Xã, cho nên trước những cuộc xung đột trên thế giới, trong thâm tâm bà luôn luôn đứng về phía những “dân tộc bị áp bức phải làm cách mạng giải phóng” và chống lại những “thế lực đế quốc”. Trí thức Ý cũng giống như trí thức nhiều nước châu Âu, có một phần thiên tả, ghét Mỹ một cách “bẩm sinh”, sẵn sàng lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ, phê phán sự “kiêu căng” của một nước Mỹ “superman”. Trí thức thiên tả châu Âu quen sống trong tháp ngà, cho nên đối với cuộc chiến tranh Việt Nam họ vừa chống “Mỹ xâm lược” vừa không do dự tin tưởng những huyền thoại ngày càng được loan truyền mạnh mẽ về Hồ Chí Minh (một khuôn mặt sáng chói của thế giới thứ ba biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc anh hùng), về cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp (chủ nghĩa anh hùng cách mạng) và chiến thắng thần thoại Điện Biên Phủ (đầu óc quân sự kỳ diệu Võ Nguyên Giáp), về sự tiếp tục cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc anh hùng chống Mỹ cứu nước ở miền Nam lúc dó.

Bà đến Việt Nam là để tường trình về cuộc chiến tranh khắp cả thế giới đang ồn ào tranh luận lúc đó, và tường trình là đi tìm hiểu sự thật, mặc dù bà nhìn nhận có lẽ bà thiếu khách quan vì có sẵn những định kiến – ví dụ như tinh thần bài Mỹ. Bà viết :“Tôi cảnh giác trước những phát biểu giả dối về khách quan. Không hề có một điều như vậy bởi vì không thể có điều đó. Cho nên cách duy nhất để cho lương thiện là kể lại sự thật như mình có thể ghi nhận đuợc. Từ những gì ta thấy là góc độ đúng đắn. Hay có ý nghĩa.” Fallaci tin tưởng ở cái đẹp, sức diễn tả của văn chương, bà bác bỏ sự khác biệt giữa văn chương và báo chí, cho rằng trong văn chương, người viết cũng phải có niềm tin ở chân lý như mình thấy. Bà cho rằng: “Ngày nay báo chí thường là văn chương, và văn chương là báo chí: không còn biên cương giữa hai thứ nữa.”

Văn chương thường là sản phẩm của cảm xúc và viết về cảm xúc. Kinh nghiệm phóng viên của bà tại Việt Nam không thiếu những cảm xúc: bà đã ra chiến trường, nằm dưới hầm trú ẩn, bay trực thăng trên vùng giao tranh, đến những trại tỵ nạn, thăm các trại tù binh, viếng các ngôi chùa ở Huế, phỏng vấn lãnh đạo tại Saigon, các tư lệnh quân đoàn, các viên chức cao cấp của Mỹ ở miền Nam… Bà cũng ra đến làng Mỹ Lai ở Quảng Ngãi, cũng tò mò đi Côn Đảo để xem chuồng cọp là cái gì, và trong vụ Mậu Thân bà vừa tất tả trên đường phố Saigon-Chợ Lớn, vừa bay đến Dak-To, cứ địa xuất phát các cuộc tấn công của Cộng Sản vào Huế, và có mặt ở nội thành vào lúc quân miền Nam và quân Mỹ tái chiếm cố đô. Trong cảnh khói lửa, bom đạn, chết chóc, địa ngục trần ai… như thế, làm sao con người, dù là phóng viên, có thể giữ được sự bình tĩnh, thăng bằng, “một cái đầu lạnh” để tường trình đầy đủ, “khách quan” sự thật.

Oriana Fallaci cũng quyết định có một phong cách riêng về thể loại phỏng vấn. Phỏng vấn là đi thu thập tin tức, tìm kiếm sự thật. Hỏi người ta và ghi nhận trả lời là công việc bình thường của người làm báo. Và phần lớn việc hỏi đáp này được thực hiện với những người bình thường – những người “trên đường phố” không bận tâm với việc trả lời và việc phổ biến trên truyền thông những ý kiến của mình. Nhưng một phần các cuộc phỏng vấn được thực hiện với những nhân vật nổi danh trong xã hội – những “celebrities” như ca sĩ, diễn viên, các nhà văn, các vận động viên nổi danh – hay các nhà chính trị. Trong những trường hợp phỏng vấn này, người được phỏng vấn xem đó là một cơ hội được “quảng cáo” và sẽ tìm cách nói cho được điều mình muốn nói – bất kể người ta hỏi cái gì. Họ chỉ thích nói mà chẳng thích nghe và chẳng thích được hỏi hay chỉ thích được hỏi những câu gì mình có sẵn câu trả lời. Ngược lại, người đi phỏng vấn muốn nghe người được phỏng vấn có gì phải nói và có gì có thể nói trước những vấn đề công luận muốn biết nhưng người phỏng vấn lại né tránh. Nói cách khác, đối với người đi phỏng vấn, đó là vấn đề kỹ thuật, hay nghệ thuật, hay chiến thuật “truy sát”, “giải giới” người được phỏng vấn, làm cho người ta ở thế thụ động, có cảm tưởng bị dồn đến chân tường, bị vạch trần, bóc vỏ, phải đứng trước tấm kính chiếu yêu, nên loay hoay tìm cách chống đỡ, chống chế, bào chữa, phòng thủ, không còn sức đề kháng để giành lại thế chủ động, dẫn dắt câu chuyện.

 

Trên sân khấu Việt Nam

Oriana Fallaci nổi tiếng về những câu hỏi trắng trợn, quyết liệt. Khi nghe ông Kỳ rao giảng mãi về một cuộc “cách mạng xã hội của nông dân, do nông dân, vì nông dân”, Oriana Fallaci nói “Mao Trạch Đông cũng nói vậy. Như vậy phải chăng ông chọn chiến tuyến sai lầm?” Bà còn hỏi: “Ông không ưa người da trắng phải không?” “Tướng Kỳ, ngoài ông ra thì ông còn ngưỡng mộ ai trên thế giới này không?” “Ông Kỳ, ông có biết ông bị người ta trên thế giới này ghét đến mức nào không?”

Trong cuộc phỏng vấn ông Thiệu vào tháng 10 năm 1972, Oriana Fallaci cũng quần thảo vài tiếng đồng hồ về những vấn đề chiến tranh và hòa bình, Việt Nam hóa chiến tranh và ma thuật hòa bình giữa Thiệu và Kissnger, rồi bà hỏi thẳng: “Tổng thống, chúng ta đã nói nhiều về dân chủ và bầu cử. Cho nên tôi thấy có thể hỏi ông một câu khó chịu. Ông nói gì với những người gọi ông là nhà độc tài?”, “Dân chủ của ông là dân chủ gì mà bầu cử chỉ có một ứng cử viên?”, “Tôi có một câu hỏi thô bạo đây, thưa Tổng thống. Tôi không thích thô bạo, nhất là khi ông đã tỏ ra tử tế quá mức với tôi, mời tôi ăn sáng và thế này thế nọ, nhưng trong đầu tôi lại có một loạt những câu hỏi thô bạo. Câu hỏi đầu tiên. Ông nói gì về việc người ta gọi ông là bù nhìn của Mỹ, người của Mỹ?”, “Câu hỏi hai. Ông nói gì khi người ta tố cáo ông tham nhũng, là người tham nhũng nhất Việt Nam?”, “Người ta nói rằng ông sợ chết, sợ bị ám sát như ông Diệm lắm phải không?”

Trong phỏng vấn Võ Nguyên Giáp vào tháng hai năm 1969, bà thất vọng khi thấy ông phóng đại về số thương vong của Mỹ đến gần 70.000 trong khi cho đến lúc đó năm 1969, chỉ có chưa đến 35.000 lính Mỹ chết ở Viêt Nam. Bà cũng kinh hoàng khi nghe ông Giáp nói rất thản nhiên về số tử vong nửa triệu người ở miền bắc, như xem mạng sống của 500.000 người đó là cái giá quá rẻ. Rồi Fallaci hỏi: “Đại tướng, mọi người đồng ý cuôc tấn công Tết là một chiến thắng tâm lý vĩ đại. Nhưng từ quan điểm quân sự ông có nghĩ đó là một thất bại không?” Khi Giáp cứ quả quyết: “Bà làm tôi ngạc nhiên đấy, bởi vì cả thế giới đã nhìn nhận rằng, từ quan điểm chính trị và quân sự, cuộc tổng tấn công Tết …” thì bà ngắt lời :“Đại tướng, ngay cả về mặt chính trị cũng không phải là một chiến thắng to lớn lắm. Dân chúng không nổi dậy, và chỉ sau hai tuần người Mỹ đã giành lại quyền kiểm soát. Chỉ có ở Huế ta mới thấy cái nghiệp chướng này kéo dài cả một tháng. Ở Huế, nơi có lính miền bắc.” Khi Võ Nguyên Giáp hỏi lại nhà báo có nghĩ là Mỹ đã thua trong cuộc chiến ở miền Nam, Fallaci trả lời: “Không, thưa Đại tướng. Họ không thua. Hay chưa thua. Các ông chưa đá họ ra khỏi. Họ vẫn còn đó. Và họ vẫn đang ở lại”. Rồi bà hỏi lại : “Đại tướng, ông nói rằng người Mỹ ngoan cố ở Paris. Nhưng người Mỹ cũng nói như thế về các ông. Như thế phỏng cái hòa đàm Paris này có lợi ích gì?”.

Bài phỏng vấn Henry Kissinger đăng trên tuần báo New Republic vào cuối năm 1972 được chính Kissinger xem là “tai hại nhất” cho sự nghiệp của ông ta. Các báo đều trích dẫn những lời Kissinger phát biểu về hòa đàm, về Nixon… Như bà kể lại: “Người ta nói Nixon nổi giận, bởi thế ông từ chối không gặp Henry, Henry gọi mãi cho Nixon để xin giải thích mà không được, Henry mới đi kiếm Nixon ở San Clemente. Cổng biệt thự ở San Clemente đóng chặt, Nixon không để cho ông ta nói; điện thoại reng mà không ai trả lời vì Nixon chẳng thèm bắt máy. Nixon, không kể những chuyện khác, đã không tha thứ cho Henry vì những điều Henry đã nói về lý do thành công của mình: … Tôi luôn luôn hành động một mình. Người Mỹ thích chuyện đó lắm. Người Mỹ thích hình ảnh một chàng cao bồi dẫn đầu một đoàn lữ hành, cỡi ngựa một mình phía trước đoàn xe, một chàng cao bồi rong ruổi một mình vào các làng mạc, thành phố, chỉ một mình với ngựa… Ngay cả báo chí cũng chỉ trích ông ta vì luận điệu này”. Đúng thôi, bao nhiêu chuyện vĩ đại đang diễn ra, không lẽ tất cả là do Kissinger nghĩ ra, Kissinger làm? Nixon người cầm lái vĩ đại ở đâu trong tấn tuồng này? Trước những lời chỉ trích sự phạm thượng kiêu ngạo này, Kissinger chỉ có thể nói việc ông ta tiếp Fallaci là “điều ngu xuẩn nhất đời tôi!”.

 

Chân lý Fallaci

Oriana Fallaci phỏng vấn ông Kỳ khi ông đang bị căng thẳng trầm trọng. Ông đã dọn mâm cỗ thịnh soạn (bình định được tình hình, chấm dứt tình trạng đảo chánh của thời Nguyễn Khánh, và tổ chức bầu cử lập hiến rồi lập pháp và tổng thống), nhưng Mỹ đã để cho ông Thiệu xơi – hay đúng hơn tân đại sứ tủ lạnh Ellsworth Bunker lại dành cho Thiệu hưởng – phần lớn cũng vì cho rằng Kỳ là người của ông đại sứ cũ Henry Cabot Lodge. Khi Việt Cộng mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, Thiệu đang còn mải ăn tết ở quê vợ Mỹ Tho. Ông Kỳ với tư cách phó tổng thống đã xuất sắc trên cả hai mặt trận chính trị và quân sự. Nhưng Mỹ đã “hộ giá” cho Thiệu trở lại “kinh đô”, và khi trở lại Saigon, nắm quyền trở lại, điều đầu tiên Thiệu làm không phải là cám ơn Kỳ mà tìm cách tháo gỡ những gì Kỳ đã làm trong mấy tuần “tiếm ngôi”. Nhưng Kỳ đã tạo những ấn tượng mạnh mẽ nơi Fallaci. Ông cho thấy là một người lãnh đạo biết lo nghĩ, biết nhận trách nhiệm trong tình thế sôi bỏng của đất nước. Fallaci vốn chỉ nhìn Kỳ như một ông tướng quân phiệt playboy, nhưng cuối cùng bà lại nhìn nhận “không ai dám nói ông ta là một nhân vật tiêu biểu, một người định mệnh đã buộc và đang buộc phải dấn thân vào lịch sử của cuôc chiến này, một người duy nhất có thể là lãnh tụ của một đất nước nhức nhối vì nỗi quá nghèo nàn, thiếu thốn người lãnh đạo. Nhưng ông ta chính là người như thế. Và ta có thể nhận thấy điều đó, với tất cả sự kinh ngạc, khi lắng nghe ông nói trong hơn mười phút. Ông không phải là người ngu. Ông có những suy nghĩ để nói ra. Và ông nói ra không sợ hãi.” Ông Kỳ đã luôn luôn nhấn mạnh miền Nam cần có một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa hơn là bầu cử dân chủ hình thức, tốn kém kiểu Mỹ, bởi vì người dân “vẫn chưa có bát cơm đầy”. Ông nói: “… Bầu cử có nghĩa gì với một người đang chết đói. Quyền lập pháp và hành pháp có nghĩa gì khi người ta chỉ cần bát cơm cho con cái …Tôi không quan tâm đến bầu cử mà người Mỹ muốn; nó chẳng có nghĩa gì ở nước này bởi vì ở đây người dân đi bỏ phiếu mà chẳng biết gì, sao cũng được và sợ hãi... Cuộc bầu cử vừa qua chỉ hao tốn tiền bạc và thời giờ, là trò hề. Bầu cử này chỉ có công dụng cử lên một chế độ sai lầm, tham nhũng và yếu ớt, nó sẽ sụp đổ ngay tức thì nếu có một cuộc cách mạng.” Phải chăng vì ông Kỳ nói thế mà người Mỹ đâm sợ, đàng nào thì ông Thiệu cũng “đáng tin” hơn. Nhưng ông Kỳ đã tạo nơi Fallaci một ấn tượng mạnh mẽ là chế độ miền Nam không có một giải pháp chủ động, độc lập cho vận mệnh của mình.

Fallaci phỏng vấn ông Võ Nguyên Giáp sau khi đã chán ngán, thậm chí suy sụp tinh thần phần nào vì sự phi nhân của chiến tranh mà bà đã chứng kiến trong hai năm 1967-69. Bà đã không ngờ cả Liên Xô và Hoa Kỳ quá tiến bộ trong kỹ thuật chiến tranh, vũ khí chiến tranh hiện đại đã đến mức như khoa học giả tưởng, cho nên trong lòng bà chỉ ham hòa bình và chỉ muốn tìm hiểu xem những phe tham chiến có cho hòa bình một cơ hội nào chăng khi đã có hòa đàm ở Paris. Nhưng ông Giáp làm bà vỡ mộng. Gặp Võ Nguyên Giáp giữa khi miền Bắc muốn làm một cuộc tổng tấn công mới vào đầu năm 1969, bà hiểu rằng Hà Nội chưa hề thực sự hình dung một giải pháp thỏa hiệp, hòa hợp hòa giải, sống chung hòa bình là thế nào. Bà nói với ông Giáp: “Đại tướng, chúng ta ngồi đây chỉ nói về hòa bình nhưng dường như chẳng ai muốn nó. Như thế cái hòa đàm này kéo dài trong bao lâu?… Chiến tranh như thế sẽ kéo dài bao lâu nữa? Bao lâu nữa dân tộc khốn khổ này phải hy sinh, phải thống khổ, phải chết?” Đại tướng có sẵn câu trả lời: “Trong bao lâu cần thiết: mười, mười lăm, hai mươi, năm mươi năm. Cho đến khi chúng tôi đạt được chiến thắng trọn vẹn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Vâng! Ngay cả hai mươi, ngay cả năm mươi năm nữa! Chúng tôi chẳng vội gì, chúng tôi chẳng sợ gì!” Cái kinh hoàng là ở sự thản nhiên, vô tâm hoàn toàn của ông Giáp trước nhu cầu được sống của con người, của người dân!

Đến hơn ba năm sau Fallaci mới gặp Nguyễn Văn Thiệu, khi số phận miền Nam hầu như đã được định đoạt với lời phát biểu của Henry Kissinger: “Peace is at hand!” Nhưng khi gặp bà Fallaci, ông Thiệu chẳng lộ vẻ lo lắng tí nào. Trái lại ông rất “vui vẻ và cởi mở” – rõ rệt ông tưởng rằng Nixon và Kissinger sẽ nao núng vì ông cưỡng lại việc ký hiệp định hòa bình vào tháng Mười năm đó. Và điều ông đòi hỏi sẽ được người Mỹ thỏa mãn: bộ đội miền bắc phải rút ra khỏi miền Nam! Ông Thiệu thoải mái tới độ, như bà viết, “Trước đó hai ngày, ông ta có cho người hỏi tôi là tôi thích ông mặc quân phục hay y phục dân sự. Tôi đáp dân sự, nhưng cũng giống như nhiều người trong quân đội, thường phục nhiều khi không thích hợp với họ, làm cho họ trông vụng về, và điều này thể hiện rõ trong cử chỉ của ông. Ví dụ như cố gắng của ông làm cho tôi cảm thấy ông niềm nở với tôi hay để tôi đánh giá ông là một chủ nhà chu đáo. Trời đất ơi, có phải giờ giấc thế này là quá sớm với tôi chăng? Tôi đã uống cà phê rồi phải không? Tôi có thích bữa điểm tâm nhỏ của ông không? Xin mời theo tôi qua phòng bên kia. Mời cô ngồi xuống đây. Ông ta ngồi ở đầu bàn, khăn ăn nhét vào trong cổ áo, và khi [nhiếp ảnh gia] Moroldo làm cử chỉ chụp lấy bức ảnh đầu tiên, [Hoàng Đức] Nhã bắt đầu nháy mắt ra hiệu liên tục, muốn ông ta gỡ cái khăn ăn ra khỏi cổ, nhưng ông chẳng hiểu…”. Qua mấy giờ nói chuyện, Fallaci hiểu rằng một khi có hiệp định hòa bình, ông Thiệu sẽ tìm cách tiêu diệt Việt Cộng tới cùng, nhưng sẽ chẳng làm gì để xây dựng một chế độ miền Nam vững mạnh. Ông chẳng có viễn tượng phải đối phó như thế nào với Miền Bắc, chỉ ngây thơ tin tưởng vẫn có thể tiếp tục dựa vào Mỹ. Sau này, ông nói với Nguyễn Văn Ngân ông có hai kẻ thù đến tận xương tủy: Cộng Sản và người Mỹ. Nhưng hình như ông định bắt tay với họ vào đầu những năm 90 và chọn nước Mỹ là nơi an hưởng tuổi già sau một thời gian ở bên Anh!

Kissinger gặp Fallaci một tháng sau khi bà phỏng vấn ông Thiệu, mục đích của Kissinger là xem những người kia, Thiệu và Giáp, đã nói những gì. Nhưng một điều mà Kissinger đã nói lên rất rõ: Nixon có thể bận tâm vì những cam kết này nọ lúc khởi thủy trong việc bảo vệ Việt Nam, “tiền đồn chống cộng của thế giới tự do”, nhưng Kissinger chẳng cần xem xét việc Mỹ can thiệp là “đạo nghĩa”, “chính đáng” hay không, mà công việc duy nhất là nghĩ cách để thoát ra. Ông nói: “Dù sao, vai trò của tôi, vai trò chúng ta, là làm giảm càng nhiều càng tốt mức độ nước Mỹ dính líu vào cuộc chiến, để từ đó chấm dứt chiến tranh” – một cuộc chiến tranh mà ông nhìn nhận với Fallaci là “vô ích”. Fallaci nhận định rằng đây là một trò bán đứng miền Nam của Kissinger, “hiệp định hòa bình là một trò dối gạt. Một trò dối gạt để giữ thể diện cho Nixon, đưa về nước thanh niên Mỹ, tù binh, rút quân, và xóa đi chữ “Việt Nam” nhức nhối khỏi các trang báo hàng ngày”.

 

I won’t admit war!

Hơn nhiều tác giả thời danh, Oriana đã viết lịch sử về cuộc chiến Việt Nam hàm súc, đầy đủ và lương thiện ở phần kết. Bà không còn nhìn thấy ở đó một cuộc chiến tranh giải phóng thần thoại. Bà cũng không nhìn thấy ở quân đội miền Nam một “lực lượng tay sai của đế quốc Mỹ”. Bà không thấy tội ác chiến tranh, bạo ngược với dân thường là độc quyền của chế độ nào. Mỹ Lai cũng như Mậu Thân ở Huế. Bà chỉ thấy chiến tranh kinh hoàng. Và chủ nghĩa anh hùng là giả tạo – nếu không phải là giả dối. Theo tác giả John Gatt-Rutter viết trong sách Oriana Fallaci, The Rhetoric of Freedom, [4] “mối ám ảnh của Oriana Fallaci với chủ nghĩa anh hùng đạt đến cao điểm và chuyển hướng vào ngày 25-5-1968, sau khi bà đối diện một lần nữa trước sự kinh hoàng của chiến trận ngoài tuyến đầu ở Dak To … Bà xem cuộc chiến Việt Nam là một trò điên rồ khủng khiếp, “God, what a mad house. War is a mad house.” Chiến tranh đúng là một nhà thương điên. Bà hoài nghi ở chủ nghĩa anh hùng, cho nên cũng không tin tưởng ở những lối tuyên truyền phác họa chế độ miền Nam như một tập đoàn quân phiệt xấu xa. “Những cuộc phỏng vấn của bà với những nhân vật bị dễ dàng phỉ báng như Kỳ hay Loan dạy cho bà rằng cái xấu và cái tốt không bao giờ không trộn lẫn với nhau nơi mỗi con người. Tác giả Gatt-Rutter viết: “Oriana cưỡng lại điều này: “Trong một khoảng thời gian lâu trong đời, tôi bị bệnh (nhiễm trùng) với chủ nghĩa anh hùng, và ở Việt Nam này tôi khổ sở vì nó tấn công; nhưng bây giờ tôi thề rằng tôi sẽ bỏ nó. Bởi vì nếu tôi chấp nhận chủ nghĩa anh hùng thì tôi phải chấp nhận chiến tranh. Nhưng tôi không được chấp nhận nó. Tôi không thể. Tôi sẽ không chấp nhận chiến tranh”.

Sự xác định I won’t admit war đối với cuộc chiến Việt Nam là sự xác định đầy lương tri nhất của con người sau cuộc chiến. Nhưng ta không nghe được nhiều lắm những lời phát biểu này 5-10 năm sau chiến tranh, 10-15 năm sau chiến tranh… Oriana Fallaci đã lớn lên trong cái nôi của chủ nghĩa anh hùng. Từ bỏ nó là cả một sự vỡ mộng. Là cả một cơn khủng hoảng trong đời. Vì thế mà trong gần cả 30 năm cuối đời, bà chẳng làm gì nhiều. Oriana Fallaci mất vào ngày 15-9 vừa qua ở quê nhà Florence sau một thời gian dài chống trả với bệnh ung thư trên đất Mỹ. Bà luôn luôn cô đơn – cho đến khi chết. Bà chỉ yêu được một lần trong đời, nhưng người tình cách mạng người Hy Lạp của bà chết trong một tai nạn xe cộ năm 1979. Bà chỉ ước mong có một đứa con – nhưng không biết bao nhiêu lần bà bị hư thai vì sự bạo hành của người tình. Cho nên bà ra đi lặng lẽ và lạnh lẽo bên cạnh người em gái – người thân duy nhất. Nhưng bà là một nhà báo lớn thực sự, không lớn vì sự huyên náo, ầm ĩ của bạn bè. Bà lớn vì những gì bà đã viết được và để lại, lớn vì những nghiên cứu người ta đã viết về bà, lớn vì tư tưởng, vì nhân cách, vì lý tưởng, vì sự chọn lựa rõ ràng, và lớn vì đủ can đảm, lương tri để nói rằng mình đã vỡ mộng.

 

Salt Lake City, 9. 2006

 

_________________________

[1]Mary McCarthy, Hanoi (New York: Harcourt Brace & Co., 1968).

[2]Frances FitzGerald, Fire in the Lake: the Vietnamese and the Americans in Vietnam (New York: Little Brown & Co., 1973).

[3]Gloria Emerson, Winners and Losers, Battles, Retreats, Gains, Losses and Ruins from the Vietnam War (New York: Harcourt Brace Jovanovich, 1976).

[4]John Gatt-Rutter, Oriana Fallaci: The Rhetoric of Freedom (Oxford; Washington, D.C.: Berg, 1996).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021