thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ĐA TẠ — Đáp lời Phước An về «sự thua sút của cánh chị em»

 

Đọc “vài ý kiến ngắn gọn” của Phước An [Về «sự thua sút của cánh chị em»], tôi có 3 điều vui. Vui, bởi bài viết có bấc chì qua lại xôm cuộc chữ nghĩa, vui nữa là được bổ sung sự quen biết vài tên tuổi xa lạ vào nỗi nhiệt tình với thơ ca của mình, và vui cuối cùng là nhân cơ hội có được …đôi dòng tâm sự.

 

1. Tự kiểm & tự biện: về 2 điểm cụ thể

- Tôi đã sai khi viết: “Riêng mặt trận nghiên cứu - phê bình thì hoàn toàn vắng bóng cánh chị em”. Tôi quên mất Đoàn Cầm Thi và vài người khác nữa! Mặt trận này, cánh chị em có vài ghế tham gia chủ tịch đoàn, chứ không hoàn toàn vắng bóng, như tôi nghĩ.

- Tôi không trật tí nào cả khi không kê biên Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương (Dương Thu Hương tôi mới đọc một tập, còn Phạm Thị Hoài thì số dzách rồi: tôi đọc hầu hết những gì chị viết), và nhiều khuôn mặt văn xuôi nữ khác vào cuộc. Ở đây chẳng những tôi đã đắp bờ con mà còn rất kĩ càng bồi bờ cái: “Văn xuôi thì tôi không chắc lắm, chỉ tính riêng thơ…”. Có lẽ bạn đã sơ ý nên không ngó ra cái bờ đó.

Vậy là một đều, nhé!

Dẫu sao tôi vẫn nợ bạn về một lời khen đáo để: “ông đã đưa ra nhiều nhận định quan trọng và có sức thuyết phục” với một ý kiến khá là mát lòng: “không có ý cho rằng Inrasara có sự tự hào này”.

Riêng việc phân ranh giới tính trong văn chương hay vụ “âm thịnh dương suy”, tôi lại lần nữa đồng ý với Phước An rằng trong đó “chứa đựng trong nó sự lo lắng, không hài lòng của phái «dương»”. Bởi nỗi lo lắng này mà chính quý ông lại là kẻ phát biểu nhiều hơn về nó, thời gian qua. Phát biểu nói lên cái “không gì hơn một suy tư hời hợt hay chả thấy động não chút nào cả”, nhưng nó lại là sự kiện có thật. Có thật đến khá nhiều vị đồng thanh la hoảng rồi cả mang ra bàn tại Hội nghị văn học nữa! Phản ứng của tôi chỉ là đáp trả sự vụ [do người thiên hạ bày ra] lặp đi lặp lại không đáng đó.

Tôi chẳng phải đã từng mang tiếng xúi dục cánh chị em nổi loạn [may, không phải lật đổ sự thống ngự của đực tính để tiếm vị mà là] cắt đuôi cái “suffix” NỮ đầy tệ hại đó sao?[1] Thử đọc đoạn kết Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ” (talawas.org):

“Từ ý thức-thơ đến hành động-thơ, từ cựa quậy đập phá đến tìm đường, hay nói như Nguyễn Thị Hoàng Bắc: từ “Chúng tôi vì đàn ông” đến nổi loạn cướp ngọn cờ “Tuyên dương” để rốt cục bình tĩnh miệt mài đi tìm và tìm thấy vị thế cùng giọng điệu mình, là một hành trình dài, gian nan và bất trắc. Như thể từ một biện chứng đời chuyển sang biện chứng thơ. Trên con đường khổ ải đó, không ít chị em đã thất bại, ngã lòng, chiêu hồi làm thứ “Em vẫn thuộc sự sống của anh, trọn vẹn” (Vi Thùy Linh) an phận đầy tòng thuộc. Còn nhìn chung, có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Tin lành khắp nơi bay đến. [...]
 
Thế giới hôm nay cung cấp cho nữ giới bao nhiêu là tấm gương chói lòa, với đủ đầy phương tiện hiện đại [...]. Họ ý thức sâu thẳm và mãnh liệt rằng mình là một nửa nhân loại. Chính họ đã và đang góp phần tạo nên lịch sử thế giới. Chứ không bị đẩy ra bên mép rìa xã hội hay đứng ngoài lề văn học như đã từng nữa.
 
Trong văn học nghệ thuật, chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương giải-khu biệt hoá (de-differentiation) và phi tâm hoá (de-centring), dẫu trung tâm đó đó là Âu Mỹ nay hay Trung hoa xưa; ở đây: vị thế đàn ông trong văn hóa phụ hệ, đã tạo đà cho nhà văn nữ tự tin dấn tới. Không còn thái độ xốc nổi con nít thuở tiền-hậu hiện đại: phủ định, phản kháng và hô hào nổi loạn (tôi gọi đó là thứ thơ-nói to, thơ-la làng) – cần, nhưng không đủ, mà là: nhắm tới việc cắt đuôi suffix “nữ” trong chính sáng tác phẩm của mình.
 
Từ chối giọng điệu cải lương yểu điệu thục nữ, hết còn căng thẳng bật máu với cánh đàn ông, với truyền thống, cũng không thèm đóng thùng trịnh trọng mô phạm dạy đời (Lê Thị Thấm Vân), biết cười người (Phan Huyền Thư) và nhất là biết cười mình (Nguyễn Thị Hoàng Bắc), nhà thơ nữ hôm nay đang vượt thoát khỏi mặc cảm thân phận, khỏi trở lực nếp nhà đầy quy ước gò bó của ngôn ngữ Việt, sẵn sàng vươn đến nơi chốn sự sự vô ngại trong cõi sáng tạo.”
 

2. Sự vụ ngoại vi/trung tâm trong văn chương và nỗi văn nghệ của tôi:

Phước An viết:

Sáng tạo là hành vi tuyệt đối cá nhân, tại sao các nhà văn nhà thơ không được nhìn nhận như những cá nhân mà lại bị đặt trong một sự so sánh nào đó: nam - nữ, già - trẻ, trong nước - hải ngoại…? Những người viết cần được nhìn nhận, được đánh giá trong một tư cách duy nhất: người viết.

Nhất trí 100%!

Nhân lời góp bàn ngắn gọn của Phước An, tôi muốn dài dòng bày tỏ cái nỗi văn nghệ của mình. Tôi thường nhận vơ đùa rằng mình là kẻ cư trú ở đường biên (như Ma Hời h[ậu h]iện đại ấy mà): ngoài luồng/chánh lưu, tiếng Việt/tiếng Chăm, văn hóa Champa/Đại Việt, nghiên cứu/sáng tác,…nên được cái nhìn có vẻ “công bằng” hơn.[2]

Tập tiểu luận-phê bình: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (Nxb. Văn Nghệ, Tp.HCM, 2006), tập trung vào vấn đề văn học ngoại vi/trung tâm trong nỗ lực xóa bỏ đường biên kì thị đáng ghét. Nhưng bởi “lí do tế nhị”, Nhà xuất bản đã đề nghị tôi bỏ ra 3 bài phê bình (về thơ Nguyễn Hoàng Tranh, Mai Văn Phấn và Nguyễn Hữu Hồng Minh) và 4 tiểu luận trong đó có bài đinh là: Văn chương ngoại vi/trung tâm, từ một góc nhìn. Thân cây trổ ra mấy cành nhánh mà tôi nhẹ dạ chặt bỏ cái thân đó đi, đã khiến cho tập sách trở nên hụt hẫng.

Tiểu luận Văn chương ngoại vi/trung tâm, từ một góc nhìn sau đó được dời hộ khẩu sang tạp chí Tia Sáng (số 14, 20.07.2006), lần nữa bị thiến mất phần tôi bàn về văn chương hải ngoại, rồi đổi họ tên thành: Văn học Đông Nam Á trong tâm thế Hậu thuộc địa (10.2005).

Nhọc nhằn và nhiêu khê vậy đó!

Thử đọc qua phần mở đầu:

“Vấn đề ngoại vi/trung tâm chắc chắn không thuộc bản chất văn học, nhưng phiền nỗi nó là hiện tượng có thật. Kéo dài hằng chục thế kỉ, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến phát triển/trì trệ của nhiều nền, dòng văn học. Một dân tộc, một địa phương hay khu vực. Bức tường được hình thành nơi tâm lí xã hội khá phức tạp, quy định bởi vị trí địa lí-lịch sử, sức mạnh kinh tế-chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, số dân, nỗi to/bé của giải thưởng,… thậm chí cả sự cao/thấp của chức vị hay địa vị chẳng dính dáng gì đến văn chương cả!
 
Bức tường thành tưởng đã sụp đổ khi chế độ thực dân tàn lụi sau thế chiến thứ hai, khi tư tưởng tự do dân chủ được truyền bá khắp thế giới, nhất là khi văn hóa internet phát triển phồn thịnh biến trái đất thành một làng: làng toàn cầu. Nhưng không! Nó vẫn có đó, lù lù và vững chãi. Cứ như một thách thức. Nữa, những tưởng chỉ có phía mạnh (trung tâm) mới có ý đồ dựng và bảo trì bức tường mà lạ thay, ngay cả phe yếu (ngoại vi) cũng rất kiên trì tâm thế bám trụ!”[3]

Tôi đã thử phân tích tâm thế này với những biểu hiện khác nhau trong các bài viết:

– Ngôn ngữ số ít/số đông qua đối sánh thân phận thơ tiếng Chăm bên cạnh thơ tiếng Việt: Sáng tác văn chương Chăm hôm nay (tháng 2.2000) (Tienve.org).

– Văn học dân tộc thiểu số/đa số: Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động (tháng 4.2004) (Talawas.org).

– Văn chương ngoài lề/chính thống: Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn (tháng 3.2005) với Nhóm Mở Miệng và làn sóng thơ nữ Sài Gòn (Tienve.org).

– Sáng tác nữ/nam giới: Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ” (tháng 12.2005) (Talawas.org).

– Và cả cái gọi là văn chương địa phương/trung ương: Nhập cuộc và hy vọng (2.2001) qua sơ bộ lập biên bản sinh hoạt văn học tỉnh Ninh Thuận và sự có mặt đầy khiêm tốn của tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận (Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận, số16.2001).

 

3. Kết luận:

Tôi không biết đặt đầu đề thế nào khi bắt đầu bài phản hồi này. Viết xong nó, tôi cũng không biết kết ra sao nữa! Thôi thì đành: đa tạ vậy.

 

_________________________

[1]Cũng như mới đây thôi, trên báo Người lao động chủ nhật ngày 27.8.2006, bạn thơ trẻ Trần Hoàng Nhân kính biếu tôi cái mũ rất đẹp nhưng chẳng đáng mang ra khoe tí nào cả: “bênh vực” nhóm thơ ngoài luồng như Mở Miệng, Ngựa Trời.

[2]Thi sĩ Phan Bá Thọ chớ vội lanh trí nhặm lẹ cho Sara tui “phái giữa” đấy nhé!

[3]Bài viết sẽ được đăng trọn vẹn tại Tiềnvệ, nay mai.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021