thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghệ thuật

 

Bản dịch của Từ Huy

 

GILLES DELEUZE

(1925-1995)

 

Gilles Deleuze là một triết gia Pháp lừng danh trong hậu bán thế kỷ 20. Trong số hơn hai mươi tác phẩm của ông, nhiều cuốn đã gây ảnh hưởng quan trọng trong các lĩnh vực triết học, văn học, điện ảnh và mỹ thuật. Những cuốn Différence et répétition (1968) và Logique du sens (1969) của Deleuze đã khiến Michel Foucault tuyên bố rằng "có lẽ, một ngày nào đó, thế kỷ này sẽ được gọi là thế kỷ của Deleuze." (Phần ông, Deleuze nói rằng nhận định đó của Foucault là "một câu nói đùa để làm những người yêu thích chúng tôi phải bật cười, và làm những người khác phải tức giận.") Ông cũng viết chung một số sách với triết gia Félix Guattari (1930-1992). Nổi bật nhất là những cuốn Capitalisme et Schizophrénie 1. L'Anti-Œdipe (1972) và Capitalisme et Schizophrénie 2. Mille Plateaux (1980).

 

Quan niệm của Nietzsche về nghệ thuật là một quan niệm bi kịch. Nó dựa trên hai nguyên tắc, cần phải xem chúng như những nguyên tắc đã có từ rất lâu đời, nhưng đồng thời cũng là những nguyên tắc của tương lai. Trước hết, nghệ thuật là đối nghịch với hoạt động «không vụ lợi»: nó không chữa lành bệnh, không đem lại sự thanh tĩnh, không làm thăng hoa, không bù lấp, nó cũng không làm «ngưng» dục vọng, bản năng và ý chí. Nghệ thuật, trái lại, là “yếu tố kích thích của ý chí quyền lực [volonté de puissance]”,[a] là «tác nhân kích thích của ý muốn». Ta có thể dễ dàng hiểu ý nghĩa phê phán của nguyên tắc này: nó cáo buộc toàn bộ các quan niệm mang tính chất phản ứng về nghệ thuật. Khi Aristote hiểu bi kịch như là sự thanh lọc về phương diện y học hoặc như là sự thăng hoa của đạo đức, ông đã đem đến cho nó một lợi ích, nhưng là một lợi ích bị hoà lẫn với lợi ích của những sức mạnh phản ứng. Khi Kant phân biệt cái đẹp với tất cả những gì là lợi ích, thậm chí cả đạo đức, ông tiếp tục tự giới hạn mình ở điểm nhìn từ góc độ phản ứng của một khán giả, nhưng là một khán giả đang mất dần khả năng thiên phú, chỉ còn lại cái nhìn không vị lợi đối với cái đẹp. Khi Schopenhauer xây dựng học thuyết về sự vô tư, như ông tự xác nhận, ông đã khái quát hoá từ kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm của một thanh niên mà đối với anh ta, nghệ thuật có hiệu quả của loại thuốc làm dịu những nhu cầu tính dục. Hơn bao giờ hết, vấn đề mà Nietzsche đặt ra là: Ai là người nhìn cái đẹp một cách phi vụ lợi? Lúc nào nghệ thuật cũng được đánh giá từ điểm nhìn của khán giả, và từ điểm nhìn của một kiểu khán giả càng ngày càng ít chất nghệ sĩ. Nietzsche đòi phải có thẩm mỹ của sáng tạo, thẩm mỹ của Pygmalion. Nhưng tại sao, chính xác là từ quan điểm mới này, nghệ thuật lại xuất hiện như là yếu tố kích thích của ý chí quyền lực? Tại sao ý chí quyền lực lại cần đến tác nhân kích thích, mà không cần đến lý do, mục đích lẫn biểu tượng? Chính là vì nó chỉ có thể được xem như là có tính khẳng định khi được đặt trong quan hệ với các sức mạnh hoạt năng [forces actives],[b] với một cuộc sống hoạt động. Khẳng định [l’affirmation][b] là sản phẩm của một kiểu tư duy biết giả định cuộc sống hoạt động như là điều kiện của nó và xảy ra đồng thời cùng với nó. Theo Nietzsche, người ta vẫn chưa hiểu thế nào là ý nghĩa của cuộc đời một nghệ sĩ: hoạt động của cuộc đời này dùng làm tác nhân kích thích cho sự khẳng định được chứa đựng trong chính bản thân tác phẩm nghệ thuật. Ý chí quyền lực của nghệ sĩ được hiểu với tính chất như thế.

Nguyên tắc thứ hai của nghệ thuật là ở chỗ: nghệ thuật là quyền lực tối cao của cái giả, nó biểu dương «thế giới trong tư cách là điều sai lầm». Nó thánh hoá sự dối trá, nó biến ý muốn lừa dối thành lý tưởng tối cao.[1] Nguyên tắc thứ hai này, về mặt nào đó, là sự tương hỗ cho nguyên tắc thứ nhất; những gì là hoạt tính trong đời sống chỉ có thể được thực hiện trong tương quan với một sự khẳng định sâu sắc nhất. Hoạt động của đời sống giống như là quyền năng của cái giả, lừa bịp, che giấu, làm loá mắt, quyến rũ. Nhưng để có thể được thực hiện, quyền năng của cái giả này cần phải được chọn lọc, được gia tăng, hoặc được lặp đi lặp lại. Quyền năng của cái giả cần phải được đẩy xa đến tận ý chí lừa dối, duy nhất chỉ có ý chí của người nghệ sĩ là có khả năng cạnh tranh với lý tưởng khổ hạnh và có khả năng chống lại nó một cách thành công.[2] Nói một cách chính xác, nghệ thuật sáng tạo ra những lời nói dối có khả năng nâng cái giả lên thành quyền lực khẳng định tối cao, nó biến ý chí lừa dối thành một cái gì tự khẳng định trong quyền năng của cái giả. Đối với người nghệ sĩ, cái bề ngoài không còn mang ý nghĩa là sự phủ nhận thực tế trong thế giới này nữa, mà là sự chọn lựa này, sự hiệu chỉnh này, sự gia tăng này, sự khẳng định này.[3] Vậy thì sự thực có thể mang một ý nghĩa mới. Sự thực là cái bề ngoài. Sự thực có nghĩa là sự thực hành của quyền lực, có nghĩa là vươn lên tới tận quyền lực tối cao.

Ở Nietzsche, chúng ta, những nghệ sĩ = chúng ta, những người tìm kiếm tri thức hoặc tìm kiếm sự thật = chúng ta, những người sáng tạo những khả năng mới của cuộc sống.

 

---------------
Trích dịch từ Gilles Deleuze, Nietzsche et la philosophie (Paris: Presses Universitaires de France, 1997).

 

_________________________

[a]Nhìn một cách khái quát, «volonté de puissance» được Nietzsche quan niệm như là một công cụ để miêu tả thực tế của con người ở những kích thước khác nhau: siêu hình học, sinh lý, tâm lý, chính trị, đạo đức và văn hóa.
      Mặc dù Nietzsche không đưa ra một định nghĩa đầy đủ và chính xác về «volonté de puissance», nhưng những gì mà ông nói liên quan đến khái niệm này cho phép hiểu ông quan niệm nó có ý nghĩa như là tương lai ở cấp độ cao hơn của con người, có nghĩa là một cách thức tồn tại cao hơn, một cuộc sống phong phú hơn, khi con người đạt tới cấp độ đó, nó trở thành siêu nhân. Và để trở thành siêu nhân cần phải dứt khoát từ bỏ cấp độ sống thấp hơn, dứt khoát phá bỏ truyền thống, phải biết phủ định một cách không thương tiếc. Tuy nhiên, cần hiểu đúng Nietzsche ở chỗ, sự phủ định mà ông nói đến không phải là phủ định một cái gì đó ngoài mình, mà là phủ định chính bản thân mình, vượt qua chính bản thân mình. Cái tôi của mỗi người là kẻ thù lớn nhất của mỗi người, vì kẻ thù đó, con người phải tiến hành một cuộc chiến hàng ngày, một cuộc nội chiến, cuộc gây hấn với chính nội tâm mình. Người nghệ sĩ là một chiến binh tiêu biểu trong cuộc chiến này, và nghệ thuật là tác nhân kích thích của ý chí quyền lực. Do vậy, «volonté de puissance» hoàn toàn không phải là sự ham muốn quyền lực. Theo Nietzsche, chỉ có kẻ nô lệ mới mong có được quyền lực vì anh ta chỉ có thể tồn tại khi tạo cho mình cảm giác hơn người khác. Còn kẻ mạnh là kẻ có mong muốn khẳng định quyền lực của chính mình. Anh ta muốn sáng tạo và dâng hiến. Đấy chính là người nghệ sĩ. Ý chí quyền lực, do đó, là ý chí sáng tạo, là sự sáng tạo không ngơi nghỉ. — (ND)

[b]Trong quan niệm của Nietzsche, cơ thể được cấu thành từ mối quan hệ của tất cả các sức mạnh. Các sức mạnh này được chia làm hai loại: những sức mạnh ở cấp độ cao hơn và có tính chất thống ngự gọi là sức mạnh hoạt năng (force active); những sức mạnh ở cấp độ thấp hơn và có tính chất bị chế ngự gọi là sức mạnh phản ứng (force réactive). Quan hệ giữa các sức mạnh là quan hệ chế ngự: khi hai sức mạnh có quan hệ với nhau, thì một sức mạnh sẽ là sức mạnh chế ngự, và sức mạnh kia là sức mạnh bị chế ngự. Ý chí quyền lực đóng vai trò là yếu tố phân biệt các loại sức mạnh, nó khiến cho một sức mạnh trở nên vâng phục, vì ý chí quyền lực mà nó vâng phục. «Khắp nơi, ở chỗ nào tôi gặp sự sống, ở đó tôi tìm thấy ý chí quyền lực; và thậm chí trong ý chí của những kẻ vâng phục, tôi cũng tìm thấy ý chí trở thành ông chủ» (Volonté de puissance, II, 91). Tuy nhiên, việc xác định đâu là sức mạnh hoạt năng và đâu là sức mạnh phản ứng là một việc không hề đơn giản. Vì thế mà Nietzsche nói rằng: «không có sự kiện, không có gì khác ngoài diễn giải.» (Volonté de puissance, II, 133) Theo diễn giải của Deleuze, trong thực tế, phản ứng là những gì chia tách một sức mạnh và là tình trạng của một sức mạnh bị tách khỏi cái mà nó có thể. Còn hoạt năng là toàn bộ những sức mạnh có khả năng đi tới tận cùng quyền lực của nó. Nietzsche cho rằng kẻ yếu hoặc nô lệ không phải là kẻ kém mạnh hơn, mà là kẻ bị tách ra khỏi cái mà nó có thể, dù nó mang trong mình loại sức mạnh nào. Kẻ yếu hơn cũng mạnh chẳng kém gì kẻ mạnh nếu anh ta đi tới tận cùng. Tóm lại, theo khái quát của Gilles Deleuze, sức mạnh phản ứng có ba đặc điểm: 1/ nó là sức mạnh vị lợi, thích ứng và hạn chế bộ phận; 2/ là sức mạnh chia tách sức mạnh hoạt năng ra khỏi cái mà sức mạnh hoạt năng có thể đạt tới, phủ định sức mạnh hoạt năng; 3/ là sức mạnh bị chia tách ra khỏi cái mà nó có thể đạt tới, tự phủ định, tự chống lại chính mình. Sức mạnh hoạt năng cũng có 3 đặc điểm: 1/ sức mạnh mềm dẻo, chế ngự, chinh phục; 2/ sức mạnh đi đến tận cùng cái mà nó có thể đạt tới; 3/ sức mạnh khẳng định tính khác biệt của nó, có khả năng biến sự khác biệt của mình thành đối tượng của niềm hoan lạc và sự khẳng định.
      Trong hệ thuật ngữ của Nietzsche, hoạt năng phản ứng dùng để chỉ những phẩm chất bản lai của sức mạnh, còn khẳng địnhphủ định dùng để chỉ những phẩm chất trọng yếu của ý chí quyền lực. Hoạt năng đồng hành với khẳng định, phản ứng đồng hành với phủ định. Chỉ có sức mạnh hoạt năng mới tự khẳng định, nó khẳng định sự khác biệt của nó. Sức mạnh phản ứng hạn chế sức mạnh hoạt năng, thậm chí cả khi nó vâng phục, và như vậy nó mang trong mình tinh thần phủ định. Như vậy hoạt động nghệ thuật là hoạt động mà qua đó sức mạnh hoạt năng được triển nở và qua đó người nghệ sĩ tự khẳng định tính khác biệt của anh ta. — (ND)

[1]VO [Le voyageur et son ombre - ND] (dự kiến lời tựa, 6): «Không phải thế giới trong tư cách là vật tự nó (cái này rỗng, rỗng về ý nghĩa và chỉ đáng một trận cười !) chính thế giới trong tư cách là điều sai lầm mới phong phú về ý nghĩa đến thế, sâu sắc đến thế, kỳ diệu đến thế.» — VP [La volonté de puissance — ND], I, 453: «Nghệ thuật đươc trao tặng cho chúng ta để ngăn không cho chúng ta chết vì sự thực.» — GM [La généalogie de la morale — ND], III, 25: «Một cách chính xác, bằng cách thánh hoá sự dối trá và đặt ý chí lừa dối bên cạnh sự trung thực, nghệ thuật đối lập với lý tưởng khổ hạnh hơn là đối lập với khoa học, về nguyên lý là như vậy.»

[2]GM, III, 25

[3]Cr. Id [Le crépuscule des Idoles —ND], «Lý tính trong triết học», 6: «Ở đây, cái bề ngoài có nghĩa là thực tế được lặp lại, một lần nữa, nhưng dưới dạng chọn lựa, gia tăng và hiệu chỉnh. Nghệ sĩ bi kịch không phải là kẻ bi quan, anh ta nói vâng với tất cả những gì mơ hồ và khủng khiếp, anh ta có tính cách của thần Dinonysos.»


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021