thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CUỐN SÁCH CỦA SAM [II]

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

 

CUỐN SÁCH CỦA SAM [II]

 

Dù sao đi nữa bắt đầu từ 1959, tôi dính liền với Sam [1] suốt đoạn đời còn lại của tôi. Hay nói đúng hơn là Sam dính liền với tôi. [2]

Tôi không làm sao diễn dịch qua tiếng Pháp cái nghĩa tôi muốn nói khi dùng chữ dính liền. Kẹt cứng, dính khắn, gắn bó, đeo vào mình, như Lucky dính liền với Pozzo hay Pozzo với Lucky, những chữ ấy đều không diễn tả được khía cạnh tích cực của chữ dính liền.

Lúc nãy tôi có nói là Sam có mặt khắp nơi ở nhà tôi, và trong tôi. Ông giám sát tôi.

Ở nhà tôi tôi có sáu chân dung của Beckett. Tôi muốn nói là những tác phẩm nghệ thuật – những tranh, tranh khắc, hình vẽ – và nhiều ảnh chụp treo lác đác trên tường nhà khắp mọi phòng.

Năm trong số những ảnh chụp ấy được treo trong một phòng ở tầng một nhà tôi. Đây là thư viện, sách nằm đầy từ sàn nhà lên đến trần nhà – chỉ toàn là sách, một chiếc ghế bành cũ và một ngọn đèn chiếu xuống một tấm thảm phương Đông. Giữa những ngăn kệ tôi treo năm chân dung Sam của những họa sĩ khác nhau. Phòng này được gọi là Thư viện Samuel Beckett.

Khi có ai muốn mượn một cuốn sách, tôi đưa người ấy lên thư viện của tôi và người ấy phải ký tên trong một cuốn sổ đặc biệt. Người ấy có thể cảm nhận cái nhìn của Sam, và hiểu ra tại sao phòng này có tên là Thư viện Samuel Beckett. Đây là nơi Federman đối thoại với Beckett.

Chân dung thứ sáu tôi treo trong phòng khách ở tầng trệt. Đây là một bức tranh rất hiếm và có giá trị lớn, dù sao chăng nữa cũng là đối với tôi. Đây là một bức tranh khắc của Avigdor Arikha, một trong những người bạn lớn của Beckett. Avigdor chỉ cho in có hai mươi lăm ấn bản cho bức tranh khắc này, và ấn bản này đã được ký cho chính tôi. Tranh cho thấy ngay mặt Sam trên một nền màu xám. Ông ở tư thế ngồi. Ông cầm và đặt lên đùi trước mặt mình một cái ly, cầm bằng cả hai tay. Ta chỉ nhìn thấy phần trên của thân hình ông. Cái đầu hơi nghiêng. Vai bên này hơi cao hơn vai bên kia. Mọi thứ đều tối mù, xám xịt chung quanh ông, và chính ông cũng xám, trừ có mỗi một tia ánh sáng nằm ở góc mắt bên phải của ông. Ông có vẻ như đang lắng tai nghe nhạc, và tôi nghĩ chính vào khoảnh khắc như thế Avigdor đã vẽ ông. Chắc hẳn là đang nghe một bản sonate của Schubert, nhà soạn nhạc ông thích nhất. Đấy là cái chúng tôi thường làm khi cùng nhau ngồi ở nhà Sam và uống một ly whisky Ái nhĩ lan.

Chân dung ấy của Sam được treo bên cạnh một tủ sách có cửa kính trong đó tôi sắp tất cả những cuốn sách của Beckett tôi có theo thứ tự ngày tháng xuất bản và theo thể loại.

Tôi thường đếm số lượng sách của Samuel Beckett trong tủ sách của tôi. Vào thời điểm này tôi có tất cả 384 cuốn. Và tôi thường xuyên thêm vào những cuốn mới. Khi nào bắt gặp một ấn phẩm mới tôi đều mua sách. Đấy là cái điên của tôi. 384 cuốn của Beckett, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, và cả những sách viết bằng ngôn ngữ khác mà tôi không đọc được. Chẳng hạn, tôi có những cuốn sách dịch của Sam bằng tiếng Nhật, tiếng Do-thái, và cả tiếng Ả-rập. 384 ấn bản, và như thế là không kể những hợp tuyển và những tạp chí trong đó có xuất hiện những bản văn của Beckett.

Tôi biết tôi thường lên án thứ tự thời gian, cho là nó làm tôi bị bất lợi khi viết lách, và còn cho là mình đã triệt tiêu toàn bộ ý niệm loại này trong công việc của mình. Thế tuy nhiên tất cả sách của Sam vẫn được sắp xếp chu đáo trên ngăn tủ theo thứ tự thời gian và theo thể loại.

Trước tiên, trên ngăn cao hơn cả, là truyện: tiểu thuyết, truyện ngắn, những bài viết ngắn bằng văn xuôi, tất cả những ấn bản khác nhau bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Tiếp theo là những vở kịch, rồi đến thơ, những bản văn Sam dịch của những nhà văn khác, những tiểu luận của ông về hội họa và văn học, và vô số những sách khác không phân loại được, và sau cùng là những sách phê bình tác phẩm của Beckett, tiểu sử và thư mục. Cả thảy, tám ngăn dành cho Sam.

Tôi biết cách sắp xếp ấy hơi có vẻ bạo loạn,[3] lại còn vớ vẩn,[4] nhưng tôi tin chắc Sam sẽ đồng ý. Dù sao, có cả khối cái bạo loạn[3] trong những thứ Sam viết. Cái viết của ông chắc chắn là không vớ vẩn,[4] ngay cả khi trong đó ông thường nói chuyện lỗ đít.[5]

Bạn hãy xem, đây là một thí dụ đẹp:... cái lỗ đít... Coi kìa, nó coi còn tệ hơn hôm qua, ta có thể nói nó không còn là cái lỗ hôm qua. Tôi xin lỗi phải trở lại với cái lỗ mở xấu xa này, chính nàng thơ tôi muốn thế...

Cách sắp xếp sách Sam như thế với tôi phản ánh sự hình thành của tác phẩm ông, theo một hệ thống rõ ràng chỉ ông mới biết. Có một sự thống nhất rõ ràng trong tác phẩm của Sam. Vẫn một nội dung nhắn nhủ ấy từ cuốn này truyền qua cuốn khác. Lời nhắn rất đơn giản, có thể tán dài thế này: Qu’est-ce que je fous ici en train de faire ce que je fais? [6]

Yes, what the hell am I doing here doing what I am doing? [6] Câu này vang khắp trong tác phẩm Beckett. Bằng tiếng Pháp và bằng tiếng Anh. Nhưng cũng là trong tất cả các ngôn ngữ người ta dùng để dịch Beckett.

Điều đó cho bạn một ý niệm như thế nào Beckett có mặt ở nhà tôi, như thế nào ông đã xâm chiếm nhà tôi. Ông nhìn thấy tất cả những việc tôi làm bởi vì ông hiện diện trong tất cả các phòng. Ngay cả trong phòng tắm. Trên tất cả các tường nhà đều có hoặc một chân dung, hoặc một bức ảnh, hoặc một bích chương, một hình vẽ, một biếm họa, một bưu thiếp có hình Sam những thời điểm khác nhau của đời ông.

Một trong những tấm ảnh quí nhất đối với tôi, ấy là tấm con trai nhà tôi, Steve Murez, chụp khi chúng tôi[7] cùng ăn tối với Sam tại tiệm la Closerie des Lilas.

Người xem thấy tôi ngồi với Sam, trước một cái bàn, cả hai đều mặc một cái áo len tròng đầu cổ cuốn cao.[8] Sam rất thích tấm ảnh này, cũng là tấm đã được in lại trong hồ sơ Federman trên số 9 tạp chí Fusées. Xin lỗi việc quảng cáo này. Tấm ảnh treo ở phòng làm việc của tôi. Nó nhắc tôi nhớ một đêm không thể nào quên bên cạnh Sam và gia đình tôi.

 
 
Tạp chí Fusées, số 9 - số đặc biệt về Raymond Federman, trang 29.

 

.................................................................................................................. 

 

Sam có đôi mắt đẹp. Có lẽ đẹp không phải là chữ đúng. Đôi mắt tinh sắc thì đúng hơn. Lần đầu tiên tôi gặp ông đôi mắt ấy đã đập vào mắt tôi. Mắt đóng một vai trò quan trọng trong những cái viết của Sam. Mắt có mặt khắp nơi trong tác phẩm. Có một hình ảnh thường xuất hiện: những con mắt ăn tươi nuốt sống những con mắt khác.

Mắt Sam màu xanh. Hay đúng hơn là màu xám sáng. Cha tôi có đôi mắt như mắt của Sam. Đôi mắt màu xám sáng dường như lúc nào cũng nhìn tới tận đàng sau những gì ta nhìn thấy một cách bình thường. Nhìn nơi khác mà không nhìn đâu cả.

Mặc dầu tôi coi Sam như một người cha tinh thần, và Sam nghi ngờ thế, tôi không nghĩ đã nhìn mắt Sam nhiều lắm khi ông còn sống.

Kể tiếc thật. Tôi tin là tôi hẳn có thể hiểu ông hơn nếu ngày xưa tôi nhìn vào mắt ông thường hơn. Đôi mắt ông làm tôi thấy ngại ngùng.

Chắc hẳn là vì lý do đó mà giờ đây ở nhà tôi đôi mắt ông liên tục nhìn tôi. Tôi cần có đôi mắt của Sam. Chúng làm tôi yên tâm và khuyến khích tôi làm những chuyện phải làm. Tôi cần Sam đồng ý cái tôi viết ra. Nhưng chắc chắn là ông sẽ không đồng ý, ông không thể, không cần phải đồng ý. Vâng, tôi rất muốn Sam bảo tôi, này Raymond, cái cậu vừa mới viết ra hay đấy chứ. Nhưng nói như vậy thì hẳn là hoàn toàn không đúng tính cách của ông rồi.

Thế tuy nhiên, vẫn trong thư tôi nhận được sau khi tôi gửi ông cuốn sách mới nhất của tôi, có một câu ngắn mà ý nghĩa còn hơn cả một lời khen dài. Ấy là cái cách ông nói thân tình với tôi rằng ông đã nhận được sách. Tôi thường gửi sách tôi cho Sam khi sách vừa xuất bản, và Sam cũng gửi cho tôi hầu hết những sách của ông. Tôi có hơn ba mươi cuốn sách do Sam ký tặng.

Ngay lần đầu tiên gặp Sam tôi đã cảm thấy lúng túng. Không phải vì cái bắt tay của ông, mà là vì cái nhìn của ông. Đôi mắt ông hiểu ra ngay tức thì tại sao tôi quyết định tìm cách hiểu cho được những điều ông viết, cho dù đây hẳn là việc vô ích.

Cái bắt tay của ông ấm áp, dễ chịu, mà không quá mạnh. Khi chúng tôi siết tay nhau lần đầu tiên tôi đã cảm thấy là chúng tôi có thể trở thành bạn thân, mà không biết vì sao. Bàn tay tôi biến mất hoàn toàn trong bàn tay ông. Dù tôi có đôi bàn tay thuộc loại lớn. Sam có bàn tay của một nghệ sĩ. Người nghệ sĩ lớn cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Đây là điều cần phải lặp lại.

Chúng tôi siết tay nhau lần đầu tiên chính là trên đoạn dừng nghỉ ở nấc cầu thang tầng cuối của chung cư ông ở, số 38 đại lộ St. Jacques, cạnh Nhà giam Santé.

Sau này tôi phải kể lại những gì đã xảy ra một buổi tối khi chúng tôi có mặt ở nhà ông cùng với mấy người bạn, và bất chợt chúng tôi nghe những tiếng động kỳ lạ vọng đến từ bức tường nhà giam. Đây là một chuyện khá hay, nhưng bây giờ đây tôi muốn đi lùi và kể lại như thế nào lần đầu tiên tôi nghe tên Samuel Beckett.

 

...

 

1956. Bấy giờ tôi là sinh viên trường Đại học Columbia ở New York, đang chuẩn bị lấy bằng Cử nhân về môn văn học đối chiếu và môn tác văn. Tôi năm ấy 28 tuổi. Hơi lớn tuổi hơn những sinh viên năm thứ hai cùng lớp tôi. Tôi vừa xuất ngũ. Ba năm ở miền Viễn Đông – Chiến tranh Triều tiên và Nhật bản. Tôi tin rằng tôi đã sẵn sàng diện kiến với Godot.

Một ngày nọ, vị giáo sư dạy một lớp kịch nghệ hiện đại nói với cả lớp là đêm trước ông vừa được xem một vở kịch rất lạ trên sân khấu Broadway, và ông khuyên tất cả sinh viên lớp ông nên đi xem vở kịch ấy.

Trên sân khấu Broadway! Nguyên lớp học bắt đầu phản ứng tỏ ý ghê tởm, nhất là vị giáo sư của chúng tôi thường vẫn chế nhạo loại kịch thương mại tình cảm thống thiết vẫn diễn trên sân khấu Broadway.

Vâng, trên sân khấu Broadway, giáo sư bảo chúng tôi sau khi lớp học yên tĩnh trở lại. Các bạn phải đi xem vở kịch ấy. Và nên đi càng sớm càng tốt bởi tôi nghi nó khó có thể ở lâu trên sân khấu Broadway. Quả thật, vở kịch gây tai tiếng và đã không kéo dài lâu. Mọi người đều tự hỏi ai là con người làm ra cái thứ tồi tệ ấy.

Tôi vốn rất kính trọng vị giáo sư này. Ông là người cho tôi cái cảm hứng muốn trở thành diễn viên hay đạo diễn. Nhưng đây lại là một chuyện khác.

Vậy thì ngay tối hôm ấy, Susan và tôi đi xem vở Waiting for Godot. Hồi ấy Susan và tôi sống chung, và cô đang học cùng những lớp tôi học.

Ngồi trong bóng tối nhà hát Susan và tôi sửng sốt nhìn cái no-man’s land kia là nơi hai tên vô gia cư Gogo và Didi đêm nào cũng đến đợi Godot. Nhưng Godot không đến, và không có bất cứ gì xảy ra, và những khán giả trong nhà hát ngày càng sốt ruột, và người ta còn nghe cả một số trong họ cất tiếng chửi thầm tác giả vở kịch xuẩn ngốc kia, và trong khi đó thì Susan và tôi thì thầm với nhau về vở kịch kỳ lạ đã gây được sự ngưỡng mộ nơi chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận là đã có một cái gì quan trọng đang xảy ra trên sân khấu kịch nghệ.

Sau giờ giải lao, khi màn hai bắt đầu, trong nhà hát chỉ còn sáu người xem: Susan và tôi, một ông già râu ria xồm xoàm ngồi ngáy ở hàng ghế cuối, một đôi trai gái vừa vuốt ve nhau vừa nhìn xem cái gì đang diễn ra hay không đang diễn ra trên sân khấu, và ở hàng đầu là một bà già với cây dù cắm giữa hai chân vừa lớn tiếng tự nói chuyện với mình vừa buông những tiếng cười ngắn kích động. Susan và tôi không ngừng hạ thấp giọng nói lui nói tới với nhau về sự ngạc nhiên bối rối của mình. Chúng tôi đang trải qua một kinh nghiệm sâu sắc. Chúng tôi đang cảm nhận một cái gì nhỏ trôi tuột vào người mình.

Sau buổi diễn Susan và tôi cùng nhau vào một tiệm café, như hai người trẻ tuổi tự cho mình là nghệ sĩ và trí thức, để vừa bàn luận về vở kịch vừa uống một cái expresso và hút mấy điếu Gauloise.

Hồi ấy Susan và tôi lúc nào cũng hút thuốc Gauloise.

Tôi không sao nhớ lại được chính xác chúng tôi đã nói với nhau những gì về vấn đề Godot, nhưng cả hai chúng tôi tối hôm ấy rất hưng phấn, về phương diện trí tuệ cũng như về phương diện tình cảm.

Như tôi, Susan cũng muốn trở thành nhà văn. Sau đó cô ấy ra sao có lẽ một ngày kia tôi sẽ kể lại, nhưng giờ đây ta hãy cứ giữ lại cảnh tượng trong tiệm café và cuộc bàn luận của chúng tôi.

Dưới đây là đại khái những gì chúng tôi nói với nhau sau khi xem Waiting for Godot. Tôi dựng lại cuộc đối thoại này theo trí nhớ bằng tiếng Pháp và bằng tiếng Anh.[9]

Anh có thích vở kịch không? – Anh mê lắm. – Còn em thì thấy nó thật là tuyệt vời nhưng em không biết vì sao. – Anh cũng thế. – Nó thật sâu sắc, buồn cười, và đồng thời lại buồn. – Chắc hẳn vì thế mà người ta gọi nó là bi hài kịch. – Vâng, chắc hẳn thế. Vở kịch thật lạ thường, nhưng em không nghĩ đã thực sự hiểu nó muốn nói gì. – Nhưng nó hiển nhiên thôi, nó nói về chờ đợi. – Vâng, tất nhiên là chuyện chờ đợi, nhưng chờ đợi cái gì? – Thì chờ đợi anh chàng Godot. – Được, thế nhưng ông ta không bao giờ đến. – Có lẽ ông ta không hiện hữu. – À, anh muốn bảo đó chỉ là một sự bịa đặt. – Một sự bịa đặt của hai anh chàng vô gia cư tưởng tượng là cái ông Godot kia sẽ đến cứu họ. – Đúng vậy, là cái dối trá mà người ta đem nói với nhau về sự hiện hữu của Godot. – Em làm anh buồn cười. Tất nhiên đây là chuyện nói dối bởi vì Godot không bao giờ đến. – Vậy thì Godot là một sự vắng mặt, ông ấy tượng trưng sự vắng mặt. – Đúng, nhưng vấn đề rắc rối là ở chỗ sự vắng mặt kia không thể được biểu hiện. – Đúng như thế. Làm sao có thể biểu hiện cái không hề hiện hữu? – Cái có lẽ không hiện hữu, đó chính là khía cạnh huyền bí của vở kịch này. – Anh muốn nói là anh anh tin rằng một ngày nào đó Godot có lẽ sẽ đến. – Không, anh không có nói thế, mà chính là cái ông Beckett kia muốn làm cho ta tin thế, đó chính là cái tinh quái của vở kịch.- Anh muốn nói là gian trá. – Ta hãy gọi nó là ý nghĩa mâu thuẫn. – Tức cái không-ý-nghĩa của nó. – Vâng, không-ý-nghĩa. – Vậy nếu đó là cái không-ý-nghĩa thì ta cắt nghĩa được tại sao người ta không hiểu gì cả rồi. – Đúng đấy, ta không thể cho cái không-ý-nghĩa một ý nghĩa. – Nhưng anh có chắc là Godot không đến? Có thể Pozzo chính là Godot. – Em muốn nói là Godot cải trang làm Pozzo? – Tại sao không. Anh biết như thế nào các thần linh thích mang hình dạng con người để ôm hôn chúng ta, nhất là ôm hôn phụ nữ. – Em ghê quá, em chỉ nghĩ đến chuyện xác thịt. Nhưng tại sao em lại nghĩ cái tên Godot có nghĩa là God? – Vậy chứ với một cái tên như thế chẳng phải đó là chuyện hiển nhiên sao? – Cái ngây ngô của em đôi khi làm anh hoang mang. – Ôkê, nếu Godot không phải là Thượng đế, vậy thì Godot là ai nào? – Anh không biết. Đây là lần đầu tiên anh nghe tên này. Ta cần phải làm những cuộc tìm kiếm mới có thể biết được có hiện hữu hay không một Godot thật sự, và mới biết được cái ông Beckett kia có phải đã sử dụng một mẫu người. – Anh có lý. Nhưng trước tiên cần biết ông Beckett là ai. Em thì chưa bao giờ em nghe nói đến ông nhà văn này. – Anh cũng thế. – Vậy ta phải đọc tất cả những gì ông ấy viết. Có lẽ vở kịch này là cái quan trọng nhất trong chuyện phát triển tương lai văn học của chúng ta. – Vâng, em nói có lý. Sự nghiệp làm nhà văn của chúng ta có lẽ sẽ phụ thuộc vào Godot.

Và buổi luận bàn tiếp tục cho đến khuya, như nó vẫn còn tiếp tục trên toàn thế giới để tìm hiểu xem Godot là ai.

Nhưng với chúng tôi, đêm ấy Godot là một chữ hoàn toàn không có nghĩa.

Đó chính là cái trò đùa lớn của vở kịch ấy, tôi nói với Susan khi rời khỏi tiệm café.

Có thể là một trò đùa, Susan trả lời, thế tuy nhiên quả thật là trong cuộc đời lúc nào ta cũng đang chờ đợi một cái gì hay một người nào đó.

Đúng, thế nhưng rất thường là cái gì đó hay người nào đó không bao giờ đến.

Sau đó, cũng vào đêm ấy, vì không sao ngủ được, chúng tôi đi vào phòng khách ngồi hút thuốc. Susan ngồi gọn trong cái ghế bành mà cô vẫn ưa thích với một tấm chăn phủ quanh đùi và sau khi dụi tắt điếu thuốc cô bắt đầu đọc một tập thơ của William Butler Yeats mới xuất bản. Còn tôi thì nằm dài trên đi-văng và tôi đã đưa mắt nhìn chăm chú vào khoảng không trên trần nhà vừa cố gắng hiểu cho được cái xúc cảm mơ hồ mà vở kịch đã gây ra nơi tôi.

Đột nhiên tôi bảo Susan. Em biết không, anh nghĩ là Godot sẽ thay đổi cách nhìn sự vật nơi anh.

Godot hay Beckett? Susan hỏi tôi, đầu vẫn cúi trên cuốn sách của cô. Và sự vật là những sự vật nào?

Tôi không trả lời, nhưng ngày hôm sau tôi quanh quẩn suốt ngày trong thư viện Đại học Columbia tìm kiếm bất cứ cái gì Beckett viết hay người ta viết về Beckett tôi có thể tìm ra. Viết về Beckett thì không có gì đáng kể. Hai hay ba bài viết ngắn không nói lên điều gì đáng chú ý.

Tờ chương trình của nhà hát cho danh sách những cuốn sách của Samuel Beckett đã được xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Đối với tôi không có gì khó. Ngày hôm đó tôi mang từ thư viện về nhà năm cuốn của Beckett: Molloy, Malone meurt, L’innommable, Nouvelles et textes pour rien, và cả cuốn En attendant Godot mà giờ đây tôi muốn đọc bản tiếng Pháp.

Đêm đó tôi đọc toàn bộ Molloy. Đêm kế tiếp toàn bộ Malone meurt. Đêm sau là L’innommable, và tiếp tục như thế. Năm cuốn của Beckett trong một tuần lễ.

Tôi không thể tin là người ta có thể viết một cái gì cảm động đến vậy, sâu sắc đến vậy, và độc đáo đến vậy, và viết một cách thong dong như thế, với một sự dễ dàng như thế. Và với một đầu óc hài hước như thế.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Tiếng Anh trong nguyên tác tiếng Pháp: I was stuck with Sam

[2]Tiếng Anh trong nguyên tác tiếng Pháp: Sam was stuck with me

[3] Anal: thuộc về hậu môn. Trong phân tâm học thường đi với sadique.

[4]Cucul

[5] Cul

[6]Ta đang làm quái gì ở đây mà cứ đang làm mãi cái chuyện ta làm thế này?

[7]tức gia đình Raymond Federman.

[8]Xem Raymond Federman, CUỐN SÁCH CỦA SAM trên www.tienve.org

[9]Theo Raymond Federman thì bản gốc đoạn đối thoại này là bản tiếng Anh. Bản dịch đối thoại này, như toàn bộ CUỐN SÁCH CỦA SAM, được chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp, tức bản viết trước, cũng của Raymond Federman.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021